Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng: 24/09/2020   16:50
Mặc định Cỡ chữ
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.
Ảnh minh họa

1. Khái quát lịch sử xây dựng và phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia

Ngày 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Tại Điều 2, Quyết định số 81-CP ghi rõ Trường Hành chính Trung ương có nhiệm vụ: “Huấn luyện và bồi dưỡng các ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh và tương đương, cán bộ làm công tác tổ chức, văn phòng ở các Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh và tương đương, cán bộ làm công tác giảng dạy ở các trường hành chính và cán bộ phụ trách các Ty, Sở của tỉnh và thành phố”.

Ngày 12/5/1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sáp nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương. Theo đó, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương bao gồm cả nội dung quản lý kinh tế và quản lý hành chính nhà nước.

Ngày 26/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 91-HĐBT về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương. Theo Quyết định này, Trường Hành chính Trung ương “là cơ quan giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý nhà nước có trình độ cao cấp, trung cấp; tổ chức việc nghiên cứu khoa học quản lý nhà nước và chỉ đạo việc bồi dưỡng, đào tạo các loại cán bộ quản lý nhà nước thuộc các ngành, các cấp. Bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cho các trường hành chính địa phương và hướng dẫn các trường này về chương trình, tài liệu”...

Ngày 23/02/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 34/CT về việc tăng cường hệ thống Trường Hành chính của Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Trường Hành chính Trung ương cần được củng cố và tăng cường thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về quản lý nhà nước, đáp ứng với yêu cầu trong giai đoạn mới. Trường Hành chính Trung ương là một đơn vị trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng và được hưởng các quy chế như một cơ quan ngang bộ; được tham gia vào các đề án của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề cải cách bộ máy và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Nhằm tạo điều kiện tham gia nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường được nhận những tài liệu cần thiết, được dự những cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng bàn những vấn đề có liên quan đến cơ chế quản lý nhà nước. Học viên Trường Hành chính Trung ương được hưởng chế độ sinh hoạt như học viên của Học viện Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay).

Ngày 06/7/1992, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Theo Nghị định số 253-HĐBT, Học viện Hành chính Quốc gia đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Hội đồng Bộ trưởng, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính nhà nước và nghiên cứu khoa học hành chính nhà nước.

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, để giảm bớt đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia từ cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển giao nguyên trạng vào Bộ Nội vụ theo Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg ngày 19/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện các chức năng: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các chức danh công chức hành chính các cấp, cán bộ, công chức cơ sở, công chức dự bị, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07/5/2007 của Ban Chấp hành Trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia được hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên thành Học viện Hành chính. Theo Quyết định số 100-QĐ/TW ngày 22/10/2007 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị định số 129/2008/ NĐ-CP ngày 17/12/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính là một học viện chuyên ngành thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Sau 7 năm hợp nhất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 10/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP, trong đó quyết nghị: “Chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TƯ ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn bản số 176-CV/TƯ ngày 23/10/2013 của Ban Bí thư và gọi tên là Học viện Hành chính Quốc gia”.

Ngày 23/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia có vị trí đặc biệt trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, là trung tâm quốc gia, đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Có thể nói, trong lịch sử 61 năm qua, bên cạnh giai đoạn là cơ quan thuộc Chính phủ, trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thì hơn nửa hành trình lịch sử, Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ, trực tiếp được giao thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từ Bộ Nội vụ.

2. Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ

Trong hành trình 75 năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia đã có những đóng góp thiết thực, khẳng định trách nhiệm của một đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ, được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Bộ Nội vụ. Nhận thức được trách nhiệm là một đơn vị rất quan trọng trực thuộc Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia đã tích cực thực hiện nhiệm vụ trên các phương diện sau:

Thứ nhất, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong 61 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức thông qua các khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp huyện, cấp sở, cấp vụ và tiến tới bồi dưỡng cấp thứ trưởng; bồi dưỡng kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; bồi dưỡng tiền công vụ.

Để bổ sung nguồn nhân lực trong lĩnh vực hành chính cho các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cải cách nền hành chính và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế, từ năm 1996, Học viện bắt đầu đào tạo đại học hành chính hệ văn bằng 2. Đến năm 2000, Học viện đào tạo đại học hành chính hệ chính quy. Đồng thời, Học viện đào tạo đại học hành chính hình thức vừa làm, vừa học và hệ cử tuyển nhằm nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức đương chức và tạo nguồn cán bộ từ con em các dân tộc thiểu số. Đến nay, Học viện đã đào tạo 18 khóa đại học ngành quản lý nhà nước hệ chính quy với khoảng 27.000 sinh viên. Bên cạnh đó, Học viện đã đào tạo được gần 30.000 sinh viên đại học ngành quản lý nhà nước theo hình thức vừa làm, vừa học, các lớp đại học hệ cử tuyển với hàng trăm sinh viên.

Từ năm 1995 đến nay, Học viện đã đào tạo được 28 khóa đào tạo thạc sĩ với hàng nghìn học viên cao học tốt nghiệp. Từ năm 2003 đến nay, Học viện đã tổ chức được 18 khóa đào tạo tiến sĩ với hàng trăm nghiên cứu sinh tốt nghiệp. Học viện đã cung cấp một số lượng lớn nhân lực có trình độ học vấn cao về Quản lý công và một số chuyên ngành khác như: Luật hiến pháp và luật hành chính; Chính sách công; Tài chính - Ngân hàng.

Cùng với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Học viện Hành chính Quốc gia còn là một cơ sở đào tạo đại học về quản lý nhà nước hàng đầu, có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ hai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Nội vụ giao, Học viện Hành chính Quốc gia đã đánh giá nhu cầu đào tạo, tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy theo hướng chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, huấn luyện tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của cán bộ, công chức từ những vị trí, lĩnh vực cụ thể luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Học viện. Thời gian qua, công tác đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, theo hướng đáp ứng nhu cầu thực tế của nước ta và với xu thế đào tạo chung, được tiến hành ở tất cả các loại hình, cấp độ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.

Học viện là cơ sở đi đầu có tính chiến lược trong đào tạo theo chức danh, hoàn thành việc xây dựng các chương trình đào tạo chức danh thứ trưởng và tương đương, cấp vụ, cấp sở, cấp huyện, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và chuyên viên, chương trình bồi dưỡng giảng viên quản lý nhà nước, chương trình bồi dưỡng văn hóa công vụ; chương trình đào tạo thạc sỹ Quản lý công, Tài chính - Ngân hàng, Luật hiến pháp và luật hành chính, Chính sách công, Quản lý kinh tế và chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Quản lý công.

Như vậy, Học viện đã và đang góp phần xây dựng được một hệ thống chỉnh thể chương trình, giáo trình của các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, theo các cấp độ khác nhau, bổ sung, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực đa dạng của người học trên nền tảng phát triển thống nhất: từ bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính đến chuyên viên cao cấp; từ đào tạo cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ; từ đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch đến theo chức danh và vị trí việc làm.

Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn về chính sách. Trong lịch sử phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia, hoạt động nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách luôn gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng trở thành nòng cốt khẳng định vai trò của Học viện. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh và đạt được những kết quả tốt, phục vụ trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, tham gia giải đáp những vấn đề cấp thiết của thực tiễn cải cách hành chính đặt ra, tư vấn chính sách đối với Bộ Nội vụ, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Nhiều chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở đã được hoàn thành, khẳng định được tầm vóc, vị thế của Học viện Hành chính Quốc gia, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Bộ Nội vụ 75 năm qua.

Thứ tư, Học viện Hành chính Quốc gia đã từng bước thiết lập, củng cố quan hệ với các đối tác, chủ động, tích cực tham gia vào các hiệp hội, cộng đồng quốc tế về hành chính công, đặc biệt là hợp tác với các nước có kinh nghiệm để lựa chọn áp dụng vào điều kiện của nước ta. Hiện nay, Học viện là thành viên của 03 tổ chức quốc tế lớn về hành chính trên thế giới đó là: Hiệp hội Quốc tế các trường và Học viện Hành chính (IASIA), Tổ chức Hành chính Miền Đông thế giới (EROPA), Hiệp hội Các nhà Hành chính châu Á (AGPA).

Mặt khác, Học viện có quan hệ với trên 50 cơ sở đào tạo và nghiên cứu hành chính các nước, trong đó đã ký thoả thuận hợp tác với trên 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo hành chính các nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới. Hoạt động hợp tác quốc tế với mục tiêu thu hút nguồn lực để Học viện thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ giao. 

3. Một số định hướng phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia

Một là, về đào tạo, bồi dưỡng.

Tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng phát triển dựa trên năng lực và cá nhân hóa. Theo đó, cần nhấn mạnh việc sử dụng năng lực, kỹ năng nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của chức danh, vị trí việc làm và công việc cụ thể. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng theo năng lực được đánh giá bằng kết quả thực thi của người học tại nơi làm việc, thông qua kỹ năng và mức độ ứng dụng trên thực tế, thông qua việc so sánh giữa tiêu chuẩn năng lực cần đáp ứng với năng lực hiện tại cũng như với nhu cầu đào tạo, chiều hướng phát triển. Như vậy, đào tạo, bồi dưỡng bên cạnh mục tiêu chuẩn hóa về văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh, chức vụ và vị trí việc làm, còn là một phần của kế hoạch phát triển do từng công chức và cơ quan quản lý công chức thống nhất xác định.

Để đạt được mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được Học viện Hành chính Quốc gia triển khai như sau:

- Tiếp tục hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng theo chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, bám sát các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của tiêu chuẩn ngạch, chức danh, chú trọng đến bồi dưỡng nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

- Tập trung phát triển các chương trình, chuyên đề bồi dưỡng ngắn hạn theo yêu cầu, đặt hàng của các cơ quan, tổ chức. Đây là cơ sở để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc 40 giờ/năm. Việc thiết kế xây dựng chương trình và phương pháp bồi dưỡng cần có tính thực tiễn cao, với đúng nghĩa là “huấn luyện” để cán bộ, công chức, viên chức có kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, thành thạo.

Học viện cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để tư vấn, phối hợp xác định nhu cầu, nội dung bồi dưỡng nâng cao năng lực về hành chính và quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức, từ đó thiết kế, xây dựng các chương trình, chuyên đề theo nhu cầu công việc và vị trí việc làm.

- Xây dựng và hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về hành chính, quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước. Chương trình này cần được quy định là bắt buộc đối với giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để được tham gia giảng dạy về hành chính, về quản lý nhà nước.

- Phát triển các chương trình đào tạo sau đại học vừa mang tính nghiên cứu hàn lâm, vừa có tính ứng dụng cao. Tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và mở mới các chương trình liên ngành; hướng tới đào tạo trình độ tiến sĩ ở tất cả các chương trình có đào tạo thạc sĩ.

- Triển khai cách hình thức thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến để người học được tiếp cận các kênh, phương thức học tập hiện đại và nâng cao khả năng tự đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Học viện cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế trong nước và quốc tế. Xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia là môi trường học thuật, là cơ quan phản biện, sáng tạo, cần thực hiện tốt phương châm gắn nghiên cứu lý luận với thực tiễn, có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào phát triển khoa học hành chính ở Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được Học viện Hành chính Quốc gia triển khai như sau:

- Thực hiện có chất lượng các nghiên cứu khoa học về hành chính và quản lý nhà nước ở quy mô quốc gia và quốc tế; tập trung phát triển ngành khoa học thuộc thế mạnh, có truyền thống, có tính đặc thù của Học viện là khoa học hành chính, khoa học quản lý công, chính sách công và các khoa học liên ngành.

- Từng giai đoạn cụ thể cần xác định các định hướng nghiên cứu trọng tâm nhằm phục vụ xây dựng chương trình, tài liệu, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn, phản biện đối với các chính sách, văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ.

- Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng hoặc đấu thầu nhằm cung cấp luận cứ khoa học và đề xuất giải pháp phù hợp với thực tiễn công tác hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

- Triển khai công tác nghiên cứu khoa học theo hướng tăng cường các bài báo quốc tế có uy tín, có các kết quả nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và thế giới. Phát triển Tạp chí Quản lý nhà nước của Học viện đạt chuẩn ISI hoặc SCOPUS.

- Xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm tư vấn trong đào tạo, bồi dưỡng; trung tâm thông tin khoa học của quốc gia và khu vực trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

- Tiếp tục duy trì và mở rộng các khóa bồi dưỡng công chức cho các quốc gia trong khu vực, như xây dựng đối tác với các trường tiên tiến trên thế giới, mời các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng và liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đưa Học viện sớm thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.

Ba là, về xây dựng đội ngũ và tổ chức bộ máy.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới đào tạo, bồi dưỡng; có khả năng tham gia giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường quốc tế. Đảm bảo các điều kiện cho phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý; thực hiện chế độ đãi ngộ, khuyến khích cán bộ khoa học làm việc tại Học viện; đảm bảo thu hút, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao.

Thực hiện chính sách cử giảng viên đi thực tế tại các bộ, ngành, địa phương để tích lũy kinh nghiệm thực tế và đi học tập, thực tập sinh, tham gia hộ thảo khoa học ở nước ngoài. Về tổ chức bộ máy, cần phát triển các khoa chuyên môn trở thành các viện để phát triển theo hướng nghiên cứu và giảng dạy ngày càng chuyên sâu trong các lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

Bốn là, về xây dựng cơ sở vật chất.

Xây dựng hệ thống cung cấp và đảm bảo thông tin hiện đại, hiệu quả; ứng dụng các phần mềm quản lý công việc, quản lý đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng thư viện điện tử, giảng đường, phương tiện học tập, ký túc xá đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, phát huy tính chủ động của các đơn vị trực thuộc. Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng và khoa học, công nghệ tăng trưởng qua các năm.

Năm là, về quản trị nội bộ và kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Hoàn thiện các quy định, quy trình quản lý nội bộ theo nguyên tắc quản lý chất lượng. Triển khai đánh giá chất lượng dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng thông qua ý kiến đánh giá từ học viên, cơ quan cử đi học; thông qua kiểm định nội bộ và hướng tới kiểm định độc lập để thẩm định mức độ đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm quốc gia về kiểm định chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức./.

 

TS Đặng Xuân Hoan - Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại - Một con người tận tụy vì dân

Ngày đăng 22/09/2020
Cụ Phan Kế Toại (1892-1973) quê làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình quan lại, cha là Cử nhân Phan Kế Tiến, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Từ nhỏ, cụ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học, sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường Hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp). Năm 1914, trở về nước, cụ Phan Kế Toại được bổ làm Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; rồi lần lượt làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.