Hà Nội, Ngày 08/09/2024

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng: 25/03/2024   15:39
Mặc định Cỡ chữ

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Ảnh minh họa: doanthanhnien.vn

Thanh niên và chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định lực lượng thanh niên giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát huy nhân tố và nguồn lực con người và luôn đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X chỉ rõ: “Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước”(1), là quá trình xây dựng và chuẩn bị đội dự bị bổ sung lực lượng cho Đảng.

Luật Thanh niên năm 2020 xác định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm tham gia, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình xây dựng, tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên”(2). Trước tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, những sản phẩm độc hại phi văn hóa bằng nhiều con đường, nhất là qua internet, các phương tiện truyền thông sẽ tác động trực tiếp đến lối sống của thanh niên, tạo sức ép, gây nhiều khó khăn, phức tạp cho việc bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc trong giới trẻ; sự gia tăng của các tệ nạn xã hội đã, đang và sẽ tác động xấu đến thanh niên. Luật Thanh niên quy định, thanh niên là công dân Việt Nam từ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi(3), nhưng các nhóm trong khoảng độ tuổi này có những diễn biến khác nhau về tâm sinh lý và quá trình trưởng thành. Thanh niên có sự khác biệt lớn về nhiều mặt (độ tuổi, nơi sinh sống, nghề nghiệp…), do đó, các đặc điểm tâm lý cũng rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, sự khác biệt này đều có một tính chất chung, đó là “tính trẻ”, thể hiện ở sự năng động, nhiệt huyết, chấp nhận mạo hiểm, giàu mơ ước và hoài bão lớn, thích tìm tòi cái mới, thích giao lưu, học hỏi và mong muốn có những đóng góp cho xã hội để khẳng định bản thân. 

Nghị định số 13/2021/NĐ-CP đã xác định nguyên tắc thực hiện cơ chế, chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải được thể chế hóa tại các luật, bộ luật về cơ chế triển khai thực hiện, bảo đảm việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với thanh niên phải công khai, minh bạch theo quy định pháp luật; không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo… Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Tuy nhiên, để các nguyên tắc này được thực hiện có hiệu quả, cần nghiên cứu sự tác động của đặc điểm lứa tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi so với các lứa tuổi khác và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi, qua đói tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách, gia tăng hiệu quả và tác động xã hội tốt theo mục tiêu của Nhà nước.

Tác động của đặc điểm lứa tuổi đến thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Đặc điểm về độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Có nhiều quan niệm và cách trả lời khác nhau của các lĩnh vực khoa học chuyên ngành về giới hạn của tuổi thanh niên được bắt đầu từ tuổi nào đến tuổi nào. Tuy nhiên, tính chung nhất trong việc xác định lứa tuổi thanh niên xuất phát từ sự thừa nhận tính chất hai mặt của thanh niên là mặt xã hội và mặt sinh học trong việc nghiên cứu các quá trình phát triển sinh học, tâm lý và xã hội của lứa tuổi thanh niên, chỉ ra những quy luật phát triển của lứa tuổi, cũng như sự thống nhất, tương quan giữa các giai đoạn của quá trình phát triển lứa tuổi. Trong khoa học tâm lý, việc xác định lứa tuổi thanh niên được xác định dựa trên sự hình thành của quá trình tâm lý được quy định bởi các quy luật phát triển sinh học của cá thể cũng như bởi các nhân tố xã hội trong mối quan hệ qua lại. Sự phát triển tâm lý của các lứa tuổi thường trải qua những bước nhảy vọt trong quá trình phát triển tâm lý liên tục.

Bước quá độ từ tuổi trẻ em qua tuổi trưởng thành nói chung bao gồm lứa tuổi từ 11 - 12 tuổi đến lứa tuổi từ 23 - 25 tuổi và được chia làm ba thời kỳ: lứa tuổi thiếu niên, vị thành niên từ khoảng 11 - 12 tuổi đến dưới 16 tuổi; tuổi thanh niên từ khoảng 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; tuổi thanh niên muộn từ khoảng 18 tuổi đến 23 - 25 tuổi. Mỗi thời kỳ này gắn liền với những đặc trưng của sự phát triển về mặt sinh học và xã hội của giai đoạn lứa tuổi quy định. Như vậy, việc xem xét quá trình thực hiện chính sách đối với thanh niên không chỉ dừng lại ở các yếu tố độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý mà còn phải xem xét tính chất từ mối quan hệ xã hội mà thanh niên là chủ thể, chịu sự tác động và chi phối của các quan hệ xã hội. 

Trong các quan hệ xã hội, cần nhấn mạnh các vấn đề như: thanh niên có vai trò quan trọng trong hiện tại, là lớp người có trách nhiệm xây dựng và làm chủ tương lai, họ vừa là khách thể vừa là chủ thể của quá trình xã hội hóa. Theo quan điểm này, đối tượng thanh niên bắt đầu từ lúc vẫn là đối tượng của xã hội hóa, nhưng đã có thể bắt đầu có được năng lực tham gia từng phần vào quá trình sáng tạo ra những lực lượng sản xuất của xã hội và quá trình mang những quan hệ xã hội của một xã hội nhất định. Lứa tuổi thanh niên kết thúc vào lúc đã hoàn thành việc xã hội hóa để trở thành chủ thể của xã hội, tức là trở thành người có năng lực trực tiếp sáng tạo ra lực lượng sản xuất của xã hội và mang các quan hệ xã hội của một xã hội nhất định. 

Đặc điểm về tâm sinh lý và hành vi theo lứa tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Dưới góc độ xã hội học, thanh niên thuộc nhóm dân số xã hội lớn, với các đặc điểm gắn liền với các quá trình tâm lý xã hội. Thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là những người ở độ tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách. Độ tuổi này được coi như thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ bị phụ thuộc sang giai đoạn hoạt động độc lập và bắt đầu có trách nhiệm công dân. Từ hướng tiếp cận này, xã hội học chú ý vào vai trò xã hội, định hướng giá trị và những vấn đề liên quan tới việc chuẩn bị cho thanh niên bước vào cuộc sống lao động.

Ở Việt Nam, tuổi vị thành niên là lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Trẻ em được luật pháp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục là dưới 16 tuổi. Như vậy, pháp luật quy định vị thành niên nói chung là dưới 18 tuổi, nhưng lứa tuổi học sinh trung học cơ sở được xác định là trẻ em, còn từ đủ 16 tuổi là bắt đầu tuổi thanh niên. Nhằm đảm bảo sự tiếp nối giữa tuổi trẻ em với tuổi thanh niên, phù hợp với các lĩnh vực pháp luật có liên quan; dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, sự phát triển về mặt xã hội của thanh niên; truyền thống văn hóa và đời sống kinh tế - xã hội; ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và của thanh niên; tham khảo quy định độ tuổi thanh niên của các nước trong khu vực và trên thế giới, Luật Thanh niên quy định từ đủ 16 tuổi là thanh niên nhưng kéo dài đến 30 tuổi. Nghị định số 13/2021/NĐ-CP nhấn mạnh tới nhóm người bắt đầu bước vào độ tuổi thanh niên là độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách. Quá trình xã hội hóa có vai trò quan trọng đối với lứa tuổi này. 

Khác với giai đoạn trước đó, ở độ tuổi này phương thức xã hội hóa hình thức thông qua những môn học, những lời dạy bảo đã giảm hiệu quả, thay vào đó là những phương thức xã hội hóa không chính thức thông qua giao tiếp và tương tác trong các nhóm sở thích. Trong quá trình này, thanh niên không còn thụ động mà ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ thể của mình thông qua sự tiếp thu có chọn lọc những chuẩn mực xã hội và sự ảnh hưởng lẫn nhau diễn ra theo những cách thức riêng, trong những khuôn mẫu riêng, tạo nên văn hóa nhóm thanh niên. Văn hóa nhóm này là môi trường hình thành những hoạt động chung của nhóm, vì vậy những mặt tốt và mặt xấu cũng lan truyền rất nhanh trong các nhóm thanh niên.

Với tư cách một nhóm xã hội, thanh niên có văn hóa mang tính đặc thù riêng của mình. Ngày nay, văn hóa nhóm thanh niên được quy định bởi mâu thuẫn giữa sự phát triển sớm về sinh lý với sự gia tăng thời gian đào tạo và giáo dục nghề nghiệp theo yêu cầu của sự phát triển xã hội. Mâu thuẫn đó được thể hiện ở chỗ thanh niên sớm trở thành người lớn về mặt sinh lý, nhưng về địa vị xã hội lại bị trì hoãn tham gia một cách thực sự vào thế giới của người lớn. Điều đó tạo nên tâm lý ức chế, khiến thanh niên có xu hướng muốn thoát khỏi sự kiểm soát của người lớn và muốn tự khẳng định mình. 

Ví dụ, để tự khẳng định mình, thanh niên thường tìm cách làm người khác ngạc nhiên, sửng sốt. Những thứ họ dùng để “gây ấn tượng” thường là mốt trang phục, tiếng lóng, những hành động khác thường, những trò chơi mạo hiểm. Điều này giải thích tại sao hay có những hoạt động lệch chuẩn xảy ra trong nhóm thanh niên ở độ tuổi từ đủ 16. Sự phức tạp của văn hóa nhóm thanh niên ngày càng gia tăng nếu thiếu định hướng chung của toàn xã hội. Bởi vậy, độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể là khoảng thời gian có nhiều những thử nghiệm và sai lầm trong cuộc đời con người. Với những đặc điểm đó, trong văn hóa nhóm thanh niên thường chứa những yếu tố không đồng nhất, thậm chí trái ngược với hệ giá trị được xã hội chấp thuận; đồng thời do ảnh hưởng của sự lan truyền trong nhóm thanh niên mà luôn tiềm ẩn khả năng lôi kéo thanh niên theo những ứng xử lệch chuẩn, vi phạm pháp luật.

Như vậy, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khác với các nhóm đối tượng lứa tuổi khác trong xã hội. Đây là độ tuổi sung mãn nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống và trình độ nhận thức của thanh niên còn bị hạn chế; kiến thức về pháp luật và nếp sống chấp hành pháp luật chưa được hình thành đầy đủ, ổn định; thiếu những điều kiện và bản lĩnh tự lập, khả năng kiềm chế chưa cao, dễ bị kích động lôi kéo vào những hoạt động vi phạm pháp luật. Để khắc phục các hiện tượng đó, họ cần được sự giúp đỡ, chăm lo, quản lý về giáo dục pháp luật, sự quan tâm của các thế hệ đi trước và toàn xã hội, trong đó có ý thức giáo dục pháp luật. Do đó, thực hiện chính sách đối với thanh niên cần quan tâm đến đặc tính lứa tuổi của thanh niên để có những nội dung, hình thức phù hợp, đạt hiệu quả.

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Một là, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước. 

Đoàn Thanh niên là chỗ dựa vững chắc, tham gia đóng góp, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân các cấp, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đoàn viên, thanh niên xung phong, tình nguyện đi đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thông qua hệ thống tổ chức Đoàn các cấp từ cơ sở đến Trung ương. 

Đối với các ban, ngành, tổ chức Đoàn phối hợp, liên kết hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, dựa trên đường lối, quan điểm của Đảng về công tác thanh niên, tạo sức mạnh tổng hợp, đồng bộ trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi. Nhà nước tạo điều kiện tổ chức thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên, bảo đảm điều kiện để tổ chức thanh niên thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án khác. Cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Hai là, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong giáo dục, rèn luyện, bảo vệ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh, thiếu niên. 

Điều 27, Điều 28 Luật Thanh niên năm 2020 quy định: Tổ chức thanh niên gồm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật; tổ chức thanh niên có vai trò đoàn kết, tập hợp thanh niên, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức thanh niên có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, giáo dục, thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; tổ chức cho thanh niên tham gia phong trào vì lợi ích của cộng đồng, xã hội, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên và tổ chức thanh niên; tổ chức hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên theo quy định của pháp luật; tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của thanh niên đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm tham gia, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình xây dựng, tuyên truyền và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Ba là, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong giám sát và phản biện các chính sách đối với thanh niên. 

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tham gia xây dựng chính quyền góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Đoàn Thanh niên giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật có liên quan đến thanh niên; chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; chiến dịch thanh niên tình nguyện; giám sát thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; chính sách của Nhà nước về nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên; giám sát việc thực thi chính sách pháp luật liên quan đến giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm... cho thanh niên.

Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên tham gia phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong dự thảo văn bản của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, trong đó có thanh niên, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Nội dung phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên chủ yếu thông qua việc tham gia đóng góp các dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên; nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên để kịp thời phản ánh, đề xuất đến các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật./.

-----------------------

Ghi chú:

(1) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

(2),(3) Luật Thanh niên năm 2020.


TS Trịnh Minh Thái  - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam
ThS Châu Ngọc Lương - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Đắk Nông

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phân định thẩm quyền về đảm bảo dịch vụ công

Ngày đăng 26/08/2024
Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền về đảm bảo dịch vụ công là việc phân chia quyền lực nhà nước giữa các cấp chính quyền, mỗi cấp có nhiệm vụ, quyền hạn đối với dịch vụ công, hạn chế việc can thiệp vào nhiệm vụ, quyền hạn của nhau, nhưng cấp trên vẫn có thể thực hiện việc kiểm soát cấp dưới theo quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt hơn nữa việc phân định thẩm quyền đảm bảo dịch vụ công, Nhà nước cần thực hiện các giải pháp về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phân cấp phân quyền tốt hơn, xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, cũng như hoàn thiện cách thức quản lý về dịch vụ công.

Nâng cao hiệu quả học tập cho sinh viên ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng thông qua hoạt động kiến tập, thực tập

Ngày đăng 08/08/2024
1. Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học. Là đơn vị đi đầu trong đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực: Quản trị văn phòng, Lưu trữ học, Luật học, Quản lý nhà nước, trong nhiều năm qua, Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh (Phân hiệu) rất quan tâm đến xây dựng nội dung chương trình đào tạo, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác kiến tập, thực tập các ngành học do Phân hiệu quản lý.

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM GÓP PHẦN CỦNG CỐ NIỀM TIN CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN VỀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Ngày đăng 21/07/2024
Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ôn lại những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay. 

Phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa mâu thuẫn, xung đột xã hội

Ngày đăng 24/06/2024
Mâu thuẫn, xung đột xã hội là hiện tượng luôn xảy ra trong đời sống xã hội, là một thuộc tính của quá trình vận động, phát triển của xã hội. Phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý tốt xung đột xã hội theo xu hướng phát triển tích cực sẽ góp phần hạn chế ít nhất những điểm nóng trong đời sống xã hội; trong đó Nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội. Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Nhân dân trong phòng ngừa, ngăn chặn mâu thuẫn, xung đột xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Hiệu quả thi hành pháp luật trong hệ thống hành chính nhà nước ở Việt Nam

Ngày đăng 13/06/2024
 Bài viết phân tích hiệu quả thi hành pháp luật trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng hiệu quả thi hành pháp luật trong hệ thống hành chính nhà nước ở Việt Nam.