Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng: 21/03/2024   15:30
Mặc định Cỡ chữ

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: nghean.gov.vn

Vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua

Thứ nhất, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn duy trì tốt mối quan hệ thường xuyên với các tổ chức, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật. Duy trì cơ chế đối thoại với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp của giáo hội và tín đồ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, vận động các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, dưới sự vận động, tổ chức của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, quần chúng tín đồ các tôn giáo đã tham gia hàng trăm hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; hội nghị tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình; “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Ngày hội quốc phòng toàn dân”… Những hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trong tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Thứ hai, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở. 

Một trong những thành tựu quan trọng của việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua là việc các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã giúp đỡ, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, như Công giáo với đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. 

Thứ ba, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. 

Thời gian qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất của vùng đồng bào tôn giáo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo điều kiện để tín đồ tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Thực hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”, hài hòa giữa giáo hội và xã hội, bên cạnh hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói, giảm nghèo, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng. Định kỳ hàng năm, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Dân vận và MTTQ các cấp tham mưu tổ chức các hội nghị biểu dương “người tốt, việc tốt” trong đồng bào tôn giáo, nhằm tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. 

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa giao thông, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đóng góp tiền cùng với hàng ngàn ngày công lao động để nhựa hóa, bê tông hóa, sửa chữa và nâng cấp đường giao thông nông thôn… góp phần làm cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng và đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Cụ thể, có 07 huyện và 252 xã có đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có huyện Nam Đàn đang xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu; 05 năm qua, bà con các tôn giáo đã hiến 214.385m2 đất, tháo dỡ 85.250m tường bao, chặt bỏ 6.330 cây các loại, đóng góp 64.046 ngày công và 394,6 tỷ đồng, tự nguyện giải phóng mặt bằng đổ bê tông 425.000m đường giao thông nông thôn. 

Thứ tư, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Quán triệt sâu sắc các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, coi “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp về công tác tôn giáo, đời sống mọi mặt của đồng bào các tôn giáo đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối, giao lưu nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa các tôn giáo. Bên cạnh tham gia giao lưu trong các buổi họp mặt, gặp gỡ, tiếp xúc với chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo trên địa bàn do chính quyền tổ chức, đại diện các tổ chức tôn giáo đã chủ động đến thăm hỏi, chúc mừng, giao lưu, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trong các dịp lễ, tết, hội nghị, lễ trọng, sự kiện quan trọng của từng tôn giáo. Đây là những hoạt động vô cùng quan trọng thể hiện tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc của đồng bào tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã tích cực đấu tranh phê phán những phần tử lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, hoạt động mê tín dị đoan; hướng dẫn các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ hiểu rõ nghĩa vụ công dân trong thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, tham gia các hoạt động đoàn thể; xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo để góp phần thiết thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tuy nhiên thời gian qua, việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn hiện tượng thực hiện hoạt động tôn giáo không tuân thủ quy định của pháp luật và lợi dụng việc làm từ thiện, bác ái để tuyên truyền, phát triển đạo, tư lợi cá nhân; một số cá nhân chức sắc tôn giáo vi phạm chính sách, pháp luật, chưa thiện chí hợp tác với chính quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai, nhiều vụ việc kéo dài, phức tạp ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự; một số chức sắc, chức việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước chưa thường xuyên; một số chức sắc cực đoan vẫn tiếp tục lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền, thường xuyên sử dụng mạng xã hội để nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, hạ uy tín của số chức sắc tiến bộ; nội bộ một số tổ chức tôn giáo mâu thuẫn, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác phát huy vai trò của tôn giáo trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do việc phát động và duy trì các phong trào thi đua yêu nước trong vùng có đồng bào tôn giáo có lúc, có nơi chưa thường xuyên, một số nơi còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu dẫn đến hiệu quả kém, nội dung, hình thức tổ chức các phong trào nhiều nơi chưa phong phú, sức thu hút chưa cao; công tác xây dựng lực lượng cốt cán trong tôn giáo, tranh thủ sự ảnh hưởng của các chức sắc tôn giáo của một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế; đội ngũ làm công tác tôn giáo vẫn còn thiếu, hạn chế về chuyên môn và nghiệp vụ; công tác vận động tuyên truyền chưa thực sự đa dạng, đổi mới; việc đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động vi phạm pháp luật của một số chức sắc cực đoan trong tôn giáo chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo tính răn đe; đời sống của đồng bào các tôn giáo còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…

Tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian tới

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là các quan điểm của Đảng về phát huy giá trị đạo đức, văn hóa và nguồn lực của tôn giáo.

Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về tôn giáo và công tác tôn giáo, nhất là âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức, văn hóa và nguồn lực của các tôn giáo đối với sự phát triển của đất nước nhằm thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí cao của toàn hệ thống chính trị, chức sắc, tín đồ các tôn giáo và toàn xã hội đối với chủ trương về phát huy nguồn lực, vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung cũng như cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng. 

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt và phổ biến rộng rãi quan điểm của Đảng về tôn giáo, nhất là tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm khơi dậy và phát huy giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời, phải thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến công tác tôn giáo, đó là: 1) Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; 2) Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ về tôn giáo được Nhà nước công nhận; 3) Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước; 4) Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(1). 

Hai là, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; quan tâm nắm bắt và xử lý, giải quyết các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, tín đồ tôn giáo.

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tín đồ tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị đạo đức, văn hóa mới được thực hiện một cách đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, các ngành liên quan phải chú trọng xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với các chức sắc, chức việc tôn giáo; đây là một trong những yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến hiệu quả tuyên truyền, vận động trong tình hình hiện nay. Thường xuyên gắn bó mật thiết với tín đồ, chức sắc các tôn giáo, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phát sinh của tôn giáo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, các kiến nghị, đề xuất chính đáng, hợp pháp của các tổ chức và tín đồ tôn giáo trên địa bàn tỉnh. 

Ba là, thực hiện tốt công tác tranh thủ chức sắc tôn giáo để quản lý các hoạt động của giáo hội, thông qua giáo hội để hướng dẫn các tín đồ tôn giáo. 

Trong giai đoạn hiện nay, việc khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn giáo, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Tập trung vận động các tôn giáo tiếp tục thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, vừa phù hợp với giáo lý, truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại, góp phần chống lại các luồng tư tưởng văn hóa xấu, độc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

Quá trình vận động, tranh thủ chức sắc các tôn giáo phải có thái độ thân thiện, thực sự gần gũi với quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo; phải trang bị những kiến thức, hiểu biết về đặc điểm, lịch sử hình thành, giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức của từng tôn giáo cụ thể; tin tưởng ở lòng yêu nước và bản chất cách mạng của tín đồ, không được mặc cảm, thành kiến, phân biệt đối xử; khơi dậy, động viên chức sắc, tín đồ tôn giáo làm tròn nghĩa vụ công dân; tuyệt đối tránh xúc phạm đến tình cảm tôn giáo và những mặc cảm do lịch sử để lại. Vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó, đồng hành và sẻ chia trách nhiệm với xã hội trên tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”; tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể phát động, xây dựng mối quan hệ đạo - đời hòa hợp, chung tay cùng chính quyền các cấp và nhân dân xây dựng đất nước. Đồng thời, phát huy thế mạnh của tôn giáo, tín ngưỡng tham gia vào các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, du lịch tâm linh... Đấu tranh với hoạt động kích động gây xung đột văn hóa dân tộc - tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thành quả đổi mới đất nước. Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các vị lãnh đạo tôn giáo, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trong hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo ổn định, đúng quy định pháp luật, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Bốn là, thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào tôn giáo vững mạnh. 

Tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo; quan tâm bố trí cán bộ, lãnh đạo chủ chốt có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm tại các địa bàn vùng giáo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu sâu các tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của đảng viên theo các tôn giáo, người có uy tín trong các tôn giáo. Mặt khác, cán bộ làm công tác tôn giáo phải có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; phải thường xuyên trau dồi, củng cố kỹ năng, nghiệp vụ công tác vận động quần chúng tôn giáo. Công tác vận động quần chúng tín đồ tôn giáo phải được gắn liền với phong trào thi đua yêu nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, quan tâm tới sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng, gắn bó “việc đạo, việc đời”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những nhân tố tích cực, tiêu biểu, gương “người tốt, việc tốt”; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật. 

Năm là, nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động xử lý, giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo từ sớm, từ xa, không để bị động, bùng phát thành điểm nóng; có biện pháp phù hợp với những chức sắc cực đoan, bóc gỡ các tổ chức, đối tượng hoạt động lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tôn giáo và những vụ việc liên quan đến đất đai, xây dựng công trình tôn giáo trái pháp luật, đặc biệt là các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, không để nảy sinh các vụ việc phức tạp./. 

---------------------------

Ghi chú: 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.171.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.