Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Thiết chế tổ chức, quản lý ở làng, xã đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XIX và những bài học kinh nghiệm

Ngày đăng: 06/07/2017   15:02
Mặc định Cỡ chữ

Làng xã Việt Nam có vai trò trọng yếu trong lịch sử dân tộc. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, làng xã quyết định đến sự tồn tại hay suy vong của quốc gia, sự thành công hay thất bại của các vương triều. Hiện nay, để xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể không xuất phát từ nền tảng cơ sở của xã hội, đó chính là làng xã. Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa làng với nước, giữa truyền thống tự trị, tự quản làng xã với chính sách quản lý của nhà nước để xây dựng nông thôn Việt Nam mới trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một yêu cầu bức thiết. Muốn vậy, cần có những hiểu biết sâu sắc hơn về làng xã cổ truyền. Bài viết mong muốn làm sáng tỏ những đặc trưng trong cách thức tổ chức, quản lý làng xã truyền thống, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm góp phần phát huy các giá trị tích cực, giảm thiểu các mặt tiêu cực trong quản lý làng xã cổ truyền, phục vụ cho yêu cầu xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam bước vào thế kỷ XIX sau mấy thập kỷ biến động dữ dội, vương triều Nguyễn thiết lập được chính quyền thống nhất nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, liên quan đến sự sống còn của vương triều. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một lãnh thổ trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau được xác lập. Nhà Nguyễn là vương triều đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thực hiện quyền quản lý đất nước trên một phạm vi lãnh thổ rộng lớn và trải dài theo chiều Bắc Nam. Quản lý một đất nước rộng lớn trong điều kiện giao thông kém phát triển, thông tin liên lạc lạc hậu, lòng dân, lòng sĩ phu Bắc Hà không yên, một nền hành chính còn nhiều khác biệt sau hàng thế kỷ đầy biến động…  là những khó khăn và thách thức đặt ra cho nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX. Để xác lập lại trạng thái bình ổn về chính trị, xã hội, nhà nước triều Nguyễn đã cố gắng thực hiện hàng loạt các biện pháp, đặc biệt nhấn mạnh đến việc quản lý làng xã bởi “Nước là họp các làng mà thành. Từ làng mà đến nước, dạy dân nên tục, vương chính lấy làng làm trước”(1).

Tuy nhiên, thực trạng nông thôn Việt Nam khi bước vào thế kỷ XIX đã không còn thuần nhất. Trên phương diện kinh tế, chế độ tư hữu đã bao trùm, sở hữu địa chủ chi phối các quan hệ ruộng đất và các quan hệ xã hội ở nông thôn. Cuốn sách Sĩ hoạn tụ trị lục của Nguyễn Công Tiệp cho biết: vào đầu thế kỷ XIX, tổng diện tích ruộng đất công tư của cả nước là 3.396.584 mẫu, trong đó ruộng tư chiếm 83% (2.816.221 mẫu), ruộng công các loại chiếm 17% (580.363 mẫu)(2). Về mặt xã hội, nạn dân lưu tán lưu động phát triển làm cho tình hình dân cư không ổn định. Vùng Đàng Ngoài, năm 1730 có 527 làng phiêu tán, năm 1741 lên tới 3.691 làng (chiếm khoảng 30%) số làng xã trong vùng. Đến cuối thế kỷ XVIII, riêng các trấn đồng bằng và vùng Thanh - Nghệ vẫn còn 1.488 làng phiêu tán(3). Mô hình làng xã truyền thống được xác lập dưới thời kỳ của Lê Thánh Tông đang dần giải thể, đời sống làng xã bị xáo trộn, biến động mạnh. Thế kỷ XVII - XVIII, làng xã thực sự đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, trở thành căn cứ của hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ trong nhiều thập kỷ. Tình hình đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải tổ chức và ổn định lại trật tự làng xã.

1. Thiết chế tổ chức, quản lý ở làng xã đồng bằng Bắc Bộ thế kỉ XIX (1802-1884)

Các triều vua Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Tự Đức trong thời kỳ độc lập, tự chủ (1802-1884) đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý khác nhau nhằm thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cấp chính quyền cơ sở, trong đó cuộc cải cách hành chính dưới thời Minh Mạng (1820-1840) được thực hiện khá toàn diện ở cấp xã nhằm vào ba nội dung chính: ruộng đất, dân đinh và bản thân tổ chức làng xã - các cơ chế kết hợp cộng đồng và vận hành của nó.

Thứ nhất, tiến hành kiện toàn bộ máy quản lý hành chính nhà nước ở cấp cơ sở. Nhà Nguyễn chính thức thừa nhận sự tồn tại của hai thiết chế: thiết chế quan phương (hội đồng chức dịch), thiết chế phi quan phương (hội đồng kỳ mục) trong bộ máy quản lý làng, xã trong đó, hội đồng kỳ mục là cơ quan quyết nghị ở làng, xã, còn hội đồng lý dịch là cơ quan chấp hành và mang tính đại diện. Với cơ quan lý dịch, khác với thời Lê sơ, triều Nguyễn có xu hướng nhất nguyên hóa khi quy định chỉ có một người đứng đầu cấp xã là lý trưởng chứ không phải là nhiều xã trưởng như trước đây, quy định rõ tiêu chuẩn chọn đặt(4), chức năng, nhiệm vụ và cách thức khảo công lý trưởng. Nhà Nguyễn còn đặt thêm cấp tổng là một cấp chính quyền liên xã do cai tổng đứng đầu để kiểm soát sâu sát với cấp xã. Các biện pháp này rõ ràng là một thay đổi đáng kể so với thế kỷ XVIII trước đó(5).

Thứ hai, chính quyền trung ương tăng cường việc kiểm soát hoạt động của bộ máy quản lý xã thôn, chủ yếu là hạn chế tình trạng ẩn lậu dân đinh và ruộng đất, quản lý chặt chẽ hơn ruộng đất qua việc lập địa bạ và ban hành chính sách quân điền. Năm 1805, vua Gia Long ra lệnh làm sổ địa bạ trên toàn quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, lúc đó mới chỉ thực hiện được trên địa bàn Bắc kỳ. Năm 1832 vua Minh Mệnh xuống chiếu cho các địa phương từ Ninh Bình trở vào đến Nam Trung kỳ lập sổ địa bạ. Năm 1836 quyết định tổng kiểm tra ruộng đất ở Nam kỳ, quy đổi các đơn vị tính diện tích thành mẫu và lập sổ địa bạ các làng xã.

Thứ ba, nhà nước thực hiện thường xuyên hơn các cuộc điều tra dân đinh - dân số, khắc phục dần nạn xiêu tán. Vua Gia Long nhấn mạnh "… việc sửa nước, trị dân trước hết phải định rõ hộ chính"(6). Tháng 3/1807 nhà vua xuống chiếu cho năm nội trấn Bắc Thành và phủ, huyện… đều phải chiếu từ chức sắc đến quan dân cho chí những dân gia cư, ngụ cư, hết thảy đều ghi vào sổ"(7). Công tác duyệt tuyển dân số được tiến hành thường xuyên. Năm 1822 duyệt tuyển ở Bắc Thành; năm 1824 duyệt tuyển ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi; năm 1828 duyệt tuyển từ Bình Định đến Bình Thuận… Năm 1841 lập sổ đinh ở vùng núi phía Bắc, duyệt tuyển ở các tỉnh đồng bằng. Nhà nước quy định cho địa phương lấy 5 năm làm thời hạn duyệt tuyển, sửa đổi sổ hộ khẩu một lần.

Thứ tư, nhà nước can thiệp vào các phong tục tập quán làng xã nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội và tăng cường hiệu lực của pháp luật nhà nước. Đến đầu thế kỷ XIX các làng xã, nhất là trên địa bàn Bắc Bộ đã phát sinh nhiều tục lệ hết sức phức tạp, phiền hà. Nhà Nguyễn nhận thức được vấn đề này: "Gần đây giáo dục trễ nải, chính sự suy đồi, làng không tục hay, noi theo đã lâu, đắm chìm quá đỗi. Phàm tiết ăn uống, lễ cưới xin, việc ma chay và thờ thần thờ phật, nhiều việc quá trớn lấn lễ, bọn hào mục nhân đó mà đục khoét, người cùng dân đến nỗi xiêu giạt, thực là bởi cớ ấy"(8). Để khắc phục tình hình trên, năm 1804 vua Gia Long định lại điều lệ hương đảng cho xã dân. Quy định cụ thể như sau: Về tiết ăn uống - "Gần đây có kẻ mượn cớ việc làng họp nhau chè chén, tiêu phí một bữa ít là 3, 4 quan, nhiều hơn là 10 quan, nếu đóng góp chưa kịp thì bắt xã trưởng, thôn trưởng vay nợ cầm áo mà ứng biện, để đến kỳ thu thuế thì vượt lệ bội thu mà bù vào phí trước, trên thì quy oán cho quy ty, dưới thì bóc lột của dân nghèo". Nhà nước quy định chỉ những việc quan trọng thì mới tổ chức họp bàn và dùng trầu cau làm lễ, cấm dùng rượu thịt. Ngay việc dùng chiêng trống làm hiệu lệnh để họp làng cũng cấm - vì cho đó sẽ làm hỗn loạn hương thôn - chỉ dùng mõ. Về lễ vui mừng, trước đây khi có người dự trúng khoa trường hay được ban sắc mệnh thì người làng vin vào tục lệ đòi thết đãi, ăn uống linh đình, từ đó theo nhau dần dần đến khuynh gia bại sản chỉ vì trả nợ miệng. Từ nay, các lệ vui mừng, việc lớn thì dùng xôi gà hoặc nộp thay bằng 1 quan 6 tiền. Về việc giá thú, quy định phải tuỳ theo thực lực kinh tế của từng nhà mà tổ chức lễ cưới to hay nhỏ, không được theo nhau đến nỗi phải viết văn khế cầm cố ruộng. Đối với tiền cheo làng, hương trưởng căn cứ vào người giàu người nghèo mà thu với mức độ khác nhau (người giàu 1,2 quan tiền, người vừa 0,6 quan và người nghèo 0,3 quan). Về việc tang lễ - "Gần đây dân làng có người đặt ra khoản lệ quá nặng, nhà người có tang ăn uống kể đến mấy lần, cỗ bàn phải có nhiều món, danh là báo hiếu, thực là nợ miệng, noi nhau thành thói, người giàu thì lấn lễ vượt phận để được phô vẽ với người ta, người nghèo thì vay nợ đỡ mình đến nỗi thất sở, việc tang tế thương nhau lại như thế sao?". Vì thế nhà nước quy định từ nay, dân làng có tang thì làng xóm giúp nhau theo tinh thần "một nhà có việc trăm nhà bận", đừng bắt "một người chết mà trăm người bận". Kẻ giàu thì giúp của, kẻ nghèo thì giúp sức, kẻ biết lễ thì trông đỡ việc tang. Trong việc tế tang điếu phúng, kẻ giàu nên chừng mực không quá xa hoa, kẻ nghèo tuỳ lực không gắng theo tục. Chuyện ăn uống cỗ bàn cũng như thế, không được vin lệ đòi hỏi(9).

Tham vọng của triều đình là muốn dùng luật pháp của mình thông qua các cấp hành chính trung gian và các đại diện ở làng xã để chi phối mọi mặt đời sống xã thôn. Mặt khác, nhà nước cũng chủ trương lợi dụng thiết chế quản lý tự trị để kiểm soát hoạt động của bộ máy chức dịch làng xã. “Thực ra không phải nhà Nguyễn không ý thức được tính hai mặt của bộ phận quản lý này nhưng vẫn duy trì nó vì, thứ nhất - nhà nước sử dụng nó để làm thế đối trọng với bộ máy hành chính và, thứ hai - thông qua nó, kẻ đang nắm một vũ khí lợi hại là lệ làng, để chi phối toàn diện tập quán trên thực tế là để điều chỉnh lệ làng nhằm loại bỏ những nội dung có khả năng tổn hại đến luật nước. Một cơ chế quản lý kép: hành chính và tự trị, pháp luật nhà nước và lệ làng được hình thành. Nhà nước chủ trương nắm chắc cả hai bộ phận trên”(10).

Tuy nhiên, hoạt động trên thực tế của mô hình quản lý đó không như mong muốn của nhà nước. Thực trạng làng xã thế kỷ XIX chứng tỏ khả năng kiểm soát nông thôn của nhà Nguyễn rất hạn chế. Tình trạng ẩn lậu đinh điền không được giải quyết, hiện tượng dân xiêu tán không được khắc phục, làng xã ngày càng trở nên phức tạp, tha hoá sâu sắc và sự lộng hành của tầng lớp địa chủ cường hào ngày càng tăng.

Sách Đại Nam thực lục thời Nguyễn đã 79 lần nhắc đến nạn cường hào, đặc biệt ở Bắc kỳ với 60/79 lần (con số này bao gồm những trường hợp của riêng khu vực Bắc kỳ và những trường hợp nói chung về nạn cường hào trong cả nước) chiếm 76%. Đại Nam thực lục chép: “Bắc Thành từ cuối đời Lê tới đây, quyền cương đảo lộn, chính sự trễ tràng, bọn hào hữu vũ đoán trong làng xóm, dân phong ngày thêm điêu bạc, kiện tụng rối bời, trộm cướp tứ tung”(11).

Lĩnh dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ sau khi khảo sát thực trạng nông thôn Bắc Bộ đã đưa ra đánh giá về tác hại của nạn cường hào như sau: “Từ trước đến nay, những người bàn việc đều đổ lỗi cho quan lại, mà không biết phần nhiều là tại hào cường. Cái hại quan lại là 1, 2 phần 10, cái hại hào cường đến 8, 9 phần 10, bởi vì quan lại chẳng qua là kiếm lợi nhỏ ở giấy tờ, đòi tiền ngoài lệ ở thuế khoá, cái hại gần và nhỏ, việc đã phát lộ, thì giáng cách ngay, rồi cũng biết hối. Còn cái hại hào cường, nó làm con người ta thành mồ côi, vợ người ta thành goá bụa, giết cả tính mạng của người ta, hết cả gia tài của người ta, mà việc không lộ, cho nên cứ công nhiên không kiêng sợ gì”(12).

Theo nghiên cứu, số ruộng đất mà nhà nước nắm được chỉ trên 30% và có tới 50% dân số nhà nước không nắm được(13). Nạn xiêu tán và khởi nghĩa không những không thuyên giảm, trái lại còn trầm trọng hơn rất nhiều và phát triển lên đến đỉnh cao trong thế kỉ XIX. “Trong khoảng thời gian từ 1802 đến 1840 có tất cả 1.818 làng phiêu tán. Nhưng đó mới chỉ là những làng bị phiêu tán hoàn toàn. Hiện tượng phiêu tán bộ phận diễn ra âm ỷ, liên tục và phổ biến hơn ở tất cả các làng xã. Dân phiêu tán là một lực lượng tham gia vào các công trình khai hoang, vào các cuộc khởi nghĩa nông dân, thậm chí lang thang, chết đói… Theo sử sách của nhà Nguyễn, tính đến năm 1862 có 390 cuộc nổi dậy (Gia Long: 70; Minh Mệnh: 230; Thiệu Trị: 50; Tự Đức: 40)(14). Nạn cường hào ác bá là một trong những nguyên nhân của những bất ổn ở làng xã nêu trên.

2. Một số bài học kinh nghiệm

Mặc dù triều Nguyễn không mấy thành công trong việc tổ chức, quản lý làng xã trong thế kỉ XIX nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong cách thức quản lý đối với cấp chính quyền cơ sở có thể vận dụng trong quản lý nông thôn mới hiện nay.

Thứ nhất, nhà nước một mặt thừa nhận các yếu tố tự trị, tự quản của làng xã (như thừa nhận hội đồng kỳ mục với vai trò là cơ quan quyết định trong làng xã, quy định người đứng đầu cấp xã do dân bầu, thừa nhận hương ước là công cụ quản lý ở làng xã) nhưng mặt khác kiểm soát rất chặt chẽ đối với người đứng đầu cấp cơ sở, thông qua đó quản lý làng xã sâu sát hơn. Mô hình quản lý nông thôn Việt Nam thời phong kiến mặc dù có tham khảo những mô hình sẵn có của Trung Quốc nhưng sự khác nhau căn bản trong nguyên tắc quản lý nông thôn là các nhà nước Trung Quốc dựa vào gia đình, lấy gia đình nông dân làm đơn vị cơ sở để quản lý nông thôn, trong khi các nhà nước Việt Nam thường chỉ dừng lại ở làng. Nhà nước phong kiến phải thông qua làng, cụ thể thông qua người đại diện cho nhà nước ở làng là các lý trưởng mới tới được dân đinh, gia đình; trái lại, dân đinh, gia đình phải thông qua làng xã mới tới được nhà nước. Mọi thứ ân huệ của nhà nước cũng phải thông qua làng mới tới được với dân và mọi nghĩa vụ của dân đối với nhà nước được tập hợp và cố định lại trong nghĩa vụ chung của làng. Đây là cách quản lý thông qua những người đại diện của làng và dựa trên luật liên đới trách nhiệm (một người vi phạm luật thì cả làng chịu tội). Chính từ cách thức quản lý này mà người đứng đầu cấp xã có vai trò vô cùng quan trọng. Việc quản lý làng xã thực chất là tập trung vào việc quản lý nhân vật này. Có thể thấy, triều Nguyễn là triều đại có nhiều văn bản nhất quy định về lý trưởng so với triều đại trước (Đại Nam thực lục có 226 lần nhắc đến lý trưởng với 72 văn bản quy định về nhiệm vụ, chức trách lý trưởng) cho thấy sự chú trọng và nỗ lực của nhà Nguyễn trong việc quản lý bộ máy hành chính cấp xã và để tăng cường hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền cấp xã thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Một người đứng đầu cấp cơ sở có uy tín trong dân chúng, có năng lực quản lý, điều hành và đạo đức trong sạch sẽ hỗ trợ nhà nước giải quyết các công việc cụ thể của làng xã.

Thứ hai, nhà Nguyễn đã cố gắng hạn chế và thủ tiêu các mặt tiêu cực của thiết chế quản lý làng xã cổ truyền. Một trong những mặt tiêu cực chính là nạn cường hào. Nhà Nguyễn nhận thức được thực trạng, tác hại của tệ cường hào với đời sống người dân và là cản trở lớn nhất cho các chính sách của nhà nước nhưng cách quản lý làng xã thông qua người đứng đầu cấp xã tạo nên sự “khoán trắng” của nhà nước, dễ đẩy người đứng đầu làng xã trở thành người có quyền hành rất lớn mà lại không phải chịu đầy đủ trách nhiệm cá nhân của mình. Đây là một kẽ hở để người đứng đầu làng xã có thể nhân danh nhà nước hoặc nhân danh làng xã vì những mục đích riêng. Cách thức nhà Nguyễn tăng cường biện pháp quản lý đối với người đứng đầu cơ sở trên thực tế không mang lại hiệu quả tích cực. Nhà nước càng ban hành các biện pháp mang nặng tính hành chính, mệnh lệnh, càng tạo áp chế từ trên xuống thì địa chủ cường hào càng phản ứng lại một cách mạnh mẽ hơn, dẫn đến thực trạng làng xã bị lợi dụng làm rào chắn quyền lợi chính trị của cường hào, bị chế biến dưới sự thao túng của thế lực kinh tế địa chủ. Nhà nước bất lực trong mưu đồ kiểm soát chặt chẽ làng xã ở nhiều nơi.

          Thứ ba, về quản lý cấp thôn: sự xuất hiện cấp thôn(15) từ thế kỷ X bên cạnh cấp xã đương nhiên là hết sức cần thiết cho công việc tổ chức quản lý nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, cấp thôn cũng gây ra không ít rắc rối. Vào các thế kỷ XVI - XVII khi mà nhà nước phong kiến trung ương tập quyền suy yếu và sụp đổ, mô hình quản lý tập trung thống nhất không còn hiệu quả, ở nhiều địa phương xu hướng thôn trưởng tự ý đặt ra các luật lệ thông qua đó lũng đoạn làng xã, gây bè kéo cánh, tách lập thôn riêng, bất chấp pháp luật của nhà nước ngày một nhiều. Tình hình càng trở nên đặc biệt nghiêm trọng vào thời Nguyễn - thời kỳ suy yếu của chế độ phong kiến khi nhà nước hoàn toàn bất lực trong việc quản lý các lý trưởng, bỏ mặc cho bọn cường hào hoành hành gây ra muôn vàn tệ ở nông thôn.

  Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trong bản tâu trình lên vua Thiệu Trị chỉ rõ sự không đồng nhất trong việc quản lý cấp thôn và những hệ lụy của nó: “Dân các xã, thôn trong hạt phần nhiều tiếng gọi là cùng xã, nhưng dân cư, đình, chùa, ruộng đất đều riêng biệt, không có tình thân về dòng giống, họ hàng; cũng có những nơi một xã mà chia làm hai thôn hoặc ba, bốn, năm thôn, từ trước đến nay thường vì ruộng đất nhiều, ít, dân đinh đông, thưa, phần ra lính nặng hay nhẹ, lệ nộp thuế thêm hay bớt, tranh kiện lẫn nhau. Khi xét đến dân tục thì chia ra từng nhóm, tra đến sổ sách lại là cùng một tên xã. Thậm chí có thôn Giáp trù phú mà thôn Ất, thôn Bính điêu háo, hoặc có thôn Ất, thôn Bính trù phú mà thôn Giáp xiêu tán, trong đó binh lính trốn tránh, thuế khoá đọng thiếu, nếu bắt đồng xã chịu thì ruộng đất, nhân đinh vốn đã riêng biệt, (thôn nào) cũng dùng dằng không chịu thay (cho thôn khác). Nếu bắt một thôn chịu thì thấy rõ cùng quẫn không chịu đựng nổi, thành ra một thôn Giáp bỏ trốn thì hai thôn Ất, Bính cũng theo đó mà tản mát đi. Dù quan có muốn châm chước san sẻ những thôn điêu háo với những thôn trù mật, chia ra để cho phận nào được yên phận nấy, nhưng sổ sách không đủ để xét, khó lòng làm được. Những kẻ khéo tìm cách lẩn tránh cũng nhân đó làm được điều gian dối”(16).

Hiện nay, các àng xã trong cả nước đều có thôn và chức danh “thôn trưởng”. Đảng ta khẳng định: “Nhà nước cần sớm nghiên cứu đề ra quy ước thích hợp về chức năng và vai trò cấp thôn, bản, ấp phù hợp với tình hình từng vùng”(17). Thôn, bản được sử dụng như một cánh tay nối dài để truyền đạt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được như đảm bảo chủ trương, chính sách được phổ biến nhanh hơn, phát huy vai trò tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư tốt hơn thì cũng bộc lộ hạn chế về sự lệ thuộc của bộ máy chính quyền cơ sở vào các tổ chức tự quản này. Chính quyền xã có thiên hướng dồn các công việc có liên quan đến người dân xuống các trưởng thôn, biến thôn thành nơi gánh chịu các nhiệm vụ, vốn theo luật thuộc trách nhiệm của chính quyền xã. Xu hướng này có nguy cơ biến chính quyền xã thành một chính quyền cấp trung gian, xa dần nhân dân, cán bộ xã trở nên quan liêu. Thôn trở thành một cấp quản lý hành chính “bất đắc dĩ”, một đơn vị cơ sở mơ hồ về địa vị pháp lý. Trưởng thôn trở thành người đại diện cho chính quyền xã, thực hiện các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. Xu hướng này có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng quyền lực nhà nước, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của người dân. Giải quyết vấn đề trên cần thêm sự bổ sung các văn bản và uốn nắn kịp thời từ phía nhà nước. Nhìn lại lịch sử, bài học về quản lý cấp thôn trong thời Nguyễn đặt ra nhiều suy ngẫm với việc tổ chức nông thôn mới hiện nay trong việc xác định rõ vị trí của cấp thôn trong hệ thống tổ chức, quản lý cấp cơ sở, đặt nó trong mối quan hệ với cấp xã như thế nào cho phù hợp. Nghiên cứu những kinh nghiệm trong quản lý cấp xã của nhà Nguyễn mang ý nghĩa thực tiễn cao và còn nguyên tính thời sự.

ThS. Trần Hồng Nhung - Trường Đại học Luật Hà Nội 

----------------------------

Ghi chú:

(1),(12) Đại Nam thực lục, tập 2, tr.569; tr.787.

(2) Nguyễn Công Tiệp: Sĩ hoạn tụ trị lục (sách chữ Hán). Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội. Những số liệu thống kê vào cuối thập kỉ XX cho biết ruộng đất công ở Bắc kỳ và Trung kỳ lại nhiều hơn.

(3) Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H.1971, tr. 321.

(4) Tiêu chuẩn lý trưởng như sau: phải có một số tài sản nhất định, là người cần cán, nhanh nhẹn và độ tuổi từ 30 tuổi trở lên, không có quan hệ ruột thịt hoặc hôn nhân với cai tổng.

 (5) Năm Long Đức (1732) và Vĩnh Hựu (1735) nhà Trịnh quyết định bãi bỏ phép khảo khoá xã trưởng, phó mặc cho làng xã tự chọn lấy xã trưởng của mình.

(6),(7),(8),(9),(11) Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, H.2007, tr.595, tr.423, tr.583, tr.583, tr.555.

(10),(13) Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, Kinh nghiệm tổ chức và quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nxb CTQG, H.1994, tr.118, tr.120.

(14) Vũ Văn Quân, Về nguyên nhân bùng nổ của phong trào nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử 1995 - 2000, Nxb CTQG, H.2000,  tr.435.

(15) Thôn xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ X. Cấp thôn ra đời chính là do nhu cầu quản lý hành chính của bản thân cấp xã. Xem thêm bài “Xã và thôn: Sự xuất hiện và song hành trong thiết chế chính trị, xã hội nông thôn Việt Nam thời phong kiến” trích trong sách Một số vấn đề làng xã Việt Nam của Nguyễn Quang Ngọc, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2009.

(16) Đại Nam thực lục, tập 7, tr.540.

(17) Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VII).

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đại nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 1 đến tập 8, Nxb Giáo dục, H.2007.

2. Nguyễn Quang Ngọc , Một số vấn đề làng xã Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2009.

3. Vũ Văn Quân, Về nguyên nhân bùng nổ phong trào nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, in trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000), Nxb CTQG, H.2000.

4. Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam thế kỷ XI - XVIII, Nxb Khoa học Xã hội (1982, 1983, tái bản năm 2004).

5. Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc, Chu Hữu Quý...(1994), Kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn Việt Nam trong lịch sử, Nxb CTQG, H.1994.

6. Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H.1971.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.