Hà Nội, Ngày 04/05/2024

Phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh

Ngày đăng: 22/04/2024   10:17
Mặc định Cỡ chữ

Trong bối cảnh tác động đa chiều của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một cục diện mới về tần suất, chủng loại, số lượng và quy mô của thông tin. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “thông tin là tài nguyên quan trọng nhất”(1), đã lan tỏa sức mạnh mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được vai trò quan trọng của nó trong thời đại ngày nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, các trường đại học ở Việt Nam cần có môi trường thông tin thuận lợi nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các chủ thể giáo dục trước sự tác động, xâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng của những nguồn tin độc hại. Trong đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển phẩm chất, năng lực sư phạm, trực tiếp góp phần phát triển tư duy phản biện (TDPB) của giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Ảnh minh họa: VGP

Thực trạng xây dựng môi trường thông tin ở các trường đại học hiện nay

Thời gian qua, việc xây dựng môi trường thông tin ở các trường đại học đã thu được những kết quả nhất định, góp phần phát triển TDPB của  giảng viên LLCT, giúp họ chủ động tìm kiếm, lựa chọn bổ sung kịp thời thông tin chính thống, tài liệu mới, tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin… liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu. Khả năng ứng dụng công nghệ bước đầu cho thấy tính hiệu quả, khoa học, thực tiễn, nhất là việc áp dụng công nghệ số trong hoạt động thư viện, tạo ra hệ thống các điểm tra cứu, truy cập linh hoạt, dễ dàng khai thác, trao đổi thông tin đa chiều. Các nhà trường đã từng bước cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin,... tạo ra môi trường thông tin ngày càng thuận lợi hơn. 

Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội thông tin hiện nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường thông tin trong giáo dục đại học. Ví dụ: nguồn lực thông tin còn thiếu và yếu, việc cung cấp thông tin đa chiều còn hạn chế… làm giảm khả năng ứng dụng TDPB của một bộ phận  giảng viên LLCT trong tiếp nhận, thanh lọc và xử lý thông tin, dữ kiện vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Những hạn chế này đã dẫn tới tình trạng giảng dạy thụ động, một chiều, chưa linh hoạt trong lồng ghép các thông tin chính thống, khoa học để nhận diện, phản bác thông tin sai trái, phản khoa học nhằm kích thích tư duy đa chiều cho sinh viên. Trong nghiên cứu khoa học chưa khai thác hiệu quả, tận dụng các nguồn tin liên quan, dẫn đến lập luận, minh chứng thiếu tính thuyết phục, thậm chí có phần xa rời thực tiễn. Trước sự tác động của các thông tin xấu, độc, chưa được kiểm chứng trên không gian mạng, một bộ phận giảng viên có biểu hiện lúng túng trong lựa chọn phương pháp đấu tranh, hạn chế về kỹ năng phản biện, đấu tranh.

Ngoài ra, các nhà trường chưa có chiến lược trong việc trang bị cho giảng viên hệ thống tài nguyên số với các thông tin mới, đa dạng, chuyên sâu theo chuyên ngành và đầy đủ, chính xác. Việc tuyên truyền, phổ biến thông tin chính thống thông qua các hoạt động khoa học như: sinh hoạt học thuật, hội thảo khoa học, hay hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên chưa được tiến hành hiệu quả, dẫn đến sự rối loạn thông tin, thậm chí mất kiểm soát trong tiếp cận, nhận diện, chắt lọc nguồn tin... Công tác nghiên cứu, thu thập thông tin của các lực lượng chuyên trách chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin phục vụ hoạt động của giảng viên LLCT ở một số trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng môi trường thông tin hiện đại. Đặc biệt, một số giảng viên có khả năng xác định nhu cầu thông tin của bản thân và trình độ tiếp cận thông tin còn thấp, thiếu chủ động trong tự nghiên cứu, tìm kiếm nguồn tin để mở rộng kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do sự nhận thức chưa đầy đủ về vai trò xây dựng môi trường thông tin, vai trò TDPB đối với hoạt động của mỗi giảng viên LLCT, các nhà trường chưa thực sự phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh... Những nguyên nhân đó đã và đang là trở thành những rào cản lớn đối với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới.

Một số giải pháp xây dựng môi trường thông tin lành mạnh nhằm phát triển tư duy phản biện cho giảng viên lý luận chính trị

Một là, phát huy vai trò của các tổ chức trong xây dựng môi trường thông tin lành mạnh hướng đến phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng về vai trò và tính cấp thiết của việc xây dựng môi trường thông tin lành mạnh đối với giảng viên LLCT. Đồng thời, mỗi giảng viên phải nhận thức được môi trường đó sẽ góp phần phát triển TDPB của bản thân và là một trong những công cụ sắc bén giúp nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, lãnh đạo nhà trường và các khoa, phòng trong việc định hướng, cung cấp cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, đa dạng, kịp thời, chính xác; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức tốt hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin cho giảng viên LLCT.  

Hai là, nâng cao chất lượng thông tin phục vụ hoạt động của giảng viên lý luận chính trị.

Để thực hiện các mục tiêu đổi mới giáo dục đại học hiện nay, các nhà trường cần tích cực đổi mới toàn diện cơ chế đảm bảo thông tin, nâng cao chất lượng thông tin trong hệ thống tài liệu phục vụ giảng viên hoạt động chuyên môn. Xây dựng môi trường thông tin dựa trên cơ sở đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nguồn tin theo hướng tăng tính cập nhật, tính khách quan, khoa học; chia sẻ những tri thức được cập nhật, cung cấp thông tin tạo động lực cho giảng viên LLCT tiến hành giảng dạy, nghiên cứu có kết quả. Căn cứ vào thực tiễn giảng dạy, đối tượng, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, các nhà trường cần chỉ đạo chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật hệ thống giáo trình, sách giáo khoa theo hướng tiếp cận các thông tin mới, đa chiều liên hệ phù hợp với từng nội dung bài giảng. Qua đó, mỗi giảng viên sẽ có góc nhìn toàn diện, tích lũy sâu hơn tri thức được tiếp cận, có cơ sở rèn luyện kỹ năng TDPB trong giảng dạy. 

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường cung cấp những thông tin nghiên cứu mới, tài liệu mới, đa chiều nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thông tin phục vụ nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu, nắm chắc các vấn đề lý luận và thực tiễn, vận dụng hiệu quả kỹ năng TDPB trong hoạt động của giảng viên LLCT. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với họ trong quá trình nhận diện, phản bác và đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động.

Mặt khác, các nhà trường cần bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên; cung cấp thông tin chuyên trách cho giảng viên nhằm đáp ứng tốt nhu cầu khai thác, xử lý thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu; có chính sách phát triển đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học về công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng nói riêng. Tăng cường đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, ứng dụng thành tựu khoa học CNTT và trang thiết bị hiện đại phục vụ xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, giúp họ khai thác và xử lý kịp thời, chính xác các nguồn thông tin tri thức. Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về CNTT, phát huy tối đa hiệu quả và mở rộng phạm vi của phòng học đa phương tiện với các thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại. Thực hiện số hóa nguồn thông tin xã hội bằng cách mở rộng hoạt động của thư viện điện tử, sách điện tử, mạng internet, phát triển website,... Song quá trình hiện đại hóa thông tin đó phải chú ý đến công tác quản lý và khai thác, bảo đảm tính tập trung, thống nhất và tính an toàn các nguồn thông tin chính trị - xã hội. 

Ba là, đấu tranh chống lại sự ảnh hưởng và xâm nhập của các thông tin xấu, độc. 

Các nhà trường cần định hướng tốt công tác xây dựng môi trường thông tin bảo đảm giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị cho giảng viên LLCT khi tiếp nhận và xử lý thông tin sai trái. Các thông tin đó phải được kiểm soát, sàng lọc thông qua lăng kính của TDPB, nhằm nhận diện đúng, sai, phản bác công khai, kịp thời, nâng cao hiệu quả hoạt động nhận thức và thực tiễn của mỗi giảng viên trong thời đại số hiện nay. Tập trung tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tác hại và sự nguy hiểm của các thông tin xấu, độc, về âm mưu thủ đoạn chống phá,... không để họ bị thiếu hay bị nhiễu thông tin. Tăng cường quản lý, giám sát, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của các nguồn tin đó. Tạo điều kiện cung cấp thông tin đa chiều và định hướng cho họ cách tiếp cận nguồn thông tin chính thống, củng cố niềm tin, bản lĩnh, đảm bảo tính chính trị, tính khoa học trong giảng dạy, cũng như nắm rõ “chiêu trò” xuyên tạc sự thật trước những sự kiện nhạy cảm trong nước và quốc tế, phản bác các nguồn tin xấu, độc dưới mọi hình thức. 

Đối với giảng viên LLCT cần nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ truyền thông mới. Tích cực viết bài phản biện, phản bác công khai, bình luận sắc sảo, đấu tranh với các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch. Xử lý và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo niềm tin cho người dân, cộng đồng mạng, trực tiếp là đội ngũ sinh viên nhận thức rõ những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng nhằm “Chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”(5). Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia, không gian mạng quốc gia, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ an ninh chính trị góp phần ổn định và phát triển xã hội. Cùng với “chống” phải gắn với “xây”, mỗi giảng viên phải là những chiến sĩ tiên phong trong tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng… để xây dựng môi trường thông tin ngày càng lành mạnh.

Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác trong tiếp thu và xử lý thông tin nhằm rèn luyện tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị.

Môi trường thông tin là yếu tố bảo đảm cho giảng viên LLCT nhận thức được bản chất của thông tin chính trị - xã hội thông qua các biểu hiện hình thức và hiện tượng vô cùng đa dạng, phức tạp, đa chiều của nó. Đó cũng là màng lọc để khái quát, tổng hợp, phân tích và lựa chọn nguồn thông tin cần thiết trong “biển thông tin”, phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Vì vậy, mỗi giảng viên phải tích cực tự học tập, tích lũy tri thức toàn diện, nắm bắt và xử lý chính xác các nguồn thông tin mới, luận giải khoa học những vấn đề đặt ra; rèn luyện, trau dồi phương pháp TDPB trong nhận thức khoa học, phương pháp thu thập, xử lý, phản biện các nguồn thông tin một cách hiệu quả, chính xác. 

Mỗi giảng viên LLCT phải không ngừng tự học tập, tự bồi dưỡng kiến thức, thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin mới để nâng cao trình độ, kỹ năng tư duy. Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò tự định hướng thông tin trong quá trình xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, nhất là khả năng “tự thích ứng”, “tự miễn dịch” trước những thông tin sai trái trong môi trường “nhiễu” thông tin như hiện nay. Xây dựng ý thức phản biện khoa học trong nhận diện và xử lý những thông tin phản động, độc hại của các thế lực thù địch nhằm làm trong sạch, an toàn môi trường thông tin, văn hóa trong giáo dục đại học. Từ đó, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền và định hướng thông tin, dư luận xã hội tích cực, hướng sinh viên vào những giá trị chân - thiện - mỹ. Mỗi giảng viên LLCT cần nâng cao trình độ toàn diện, năng lực làm chủ và sử dụng hiệu quả những phương tiện, công cụ truyền thông mới, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời và minh bạch. Ngoài ra, các nhà trường phải đặt ra yêu cầu và có chương trình, chính sách phù hợp, tạo điều kiện bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học nhằm phát triển năng lực làm chủ thông tin của họ.

Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề môi trường thông tin ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, trên lĩnh vực giáo dục đại học, các nhà trường cần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh nhằm cung cấp, trang bị, bồi dưỡng năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin, phát triển TDPB trong hoạt động của  giảng viên LLCT. Qua đó, nâng cao sức đề kháng của giảng viên và sinh viên trước nguy cơ xâm nhập của thông tin xấu, độc, phản động, đồng thời, tăng cường khả năng đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tấn công vào mặt trận tư tưởng, chính trị của Đảng, làm xói mòn niềm tin của Nhân dân ta./.

---------------------------------------

Ghi chú:

(1) Phùng Văn Thiết, Bản chất của thông tin và kinh tế tri thức, Tạp chí Triết học, số 01/2005 (164), tr.57.  

(2) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG-ST, H.2002, tr.55.

(3) Nguyễn Đắc Hưng, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra đối với giáo dục Việt Nam, Nxb QĐND, H.2017, tr.140.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb  CTQG-ST, H.2021, tr.216.

 

TS Bùi Ngọc Quân - Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng 

ThS Nguyễn Tuấn Đạt - Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng 

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ​

Ngày đăng 26/04/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An có 11 huyện với 248 xã, thị trấn, 3.809 khối, xóm, bản với tổng diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh, trong đó có 39 DTTS với hơn 491 nghìn người. Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc trong thực thi công vụ

Ngày đăng 21/04/2024
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong thực thi công vụ (Bộ chỉ số KPI). Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện một số vụ, đơn vị của UBDT và một số nhà khoa học.

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội

Ngày đăng 08/03/2024
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là một trong những nhân tố quyết định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh. Từ phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.