Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng: 23/09/2020   10:44
Mặc định Cỡ chữ
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.
Ảnh minh họa: Internet

1. Khái lược về Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển, bao gồm các giai đoạn sau: 

1.1. Giai đoạn từ năm 1971 đến năm 2005

Đây là giai đoạn Trường Trung học Văn thư Lưu trữ Trung ương (tổ chức tiền thân của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội hiện nay) được thành lập theo Quyết định số 109/BT ngày 18/12/1971 của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; sau đó đổi tên thành Trường Trung học Lưu trữ và Nghiệp vụ văn phòng I (năm 1996) và Trường Trung học Văn thư Lưu trữ Trung ương I (năm 2003). Giai đoạn này, Trường là đơn vị sự nghiệp của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, có chức năng đào tạo trình độ trung học chuyên nghiệp và các trình độ thấp hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội và các ngành nghề thuộc lĩnh vực văn thư, lưu trữ, hành chính văn phòng và các lĩnh vực có liên quan.

1.2. Giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2011

Ngày 15/6/2005, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 3225/ QĐ-BGD&ĐT-TCCB thành lập Trường Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương I trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Văn thư Lưu trữ Trung ương I. Đến năm 2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2275/QĐ-BGDĐT ngày 21/4/2008 đổi tên Trường Trung học Văn thư Lưu trữ Trung ương I thành Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội. 

Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng và thấp hơn trong lĩnh vực ngành Nội vụ và các ngành nghề khác có liên quan; nghiên cứu khoa học và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong giai đoạn này, cơ sở Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội tại thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 986/QĐ-BNV ngày 30/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với tên gọi ban đầu là Cơ sở Trường Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương I tại thành phố Đà Nẵng, sau đó đổi thành Cơ sở Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội tại miền Trung với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

1.3. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Nội vụ, nền công vụ và của xã hội về nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 14/11/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2016/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội. 

Năm 2012, Văn phòng đại diện Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, sau đó nâng cấp lên Cơ sở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định số 1877/ QĐ-BNV ngày 18/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 

Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 5600/QĐ-BGDĐT ngày 27/12/2018 thành lập Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học cho khu vực vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. 

Cũng trong giai đoạn này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 5989/QĐ-BGDĐT ngày 21/12/2016 thành lập Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hiện nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội có chức năng đào tạo trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế và dịch vụ công phục vụ ngành Nội vụ, nền công vụ và yêu cầu của xã hội.

2. Hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội từ năm 1971 đến nay

2.1. Về ngành đào tạo

Trong giai đoạn từ năm 1971 đến năm 2005, Trường được đào tạo trình độ trung cấp cho 07 ngành học, bao gồm: Hành chính văn phòng; Văn thư Lưu trữ; Văn thư; Thư ký văn phòng; Thư viện; Lưu trữ; Tin học văn phòng.

Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011, Trường được đào tạo trình độ cao đẳng cho 12 ngành, bao gồm: Dịch vụ pháp lý; Quản trị văn phòng; 03 chuyên ngành Hành chính văn thư, Văn thư - Lưu trữ, Hành chính học thuộc ngành Quản trị văn phòng; Khoa học Thư viện; Thư ký văn phòng; Quản trị nhân lực; Quản lý văn hoá; Tin học ứng dụng; Lưu trữ học.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, sau khi được nâng cấp lên đại học (năm 2011), Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã khẩn trương triển khai xây dựng đề án, chương trình đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở ngành đào tạo trình độ đại học. Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã  quyết định cho phép Trường được đào tạo trình độ đại học với 04 ngành học: Quản trị nhân lực; Quản trị văn phòng; Lưu trữ học; Khoa học thư viện (hiện nay là ngành Thông tin thư viện). Hiện nay, Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ cho 04 ngành học: Lưu trữ học; Quản lý công; Chính sách công; Luật hiến pháp và Luật hành chính.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cấp phép cho Trường được đào tạo trình độ đại học với 18 ngành và chuyên ngành, bao gồm: Quản trị nhân lực; Quản trị văn phòng; Lưu trữ học (chuyên ngành Văn thư - Lưu trữ); Thông tin thư viện (chuyên ngành Quản trị thông tin); Quản lý văn hóa (chuyên ngành Quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch); Quản lý nhà nước; Chính trị học (chuyên ngành Chính sách công); Luật (chuyên ngành Thanh tra); Hệ thống thông tin; Văn hóa học (chuyên ngành Văn hóa du lịch, Văn hóa truyền thông); Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Trường được phép đào tạo 04 ngành đại học văn bằng 2, bao gồm: Quản trị nhân lực; Quản trị văn phòng; Khoa học thư viện; Lưu trữ học. 

2.2. Về kết quả đào tạo

Trong giai đoạn từ năm 1971 đến năm 2005: Trường đã đào tạo 10.709  học viên trình độ trung cấp các ngành: Văn thư lưu trữ; Hành chính văn phòng; Văn thư; Thư ký văn phòng; Thư viện; Lưu trữ; Tin học văn phòng. Ngoài ra, Trường còn đào tạo 71 lưu học sinh cho nước bạn Lào.Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011: Trường đã đào tạo 9.476  học viên trình độ cao đẳng các ngành: Văn thư - Lưu trữ; Hành chính học; Lưu trữ học; Quản trị nhân lực; Hành chính văn thư; Dịch vụ pháp lý; Quản trị văn phòng; Khoa học Thư viện; Thư ký văn phòng; Quản lý văn hoá; Tin học ứng dụng.

Trong giai đoạn từ 2012 đến nay: từ năm 2012 đến năm 2019, có 17.901 sinh viên, học viên theo học, trong đó có 17.743 sinh viên đại học và 158 học viên cao học. Trường đã có 04 khóa đại học tốt nghiệp với 5.158 sinh viên,  gồm các ngành Lưu trữ học; Quản trị văn phòng; Khoa học thư viện; Quản trị nhân lực; Quản lý nhà nước; Quản lý văn hóa. Trong đó, tỉ lệ có việc làm sau 01 năm tốt nghiệp từ 88,3% đến 92,5%. Trình độ thạc sĩ có 15 học viên ngành Lưu trữ học đã tốt nghiệp. Ngoài ra, Trường có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của các quốc gia trong khu vực. Đã tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại Trường cho 140 cán bộ là người nước ngoài, trong đó có 76 cán bộ của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 64 cán bộ của Vương quốc Campuchia. 

3. Phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ vào hoạt động đào tạo nhân lực của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2020-2035

Tại Quyết định số 2823/ QĐ-BNV ngày 01/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã đưa ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; có số lượng và cơ cấu hợp lý; có phẩm chất đạo đức tốt, năng động, sáng tạo; đề cao trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành Nội vụ, ngày 27/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 1039/QĐ-BNV phê duyệt Đề án chiến lược phát triển Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đề án đã đưa ra mục tiêu phát triển tổng thể là: Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế; dịch vụ công; phát triển đội ngũ nhà giáo, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của ngành Nội vụ, nền công vụ, của xã hội và hội nhập quốc tế; góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Một là, phát triển chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra.

Để thực hiện nội dung này, Trường sẽ lựa chọn nội dung học tập, xây dựng khung chương trình đào tạo, xác định các học phần trong chương trình đào tạo, thiết kế các đề cương học phần phải dựa trên chuẩn đầu ra.

Trước khi thiết kế khung chương trình đào tạo, cần phải lập danh sách các nội dung học tập theo từng năng lực trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phản ánh các công việc sinh viên phải làm sau khi tốt nghiệp được thể hiện trong hồ sơ nghề nghiệp. 

Các học phần được đề xuất trong chương trình đào tạo tương ứng với nội dung học tập, nhằm hình thành các năng lực cần thiết cho người học đã được xác định trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Một học phần có thể hình thành nhiều năng lực cho người học và ngược lại nhiều học phần mới góp phần hình thành một năng lực nhất định. 

Khi thiết kế đề cương học phần trong chương trình đào tạo: chuẩn đầu ra của học phần bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp mà người học phải đạt được sau khi học xong học phần. Chuẩn đầu ra của học phần phải có mối quan hệ với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; chỉ rõ những đóng góp của học phần vào việc hình thành năng lực trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Hai là, phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực một số lĩnh vực của ngành Nội vụ.

Đối với phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác Tổ chức nhà nước: công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay đặt ra yêu cầu tất yếu khách quan phải xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành Tổ chức nhà nước. Để góp phần xây dựng được đội ngũ công chức, viên chức trong lĩnh vực Tổ chức nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại theo tinh thần cải cách hành chính, cần phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Sản phẩm đào tạo của các ngành Quản lý nhà nước; Quản trị nhân lực; Luật… (có trong danh mục đào tạo cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo) đáp ứng một phần yêu cầu nhân lực của lĩnh vực Tổ chức nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần phát triển chương trình đào tạo các ngành trên.

Chương trình đào tạo của các ngành Quản lý nhà nước; Quản trị nhân lực, Luật… cần cung cấp các kiến thức, kỹ năng tham mưu hoạch định; hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách, thể chế quản lý nhà nước về các lĩnh vực tổ chức, biên chế; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; tiền lương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính; quản lý hội và tổ chức phi chính phủ. Để hình thành các kiến thức, kỹ năng đó cần phát triển chương trình đào tạo ngành Quản lý nhà nước (trình độ đại học); Quản lý công (trình độ thạc sĩ) một số học phần (thuộc khối kiến thức chuyên ngành) về khoa học tổ chức. Phát triển, bổ sung vào chương trình đào tạo ngành Quản trị nhân lực một số học phần (thuộc khối kiến thức chuyên ngành) về quản trị nhân lực công. 

Đối với phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác văn thư, lưu trữ: để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ, đội ngũ công chức trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ vừa phải có kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước vừa phải nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Do vậy, cần phát triển các chương trình đào tạo Lưu trữ học trình độ đại học, sau đại học theo hướng tăng cường những nội dung về quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Đối với đội ngũ viên chức trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ, cần phải đào tạo để họ nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ văn thư, lưu trữ. Trước nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn bản và công tác văn thư, lưu trữ trong thời đại công nghệ điện tử, Trường cần thay đổi nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành văn thư, lưu trữ cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu của xã hội. 

Để trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng trên, chương trình đào tạo ngành lưu trữ học ở các trình độ hiện nay của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cần phải bổ sung, điều chỉnh, đưa vào chương trình giảng dạy những học phần mới liên quan đến công nghệ điện tử, tài liệu điện tử và văn thư, lưu trữ điện tử. 

Đối với phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo: sản phẩm đào tạo của các ngành, chuyên ngành (có trong danh mục đào tạo cấp IV của Bộ Giáo dục và Đào tạo) như Chính trị học; Quản lý nhà nước… đã đáp ứng một phần yêu cầu nhân lực của lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay, cần phát triển, bổ sung vào chương trình đào tạo các ngành trên một số học phần (thuộc khối kiến thức chuyên ngành) cung cấp các kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước về tôn giáo. Ngoài ra, cần bổ sung vào chương trình đào tạo các ngành trên những kiến thức, kỹ năng về giao tiếp với các chức sắc tôn giáo và người có đạo. Bởi vì, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thường phải làm việc, hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân hoạt động tín ngưỡng và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ.

Đối với phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác thi đua, khen thưởng nhà nước: nhân lực làm công tác thi đua, khen thưởng có nhiệm vụ tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân để tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước không ngừng phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng có tâm huyết và phẩm chất, đủ năng lực, trình độ để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức việc hướng dẫn, thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, tạo ra động lực mới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đang là một đòi hỏi cấp bách và lâu dài nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng hiện nay.

Sản phẩm đào tạo của ngành Quản lý nhà nước hiện nay đã đáp ứng một phần yêu cầu nhân lực của lĩnh vực quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, cần phát triển, bổ sung vào chương trình đào tạo ngành Quản lý nhà nước một số học phần quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng với kiến thức, kỹ năng chủ yếu: quản lý chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về thi đua, khen thưởng; quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng; tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua; truyền thông về thi đua, khen thưởng; thẩm định hồ sơ trình khen thưởng…

3.2. Tăng cường kiểm định chương trình đào tạo

Đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội bao gồm đánh giá trong (Trường tự tổ chức đánh giá) và đánh giá ngoài (các tổ chức kiểm định độc lập) thực hiện đánh giá.

Việc đánh giá chương trình đào tạo chất lượng cao tại Trường Đại học Nội vụ Hà Nội bao gồm cả tự đánh giá và đánh giá ngoài. Trường sẽ tự đánh giá chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo(1) sau 01 khóa tốt nghiệp với các tiêu chí đánh giá: mục tiêu và chuẩn đầu ra; bản mô tả chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; đội ngũ nhân viên; người học và hoạt động hỗ trợ người học; cơ sở vật chất và trang thiết bị; nâng cao chất lượng; kết quả đầu ra. 

Hoạt động tự đánh giá chương trình đào tạo theo các bước sau: 1) Thành lập Hội đồng tự đánh giá; 2) Lập kế hoạch tự đánh giá; 3) Thu thập, phân tích và xử lý thông tin, minh chứng; 4) Viết báo cáo tự đánh giá; 5) Lưu trữ và sử dụng báo cáo tự đánh giá; 6) Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.  Sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá, Trường đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động để chương trình đào tạo chất lượng cao được xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.

Trường đã đề ra lộ trình kiểm định chương trình đào tạo từ năm 2021 như sau: năm 2021, kiểm định chương trình đào tạo Quản lý nhà nước; Quản lý văn hóa; Lưu trữ học. Năm 2023, kiểm định chương trình đào tạo Quản trị văn phòng; Quản trị nhân lực; Luật. Năm 2025, kiểm định chương trình đào tạo Hệ thống thông tin; Văn hóa học; Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước; Chính trị học; Thông tin thư viện.

4. Một số phần thưởng cao quý Trường Đại học Nội vụ Hà Nội được nhận

Với truyền thống 49 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và các tổ chức ghi nhận, tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

- Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2011.

- Huân chương Lao động của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: hạng Ba năm 1996, hạng Nhì năm 2001 và hạng Nhất năm 2006.

- Huân chương Tự do hạng Nhất của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 1983.

- Huy chương Hữu nghị của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2007.

- Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào năm 2017.

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Kỷ niệm chương Hùng Vương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú năm 1989.

Với yêu cầu, nhiệm vụ của một trường đại học, đến nay Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả chức năng tổ chức đào tạo trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế và dịch vụ công phục vụ ngành Nội vụ, nền công vụ và yêu cầu của xã hội. Kỷ niệm 75 truyền thống vẻ vang của Bộ Nội vụ, các thế hệ nhà giáo và học viên, sinh viên Trường Đại học Nội vụ Hà Nội sẽ chung sức, đồng lòng cùng hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước tin cậy, giao phó./.

-----------------------------------

Ghi chú:

(1) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

 

PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại - Một con người tận tụy vì dân

Ngày đăng 22/09/2020
Cụ Phan Kế Toại (1892-1973) quê làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình quan lại, cha là Cử nhân Phan Kế Tiến, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Từ nhỏ, cụ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học, sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường Hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp). Năm 1914, trở về nước, cụ Phan Kế Toại được bổ làm Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; rồi lần lượt làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình.