Hà Nội, Ngày 30/04/2024

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng: 09/04/2024   16:19
Mặc định Cỡ chữ

Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 30/8/2022. 

Những kết quả đạt được trong việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết xã hội ở tỉnh Tây Ninh

Tây Ninh là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có diện tích 4.041,25 km2, dân số 1.169.165 người,  với 09 huyện, thị xã, thành phố; 94 xã, phường, thị trấn, trong đó có 20 xã biên giới với đường biên dài 240 km tiếp giáp 03 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, có 02 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài và Xa Mát), 03 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân) và 11 cửa khẩu phụ(1). Toàn tỉnh hiện có 05 tôn giáo chính, gồm: Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Hồi giáo (Islam) với hơn 839.154 tín đồ và 2.730 chức sắc, hơn 10.841 chức việc chiếm khoảng 70% dân số và 322 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Ngoài ra, có hơn 200 tín đồ thuộc tôn giáo Baha’I, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ cư sĩ Phật hội. Tỉnh Tây Ninh là nơi ra đời trực tiếp của đạo Cao Đài (hiện có 03 hệ phái Cao Đài là: Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Ban chỉnh đạo và Cao Đài Chiếu minh Tam thanh vô vi), nên so với những nơi khác thì đây là nơi tập trung chức sắc, tín đồ và cơ sở thờ tự nhiều nhất với 560.695 tín đồ, 2547 chức sắc, 7.951 chức việc và 142 cơ sở thờ tự(2). Với số lượng tín đồ lớn, đạo Cao Đài đã cùng với các tôn giáo khác trở thành thực thể xã hội, tồn tại khách quan, đoàn kết với các thành phần xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Nhận thức được những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo cũng như các nguồn lực khác của tôn giáo, thời gian qua các cấp ủy đảng và chính quyền ở tỉnh Tây Ninh đã vận động, tạo điều kiện để các tôn giáo trên địa bàn phát huy vai trò xây dựng khối đại đoàn kết xã hội ở tỉnh, với những kết quả chính đã đạt được là: 

Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, đồng bào tín đồ tôn giáo đã tin tưởng và tự nguyện thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương. Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã phát động các phong trào: “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, kết hợp với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Qua đó, các tổ chức tôn giáo đã ký kết các chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân nhằm đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua trong tôn giáo nói chung và các phong trào thi đua yêu nước nói riêng của từng tôn giáo. Bên cạnh đó, nhiều đồng bào tôn giáo đã hỗ trợ tiền của, nhân lực để lắp đặt đèn chiếu sáng, camera an ninh trên các tuyến đường nông thôn với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. Nhiều tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ đã hiến đất làm đường, nâng cấp, tu bổ sửa chữa hàng trăm km đường giao thông nông thôn. Kết qủa đó thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc của đồng bào các tôn giáo, đồng hành cùng cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xây dựng tỉnh Tây Ninh ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thứ hai, đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia vào bảo vệ trật tự an ninh trên địa bàn. Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới khá dài với nhiều cửa khẩu quan trọng. Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào “Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc”, các tổ chức tôn giáo đã cùng với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ký kết quy chế phối hợp, thắt chặt tình nghĩa quân dân và phát huy vai trò của quần chúng trong bảo vệ đường biên giới của Tổ quốc trên địa bàn. Thông qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, lực lượng công an đã tiếp nhận từ đồng bào nhiều nguồn tin báo liên quan đến an ninh trật tự, giúp xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật; tham gia hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn trong đồng bào giáo dân, không để xảy ra mất an ninh trật tự... góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giúp đồng bào có đạo yên tâm lao động sản xuất, sống tốt đời đẹp đạo”(3). 

Đồng bào tôn giáo còn tham gia quản lý giáo dục hàng trăm đối tượng tại cộng đồng và gia đình, hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tham gia lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích giữ gìn an ninh, trật tự ở khu phố, xóm, ấp. Đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, các hoạt động đối ngoại tôn giáo, đối ngoại nhân dân trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng và bảo về Tổ quốc. 

Thứ ba, đồng bào tôn giáo tích cực phát huy vai trò trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa và đô thị văn minh. Để triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã đăng ký tham gia xây dựng “Cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh” theo 06 tiêu chí mà UBND tỉnh đề ra. Các chức sắc, chức việc gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, tham gia có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào do địa phương phát động theo tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”. 

Bên cạnh việc các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chủ động phối hợp với các ngành chức năng và được sự ủng hộ về nhân lực, vật lực của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh đã xây dựng các công trình sinh hoạt văn hóa, thể thao tại các cơ sở tôn giáo nhằm tạo điều kiện cho tu sĩ, tín đồ các tôn giáo, thanh thiếu niên đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nơi sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, rèn luyện nâng cao sức khỏe thể chất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cùng ký kết Chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào có đạo, xây dựng khuôn viên tổ chức lễ hội có môi trường xung quanh xanh, sạch, đẹp. Trong đó, Tòa Thánh Tây Ninh được xem là kiểu mẫu khuôn viên thờ tự xanh, sạch, đẹp của tỉnh. Ngoài ra, các cơ sở thờ tự của đạo Cao Đài phân bố và hoạt động ở hầu hết các xã, phường, thị trấn đã trở thành mái nhà chung trong sinh hoạt cộng đồng của tín đồ và là nơi biểu hiện tinh thần đoàn kết, xây dựng lối sống cộng đồng, giữ gìn văn hóa dân tộc. Việc thực hiện ăn chay của tín đồ Cao Đài, Phật giáo… trong đời sống đã tạo ra nét đặc sắc về văn hóa trong tín ngưỡng tôn giáo ở Tây Ninh. Cách chế biến các món chay cũng rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Ẩm thực chay Tây Ninh vì mang ý nghĩa nhân đạo và nghệ thuật chế biến độc đáo, khéo léo nên đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Thứ tư, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn có những đóng góp lớn về sức người, sức của trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt là trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19). Sự ủng hộ to lớn, kịp thời của các tổ chức tôn giáo, đồng bào các tôn giáo đã giúp đỡ chính quyền và nhân dân trong tỉnh vượt qua đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết của các dân tộc. 

Đạo Cao Đài có Y viện thuộc Cửu Trùng Đài và các Ban Phước thiện, thường xuyên làm công tác từ thiện xã hội, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; có cơ sở Dưỡng lão đường nhận nuôi dưỡng những người già, người neo đơn không nơi nương tựa. 

Phật giáo có 02 cơ sở tham gia hoạt động xã hội từ thiện là Tuệ Tĩnh Đường thuộc Văn phòng Ban Trị sự và Chùa Hưng Thái (phường 2), thuộc Tịnh độ cư sĩ Phật hội, hàng năm tổ chức khám bẹnh, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 lượt người. Cơ sở bảo trợ xã hội “Mái ấm mây ngàn” thuộc chùa Cẩm Phong, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu đã được cấp phép, hiện đang chăm sóc cho người già và trẻ em có hoàn cảnh neo đơn. Ngoài ra, còn duy trì các bếp ăn từ thiện tại một số bệnh viện trong tỉnh phục vụ cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. 

Công giáo có 03 cơ sở dưỡng lão nuôi dưỡng 42 cụ già, trong đó 02 cơ sở thuộc xã Vinh Sơn, thị trấn Châu Thành và Giáo xứ Phước Điền, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Có 16 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó 08 cơ sở đã được cấp phép trông 15 nom, nuôi dạy cho 534 cháu và 08 cơ sở chưa được cấp phép, trông nom, nuôi dạy 440 cháu(4)... 

Thông qua công tác bảo trợ xã hội, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo, các tổ chức, cơ sở thờ tự và đồng bào các tôn giáo đã đoàn kết cùng nhân dân tỉnh Tây Ninh vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, từng bước đảm bảo về an sinh xã hội cho nhân dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Có được những kết quả nêu trên, trước hết là Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn, toàn diện về công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh Tây Ninh. Đồng bào các tôn giáo có tinh thần yêu nước và đề cao trách nhiệm công dân trong thực hành những giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo mình trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, góp phần xây dựng gia đình, cộng đồng, xã hội ngày thêm tốt đẹp. Chức sắc các tôn giáo tích cực động viên, tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội, các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để phát huy vai trò của đồng bào tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung, phương thức vận động đồng bào tôn giáo luôn được quan tâm đổi mới… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng đoàn kết xã hội ở tỉnh Tây Ninh vẫn còn một số hạn chế nhất định, vẫn còn một số chức sắc, tín đồ chưa thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số tín đồ tôn giáo bị lợi dụng nên có những phát ngôn thông tin không đúng với tình hình thực tế ở địa phương. Vẫn còn khó khăn về số lượng, trình độ của một số tôn giáo; cơ sở vật chất còn nhỏ lẻ, thiếu thốn; nguồn lực huy động còn ít, thiếu ổn định… 

Giải pháp phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc tham gia xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc tại Tây Ninh trong thời gian tới 

Một là, tiếp tục quán triệt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa, đạo đức cùng với các nguồn lực khác của tôn giáo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí giữa các tôn giáo và cả hệ thống chính trị cùng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, nhận thức và kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để phá hoại thành quả cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo theo quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới: “Chủ động tích cực tiếp xúc với các chức sắc để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo và giữa các tôn giáo”. Thực hiện có hiệu quả công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo phát huy vai trò đồng hành cùng địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo của của tỉnh đảm bảo đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cùng cấp tiếp tục hoàn thiện chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tôn giáo. 

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; coi trọng việc tuyên truyền gắn với phát huy các nguồn lực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Năm là, phát huy hơn nữa vai trò của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để chủ động phòng ngừa, kiên trì, kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo./.

--------------------------

Ghi chú:

(1) https://www.tayninh.gov.vn/chinhquyen/Lists/Gioithieutongquan/DispForm.aspx?ID=1&CategoryId= Gi%E1%BB%9Bi%20thi%E1%BB%87u.

(2) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh, Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo năm 2021 và chương trình công tác năm 2022.

(3) Chính Thuần, Toàn xã hội cùng hành động giữ gìn an ninh trật tự, https://www.tayninh.gov.vn/Lists/tintucsukien/DispForm.aspx?ID=23041&InitialTabId=Ribbon.Read&PageIndex=202.

(4) Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, Báo cáo về việc thi hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 14/4/2020. 

 

TS Trần Thị Thúy Vân - Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.