Hà Nội, Ngày 28/04/2024

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng: 23/09/2020   10:21
Mặc định Cỡ chữ
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

1. Xây dựng chính quyền địa phương trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 2002

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, để giữ vững thành quả cách mạng, củng cố niềm tin của nhân dân, một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết là phải thiết lập ngay hệ thống chính quyền địa phương ở các cấp. Trước bối cảnh và yêu cầu đó, Bộ Nội vụ đã trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kỳ); Sắc lệnh số 77/SL ngày 21/12/1945 về tổ chức chính quyền địa phương tại các thành phố và thị xã, đã quy định chặt chẽ các nguyên tắc, quy trình xây dựng và tổ chức chính quyền địa phương trong giai đoạn xây dựng, củng cố chính quyền non trẻ mới thành lập.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa với hy vọng thiết lập lại nền cai trị thuộc địa hà khắc, tàn bạo trước đây. Trước tình hình đó, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác định kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, trong cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương thời kỳ này, bên cạnh Ủy ban hành chính còn có Ủy ban kháng chiến các cấp. Đây là cách tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó Chính phủ còn thực hiện phân quyền hành chính mạnh mẽ cho các địa phương. Ngày 01/10/1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 91/SL thống nhất tên gọi Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính ở tất cả các cấp chính quyền để phù hợp với tình hình mới của cuộc kháng chiến. Bộ Nội vụ thực hiện công tác xây dựng và củng cố chính quyền địa phương thông qua các hoạt động của HĐND cấp tỉnh, HĐND xã cũng như tiếp tục tiến hành bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, xã cùng với việc củng cố hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp.

Ngày 07/5/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, chấn động địa cầu, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Trước tình hình này, Bộ Nội vụ xác định nhiệm vụ xây dựng, củng cố chính quyền địa phương phải đảm bảo tính tập trung, xuyên suốt, nhất là ở các vùng mới giải phóng. Do đó, các Ủy ban kháng chiến hành chính đều đổi thành Ủy ban hành chính ở cấp khu, tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt, Bộ Nội vụ được giao tham gia xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương và được Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa I thông qua ngày 31/5/1958 (Luật số 110/SL/L011 của Quốc hội: Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Đây là đạo luật quan trọng về tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam, là nền tảng pháp lý để củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy cũng như hoạt động của các cơ quan chính quyền các cấp trong điều kiện mới. Thời kỳ này, công tác xây dựng chính quyền tập trung vào việc củng cố, ổn định bộ máy chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã; sắp xếp đội ngũ cán bộ, tăng cường sự lãnh đạo đối với chính quyền cấp xã; tiến hành bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ huyện, xã.

Công tác quản lý nhà nước về địa giới đơn vị hành chính (ĐVHC) được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện theo quy định tại Sắc lệnh số 126/SL ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Chính phủ quy định thủ tục thiết lập hoặc sửa đổi địa giới các ĐVHC. Để đáp ứng yêu cầu quản lý các ĐVHC ở đô thị và nông thôn cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu, trình Chính phủ phương án xét duyệt chia, tách, nhập hoặc thành lập ĐVHC các cấp ở một số tỉnh, thành phố qua các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Thực hiện quy định của Hiến pháp năm 1959, các địa phương ở nước ta tổ chức bầu cử đại biểu HĐND huyện, khu phố vào đầu năm 1961. Như vậy, các cấp chính quyền địa phương đều có HĐND và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được tăng cường, hiệu quả hơn. Thời gian này, Đảng và Chính phủ quan tâm nhiều hơn đến chỉ đạo công tác kiện toàn, củng cố chính quyền địa phương, xác định rõ tính chất, đặc điểm và nhiệm vụ cơ bản của từng cấp (Đề án tổ chức cấp huyện, Đề án kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc của chính quyền cấp xã, Đề án đẩy mạnh hoạt động của HĐND các cấp, hướng dẫn số lượng và sự phân công Ủy ban hành chính cấp huyện, cấp xã). Ngày 10/11/1962, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính được Quốc hội ban hành, đánh dấu một bước tiến mới trong việc củng cố chính quyền dân chủ nhân dân ở nước ta.

Sau chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Tổ chức của Chính phủ (thành lập ngày 20/02/1973 theo Nghị định số 29-CP) và tiếp đó là Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ (theo Nghị định số 135/HĐBT ngày 07/5/1990) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, kiện toàn chính quyền địa phương mà Bộ Nội vụ trước đây đã thực hiện.

Trong giai đoạn từ năm 1975 đến 2002, công tác củng cố, kiện toàn chính quyền địa phương tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp theo nhiệm kỳ 5 năm; xây dựng Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật bầu cử đại biểu HĐND theo tinh thần Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992; xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương các cấp thông qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chế độ công tác của UBND cấp tỉnh, về chức năng, nhiệm vụ, lề lối làm việc của UBND cấp huyện và kiện toàn chính quyền cơ sở, bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã; điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã của một số địa phương; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính. Đặc biệt, trong giai đoạn này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã và Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương lần thứ 5, khóa IX năm 2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

Xây dựng và củng cố chính quyền địa phương luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Bộ Nội vụ nói riêng và ngành Tổ chức nhà nước nói chung, được thực hiện ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trải dài trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

2. Giai đoạn từ năm 2003 đến nay

Đây là giai đoạn có sự chuyển biến lớn đối với công tác xây dựng chính quyền nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng ta về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, tập trung vào việc kiện toàn và củng cố HĐND, UBND các cấp nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ và thẩm quyền để thực hiện đầy đủ vai trò là cơ quan đại diện của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở từng cấp. 

Cụ thể, thông qua nội dung các Văn kiện Đại hội của Đảng qua các nhiệm kỳ, cùng với thực hiện Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2001 và Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3, khóa VIII; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa IX; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc các khóa X, XI, XII; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa X; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa X; các Kết luận của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XI (Kết luận số 63-KL/TW, Kết luận số 64-KL/TW); Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị… Căn cứ quy định của Hiến pháp, thể chế đường lối, chủ trương của Đảng, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã tham mưu đề xuất và tổ chức triển khai các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền địa phương, cụ thể như sau: 

2.1. Xây dựng thể chế về chính quyền địa phương

Trong quá trình xây dựng chính quyền địa phương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ đa ngành, đa lĩnh vực, có thể thấy giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Bộ Nội vụ đã tham mưu, xây dựng và trình nhiều dự án luật quan trọng về chính quyền địa phương:

Bộ Nội vụ đã chủ trì tổng kết, đánh giá việc thi hành Hiến pháp của ngành Tổ chức nhà nước, tham gia soạn thảo Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, trong đó có các quy định mới về chính quyền địa phương. Trình Chính phủ dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm: Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Tổ chức HĐND và UBND sửa đổi, bổ sung (năm 2003); Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 2007); Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương (năm 2019). Đồng thời, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, như: các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ (Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 thay thế Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã; Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ…), các văn bản liên tịch; các thông tư liên tịch và thông tư của Bộ Nội vụ. 

2.2. Công tác xây dựng chính quyền ở các cấp

2.2.1. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Trong công tác xây dựng chính quyền, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi nhiệm kỳ để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước và HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Với nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ đã giúp Chính phủ và chỉ đạo UBND các địa phương triển khai thực hiện thắng lợi các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ, cụ thể là:

Cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 đã diễn ra ngày 25/4/2004, trên cơ sở quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành diễn ra bảo đảm an toàn, đúng luật (số đại biểu được bầu ở cả ba cấp là 311.035 người, trong đó cấp tỉnh là 3.868 người, cấp huyện là 23.533 người và cấp xã là 283.634 người). 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 diễn ra vào ngày 22/5/2011, đây là cuộc bầu cử đầu tiên của lịch sử Quốc hội Việt Nam, cử tri cả nước bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vào cùng một ngày. Việc đổi mới này đem lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ rất cao. Cuộc bầu cử này được Đảng, Quốc hội, Chính phủ chuẩn bị rất công phu, từ văn bản pháp lý đến công tác tổ chức chỉ đạo cuộc bầu cử trên phạm vi cả nước như: giới thiệu người ra ứng cử, tiếp xúc cử tri, tuyên truyền, vận động bầu cử, bảo đảm cơ sở vật chất, an ninh cho cuộc bầu cử đều thực hiện tốt (bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và số đại biểu được bầu ở cả ba cấp là 302.648 người, trong đó cấp tỉnh là 3.822 người, cấp huyện là 21.079 người và cấp xã là 277.747 người). 

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào ngày 22/5/2016 với nhiều điểm mới theo Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 (Hội đồng bầu cử quốc gia lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 2013); Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 được ban hành. Số đại biểu Quốc hội trúng cử là 496 người. Số đại biểu HĐND được bầu ở cả ba cấp là 320.360 người, trong đó cấp tỉnh là 3.908 người, cấp huyện là 25.179 người và cấp xã là 291.273 người.

2.2.2. Công tác xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 

Công tác xây dựng bộ máy chính quyền địa phương được tập trung vào việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức hoạt động của HĐND và UBND trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, triển khai và tổng kết Đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Cụ thể là:

- Đẩy mạnh phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương: quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền với phân cấp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm các điều kiện cụ thể về ngân sách, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương, trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Đồng thời, quy định cụ thể hình thức phân quyền bằng các quy định của luật, phân cấp bằng văn bản quy phạm pháp luật, uỷ quyền bằng văn bản hành chính; quy định trách nhiệm của cơ quan được phân quyền, phân cấp, ủy quyền và của cơ quan nhà nước cấp trên khi phân quyền, phân cấp, ủy quyền; các quy định này giúp khắc phục sự chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương, khắc phục tình trạng một công việc mà nhiều ngành, nhiều cấp cùng thực hiện.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND, UBND: quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các ĐVHC theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng giao nhiều công việc về cấp cơ sở; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn được chú trọng thực hiện quản lý toàn diện theo lãnh thổ; ở địa bàn đô thị thì tập trung thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực kết hợp với quản lý theo lãnh thổ; quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND theo các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết thống nhất giữa hai thiết chế HĐND (cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương) và UBND (cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương) hợp thành cấp chính quyền địa phương; đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND với tư cách là người đứng đầu UBND trong việc lãnh đạo, điều hành UBND; quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn, khắc phục thực trạng quy định nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền đô thị không khác gì mấy so với chính quyền địa bàn nông thôn.

- Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND: quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của HĐND, kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND: quy định tiêu chuẩn, số lượng đại biểu HĐND các cấp, quy định đại biểu HĐND có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; tăng cường vai trò của Thường trực HĐND; bỏ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện; mở rộng thành viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND; HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập mới Ban Đô thị; ở tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban Dân tộc; ở HĐND cấp xã thành lập thêm 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; quy định về đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; quy định khi có từ 10% trở lên trong tổng số cử tri trên địa bàn cấp xã yêu cầu, Thường trực HĐND cấp xã có trách nhiệm xem xét tổ chức kỳ họp HĐND để bàn về nội dung kiến nghị của cử tri; HĐND cấp xã không thành lập Tổ đại biểu HĐND.

- Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND: kế thừa và bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND; mối quan hệ phối hợp công tác của UBND; thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an; thành viên UBND cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an; quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại ĐVHC; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể UBND và Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quy định UBND cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân.

- Về thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới ĐVHC: Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định các nguyên tắc, điều kiện thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới ĐVHC và giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới ĐVHC; quy định thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới ĐVHC, đặt tên, đổi tên ĐVHC, giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới ĐVHC; quy định việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương là toàn thể cử tri trên địa bàn cấp xã; quy định về tổ chức chính quyền địa phương trong trường hợp thay đổi địa giới ĐVHC và các trường hợp đặc biệt.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về chính quyền địa phương, trong đó Luật tổ chức chính quyền địa phương là đạo luật cơ bản, toàn diện về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND và UBND các địa phương theo hướng tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt mô hình tổ chức chính quyền nông thôn với đô thị, hải đảo, thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền rành mạch giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã. Quy định các loại hình ĐVHC và tổ chức mô hình chính quyền địa phương phù hợp với các loại hình ĐVHC cho hiệu quả. Đây là bước tiến mới, có tính khoa học, sát với thực tiễn tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.

2.3. Hoàn thiện quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, trên cơ sở những quy định của Hiến pháp, các luật quy định về tổ chức của HĐND và UBND, Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003; Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005; Nghị định số 92/2009/ NĐ-CP ngày 22/10/2009; Nghị định số 112/ 2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011; Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2019; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 22/4/2014; Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 27/5/2016…

Theo thẩm quyền quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định, thông tư về tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn quy định cụ thể đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Việc ban hành đồng bộ các văn bản pháp luật đã khắc phục và giải quyết cơ bản những bất cập trong công tác quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, về chính sách về tiền lương và phụ cấp cho cán bộ, công chức cấp xã gắn với chức danh và theo trình độ đào tạo như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã làm việc chính quy, chuyên nghiệp, dần liên thông với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên; số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo phân loại ĐVHC đã góp phần ổn định biên chế(1); công tác quy hoạch được quan tâm theo hướng trẻ hóa và chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã phân cấp cho địa phương chủ động quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ đào tạo, bồi dưỡng. 

Việc hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã có tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, bảo đảm cho quyền lợi cũng như trách nhiệm của cán bộ, công chức ở cơ sở khi thực thi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, sát dân, vì dân.

Đội ngũ cán bộ cơ sở là lực lượng trực tiếp thực hiện và truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến người dân. Trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ cũng như chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, là nguồn động viên đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền cơ sở sát dân, hiểu dân, trọng dân, vì dân.

2.4. Công tác quản lý địa giới đơn vị hành chính

Phân định ĐVHC là vấn đề hệ trọng có liên quan đến quá trình hình thành, phát triển của ĐVHC qua các giai đoạn lịch sử, gắn với truyền thống, văn hóa, lịch sử, địa lý, dân tộc của mỗi vùng, miền. Vì vậy, phải tuân thủ các quy định của pháp luật, theo quy trình, theo tiêu chí và phân loại ĐVHC, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, sự đồng thuận của nhân dân địa phương.

Việc ban hành văn bản nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về tổ chức ĐVHC các cấp, theo đó “quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập ĐVHC các cấp theo hướng khuyến khích sáp nhập ĐVHC cấp xã”(2); phát triển đô thị theo hướng “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường gồm một số thành phố lớn, nhiều thành phố vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng; chú trọng phát triển đô thị miền núi, phát triển mạnh các đô thị ven biển”(3). 

Thực hiện Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành và thực hiện, như: Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai; Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001; Nghị định số 62/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011; Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005; Nghị định số 15/2007NĐ-CP ngày 26/01/2007; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện quản lý nhà nước về địa giới hành chính: thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh ĐVHC, đặt tên, đổi tên và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, góp phần ổn định ĐVHC, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Quy định pháp luật tại các văn bản nêu trên đã kế thừa những quy định hợp lý và khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong các quy định của pháp luật hiện hành về phân loại ĐVHC; thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và đặt tên, đổi tên ĐVHC phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương; xây dựng bộ tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại ĐVHC, tiêu chuẩn thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Xây dựng quy trình, thủ tục và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại ĐVHC; trong việc thành lập, sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới và đặt tên, đổi tên ĐVHC phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Các quy định pháp luật nêu trên được triển khai đã khắc phục tình trạng chia tách, điều chỉnh, thành lập mới ĐVHC các cấp ở một số địa phương(4), cụ thể là:

Thời điểm năm 1980, cả nước có 40 ĐVHC cấp tỉnh (gồm 36 tỉnh, 03 thành phố trực thuộc Trung ương và 01 đặc khu), 521 ĐVHC cấp huyện (gồm 433 huyện, 68 thị xã, thành phố thuộc tỉnh và 20 quận) và 10.657 ĐVHC cấp xã (gồm 9.560 xã, 800 phường và 297 thị trấn). Đến cuối năm 2004, cả nước có 64 ĐVHC cấp tỉnh (gồm 59 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương), 662 ĐVHC cấp huyện (gồm 536 huyện, 42 quận, 59 thị xã và 25 thành phố thuộc tỉnh); 10.776 ĐVHC cấp xã (gồm 9.012 xã, 1.181 phường và 583 thị trấn). Hết năm 2017, cả nước có 63 ĐVHC cấp tỉnh (gồm 58 tỉnh và 05 thành phố trực thuộc Trung ương); 713 đơn vị cấp huyện (gồm 546 huyện, 49 quận, 50 thị xã và 68 thành phố thuộc tỉnh); 11.162 đơn vị cấp xã (gồm 8.974 xã, 1.585 phường và 603 thị trấn)(5). 

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 32/ NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó, tính đến thời điểm hiện nay cả nước đã giảm 06 ĐVHC cấp huyện và 546 ĐVHC cấp xã. Đến nay, cả nước có 63 ĐVHC cấp tỉnh, gồm 58 tỉnh và 05 thành phố trực thuộc Trung ương; 707 ĐVHC cấp huyện, gồm 532 huyện, 49 quận, 49 thị xã và 77 thành phố thuộc tỉnh; 10.614 ĐVHC cấp xã, gồm 8.324 xã, 1.680 phường và 610 thị trấn.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 364-CT, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” (Dự án 513) bảo đảm khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia; xây dựng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp bảo đảm tính khoa học, đầy đủ, chính xác pháp lý và thống nhất làm cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, vùng lãnh thổ, từng địa phương. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 07 nghị quyết giải quyết dứt điểm được 15/16 khu vực chưa xác định đường địa giới ĐVHC cấp tỉnh do lịch sử để lại. Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẩn trương hoàn thiện, hiện đại hóa các bộ hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp của địa phương, bảo đảm xác định rõ ranh giới quản lý hành chính giữa các địa phương cả trên đất liền và trên biển. Đến tháng 8/2020, có 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành sản phẩm hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới ĐVHC các cấp và được Hội đồng liên ngành Trung ương thẩm định, nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào quản lý, nộp lưu trữ quốc gia.

Xây dựng chính quyền địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước. Giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao, trong đó công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, là thành công trong xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ các địa phương đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của chính quyền các cấp một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân./.

--------------------------------------

Ghi chú:

(1) Tính đến tháng 04/2018, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước là 234.617 người, trong đó cán bộ là 113.672 người, công chức là 120.945 người; tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 183.311 người; số người hoạt động ở thôn, tổ dân phố là 649.558 người.

(2) Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

(3) Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI của Đảng, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.122.

(4) Từ khi Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 được ban hành và triển khai thực hiện đến nay, sau hơn 4 năm, ĐVHC ổn định và giảm 06 ĐVHC cấp huyện và 546 ĐVHC cấp xã.

(5) Theo Niên giám thống kê và thống kê của Bộ Nội vụ.

 

TS Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại - Một con người tận tụy vì dân

Ngày đăng 22/09/2020
Cụ Phan Kế Toại (1892-1973) quê làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình quan lại, cha là Cử nhân Phan Kế Tiến, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Từ nhỏ, cụ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học, sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường Hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp). Năm 1914, trở về nước, cụ Phan Kế Toại được bổ làm Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; rồi lần lượt làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình.