Hà Nội, Ngày 05/10/2024

Quy hoạch tốt để lựa chọn đúng cán bộ

Ngày đăng: 29/04/2024   16:10
Mặc định Cỡ chữ

Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng ta (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những yêu cầu về công tác quy hoạch cán bộ các cấp, trong đó nhấn mạnh, “làm tốt hơn nữa công tác xây dựng quy hoạch và công tác cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là công tác quy hoạch và công tác cán bộ Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV”.

Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031 là một trong những nội dung được thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là vấn đề hệ trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Cách đây 20 năm, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 về Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Từ đó đến nay, Trung ương đã nhiều lần bổ sung, sửa đổi, có thêm những quy định phù hợp với tình hình mới. Gần đây nhất là Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về Công tác quy hoạch cán bộ.

Qua mấy nhiệm kỳ đại hội, công tác quy hoạch cán bộ ngày càng nền nếp, bài bản hơn. Đội ngũ cán bộ được chuẩn bị theo ba độ tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ, được đào tạo cơ bản, bảo đảm tiêu chuẩn và cơ cấu. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh phần lớn ở độ tuổi 40 đến 50, cấp huyện từ 35 đến 45. Đáng chú ý là, nhiều đồng chí có năng lực, nếu được bầu vào cấp ủy thì có thể đảm đương được hai đến ba chức danh.

Hầu hết các đảng bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị đều kết hợp nhịp nhàng giữa quy hoạch với luân chuyển để đào tạo cán bộ sát thực tiễn, toàn diện hơn và năng động hơn, có khả năng xử lý các tình huống. Ở nhiều địa phương, các đồng chí bí thư tỉnh ủy, huyện ủy, giám đốc công an là người ở nơi khác về, nhờ vậy mà bảo đảm tính khách quan, chống cục bộ, bản vị trong công tác cán bộ. Các cuộc bầu cử trong Đảng, trong HĐND giảm hẳn tình trạng bè cánh, “huyện ta, xã ta thắng to” (!).

Việc làm tốt công tác quy hoạch cán bộ đã tạo điều kiện cho các cán bộ nguồn chịu khó học hỏi, phấn đấu vươn lên. Cấp ủy đảng, quần chúng cùng quan tâm giúp đỡ, theo dõi và giám sát. Phần lớn các đồng chí được quy hoạch vào các chức vụ trong cấp ủy đều trúng cử với số phiếu cao. Thực tế này có hai điều đáng nói. Một là, họ có đủ đức, tài, có khả năng gánh vác công việc. Hai là, cấp ủy đảng, đại hội đảng đã giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tôn trọng công tác quy hoạch cán bộ.

Đấy là nói về mặt tích cực. Trong thực tế công tác quy hoạch cán bộ còn bộc lộ không ít lỗ hổng và hạn chế, khuyết điểm. Đó là tình trạng dân chủ hình thức; lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch không phải do ý chí của tập thể mà chủ yếu do người đứng đầu hoặc nhóm lợi ích; tình trạng chạy quy hoạch, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy phiếu bầu... xảy ra ở nhiều nơi.

Nhưng điều đáng lo ngại là, quy hoạch đúng, quy trình đúng nhưng chọn người không đúng. Ai cũng thuộc bài, rằng quy hoạch là bước khởi đầu quan trọng. Rằng trong thời điểm hiện nay, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì không được để lọt vào cấp ủy những người giàu bất thường, những người kê khai tài sản không trung thực.

Mặc dù sàng lọc kỹ như thế, nhưng vẫn có những cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao, tại vị chưa lâu đã bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau. Có những cán bộ tham gia cấp ủy đã ba, bốn khóa nhưng nay mới phát hiện ra những sai phạm có hệ thống và buộc phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, thậm chí phải truy tố trước pháp luật.

Nguyên nhân do đâu? Không phải tất cả do lỗi quy hoạch. Ở đây là cả một quá trình từ tìm người, chọn người, dùng người, thay người... Có thể cách đây 10 năm, 15 năm, anh ấy hoặc chị ấy là cán bộ trong sáng thật, có tâm có tài và đã được lựa chọn đúng. Nhưng rồi, trước những mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, họ đã rơi vào bẫy hiểm của sự thao túng, sự hấp dẫn lạnh lùng của tiền bạc. Điều này Bác Hồ đã nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Đảng đã ban hành quy định về nêu gương là vì thế. Sức thuyết phục ở người cán bộ là ở đó, ở thực hành đạo đức, chứ không phải rao giảng về đạo đức. Một việc làm tốt còn có giá trị hơn nhiều lần những luận văn tuyên truyền.

Chúng tôi có dịp tiếp xúc với các đồng chí cán bộ cơ sở, hỏi chuyện về thực chất công tác quy hoạch cán bộ ở nơi họ đang sống và làm việc, ai cũng nói, quy hoạch là rất cần thiết, nếu thật sự dân chủ, nếu thật sự tôn trọng nguyên tắc “động” và “mở”. Tiếc rằng, dân chủ ở nhiều nơi đang bị biến dạng. Có khi nó trở thành dân chủ của một nhóm người, bị chi phối, bị tác động, thúc ép bởi người đứng đầu.

Thành ra chuẩn bị quy hoạch ai thì người ấy được “móc từ trong túi ra”. Bởi trước đó người được cấp trên ngắm đã có đủ thời gian để dán nhãn, dán mác. Họ đã mua đủ bằng cấp, chứng chỉ (đại học, trên đại học, cao cấp lý luận, tin học, chứng chỉ ngoại ngữ). Lý lịch của họ cũng rất... ổn, tuổi còn trẻ, đã được luân chuyển qua nhiều nơi. Quần chúng xầm xì, rằng những người đó đã... mua xong quy hoạch. Cái gọi là quá trình rèn luyện, là tuổi trẻ thì đã được tính toán từ trước.

Gần đây ở nhiều địa phương có những cán bộ đi lên từ công tác đoàn thể, trở thành “cán bộ đảng” khi còn rất trẻ. Có tình trạng ưu ái cho con em cán bộ chủ chốt làm công tác đoàn. Muốn trở thành Tỉnh ủy viên ở tuổi 35-37 thì làm Bí thư Tỉnh đoàn là thuận lợi nhất. Chúng tôi không đánh đồng tất cả những cán bộ đoàn thật sự giỏi giang, được học hành cơ bản với những vị “làm quan tắt”, học hành lởm khởm, bằng cấp tréo ngoe công việc đang làm. Họ nói thao thao bất tuyệt mà rỗng tuếch.

Mới đây, một số cán bộ cao cấp phạm tội tham nhũng, đọc đến lý lịch của họ thì thật là tiếc, họ đều tham gia cấp ủy các cấp huyện, tỉnh khi còn rất trẻ. Và chắc chắn họ đã được quy hoạch nhiều lần với số phiếu “tín nhiệm” cao (!). Trẻ thì cần lắm, nhưng đừng làm chính trị chay, đừng quá đam mê quyền lực; đừng vì mình được đặt lên bệ phóng mà né tránh, đùn đẩy, sợ mất phiếu, lạc lõng như một cầu thủ lững thững đi bộ trong trận đấu bóng đá.

Những chuyện dân chủ hình thức, hợp lý hóa quy trình đã tồn tại trong nhiều năm qua và chúng ta cũng đã nhận rõ, đã cố gắng khắc phục bằng nhiều quy chế, quy định cụ thể, nhất là quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Thế nhưng, vẫn còn đó những điều nhức nhối.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một số bài viết, bài phát biểu đã cảnh báo rằng, “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Đảng đã cảnh báo, đã quy định rồi, vấn đề là tập thể lãnh đạo phải đoàn kết thống nhất, chống đoàn kết xuôi chiều, phải làm quyết liệt, nghiêm minh. Làm nghiêm để lựa chọn đúng, để sau này bớt phải thanh lọc, xử lý cán bộ.

Cố nhiên, thận trọng trong công tác đánh giá, đưa cán bộ vào nguồn là tốt nhưng cũng không nên máy móc, cứng nhắc. Ở một vài nơi, khi thấy cán bộ được quy hoạch đã “cứng” tuổi thì cơ quan tổ chức vận động cho cán bộ đó làm đơn xin ra khỏi quy hoạch. Chỗ này có sự nhầm lẫn. Quy hoạch là để đào tạo, bồi dưỡng và thử thách, nó khác với bổ nhiệm. Cán bộ có “xin vào quy hoạch” đâu mà yêu cầu người ta “xin ra”. Một cán bộ tốt luôn biết rõ sở trường, sở đoản, điểm dừng. Họ không phải là diễn viên, kịch bản nào đóng vai nấy. Ảo tưởng quyền lực sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực.

Lại nữa, vẫn chưa hết tình trạng quy hoạch “chạy” theo bổ nhiệm; quy hoạch cốt cho xong, giữ “lời hứa” với ai đó, trả nợ “món quà” nào đó. Rồi nhiều trường hợp biết là năng lực kém, nhưng vẫn dùng, vì cánh hẩu, vì phải “trả ơn thế hệ”. Ngược lại là tìm cách loại bỏ người tài, chỉ vì họ thẳng thắn, “đúng nhận, sai cãi”, không bao giờ hạ thấp bản thân để chiều lòng người khác v.v. Chủ nghĩa cá nhân cần được lên án, chớ gọi nó bằng cái tên mĩ miều - “logic cuộc đời” (!).

Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và công tác cán bộ lãnh đạo các cấp - chủ trương ấy cần phải được làm quyết liệt hơn, công tâm hơn, bảo đảm dân chủ thật sự, khi chúng ta lắng nghe, tôn trọng ý kiến nhân dân, có thêm các kênh giới thiệu cán bộ với Đảng./.

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Nền tảng cho sự phát triển ổn định, tự chủ

Ngày đăng 24/09/2024
Yêu cầu về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có ý nghĩa sống còn cho Việt Nam khi chuyển sang thế giới số. An ninh mạng chỉ là một thành phần chính trong vấn đề chủ quyền này. Dựa trên thực trạng, hệ thống lý luận đề xuất các dự báo, yêu cầu và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đối với nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đoàn thể và mỗi cá nhân.

Để điển hình ngày càng điển hình hơn

Ngày đăng 19/09/2024
Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) là nội dung, giải pháp quan trọng trong công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp, ngành, địa phương.

Tiêu chuẩn “6 dám” đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Ngày đăng 26/08/2024
Tại Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng đội ngũ có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Những yêu cầu nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng văn hóa liêm, chính

Ngày đăng 20/08/2024
Liêm, chính là phạm trù rất rộng, thuộc về lĩnh vực ý thức tư tưởng, đạo đức, về phần "người" trong mỗi con người. Ý nghĩa của liêm, chính cũng được nghiên cứu, bàn luận ở nhiều góc độ, được cụ thể hóa ở mỗi ngành nghề khác nhau. Song, bản chất của liêm, chính như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải: Liêm là trong sạch, không tham lam; Chính là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn.

Thực hành tín ngưỡng tôn giáo lành mạnh, đúng pháp luật

Ngày đăng 16/08/2024
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện những đối tượng lạ tìm cách tiếp cận người dân để tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó nổi lên gần đây là hội nhóm xưng danh “Pháp luân công”. Từ đây làm phát sinh những bất ổn, gây mất trật tự an ninh xã hội, khiến dư luận bức xúc.