Quá trình già hóa dân số ở nhiều quốc gia và Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, dẫn đến nhiều thách thức về tình trạng suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực nói chung, nhân lực trong khu vực công nói riêng. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để khắc phục tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến ngày 07/01/2024, dân số của Việt Nam là 99.191.534 người (chiếm 1,23% dân số toàn thế giới). Trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dân số Việt Nam đứng thứ 3 (sau Indonesia, Philippines). Trên phạm vi thế giới, dân số Việt Nam đứng thứ 15, tụt 02 bậc so với cách đây 10 năm. Hiện nay, mật độ dân số của Việt Nam là 320 người/km², độ tuổi trung bình là 33.2 tuổi(1). Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, quá trình già hóa dân số của Việt Nam được dự báo sẽ đến nhanh hơn dự kiến.
Theo Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, tính đến ngày 09/02/2023, cả nước có 16.179.824 người từ 60 tuổi trở lên (chiếm gần 17% số dân), trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người; từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người; từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người; từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người; từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người(2). Dự báo đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Trong số người cao tuổi tăng lên, nhóm người cao tuổi sơ lão (60-69 tuổi) có tốc độ tăng cao nhất, tiếp đó là nhóm người cao tuổi đại lão (từ 80 tuổi trở lên). Dự báo chỉ số già hóa của cả nước vào các năm 2029, 2049 và 2069 sẽ tương ứng là 78,0; 131,3 và 154,5. Từ năm 2036 cho tới hết thời kỳ dự báo, dân số cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ cao hơn dân số trẻ em (0-14 tuổi). Xét ở cấp tỉnh, nếu vào năm 2029 có 14 tỉnh có chỉ số già hóa lớn hơn 100 (tức là có dân số cao tuổi vượt dân số trẻ em) thì đến năm 2039 sẽ có tới 41 tỉnh.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (chiếm 11,86% dân số), dự báo trong 10 năm nữa (2030), người cao tuổi sẽ chiếm 17% dân số; đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%. Già hóa dân số là xu hướng tất yếu của mỗi quốc gia thời gian tới, do đó rất cần có những giải pháp phù hợp.
Những vấn đề đặt ra do già hóa dân số ở Việt Nam
Một là, tình trạng chưa giàu đã già trong dân số và sự chuẩn bị hành trang cho tuổi già chưa được quan tâm đúng mức.
Quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra rất nhanh, tỷ lệ nghịch với tăng trưởng và phát triển kinh tế nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, chế độ bảo hiểm xã hội chưa bao phủ được toàn dân. Hiện nay, phần lớn dân cư sống ở nông thôn (65,7%) là nông dân và làm nông nghiệp. Đời sống nhóm người cao tuổi còn khó khăn: 70% không có tích lũy vật chất; 2,3% gặp khó khăn, thiếu thốn và 18% sống trong hộ nghèo; trên 70% người cao tuổi vẫn tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình; chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi có lương hưu hay trợ cấp xã hội. Số người cao tuổi sống cùng và dựa vào con, cháu chiếm 72,3%. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có dân số già khi chưa giàu, nên cần sớm có giải pháp khắc phục vòng luẩn quẩn: khi còn trẻ thì chật vật mưu sinh, không có điều kiện chăm sóc bản thân và con cái, suy dinh dưỡng, thiếu thốn vật chất; khi về già thì không có tích lũy, sống dựa vào con cái và xã hội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực.
Hai là, hệ thống chính sách an sinh xã hội, đặc biệt cho người cao tuổi chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập.
Chính sách an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng, trong đó có nhóm người cao tuổi còn thiếu và nhiều bất cập. Hầu hết người cao tuổi không có điều kiện tự chăm sóc sức khỏe, chủ yếu trông chờ vào các chế độ an sinh xã hội của Nhà nước và giúp đỡ từ cộng đồng; số người tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí khi về già còn thấp. Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 20% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, số người cao tuổi có bảo hiểm xã hội, hưởng chính sách ưu đãi dưới 50%. Mức trợ cấp bảo trợ đối với người cao tuổi còn thấp và bất cập, số tiền hỗ trợ người cao tuổi hiện nay là 270.000 đồng/tháng(3), chỉ bằng 38,6% chuẩn nghèo ở nông thôn và 30% chuẩn nghèo ở thành thị. Người cao tuổi đủ điều kiện vào Trung tâm bảo trợ xã hội được hưởng mức hệ số 2 là 540.000 đồng/tháng, tuy nhiên đối tượng đủ điều kiện rất ít.
Ba là, cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ nhu cầu khi già hóa dân số còn thiếu và chưa đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội còn hạn hẹp nên cơ sở vật chất phục vụ cho người cao tuổi còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với quá trình đô thị hóa, cuộc sống nhiều áp lực và bận rộn hơn; con cháu ngày càng có ít thời gian để chăm lo đời sống vật chất cho người cao tuổi. Xu hướng người cao tuổi có mong muốn vào sống tại các Trung tâm bảo trợ xã hội ngày càng tăng; tuy nhiên, những Trung tâm bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập rất ít và chỉ tiếp nhận những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Còn những Trung tâm bảo trợ xã hội (Trung tâm dưỡng lão) do tư nhân thành lập chưa nhiều và mức kinh phí cao, đa số người cao tuổi không có khả năng để chi trả. Bên cạnh đó, các dịch vụ tư vấn sức khỏe, vui chơi giải trí cho người cao tuổi chưa nhiều, chưa đa dạng và chi phí còn cao nên rất ít người có thể tham gia vào các dịch vụ đó. Những điều này đòi hỏi cần có những chính sách thu hút sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này.
Bốn là, thời gian sống khỏe của dân số còn thấp và tình trạng nhiều bệnh tật ở người cao tuổi.
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 75,6 tuổi, song thời gian sống khỏe mạnh chỉ khoảng 66 tuổi. Như vậy, có đến gần 10 năm một bộ phận không nhỏ dân số có sức khỏe yếu, bệnh tật… Hiện nay, trung bình một người cao tuổi ở Việt Nam có thể mắc từ 03 đến 05 loại bệnh mãn tính. Thời gian sống khỏe ngắn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi mà còn là gánh nặng cho Nhà nước, xã hội và gia đình. Trong khi hệ thống bảo hiểm xã hội chưa bao phủ được toàn dân, đối tượng tham gia làm việc ở các khu vực không chính thức còn nhiều, đặc biệt là khu vực nông thôn. Khi về già gánh nặng tài chính cho cuộc sống, nhất là việc chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên rất nhiều. Do đó, ngay từ sớm cần có những chính sách chiến lược để tăng thời gian sống khỏe của dân số, đồng thời cần có những kịch bản về hệ thống an sinh xã hội khi dân số già.
Năm là, thiếu hụt về nguồn nhân lực.
Khi dân số ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” số lượng người trong độ tuổi lao động lớn nên nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế dồi dào, thậm chí chúng ta còn xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ “dân số già” số lượng người cao tuổi tăng, số người trong độ tuổi lao động giảm đã đặt ra vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực khi bước vào thời kỳ dân số già đã diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… và là bài học cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ tạo ra những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những hệ lụy phức tạp và lâu dài. Với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay rất cần những chính sách để ứng phó với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình già hóa dân số hiện nay
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách dân số, trong đó thực hiện duy trì mức sinh thay thế hợp lý, kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với bối cảnh hiện nay. Kịp thời bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp về xử lý vi phạm trong công tác dân số, đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc. Cần đưa ra các chính sách mang tính bắt buộc trong việc đảm bảo chất lượng giống nòi như biện pháp kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, tăng thời lượng giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục, thúc đẩy phong trào toàn dân rèn luyện sức khỏe… Các chính sách cần thực hiện để phát triển toàn diện con người Việt Nam bao gồm các yếu tố thể lực, trí lực, tâm lực, nâng cao chất lượng, tăng thời gian sống khỏe của người dân.
Nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật Dân số theo hướng điều chỉnh toàn diện, đồng bộ các nội dung về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Thực hiện có chất lượng và hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án đã đề cập trong Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân để đảm bảo tích lũy và sự chuẩn bị tài chính khi về già. Việc nâng cao chất lượng dân số phải được tiến hành song song với việc phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục đảm bảo mức sinh, nâng cao chất lượng giống nòi. Do đó, các chính sách về phát triển kinh tế và phát triển dân số cần được tiến hành đồng bộ trong mối tương quan chặt chẽ với nhau.
Thứ hai, phát triển các dịch vụ dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thời kỳ già hóa dân số.
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để đảm bảo chất lượng giống nòi. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới người sử dụng, thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua hệ thống y tế cơ sở và hệ thống mạng xã hội.
Nhà nước cần ưu tiên và huy động nguồn lực xã hội để phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho các nhóm dân số đặc thù trong đó có nhóm người sinh sản và nhóm người cao tuổi. Để chuẩn bị cho thời kỳ “dân số già” cần có những chính sách đặc thù, ưu đãi để thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, trong đó đặc biệt là các trung tâm dưỡng lão do tư nhân thành lập, quản lý. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập với những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất và thuế. Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư, cung cấp các dịch vụ công với các mức chi phí hợp lý với bối cảnh, điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ về dân số theo hướng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu góp phần bảo đảm chất lượng dân số. Từng bước quản lý, điều tiết và phát triển thị trường dịch vụ dân số, thiết lập cơ chế, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ của cơ sở cung cấp dịch vụ dân số công lập và ngoài công lập. Nâng cao chất lượng các dịch vụ dân số là điều kiện tiên quyết và trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay cả khi bước vào thời kỳ dân số già.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực.
Xây dựng các chính sách an sinh xã hội phù hợp với bối cảnh dân số già, trong đó tập trung vào các yêu cầu đặt ra như chăm sóc sức khỏe, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của con người khi còn trẻ cũng như lúc tuổi già. Trước mắt cần có những chính sách đặc thù với những chế độ ưu đãi trong chính sách đầu tư vào các trụ cột của an sinh xã hội như chế độ bảo hiểm, trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững, việc làm; những nhóm đối tượng đặc biệt, yếu thế trong xã hội cần có những chính sách phù hợp. Mức hỗ trợ kinh phí cho người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt và những người cao tuổi (từ đủ 80 tuổi trở lên nhưng không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp xã hội hàng tháng) hiện nay rất thấp, cần được tăng lên. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, đối tượng được chăm sóc tại cộng đồng hoặc tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Thứ tư, xây dựng chính sách việc làm đa dạng và phát triển thị trường lao động phù hợp với thời kỳ già hóa dân số.
Để thích ứng với thời kỳ dân số già, cần xây dựng những chính sách về việc làm theo hướng sử dụng cả nguồn nhân lực khi hết tuổi lao động. Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Xây dựng môi trường làm việc phù hợp với người cao tuổi để họ có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, vừa tận dụng thời gian nhàn rỗi, vừa có thêm thu nhập, giảm bớt các vấn đề xã hội.
Để người cao tuổi có thể thích ứng được với những công việc ngày càng biến động nhanh và nhiều như hiện nay, cần có những chính sách hỗ trợ về học nghề, tư vấn hỗ trợ việc làm, ưu tiên việc làm… phù hợp với độ tuổi và sức khỏe. Việc tạo sinh kế và những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới./.
------------------------------------
Ghi chú:
(1) https://danso.org/viet-nam/.
(2) https://nhandan.vn/gia-hoa-dan-so-nhanh-o-viet-nam-va-khuyen-nghi-chinh-sach-post756305.html, Nguyễn Thanh Bình, Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách.
(3) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn bản hợp nhất số 762/VBHN-BLĐTBXH ngày 28/02/2019 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
TS Nguyễn Văn Tạo, Học viện Hành chính Quốc gia
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục