Hà Nội, Ngày 11/05/2024

Bộ Nội vụ với việc thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo

Ngày đăng: 15/09/2020   13:43
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng bộ đa ngành, đa lĩnh vực, ngày 08/8/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc chuyển giao Ban Tôn giáo Chính phủ vào Bộ Nội vụ. Từ thời điểm đó, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ. Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ đã khẳng định Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực, trong đó có công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Tiếp đó, Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định: Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về tôn giáo.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua Bộ Nội vụ đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

1. Khái quát tình hình tôn giáo ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo, theo ước tính có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Tính đến tháng 6/2020 có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Trong đó, các tôn giáo nội sinh như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Tứ Ân hiếu nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hội thánh Minh Lý đạo Tam Tông miếu, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn; và các tôn giáo có nguồn gốc ngoại sinh như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, đạo Bà La Môn, Baha’i, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kitô… Tổng số tín đồ hiện nay khoảng 26,5 triệu người, chiếm 27% dân số; trên 57 nghìn chức sắc; trên 147 nghìn chức việc; hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hệ phái, các hiện tượng tôn giáo mới chưa được cấp phép đăng ký hoạt động.

Nhìn chung, các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ, xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đang có những biến đổi sâu sắc, các tôn giáo đều tăng về số lượng và quy mô hoạt động cả trong nước và quốc tế. Đại bộ phận chức sắc, tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ủng hộ sự nghiệp đổi mới, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

2. Bộ Nội vụ với việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác tôn giáo

2.1. Chỉ đạo công tác xây dựng chính sách, pháp luật và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Thể chế hóa các chính sách về tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp năm 2013, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: chỉ đạo xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng. 

Chỉ đạo công tác sơ kết thực hiện chính sách pháp luật và các văn bản của Ban Bí thư, Bộ Chính trị về công tác đối với các tôn giáo, các vấn đề liên quan đến một số tôn giáo cụ thể. Chỉ đạo xây dựng báo cáo đánh giá chuyên đề “Đánh giá việc thực hiện chính sách tôn giáo giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025” phục vụ công tác xây dựng báo cáo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Công tác thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tôn giáo đã tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, khắc phục những bất cập của các văn bản để phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở nước ta hiện nay. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo từ trước đến nay, điều chỉnh trực tiếp các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là một trong những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được ban hành cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 -  quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. 

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng đã tiệm cận với các văn bản quốc tế về quyền con người, qua đó khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; là cơ sở để phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu tìm cách vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ nhân quyền, tôn giáo. 

2.2. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được lãnh đạo Bộ Nội vụ quan tâm, giao nhiệm vụ và chỉ đạo thường xuyên, tạo những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, đồng bào có đạo; củng cố niềm tin của chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước ta. Năm 2018, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nên toàn ngành đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và Giáo hội các tôn giáo để tuyên truyền thực hiện. Trong 02 năm (2017-2018), Bộ Nội vụ đã tổ chức 98 hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, cập nhật thông tin về tình hình tôn giáo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho khoảng 18.256 lượt người, trong đó có 54 hội nghị cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo với 8.811 người; 44 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo với 9.445 người; đồng thời tham gia báo cáo tại nhiều hội nghị phổ biến pháp luật về tôn giáo của các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức.

Năm 2019, đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 1.862 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp; tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 4.588 đại biểu là chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo; cấp phát 6.450 bộ tài liệu giới thiệu về Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP(1). 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Tạp chí Công tác tôn giáo, Trang thông tin điện tử của Ban; các tạp chí, Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ; qua các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; qua các hội thảo, tọa đàm; gặp gỡ, tiếp xúc chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo; các đoàn ra, đoàn vào trong công tác đối ngoại tôn giáo, để thông tin và định hướng cho tổ chức, cá nhân, dư luận hiểu đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện pháp luật cho cán bộ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, mà còn góp phần làm tốt công tác thông tin đối ngoại về tôn giáo, giúp cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài hiểu rõ hơn về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam, góp phần đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo. 

2.3. Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tôn giáo

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được lãnh đạo Bộ Nội vụ quan tâm, chỉ đạo kịp thời, phân công, phân cấp cho Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật. Các hoạt động tôn giáo cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật, tạo sự tin tưởng của cá nhân, tổ chức tôn giáo vào chủ trương, chính sách tôn giáo và công cuộc đổi mới đất nước, cụ thể là:

- Công tác tham mưu, phối hợp trong các hoạt động tôn giáo lớn: tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp với các bộ, ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo lớn, mang tính quốc tế như: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc (năm 2014 và năm 2019), Năm Thánh Giáo hội (2010), Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X (năm 2012), các kỳ Đại hội hành hương La Vang (Quảng Trị); Đại lễ Kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền đến Việt Nam (năm 2011), 500 năm cải chánh Tin lành; Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm Giáng sinh Giáo chủ Baha’u’llah của tôn giáo Baha’i… thu hút không chỉ chức sắc, nhà tu hành trong và ngoài nước mà còn các học giả, chính khách các nước tham gia, được dư luận trong và ngoài nước quan tâm.

Việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tổ chức thành công các sự kiện tôn giáo quốc tế không chỉ khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tự do tôn giáo, quan tâm đến sinh hoạt tôn giáo của người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam đủ tiềm lực để đăng cai các sự kiện quốc tế, khẳng định môi trường an ninh tốt, môi trường văn hóa - tâm linh lành mạnh và điểm đến hấp dẫn cả trong đầu tư và du lịch tâm linh. 

- Đối với việc công nhận tổ chức tôn giáo: từ năm 2010 đến nay, Bộ Nội vụ đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 10 tổ chức và 01 ban đại điện tôn giáo, nâng số tổ chức tôn giáo lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo hướng dẫn tín đồ tu tập và thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với việc chấp thuận tổ chức và đăng ký hoạt động là công tác chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo thành lập trường, mở lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo có đủ nhân sự quản lý và tổ chức các hoạt động tôn giáo. Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 57.409 chức sắc, 147.028 chức việc(2), đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tôn giáo của tín đồ. Các tổ chức tôn giáo đã tổ chức thành công các đại hội nhiệm kỳ và lựa chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội. 

- Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo: Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ đã được chấp thuận. Tập trung làm tốt công tác hướng dẫn Ban Tôn giáo các địa phương và các tổ chức tôn giáo triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động: hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ, tổ chức các lễ, hội, hoạt động quan hệ quốc tế của tôn giáo. 

Tích cực, chủ động phối hợp có hiệu quả với các cơ quan có liên quan và địa phương tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, sửa chữa cơ sở tôn giáo. Phối hợp với các cơ quan liên quan và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức định kỳ các cuộc giao ban công tác theo cụm, theo miền nhằm thống nhất, đánh giá tình hình, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

-  Đối với hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo: hoạt động đối ngoại tôn giáo là một trong những hoạt động quan trọng và thường xuyên của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Các hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo diễn ra ở nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, hội nghị, hội thảo đến việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như vấn đề truyền giáo… số lượng các đoàn ra nước ngoài và các đoàn nước ngoài đến Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo luôn tăng và được đảm bảo theo quy định. Trong năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã giải quyết 38 đoàn ra nước ngoài với số lượng là 170 người; chấp thuận cho 77 đoàn nước ngoài vào hoạt động tôn giáo tại Việt Nam với số lượng là 467 người; tiếp đón và làm việc với 21 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tôn giáo và chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam. 

Hoạt động đối ngoại của các tổ chức tôn giáo vừa đáp ứng nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo nâng cao vai trò, vị thế trong hoạt động quốc tế, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức nước ngoài hiểu biết hơn về đất nước, con người và công tác tuyên truyền đối ngoại của Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ, công tác đối ngoại của Ban Tôn giáo Chính phủ trong lĩnh vực tôn giáo đã góp phần quan trọng trong công tác tôn giáo và công tác nhân quyền. Ban Tôn giáo Chính phủ đã tăng cường tiếp xúc với các đoàn khách quốc tế, đại sứ quán các nước đến tìm hiểu về tình hình tôn giáo, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Duy trì quan hệ đối thoại với Mỹ, một số nước phương Tây, khối Ả rập về công tác với Hồi giáo phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy quan hệ hợp tác với Lào và Campuchia trong lĩnh vực tôn giáo. Duy trì và phát triển quan hệ Việt Nam - Tòa thánh Vatican thông qua các chuyến thăm và làm việc đã trực tiếp tác động tích cực đến nhận thức và hoạt động của Tòa thánh Vatican đối với tình hình Công giáo ở Việt Nam.

- Công tác vận động, tranh thủ chức sắc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp vào công tác xã hội:

Thông qua công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đã vận động các cá nhân, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào cuộc vận động thi đua yêu nước ở địa phương, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp góp phần giảm tải gánh nặng cho đất nước, cụ thể:

Một là, trong lĩnh vực giáo dục: cả nước có 270 trường mầm non, khoảng 1.000 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, thu hút khoảng 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc (công lập và ngoài công lập), góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Các tổ chức tôn giáo đã thành lập 12 cơ sở dạy nghề trong cả nước, đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngắn hạn cho 2.000 người(3). 

Hai là, trong lĩnh vực y tế: với tinh thần bác ái, các tôn giáo thể hiện rõ ảnh hưởng thông qua việc khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, mở phòng khám từ thiện, xây dựng hệ thống các xe cứu thương chuyên chở người bệnh. Nâng cao nhận thức cho tín đồ biết tổ chức cuộc sống hợp vệ sinh, phòng tránh bệnh tật. Nhiều tổ chức tôn giáo đã phối hợp tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo: đã khám, chữa bệnh cho hơn 177 triệu lượt người, phát thuốc miễn phí hoặc bán giá rẻ 305.719.943 thang thuốc cho bệnh nhân. 

Cả nước hiện có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo (đã có giấy phép) đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số 2.600 nhân viên, bình quân 01 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo chăm sóc, nuôi dưỡng 104 đối tượng bảo trợ xã hội. Trong cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, “Phòng, chống đại dịch Covid-19” các tôn giáo đã rất tích cực tham gia với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo tham gia thành viên của các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò nòng cốt của họ trong tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia đóng góp tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đảm bảo môi trường xã hội lành mạnh trong vùng đồng bào có đạo, ngăn chặn việc lợi dụng, kích động tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực xấu.

- Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, lãnh đạo Bộ Nội vụ luôn quan tâm chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo. Hàng năm, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các địa phương trọng điểm và xử lý, giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc liên quan. Cùng với đó là việc thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công mức độ 4 và chế độ một cửa tiếp công dân và giải quyết đơn thư của các tổ chức, cá nhân tôn giáo luôn được quan tâm. 

Năm 2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Nội vụ tổ chức 05 cuộc thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo. Hướng dẫn địa phương triển khai kế hoạch kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Với các vụ việc phức tạp các cơ quan chức năng đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại với chức sắc, chức việc tôn giáo giải quyết, từng bước ổn định tình hình, các vụ việc sau khi được giải quyết đều nhận được sự đồng tình từ chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo.

Việc thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ thể hiện quyết tâm đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; mà còn hạn chế tối đa sự lạm quyền, sai quyền dẫn đến vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân và tổ chức có liên quan, giải tỏa những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về tôn giáo, tạo đồng thuận trong xã hội và đoàn kết dân tộc, tôn giáo.

- Công tác phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương giải quyết các vấn đề phức tạp trong tôn giáo:

Công tác tôn giáo được xác định là trách nhiệm của hệ thống chính trị, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Nội vụ luôn duy trì và thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các bộ, ngành Trung ương như: Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), Bộ Ngoại giao, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường... và các địa phương liên quan chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, thống nhất biện pháp giải quyết trong các vụ việc phức tạp như: ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung, khiếu kiện đất đai, xây dựng cơ sở tôn giáo trái pháp luật; hoạt động tôn giáo lệch chuẩn, trục lợi, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, qua đó góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thời gian qua đã đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đưa các hoạt động tôn giáo vào quản lý theo pháp luật, giữ vững ổn định tình hình tôn giáo, tạo lập mối quan hệ gắn bó giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo, tạo sự hiểu biết, tin tưởng giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách xã hội. Tạo lập uy tín đối với quốc tế của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc của các thế lực xấu./.

------------------------------------------------

Ghi chú:

(1), (2) Ban Tôn giáo Chính phủ (2019), Báo cáo tổng kết tình hình, công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. 

(3) Ban Chấp hành Trung ương (2018), Đề án “Về tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”.

 

TS VŨ CHIẾN THẮNG - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.