Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026: Chuyên đề "Chính quyền địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh"

Ngày đăng: 13/10/2021   09:15
Mặc định Cỡ chữ
Theo chương trình lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, sáng ngày 12/10/2021, GS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội đã giới thiệu chuyên đề "Chính quyền địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh".
GS.TS Lê Minh Thông giới thiệu chuyên đề tại lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Khái quát về chính quyền địa phương

Giới thiệu chuyên đề "Chính quyền địa phương và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh" tại lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, GS.TS Lê Minh Thông nhấn mạnh: Chính quyền địa phương (CQĐP) là trung tâm tổ chức thực hiện pháp luật và các quyết định quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước trên địa bàn quản lý của mình, CQĐP đưa quyền lực nhà nước vào hoạt động hàng ngày của địa phương, quản lý toàn diện (hoặc gần như toàn diện, trừ những mặt không được phân quyền, phân cấp, ủy quyền) các quá trình xã hội diễn ra trên địa bàn. Quyền lực nhà nước mà CQĐP có được là do Hiến pháp, pháp luật quy định. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm các phương tiện, nguồn lực, trong đó có ngân sách để CQĐP thực hiện chức năng này.

Bên cạnh đó, CQĐP có chức năng đại diện cộng đồng, thay mặt cho cộng đồng dân cư tại địa phương, thể hiện tính chất dân chủ của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của địa phương trong mối quan hệ với quyền lợi quốc gia, quyền lợi của các địa phương khác. Đồng thời, đại diện cho cộng đồng dân cư địa phương, CQĐP phản ánh với cơ quan cấp trên về nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu chính đáng của Nhân dân địa phương; phản ánh về những đặc điểm, đặc thù của địa phương; tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của cấp trên để bảo đảm cho chính sách phù hợp với tình hình, hoàn cảnh thực tế của địa phương.

Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CQĐP được tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; đồng thời, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”.

Nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy CQĐP cần nắm rõ các quy định của pháp luật và tổ chức thi hành các quy định đó vào thực tiễn. Trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương hiện nay, thẩm quyền, trách nhiệm của CQĐP càng được khẳng định. CQĐP sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong phạm vi đã phân cấp, phân quyền và chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao.

Trong nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và CQĐP nói riêng, tập trung dân chủ cần được hiểu rõ và thống nhất. Tập trung dân chủ một mặt đề cao chế độ dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhưng mặt khác, cũng đề cao chế độ kỷ luật trong các mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước. Tập trung dân chủ là nguyên tắc kết hợp hài hoà giữa chỉ đạo, lãnh đạo tập trung và mở rộng dân chủ.

Về nguyên tắc phân định thẩm quyền của CQĐP được hiểu là việc phân chia và xác định rõ thẩm quyền của chính quyền Trung ương, thẩm quyền của CQĐP và thẩm quyền của các cấp CQĐP (thông qua phân cấp, phân quyền) để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. Nội dung này luôn là vấn đề quan trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Cơ sở pháp lý để phân định thẩm quyền của CQĐP là Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Về cơ cấu tổ chức của CQĐP, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), CQĐP được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Theo đó, cơ cấu tổ chức của CQĐP ở các đơn vị hành chính hiện nay có 2 nhóm: (1) Có HĐND và UBND; (2) Nhóm không có HĐND.

Về mối quan hệ giữa HĐND và UBND cấp tỉnh là hai thiết chế của CQĐP ở tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, thống nhất về mục tiêu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản trị địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. HĐND và UBND cấp tỉnh có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND cấp tỉnh gắn kết chặt chẽ, không tách rời trong quá trình quản trị địa phương. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh có tác động trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của UBND cấp tỉnh và ngược lại, hoạt động của UBND cấp tỉnh phản ánh được năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh trong quản trị địa phương.

Điểm cầu trực tuyến tại các địa phương

Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

GS.TS Lê Minh Thông cho biết, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vị trí của đại biểu HĐND cấp tỉnh thông qua các nội dung sau đây:

Một là, đại biểu HĐND cấp tỉnh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở cả hai cấp độ là ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân ở địa phương. Đại biểu HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc giữ mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ với nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.

Đồng thời, đại biểu HĐND cấp tỉnh còn có trách nhiệm trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác ở địa phương. Đại biểu HĐND cấp tỉnh đóng vai trò tương tác, giám sát, thúc đẩy để các cơ quan nhà nước hoạt động tích cực, hiệu quả hơn trong việc giải quyết những vấn đề hàng ngày, cũng như những vấn đề trung hạn, dài hạn đặt ra từ thực tiễn cuộc sống ở địa phương. Thông qua việc xử lý những vấn đề đó, sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa những biểu hiện của sự xơ cứng, quan liêu, lạm quyền, trục lợi, cục bộ... có thể nảy sinh trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước ở địa phương.

Hai là, đại biểu HĐND cấp tỉnh bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh. Tất cả các đại biểu HĐND cấp tỉnh đều được bầu cử từ các đơn vị bầu cử, căn cứ theo số dân, được bầu trực tiếp qua phổ thông đầu phiếu, thay mặt cho cử tri hoạt động trong HĐND. Điều này thể hiện sự bình đẳng của các đại biểu HĐND cấp tỉnh. Sự bình đẳng giữa các đại biểu HĐND cấp tỉnh cũng thể hiện sự bình đẳng giữa cử tri ở các đơn vị bầu cử trong phạm vi cả nước. Vị thế này bảo đảm cho từng đại biểu sự bình đẳng trong quan hệ với mọi đại biểu khác, dù đó là đại biểu thường hay đại biểu giữ vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị ở CQĐP cấp tỉnh. Mỗi đại biểu đều nắm giữ một lá phiếu và vì thế, cần phải được ứng xử bình đẳng như nhau.

Về mặt pháp lý, mặc dù đại biểu HĐND cấp tỉnh có đại biểu hoạt động chuyên trách, có đại biểu hoạt động không chuyên trách; có đại biểu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, có đại biểu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý...; song nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh về bản chất không bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố này. Trên thực tế, các đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách sẽ có thêm các nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với tính chất chuyên trách (như quy định về thời gian dành cho hoạt động thực hiện nhiệm vụ đại biểu; các nhiệm vụ, quyền hạn khác khi tham gia thành viên của các ban của HĐND cấp tỉnh). Tuy nhiên, quyền biểu quyết gắn với từng cá nhân đại biểu HĐND cấp tỉnh là thẩm quyền quan trọng nhất, là cơ sở để hình thành nên mọi quyết định của HĐND cấp tỉnh. Quyền biểu quyết này được thực hiện theo nguyên tắc HĐND làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Đây cũng là điểm trung tâm để khẳng định rằng, đại biểu HĐND cấp tỉnh có vị thế bình đẳng trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh..../.

Mạnh Quân

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh

Ngày đăng 22/04/2024
Trong bối cảnh tác động đa chiều của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một cục diện mới về tần suất, chủng loại, số lượng và quy mô của thông tin. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “thông tin là tài nguyên quan trọng nhất”(1), đã lan tỏa sức mạnh mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được vai trò quan trọng của nó trong thời đại ngày nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, các trường đại học ở Việt Nam cần có môi trường thông tin thuận lợi nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các chủ thể giáo dục trước sự tác động, xâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng của những nguồn tin độc hại. Trong đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển phẩm chất, năng lực sư phạm, trực tiếp góp phần phát triển tư duy phản biện (TDPB) của giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc trong thực thi công vụ

Ngày đăng 21/04/2024
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong thực thi công vụ (Bộ chỉ số KPI). Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện một số vụ, đơn vị của UBDT và một số nhà khoa học.

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội

Ngày đăng 08/03/2024
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là một trong những nhân tố quyết định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh. Từ phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.