Hà Nội, Ngày 24/04/2024

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại - Một con người tận tụy vì dân

Ngày đăng: 22/09/2020   16:19
Mặc định Cỡ chữ
Cụ Phan Kế Toại (1892-1973) quê làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình quan lại, cha là Cử nhân Phan Kế Tiến, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Từ nhỏ, cụ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học, sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường Hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp). Năm 1914, trở về nước, cụ Phan Kế Toại được bổ làm Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; rồi lần lượt làm Tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình.

Ngày 09/11/1947, trên chiến khu Việt Bắc, “tại phiên họp Hội đồng Chính phủ, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng đã nhất trí cử ông Phan Kế Toại giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay cho cụ Tôn Đức Thắng đi nhận công tác khác”(1). Cuộc đời cụ Phan Kế Toại là cuộc đời tận tụy vì dân kể cả khi làm quan đại thần dưới thời phong kiến Nam triều hay khi là Phó Thủ tướng - Bộ trưởng của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Thương dân, dân lập bàn thờ.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chính quyền thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng chế độ phong kiến Nam triều bị lật đổ, con đường quan lộ của Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại những tưởng… “đứt gánh”. Vậy mà, nhờ chính sách đoàn kết, trọng dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cụ Phan Kế Toại được “thỏa chí tang bồng”. Cụ Phan Kế Toại đã đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ suốt 16 năm (1947-1963), sau đó chuyển giao chức vụ này sang cho Bộ trưởng Ung Văn Khiêm (ngày 30/4/1963). Cụ tiếp tục giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến khi qua đời (năm 1973)(2). Thời gian giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ của cụ Phan Kế Toại là 18 năm (1955-1973).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một năm sau khi được cử phụ trách Bộ Nội vụ, ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 206/SL thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao, theo đó Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao; Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại là ủy viên. Các ủy viên khác của Hội đồng Quốc phòng tối cao là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ); Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Kinh tế); Tạ Quang Bửu (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính). Ngày 02/8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 87/SL bổ sung Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Vì sao cụ Phan Kế Toại - một vị Khâm sai đại thần Bắc Bộ trong Chính phủ Trần Trọng Kim dưới thời phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam, một vị Tổng đốc tỉnh Thái Bình, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên... dưới thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam lại được Chính phủ tín nhiệm giao trọng trách ở một bộ quan trọng như Bộ Nội vụ? Đó là vì, cụ Phan Kế Toại có tài cao và đức trọng cùng tiếng thơm liêm chính an dân khi là vị quan đứng đầu các địa phương nơi cụ từng nhậm chức. 

Nhìn lại những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, theo các tư liệu lịch sử được công bố sau này, chúng ta được biết: Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại đã nhiều lần gửi đơn từ chức lên Hoàng đế Bảo Đại và Tổng trưởng Nội các Trần Trọng Kim nhưng không được phê chuẩn. Đến ngày 17/8/1945, sau nhiều lần xin từ chức không thành, Khâm sai Phan Kế Toại mới nhận được điện từ triều đình Huế “cho phép từ chức”. Trước khi rời Bắc Bộ phủ về nhà riêng ở phố Hàng Bột, 22 giờ đêm hôm ấy, cụ Phan Kế Toại cho gọi các quan chức dưới quyền là quan một bảo an binh Nguyễn Sỹ Là và Chánh quản Lại đến phòng họp. Cụ nghiêm sắc mặt căn dặn: “Tuyệt đối không được nổ súng và mở cửa ngay một khi quân cách mạng tiến công”. Cụ Phan Kế Toại đi khỏi, ông Là, ông Lại cho triệu những người dưới quyền đến để truyền đạt lại mệnh lệnh của Cụ.

Hai ngày hôm sau, vào lúc 09 giờ sáng, quần chúng Thủ đô kéo về Phủ Khâm sai Bắc Bộ (tức Bắc Bộ phủ). Ông Phạm Văn Lược, cai lính bảo an binh, người chứng kiến sự việc quần chúng đánh chiếm Phủ Khâm sai Bắc Bộ đã viết lại: “Hồi chín giờ sáng 19/8/1945, các đoàn thể quần chúng đã kéo đầy đến Bắc Bộ phủ, bên trong xin khất 30 phút nữa thì mở cổng, sau đổi lại khất 10 phút nữa. Được 5 phút có lệnh về thì ra mở cổng” (Ông Phạm Văn Lược đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tặng bằng Có công với nước). Quần chúng cách mạng chiếm Bắc Bộ phủ không phải tốn viên đạn nào, đó là nhờ cụ Phan Kế Toại. Việc làm của cụ Phan Kế Toại được những người lãnh đạo chính quyền mới - chính quyền dân chủ nhân dân - biết đến và ghi nhớ. Đồng thời, sau này các nhân chứng lịch sử còn nói rõ hơn, ngày 13/8/1945, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đã tiếp xúc với đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ là Lê Trọng Nghĩa, gặp chính thức Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ là Nguyễn Khang. Tại những cuộc gặp gỡ này, quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại bày tỏ sẵn lòng hợp tác với Việt Minh và đã hành động theo đúng hoàn cảnh của mình.

Ngày 14/12/2013, trong căn phòng trên gác ba ngôi nhà đầu ngõ 99 phố Lê Hồng Phong (Hà Nội), người mang bí danh Giáo sư Lê Ngọc đã kể một vài kỷ niệm về những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông là Đại tá Lê Trọng Nghĩa (1922-2015), nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Quân báo. Những ngày giữa tháng 8/1945, chàng thanh niên Lê Ngọc đã có cuộc gặp gỡ bí mật đầu tiên với Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại ngay tại dinh Khâm sai vào một buổi sáng giữa giờ làm việc. 

Sau này, chính Khâm sai đại thần Phan Kế Toại cũng đã thu xếp cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng Trần Trọng Kim với Giáo sư Lê Ngọc. Song, đứng trước “một thiếu niên Việt Minh” (chữ dùng của Thủ tướng Trần Trọng Kim), vị Thủ tướng tỏ vẻ không có chút thiện cảm. Sau này, trong hồi ký “Một cơn gió bụi” (Nhà xuất bản Vĩnh Sơn, Sài Gòn, 1969), ông Trần Trọng Kim viết: “Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử”. Câu kết luận ấy, đại tá Lê Trọng Nghĩa nhớ lại, người đứng đầu Nội các nói một cách lạnh lùng, trống không. Hai ngày sau, Thủ tướng Trần Trọng Kim và Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn rời Hà Nội về Huế.

Còn Khâm sai đại thần Phan Kế Toại khi biết tin Liên Xô khai chiến tấn công quân Nhật, đã cấp bách nhiều lần tìm Giáo sư Lê Ngọc để mời Việt Minh tham chính. Thậm chí, ngày 16/8/1945, một cuộc họp chính thức giữa đại biểu Việt Minh, có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Khang - Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội; “Cố vấn” Trần Đình Long và Giáo sư Lê Ngọc, được tổ chức ngay tại dinh Khâm sai. Khâm sai đại thần Phan Kế Toại chính thức mời Việt Minh cộng tác với Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Khang thẳng thắn đề nghị Khâm sai đại thần Phan Kế Toại nên từ chức và giao chính quyền cho Việt Minh. 

Vài năm trước đó, khi Mặt trận Việt Minh tỉnh Thái Bình chuẩn bị xin phép thành lập Chi hội Truyền bá Quốc ngữ tỉnh Thái Bình, Tổng đốc Phan Kế Toại ủng hộ(3). Ban Tổ chức đã mời Đốc học Nguyễn Thúc Quýnh và Tham tá Phạm Phan Côn làm Hội trưởng và Hội phó Chi hội. Theo tư liệu của Đảng bộ tỉnh Thái Bình: “… được chính quyền đương thời cho phép và đỡ đầu các hoạt động truyền bá Quốc ngữ không bị sở mật thám làm khó dễ và việc sử dụng trường học mở các lớp học buổi tối dạy chữ cho người lao động được dễ dàng, thuận lợi. Giữa năm 1944, phong trào truyền bá Quốc ngữ được mở rộng ra các xã ngoại thị như Đoan Túc, Bồ Xuyên, phố An Tập, làng Kỳ Bá, làng Lạc Đạo rồi phát triển đến tận các làng Đồng Thanh, Nhân Thanh, Tri Lai, Phú Lạc, Ô Mễ và xa hơn nữa là Bộ La, Văn Môn, Cọi Khê, Cổ Việt, Thuận Vi, Bách Tính…(4). 

Danh tiếng của Tổng đốc Phan Kế Toại còn được thể hiện rõ nhất vào đầu năm 1945 khi nạn đói mới chớm xuất hiện ở tỉnh Thái Bình. Ngày 27/4/1945, Hoàng đế Bảo Đại ra đạo dụ bổ Tổng đốc Thái Bình Phan Kế Toại làm Khâm sai đại thần Bắc Bộ. Trong dịp nhân dân trong tỉnh chia tay Tổng đốc Phan Kế Toại về Hà Nội, Mặt trận Việt Minh yêu cầu và “ông đã nhất trí bỏ thêm 100 tấn gạo để cứu tế cho nhân dân”(5).

Sinh thời, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã chứng kiến lòng dân nơi cụ Phan Kế Toại làm quan ngày xưa. Một lần về Thái Bình công tác, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận được một lá thư kèm theo hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà Phan Kế Toại do một gia đình nông dân Thái Bình chuyển đến. Nội dung lá thư viết: “Kính thưa ông, tôi bây giờ đã già, không thờ các cụ được bao lâu nữa. Vậy tôi nhờ Thủ tướng chuyển giúp hai tấm chân dung này cho con cháu cụ Phan Kế Toại để làm lưu niệm...”. Cuối lá thư ký tên: Hoàng Văn Khảm, địa chỉ hiện nay số 2, ngõ 279, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. 

Qua nội dung lá thư cho thấy, gia đình này đã thờ hai Cụ từ những năm Tổng đốc Phan Kế Toại làm quan tại Thái Bình. Khi ông Khảm về sinh sống ở Hải Phòng vẫn mang theo để thờ. Đến đầu năm 2000 mới nhờ con cháu ở Thái Bình giữ gìn và chuyển hộ. Có lẽ, nhân dân thấy Thủ tướng họ Phan, họ nghĩ phải chăng là hậu duệ của cụ Phan Kế Toại nên họ mới thực hiện lời dặn dò của ông Khảm. 

Đến tháng 02/2002, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao ảnh đến tận tay họa sĩ Phan Kế An (con trai trưởng cụ Phan Kế Toại) hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà mà gia đình ông Hoàng Văn Khảm đã phụng thờ.

“Thương dân, dân lập đền thờ”. Cụ Phan Kế Toại tuy chưa được lập đền thờ, nhưng người làm quan như Cụ ở địa phương mà được nhân dân tự nguyện thờ trong nhà là xưa nay hiếm. Nhìn lại đất nước ta trong tiến trình lịch sử 75 năm qua, Đảng ta chủ trương đánh đổ chế độ phong kiến mà dân vẫn tự nguyện thờ phụng một vị quan đại thần phong kiến, có thể ước đoán được đức độ cùng sự thanh liêm của cụ Phan Kế Toại ra sao! Đời làm quan mấy ai được như vậy.

Đức dày lưu hậu

Đối với quê hương bản quán thì sao? Cụ Phan Kế Toại sinh năm 1892 nhưng theo gia đình trong giấy tờ hành chính cụ khai tăng  thành 1889. Khi về làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội để tìm dấu tích cụ Phan. Mảnh đất hai vua này với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền - vị vua đánh tan giấc mộng đô hộ Việt Nam cả nghìn năm của các triều đình phong kiến Trung Quốc, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của Việt Nam, được sử gia Ngô Sỹ Liên đánh giá “Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua”(6). Đường Lâm - quê hương của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại, người dân ở làng Đường Lâm kể lại rằng: đất này xưa thường trồng dưa hấu, dưa gang. Nhưng khi kinh tế thế giới khủng hoảng, Chiến tranh thế giới lần thứ II sắp xảy ra, dưa hấu, dưa gang của Đường Lâm bán rẻ như cho. 

Thương dân làng nhưng cụ Phan Kế Toại nghĩ phải tính kế lâu dài chứ không thể chỉ trợ cấp theo thời vụ. Cụ đã bàn với chức dịch trong làng đi đón một người thợ ở vùng Chuông (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông - nay là Hà Nội) về dạy cho dân làng cách làm nón lá, áo tơi lá. Và Từ đường họ Phan trở thành lớp học dạy nghề hàng ngày cho mọi người vào học nghề nhộn nhịp. Khi người dân trong làng đã có tay nghề, cụ Phan đứng ra xin “cô ta” của nhà máy sợi Nam Định về cho dân làng dệt gia công. Từ cảnh đìu hiu đói kém, làng Đường Lâm bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Người dân Đường Lâm tranh nhau để có “bông” (tức thẻ nhận sợi). Nhờ có “bông” là có sợi, có sợi là có hàng, có tiền. Dù hiện nay kinh tế địa phương đã có nhiều thay đổi, người dân làng Mông Phụ đời trước nhắc đời sau phải luôn nhớ ơn cụ Phan Kế Toại từng mang nghề dệt về làng. 

Trong tư liệu gia phả của dòng họ Phan Kế làng Đường Lâm viết: “Làng ta có câu đồng dao rằng: “Cụ Tú thì lắm con trai; Con đỗ Tú tài, cháu đậu Cử nhân; Nhà cụ phúc đức muôn phần…” vẫn còn truyền tụng đến ngày nay”. Cụ Tú ở đây là cụ Phan Công Chấn - người khai khoa cho dòng họ Phan làng Đường Lâm. Hai lần lều chõng đi thi, cụ chỉ đỗ Tú tài vào các khoa Quý Mão (1843) đời Thiệu Trị và Giáp Tý (1864) đời Tự Đức. Con trai là cụ Phan Phong Công cũng chỉ đỗ Tú tài suốt 4 khoa thi vào các năm 1864, 1868, 1870 và 1876. Không đỗ nổi đại khoa, trong họ gọi cụ Phan Phong Công là cụ Tú Đụp. Phải đến đời cháu nội cụ Phan Công Chấn là Phan Kế Tiến mở đầu đỗ đại khoa - Cử nhân cho họ Phan. 

Năm 23 tuổi, tức là năm Kỷ Mão (1879) đời vua Tự Đức, cụ Phan Kế Tiến thi đỗ Cử nhân, đứng thứ 3 trong 40 vị của khoa thi. Năm sau (1880), Cụ vào thi Hội, tuy không đỗ nhưng xét điểm khá cao nên được triều đình Huế bổ làm Tri huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Đường hoan lộ của cụ có những gập ghềnh. Đầu năm 1914, cụ làm Tuần phủ tỉnh Nam Định. Năm sau (1915) làm Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Tháng 3 năm 1916, cụ về trí sĩ. Con trai cụ là Phan Kế Toại nối nghiệp học hành của cha, từng sang Paris học tập, khi trở về nước cũng từng làm Tuần phủ tỉnh Phúc Yên… Trong suốt những năm làm quan dưới thời phong kiến hay dưới chính quyền cách mạng, ở đâu, cụ Phan Kế Toại cũng trọng chữ “liêm chính”, “an dân”, lấy đạo nghĩa nhân làm gốc. 

Noi theo truyền thống gia đình, cụ Phan Kế Toại luôn ghi nhớ lời cha dặn dò trong Tộc phả họ Phan: “Cái thân ta này phủ ngưỡng không đến nỗi thẹn thò, ở trong gia tộc xiết bao lòng hiếu kính, khi ra với nước, với thiên hạ mà tâm hanh hành hữu thưởng, con cháu chúng bay, chẳng cũng vinh hiển ru? Gia môn chẳng cũng cao đại ru? Người trước gây ra, con cháu sau nối đó, chấp nối mãi vào, lần dài ra chẳng bỏ, có đức dày lưu hậu được sáng láng, ơn nước phúc nhà, trường cửu như là trời đất vậy”.

Kiến trúc sư của hệ thống hành chính kháng chiến

Một dịp trò chuyện cùng ông Phan Kế Hoàng, cháu nội cụ Phan Kế Toại, tác giả bài viết có đặt câu hỏi: hành trình của cụ Phan Kế Toại lên Chiến khu Việt Bắc ra sao? Theo một số tư liệu viết lại, đầu năm 1947, cụ Phan Kế Toại nhận được lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Phan Kế Toại lên chiến khu tham gia việc nước. 

Thời điểm đầu năm 1947, tuy chưa biết chính xác là tháng nào, song có thể ước đoán là cuối tháng 4, sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Nam Trung Bộ và từ trần tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi (ngày 21/4/1947). Ba ngày sau, ông Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ gặp tai nạn bất ngờ và qua đời tại tỉnh Tuyên Quang. Trong Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến cho biết, cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 30/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị Bộ trưởng đã tổ chức tưởng niệm Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng và Thứ trưởng Hoàng Hữu Nam “Mọi người đều cảm động trước cái chết đau thương của hai người trong lúc quốc dân đang cần nhân tài để đảm đương việc nước. Cụ Chủ tịch nói với một giọng rất đau đớn như mất một người anh và một người con vậy”(7).

Việc điều hành Bộ Nội vụ sau đó được giao cho cụ Tôn Đức Thắng làm Bộ trưởng và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thứ trưởng. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Nội vụ lúc này cần phải có người am hiểu về công tác hành chính để xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, mặc dù đang trong  thời chiến. Hoạt động hành chính yêu cầu phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong Nhật ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến ghi lại: Ngày 25/7/1947 tại đình Hồng Thái, họp Hội đồng Chính phủ. “Việc quan trọng là cải tổ Chánh phủ mục đích mở rộng cho nhiều người được tham gia, để tránh sự chia rẽ của Pháp và để lấy ảnh hưởng đối với quốc tế. Bộ Nội vụ, anh Tôn Đức Thắng từ chức nhường lại cho một thân sĩ người Nam Bộ”(8). Nhưng rồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Mặt trận Việt Minh nhận thấy cần phải mời được cụ Phan Kế Toại tham gia giúp Chính phủ trong lúc khó khăn này. 

Ông Phan Kế Hoàng cho biết, khi đó cụ Phan Kế Toại đang sống tại nhà một người tá điền của mình ở Thanh Lũng (Sơn Tây). Cụ tản cư về đây từ cuối năm 1946 khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến bắt đầu. Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phan Kế Toại đã mau chóng lên đường. Đường lên Thủ đô gió ngàn ngày ấy thật gian nan. Cụ Phan Kế Toại được ngồi thuyền, được cưỡi ngựa, khi phải đi bộ, khi ngồi xe trâu,... Cuối cùng, quan Khâm sai đại thần năm nào đã an toàn hiện diện tại An toàn khu. Điều thú vị là tại Chiến khu Việt Bắc đã có cuộc hội ngộ trùng phùng của các đại thần nhà Nguyễn năm nào: cụ Bùi Bằng Đoàn - cựu Thượng thư Bộ Hình, cụ Vi Văn Định - cựu Tổng đốc Hà Đông và cụ Phan Kế Toại… 

Cụ Phan Kế Toại đã tuyên thệ nhậm chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Hội đồng Chính phủ chiều ngày 03/11/1947. Để cụ Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ công tác và làm việc được thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Chứng minh thư với nội dung như sau:

“Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Chứng nhận cụ: Phan Kế Toại

Tuổi: 60 - Hiện giữ chức: Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các cấp bộ kháng chiến hành chính và quân sự có nhiệm vụ bảo vệ và giúp đỡ cụ Toại về mọi phương diện”.

Ngày 10 tháng 2 năm 1948

Chủ tịch Chính phủ: Hồ Chí Minh”

Bằng kinh nghiệm quản lý hành chính của mình, cụ Phan Kế Toại đã tư vấn cho Chủ tịch Chính phủ nhiều văn bản quản lý hành chính nhà nước và hoàn thiện dần hệ thống bộ máy hành chính hoạt động thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong thời kỳ kháng chiến. Xin nêu một vài ví dụ: 

Ngày 06/4/1949, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký Tờ trình bổ khuyết Điều 5 Sắc lệnh số 254-SL ngày 19/11/1948 tổ chức chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến(9). Điều này quy định: “Các cuộc bầu cử vào Hội đồng nhân dân tỉnh đều tạm hoãn cho đến khi có lệnh mới”. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Nội vụ nhận được nhiều đề nghị của các khu xin cho được bầu lại Hội đồng nhân dân tỉnh ở nơi có điều kiện để tổ chức việc bầu cử này. Sở dĩ có nhiều đề nghị cho bầu lại Hội đồng nhân dân tỉnh như vậy, có lẽ phần lớn vì tình hình chiến sự đã thay đổi nhiều và hiện nay rất nhiều tỉnh có điều kiện để tổ chức bầu cử lại toàn thể Hội đồng nhân dân hàng tỉnh. 

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại đã đề nghị Chủ tịch Chính phủ cho phép bầu lại Hội đồng nhân dân tỉnh ở những nơi có điều kiện thuận tiện; cách làm này vừa phù hợp với long dân, vừa đúng với chủ trương của Chính phủ từ trước đến nay. Và ngày 25/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh: “Nay thêm vào cuối Điều 5 Sắc lệnh số 254-SL ngày 19/11/1948 nói trên một đoạn như sau này: “Tuy nhiên, khi xét có điều kiện thuận tiện, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thể theo đề nghị của Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu cho phép bầu lại toàn thể Hội đồng nhân dân tỉnh”(10)… 

Đến ngày 22/11/1949, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại lại có Tờ trình về việc cần giữ quyền bãi miễn của Hội đồng nhân dân xã và tỉnh đối với Ủy ban hành chính. Cụ thể, Tờ trình nêu:

“Điều 9 Sắc lệnh số 254-SL ngày 19/11/1948 tổ chức chính quyền nhân dân địa phương trong thời kỳ kháng chiến định rằng: 

“Quyền bãi miễn của Hội đồng nhân dân xã và tỉnh đối với Ủy ban hành chính trong Điều 18 và 48 Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 không áp dụng đối với Ủy ban kháng chiến hành chính”. 

Nhưng qua báo cáo của các địa phương cũng như trong hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc vừa qua, Bộ tôi nhận thấy cần giữ quyền bãi miễn ấy. 

Vậy Bộ tôi trân trọng đề nghị sửa đổi lại Điều 9 Sắc lệnh số 254-SL ngày 19/11/1948 để Hội đồng nhân dân tỉnh và xã được sử dụng quyền bãi miễn như đã ấn định trong Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945, như vậy vừa hợp với dân nguyện, vừa đúng với tinh thần dân chủ”(11). 

Ba ngày sau, ngày 25/11/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh, trong đó Điều 5 quy định:

“Chỉ khi nào có mặt quá nửa số hội viên (kể cả số hội viên được chỉ định) thì Hội đồng nhân dân thị xã hay thành phố mới có thể thảo luận và biểu quyết được. 

Nếu lần họp đầu không có mặt quá nửa số hội viên thì phải triệu tập lần thứ hai. 

Trong kỳ họp lần thứ hai này chỉ khi nào có mặt ít nhất là 1/3 số hội viên thì Hội đồng nhân dân thị xã hay thành phố mới có thể thảo luận và biểu quyết được. 

Nếu lần thứ hai không có mặt ít nhất là 1/3 số hội viên thì: 

Đối với Hội đồng nhân dân thị xã, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh phải trình lên Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu; 

Đối với Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu phải trình lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ; 

Đối với Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội phải trình lên Bộ Nội vụ”(12). 

Ngày 15/9/1950, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký Tờ trình đề nghị: 

“Để tỏ rõ sự thực hiện chế độ dân chủ nhân dân ngay trong thời kỳ kháng chiến, Sắc lệnh số 80-SL ngày 22/5/1950 đã cho phép bầu lại các Hội đồng nhân dân xã, tỉnh, theo thường lệ, định trong Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945.

Cũng theo chủ trương trên, Bộ chúng tôi nhận thấy đã đến lúc có thể cho tiếp tục cuộc bầu cử ủy viên vào các Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, xã, theo thể lệ nói trên. 

Bộ chúng tôi lại nhận thấy hiện nay các Liên khu và một số tỉnh địa thế rộng, hoặc vị trí quan trọng, công việc nhiều mà số ủy viên tối đa chỉ có 7 người, không đủ để phụ trách các công việc và đi kiểm tra theo dõi các cấp dưới. Lại có những tỉnh nhiều dân tộc mà các đại biểu này phần nhiều năng lực kém cần phải tăng số ủy viên để làm việc. 

Vì vậy, Bộ chúng tôi trân trọng đề nghị: 

1) Từ nay các ủy viên các cấp Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, xã đều phải bầu theo thường lệ ấn định trong Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945, trừ ủy viên quân sự vẫn chỉ định theo thể lệ ấn định trong Sắc lệnh số 254-SL ngày 19/11/1948. 

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, chưa tổ chức được cuộc bầu cử hoặc khi một Ủy ban kháng chiến hành chính xã, tỉnh khuyết ủy viên, Hội đồng nhân dân cấp tương đương không chọn được người có chân trong Hội đồng để thay thế, thì cho phép tạm chỉ định hoặc cho người ngoài Hội đồng nhân dân ứng cử. 

2) Tăng số ủy viên tối đa tại Ủy ban kháng chiến hành chính các Liên khu và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tại những tỉnh quan trọng hay có nhiều dân tộc lên 9 người, kể cả ủy viên quân sự”(13). 

Một vài ví dụ nêu trên cho thấy tính thời sự trong việc xây dựng hệ thống hành chính pháp lý thời kỳ kháng chiến luôn được người đứng đầu Bộ Nội vụ là cụ Phan Kế Toại quan tâm sát sao. Điều này càng thể hiện rõ qua đánh giá trong Lời điếu văn Lễ tang cụ Phan Kế Toại ngày 28/6/1973: “gần 30 năm đi với cách mạng, phục vụ nhân dân, cụ Phan Kế Toại đã nêu tấm gương về lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm theo cách mạng, tinh thần làm việc tận tụy…”./.

-----------------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Biên niên lịch sử Bộ Nội vụ (1945-2005), Nxb Đại học Sư phạm, H.2007, tr.70. 

(2) Lịch sử Chính phủ Việt Nam, tập 2, 1955-1976, Nxb CTQG, H.2008, tr.19.

(3),(4),(5) Lịch sử Đảng bộ thị xã Thái Bình (1927-2000), Nxb CTQG, H.2004, tr.101, tr.103, tr.107.

(6) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, H.2004, tr.206. 

(7), (8) Lê Văn Hiến, Nhật ký của một Bộ trưởng, tập 1, Nxb Đà Nẵng, 2004, tr.140; tr.221. 

(9), (10), (11), (12), (13) Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nxb CTQG, H.1996.

 

Nhà báo Kiều Mai Sơn, Báo Nông nghiệp Việt Nam

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.