Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ mong muốn sớm được sắp xếp, bố trí công tác phù hợp sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ

Ngày đăng: 04/08/2020   13:27
Mặc định Cỡ chữ
Tháng 7/2020, là thời điểm các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tỉnh Phú Thọ hết hợp đồng lao động, hoàn thành 60 tháng tham gia Đề án, tuy nhiên, vẫn còn 07/10 đội viên chưa được bố trí công tác theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đội viên Hà Thị Kim Chiến, công tác tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội viên

Đánh giá về quá trình 05 công tác tại địa phương của đội viên Hà Thị Kim Chiến, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết, đội viên Chiến sinh ra, lớn lên và xây dựng gia đình ở xã Văn Luông, tốt nghiệp Đại học Hùng Vương, chuyên ngành Trồng trọt. Sau khi trúng tuyển đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tỉnh Phú Thọ, đội viên Hà Thị Kim Chiến được phân công về công tác tại xã Văn Luông đảm nhận chức danh công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường, phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, môi trường.

Đội viên Chiến có thuận lợi vì là người địa phương, được phân công phụ trách lĩnh vực phù hợp với trình độ đào tạo nên dễ hòa đồng, gắn bó với người dân, đồng nghiệp, nhanh chóng nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương; phát huy tốt năng lực, sở trường của bản thân, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền xã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Về phát triển nông nghiệp, đội viên đã tham mưu và trực tiếp triển khai các mô hình dự án sản xuất nông nghiệp thuộc các nguồn vốn theo Chương trình 30a, 135 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

Với mô hình trồng bưởi diễn: chuyển đổi vườn tạp, đồi chè già cỗi, kém chất lượng sang trồng bưởi diễn với tổng diện tích 19 ha. Sau 03 năm triển khai, bước đầu cho kết quả tốt, thu nhập mỗi ha bưởi diễn đạt khoảng 150 triệu đồng/năm, ước tính sản lượng và thu nhập sẽ cao hơn vào những năm tiếp theo và có thể đạt mốc 500 triệu đồng/ha/năm vào năm thứ 6 trở đi (so với một ha chè chỉ cho thu nhập khoảng 48 triệu đồng/năm). Như vậy, có thể thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ trồng bưởi diễn cao hơn rất nhiều so với trồng chè.

Ngoài ra, trí thức trẻ Hà Thị Kim Chiến còn tham mưu giúp lãnh đạo xã thực hiện mô hình trồng mới và cải tạo các vườn chè hạt già cỗi, chất lượng kém sang trồng các giống chè chất lượng cao như: chè bát tiên, chè P-H, chè lai,… góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, tăng thu nhập cho người dân.

Không chỉ tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, đội viên Hà Thị Kim Chiến còn giúp đỡ bà con xây dựng và phát triển mô hình nuôi dê cái và bò cái sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó đã có những hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, như hộ ông Trần Văn Hùng ở khu Hoàng Hà và gia đình ông Hà Văn Chiệc ở khu Đồng Tún.

Đội viên Hà Thị Kim Chiến bày tỏ nguyện vọng sớm được sắp xếp, bố trí công tác phù hợp sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Đề án.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, từ năm 2015 đến nay, toàn xã Văn Luông đã thực hiện cứng hóa/bê tông hóa được hơn 11km đường liên xóm, đường ngõ xóm, trong đó đã vận động nhân dân đóng góp hơn 8 tỷ đồng, 3.500 ngày công lao động, qua đó hoàn thành tiêu chí về Giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng và rất khó đạt đối với một xã miền núi. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đội viên Hà Thị Kim Chiến trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, đội viên còn tích cực tham gia cùng hệ thống thống chính trị địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để hoàn thành dự án xây dựng, đưa vào sử dụng 2 cây cầu cứng tại khu Hoàng Hà và khu Mơn, tạo thuận lợi hơn cho bà con nhân dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và giao lưu văn hóa (đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư xây dựng cầu, không có hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng).

Quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, đội viên Hà Thị Kim Chiến còn giúp chính quyền xã trong công tác triển khai giải phóng mặt bằng, giám sát, phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công các công trình xây dựng trên địa bàn xã như: xây mới 2 trạm điện tại khu Bến Gạo, Hoàng Văn; xây dựng 1 trạm bơm tưới tiêu nước cho cánh đồng khu Lũng; cải tạo, nâng cấp các công trình giữ nước và cấp nước cho sản xuất nông nghiệp như: Đập Gốc Mai (khu Lũng), Đập Lối (khu Đồng Hẹ), đập Khoái (khu Mơn)…; xây mới 1 trường mầm non trung tâm xã, 1 cây cầu dân sinh khu Luông, 1 tràn liên hợp khu Đồng Tún; xây mới cầu treo khu Bến Gạo; xây mới 1 nhà văn hoá khu Đồng Thanh, Luông, Dòng Bông, Văn Tân; sửa chữa, nâng cấp nhà văn hoá khu Đồng Tún, Hoàng Văn, Láng, Lũng, Bến Gạo...; xây dựng nhiều tuyến đường giao thông liên xóm; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình tràn đập lối, công trình tường rào và công trình phụ trạm y tế.

Trong lĩnh vực môi trường, đội viên Hà Thị Kim Chiến đã có những tham mưu tích cực giúp chính quyền địa phương giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do việc xả thải bừa bãi tại các trang trại gà, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã. Cùng với đó, đội viên còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc thu gom, xử lý rác thải, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, cải tạo cảnh quan môi trường thôn, xóm “xanh - sạch - đẹp” theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được lãnh đạo UBND xã đánh giá cao.

Mong muốn sớm được sắp xếp, bố trí công tác phù hợp

Những đóng góp của đội viên Hà Thị Kim Chiến trong 05 tham gia Đề án 500 trí thức trẻ đã nhận được sự ghi nhận, tin tưởng, tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân xã Văn Luông; hàng năm Chiến được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 03/05 năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được cử tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, công nghệ thông tin; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và quy hoạch vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã, Bí thư Huyện đoàn, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp, bố trí công tác cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.

Phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ về công tác bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày 03/7/2020, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông Nguyễn Thị Thanh Hoa đánh giá đội viên Hà Thị Kim Chiến là trí thức trẻ được đào tạo bài bản, được sàng lọc qua quy trình tuyển chọn hết sức chặt chẽ trước khi bàn giao về công tác tại xã; có tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tác phong, lề lối làm việc khoa học, đặc biệt là năng lực chuyên môn phù hợp với chức danh công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường mà xã có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, đội viên Chiến còn có kinh nghiệm công tác 05 năm tại cơ sở và thực tế đã làm việc rất hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tinh thần vượt khó của đội viên đã có ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở. Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông bày tỏ mong muốn và đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp, bố trí công tác cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và đội viên Hà Thị Kim Chiến nói riêng để đội viên yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức trẻ, trí tuệ, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên chính mảnh đất quê hương Văn Luông.

Mong muốn của đội viên Hà Thị Kim Chiến và cấp ủy, chính quyền xã Văn Luông cũng chính là nguyện vọng của hầu hết đội viên và các địa phương thuộc phạm vi triển khai Đề án 500 trí thức trẻ. Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cần sớm ban hành chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí “đầu ra” cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, để không có đội viên nào đủ điều kiện bị bỏ lại phía sau; tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cũng như ngân sách của Nhà nước đầu tư cho việc triển khai thực hiện Đề án; tạo niềm tin của thế hệ trẻ đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và đối với thanh niên nói riêng; qua đó phát huy tốt hơn tinh thần trách nhiệm, xung kích của tuổi trẻ, sẵn sàng tình nguyện đến những vùng khó khăn nhất của đất nước để cống hiến sức trẻ, trí tuệ, chung tay cùng hệ thống chính trị cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./. 

Nhật Nam

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ

Ngày đăng 19/01/2021
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 19/01/2021 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược), Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).

Những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 tại tỉnh Sơn La

Ngày đăng 31/12/2020
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai thực hiện tại 34 tỉnh, nhằm tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương.

Ninh Bình: Trí thức trẻ tiên phong, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo

Ngày đăng 31/12/2020
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1758/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500). Căn cứ trên nhu cầu của địa phương, sau khi tiến hành công tác tuyển chọn, tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn được 06 trí thức trẻ, phân công về công tác tại 06 xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn là các xã: Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông. Trong đó có 04 đội viên phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch.

Lâm Đồng: Hơn 85% tổng số đội viên được bố trí, tuyển dụng thành công chức cấp huyện

Ngày đăng 29/12/2020
Thực hiện Đề án "Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (Đề án 500) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tuyển chọn được 07 trí thức trẻ đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, tăng cường về các xã nghèo thuộc huyện Đam Rông. Sau 05 năm thực hiện Đề án, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí công tác cho 06/07 đội viên (chiếm tỷ lệ 85,7%).

Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ xã Đắk Som phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực

Ngày đăng 30/12/2020
Là 1 trong 6 đội viên trúng tuyển tham gia Đề án 500 trí thức trẻ của tỉnh Đắk Nông, đội viên Lại Văn Sang được phân công về công tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, bố trí thực hiện công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê xã Đắk Som. Trong quá trình công tác tại cơ sở, đội viên Lại Văn Sang đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.