Hà Nội, Ngày 08/05/2024

Bộ Nội vụ với công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng (tháng 8-1945 đến tháng 12-1946)

Ngày đăng: 12/08/2020   15:13
Mặc định Cỡ chữ
Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới, dù phải kinh qua nhiều thử thách ác liệt, nhưng cuối cùng đã đi tới thắng lợi vào mùa thu năm 1945 với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Tuy vậy, ngay sau khi giành được chính quyền, cách mạng Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều thử thách vô cùng ác liệt. Khoảng hơn một năm, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tới ngày Toàn quốc kháng chiến, là một khoảng thời gian ngắn, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung và trong lịch sử của ngành tổ chức chính quyền - nhà nước và của Bộ Nội vụ nói riêng.

I- CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THẮNG LỢI  VÀ SỰ  RA ĐỜI CỦA BỘ NỘI VỤ

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới, dù phải kinh qua nhiều thử thách ác liệt, nhưng cuối cùng đã đi tới thắng lợi vào mùa thu năm 1945 với cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Tuy vậy, ngay sau khi giành được chính quyền, cách mạng Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều thử thách vô cùng ác liệt. Khoảng hơn một năm, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám tới ngày Toàn quốc kháng chiến, là một khoảng thời gian ngắn, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung và trong lịch sử của ngành tổ chức chính quyền - nhà nước và của Bộ Nội vụ nói riêng. Đây là thời kỳ mà chính quyền cách mạng non trẻ vừa phải đối phó với nhiều loại kẻ thù bên trong, như "giặc đói", "giặc dốt" và các thế lực phản động. Đứng trước yêu cầu cấp bách phải sớm ổn định tình hình, củng cố chính quyền cách mạng, biến chính quyền đó thành công cụ đắc lực cho việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, ngày 28-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chính phủ lâm thời gồm 13 Bộ và 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Trong cơ cấu Chính phủ có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28-8- 1945 là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và của ngành Tổ chức xây dựng chính quyền nhà nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên giữ cương vị Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong thời kỳ nước nhà mới giành lại được chủ quyền.

Sau khi thành lập, cơ quan Bộ Nội vụ được đặt tại toà nhà số 12 đường Ngô Quyền (nay là trụ sở Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội). Trong cơ cấu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ Nội vụ có vai trò rất quan trọng. Lúc đó, tuy có Chủ tịch phủ nhưng thực tế chỉ có rất ít cán bộ nên nhiều công tác của Chủ tịch phủ đều do Bộ Nội vụ đảm trách. Như vậy, Bộ Nội vụ vừa có chức năng tổ chức xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, lại vừa đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ, theo dõi và điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và là đầu mối phối thuộc hoạt động của các bộ khác.

Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, Bộ Nội vụ đã nhanh chóng xây dựng và củng cố cơ quan Bộ. Trước tiên là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ cấu tổ chức của Bộ. Như đã nói ở trên, ông Võ Nguyên Giáp, một trong những người học trò, đồng chí và cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử giữ chức Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ, kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, đặc trách công tác quân sự. Trực tiếp giúp Bộ trưởng thời kỳ này có Đổng lý Văn phòng Hoàng Minh Giám và Chánh Văn phòng Hoàng Hữu Nam.

Để xúc tiến ngay công việc trước mắt tổ chức ra bộ máy hoạt động của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng. Ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chính phủ lâm thời đã ra Sắc lệnh số 01/SL ngày 30-8-1945 cử ông Hoàng Minh Giám giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng về mọi công việc. Đồng thời, ông Hoàng Minh Giám đã trực tiếp làm Thư ký Hội đồng Chính phủ, kiêm nhiệm chức năng như một Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ sau này.

Một trong những biện pháp cải tổ bộ máy hành chính công quyền đầu tiên của Chính phủ là xoá bỏ các ngạch quan lại cũ của bộ máy chính quyền thực dân, tổ chức hệ thống các cơ quan chính quyền mới. Ngày 3-10-1945, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 41/SL quy định tất cả các công sở và các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương đã thành lập ở Việt Nam đều bị bãi bỏ. Để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, công chức thông thạo nghiệp vụ hành chính công, đồng thời nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, Sắc lệnh này cũng quy định việc tuyển chọn và sử dụng nhân viên, công chức của hệ thống chính quyền cũ.  Một số nhân viên của bộ máy chính quyền cũ có hạnh kiểm, tư cách tốt, có trình độ nghiệp vụ cao đã được tuyển chọn làm việc trong Bộ Nội vụ. Ban đầu cơ quan Bộ Nội vụ chỉ có vài chục công chức, nhân viên và 3 thanh tra viên. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, tháng 11-1945, phòng Nam Bộ được thành lập và trực thuộc Bộ Nội vụ có nhiệm vụ theo dõi tình hình miền Nam, đẩy mạnh công tác chi viện cho miền Nam kháng chiến chống Pháp.

Sau khi Chính phủ lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời (ngày 1-1-1946), ngày 19-1-1946, Bộ Nội vụ đã ra Nghị định quy định tổ chức của Bộ mình. Theo Nghị định này, Bộ Nội vụ bao gồm Bộ trưởng, Đổng lý Văn phòng, Chánh Văn phòng. Cơ quan Bộ có hai bộ phận: Văn phòng và các Nha (gồm bốn Nha : Nha Công chức và Kế toán, Nha Pháp chế và Hành chính, Nha Thanh tra và Nha Công an).

Ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với 333 đại biểu. Tại phiên họp đầu tiên ngày 2-3-1946, Quốc hội đã chấp nhận sự từ chức của Chính phủ Liên hiệp lâm thời, đồng thời trao cho Hồ Chí Minh nhiệm vụ thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ yêu nước, có danh vọng lớn, không thuộc đảng phái nào được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngày 22-3-1946, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông Hoàng Minh Giám được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phạm Khắc Hoè giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ.

Như vậy, lúc này phần lớn các vị trí lãnh đạo quan trọng nhất trong Bộ Nội vụ đều do các nhân sĩ yêu nước nắm giữ. Họ là những người không thuộc đảng phái chính trị nào, nhưng có lòng yêu nước chân thành và ý thức phụng sự dân tộc nghiêm túc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tin cậy. Nhằm tiếp tục củng cố chính quyền thêm một bước, ngày 3-5-1946, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 57/SL quy định tổ chức bộ máy của các Bộ. Cũng trong ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 quy định về tổ chức và chức năng của cơ quan thuộc Bộ Nội vụ. Đây là một văn bản pháp lý rất quan trọng, chính thức quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Như vậy, trước yêu cấp thiết của cách mạng Việt Nam, đến giữa năm 1946 bộ máy của Bộ Nội vụ cũng đã nhanh chóng được xây dựng và kiện toàn. Cấp trung ương được tổ chức tương đối hoàn chỉnh với một văn phòng, một phòng trực thuộc và 06 nha. Riêng Việt Nam Công an vụ và Nha Thông tin đã tổ chức được hệ thống dọc xuống các địa phương.

Ngày 28-10-1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã lập ra Chính phủ mới. Cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Như vậy có thể thấy, khi mới được thành lập, cơ quan Bộ chỉ có vẻn vẹn vài chục cán bộ, công chức, bao gồm cả lãnh đạo và chuyên viên, nhân viên. Đứng đầu Bộ là Bộ trưởng phụ trách chung. Dưới Bộ trưởng lúc đầu không có Thứ trưởng mà có Đổng lý Văn phòng làm nhiệm vụ tương tự như Thứ trưởng, vừa phụ trách chỉ đạo các cấp chính quyền trung gian (cấp kỳ cho tới cấp tỉnh), vừa thay mặt Bộ trưởng khi Bộ trưởng đi vắng. Thành phần cán bộ của Bộ ngay từ đầu đã thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc mạnh mẽ trên cơ sở của chủ nghĩa yêu nước và ý thức phụng sự nhân dân. Bên cạnh các cán bộ cách mạng cao cấp giữ vai trò lãnh đạo, Bộ đã mời các nhân sĩ yêu nước, tiến bộ, có danh vọng và uy tín lớn, có trình độ cao và có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, pháp quyền đến làm việc trên tinh thần thành thật hợp tác, lấy công việc phụng sự dân tộc làm mục tiêu, không phân biệt, kỳ thị. Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật thể hiện tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng trong việc xây dựng cơ quan Bộ Nội vụ nói riêng và xây dựng chính quyền cách mạng nói chung. Trong lịch sử của Bộ Nội vụ, sự kiện nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng được mời giữ chức Bộ trưởng từ thượng tuần tháng 3 năm 1946 là một sự kiện đặc biệt. Việc cụ Huỳnh tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa giúp cho Chính phủ có thêm một nhân sĩ tài năng, đức độ, do đó củng cố thêm được sự ủng hộ mạnh mẽ của quảng đại dân chúng và uy tín của Chính phủ cũng được tăng lên.Trên cương vị Bộ trưởng, cụ Huỳnh đã không quản tuổi cao, cống hiến hết mình và thực sự có đóng góp đáng kể.

 II- BỘ NỘI VỤ VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

Là một trong 13 Bộ của Chính phủ Lâm thời, Bộ Nội vụ được phân công lãnh đạo, theo dõi hai lĩnh vực công tác chính là tổ chức xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tuy nhiên trên thực tế Bộ Nội vụ đã phải đảm nhiệm hầu như toàn bộ công việc nội trị của Chính phủ.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Nội vụ lúc này là khẩn trương chỉ đạo, tổ chức việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng các cấp. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất, nhưng cũng là lĩnh vực công tác mà Bộ Nội vụ đã có những đóng góp nổi bật nhất, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền nói riêng và vào cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài nói chung.

Sau Cách mạng Tháng Tám, các hình thức quá độ của chính quyền cách mạng đều chuyển thành hệ thống chính quyền là các Uỷ ban nhân dânUỷ ban hành chính. Là thành quả trực tiếp của cách mạng, ưu điểm nổi bật và thế mạnh tuyệt đối của hệ thống chính quyền mới.

Tuy nhiên, hệ thống chính quyền cách mạng trong buổi đầu chưa thống nhất thành một hệ thống đồng bộ, nên đòi hỏi khách quan đã đặt ra vấn đề cấp thiết phải có những biện pháp cụ thể để nhanh chóng khắc phục những yếu kém của các cấp chính quyền địa phương. Chỉ có như vậy, mới củng cố được lòng tin cậy và sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền cách mạng, ngăn chặn được âm mưu phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch từ cơ sở. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã kịp thời có những biện pháp để khắc phục tình hình, nhanh chóng củng cố chính quyền cách mạng cấp cơ sở. Cuối tháng
10-1945 một Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã được thành lập, do đích thân Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Ngày 22-11-1945, Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã đưa ra được những kiến nghị rất cụ thể và Bộ Nội vụ đã đệ trình để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kỳ). Sắc lệnh này gồm 4 chương, 115 điều, quy định chặt chẽ các nguyên tắc và quy trình xây dựng và tổ chức các cấp chính quyền cấp trung gian và cơ sở. Đây là một đóng góp rất có ý nghĩa của Bộ Nội vụ vào việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là khẩn trương tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra các cơ quan công quyền hợp hiến, hợp pháp. Bộ Nội vụ đã có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện chủ trương này. Ngày 8-9-1945, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Sắc lệnh số 14 về việc "mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội". Tiếp đó, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51 vào ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta. Ngày 2-11-1945 Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ Hoàng Minh Giám đã gửi thông tư tới tất cả các Chủ tịch các Uỷ ban nhân dân Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Sắc lệnh ngày 17-10-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Bộ đã cho in ấn, phổ biến rộng rãi và yêu cầu các cấp chính quyền phải tiến hành sâu rộng một cuộc vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của cuộc Tổng tuyển cử, và bảo đảm cho mọi người được tự do lựa chọn người mình muốn bầu, tránh mọi sự gò ép...  Do nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp xứng đáng của Bộ Nội vụ mà cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã được tổ chức thành công. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ thì ở Bắc Bộ và Trung Bộ hơn 90% cử tri đã tham gia bầu cử. Ở Nam Bộ, mặc dù chiến sự đang diễn ra ác liệt, cuộc bầu cử vẫn được tổ chức tốt ở nhiều nơi.

Một trong những vấn đề cấp bách và phức tạp trong quá trình xây dựng chính quyền đòi hỏi Bộ Nội vụ phải giải quyết, đó là vấn đề công chức cũ của bộ máy chính quyền thực dân để lại. Một phần phải khéo kế thừa đội ngũ công chức cũ, giải quyết công ăn việc làm cho công chức, đồng thời cũng cần kiên quyết để tránh khả năng quá tải cho chính quyền cách mạng. Bộ Nội vụ đã thông qua hàng loạt văn bản quy định chế độ nghỉ hưu đối với những người đã làm việc được 30 năm hoặc đã đến 55 tuổi; cho phép công chức được xin nghỉ không lương từ 06 tháng trở lên và liên tiếp xin nghỉ gia hạn từ 06 tháng trở lên; trợ cấp một tháng lương cho những công chức xin từ chức hoặc nghỉ 06 tháng trở lên. Đồng thời Bộ còn đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh số 161/SL (ngày 23-8-1946) quy định những công chức Việt Nam vì lý do chính trị đã bị bãi chức hay cách chức trước ngày 19-8-1945, có nhu cầu sẽ được trở lại chức cũ hoặc ngạch tương đương. Đến đầu năm 1946, khoảng một nửa số công chức cũ đã xin về hưu, xin nghỉ dài hạn không lương hoặc xin thôi việc để tham gia phong trào tăng gia sản xuất; hoặc có nhiều công chức cao cấp tình nguyện công tác tạm thời không có lương. Ngoài ra, Bộ đã bước đầu nghiên cứu và đề nghị Chính phủ thông qua sắc lệnh về chế độ hưu bổng; chế độ tiền lương và phụ cấp. Bộ Nội vụ đã thiết lập một Hội đồng nghiên cứu và lập Dự án quy tắc chung cho các ngạch công chức Việt Nam.

Trong quá trình phấn đấu hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề, phức tạp trên đây, bản thân Bộ Nội vụ, với tư cách là một bộ phận cấu thành trọng yếu của Chính phủ cách mạng, trực tiếp phụ trách công tác xây dựng, củng cố chính quyền cũng từng bước trưởng thành, nhờ đó mà đã đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền cách mạng.

III- BỘ NỘI VỤ VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ AN NINH CHÍNH TRỊ, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

Bên cạnh công tác chính là xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, cho đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, Bộ Nội vụ còn phải đảm trách rất nhiều công việc khác, đặc biệt là công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội. Theo cơ cấu tổ chức chính quyền thời kỳ đó chưa có Bộ Công an, ngành công an nằm trong Bộ Nội vụ. Trong buổi đầu thành lập ngành công an, Bộ Nội vụ vừa sử dụng bộ máy Liêm phóng và cảnh sát cũ đi đôi với cải tổ và tập trung xây dựng tổ chức và lực lượng cán bộ mới. Ngày 24-9-1945, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Nghị định cải tổ Ty Liêm phóng theo nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hoà. Đặc biệt là việc bổ dụng nhân viên phụ trách. Công tác an ninh trong buổi đầu, khi chính quyền cách mạng mới ra đời lại phải đấu tranh gay go quyết liệt chống ngoại xâm, nội phản, có một tầm quan trọng đặc biệt. Chính trong lĩnh vực công tác này Bộ Nội vụ cũng có nhiều đóng góp to lớn, như việc điều tra, khám phá và ngăn chặn kịp thời các hành động của các đảng phái phản động chống lại chế độ mới, làm phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Căn cứ kết quả điều tra của Ty Liêm phóng Bắc Bộ, ngày 5-9-1945, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 08/SL giải tán “Đại Việt quốc gia xã hội đảng” và “Đại Việt quốc dân đảng” vì đã tư thông với người nước ngoài thực hiện âm mưu phá hoại nền độc lập quốc gia và nền kinh tế đất nước. Ngày 12-9-1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 30/SL giải tán tổ chức “Việt Nam hưng quốc thanh niên hội” và “Việt Nam thanh niên ái quốc hội” vì hoạt động có phương hại đến lợi ích quốc gia… Để bảo đảm tốt công tác trị an trong cả nước, Bộ Nội vụ thực thi nhiều sắc lệnh của Chính phủ, giao cho Ty Liêm phóng bắt những người nguy hiểm đến nền dân chủ, đưa đi an trí; thiết lập toà án quân sự xử tội phạm làm phương hại đến nền độc lập. Ngoài tổ chức công an, Bộ Nội vụ đã xây dựng được các đội cảnh vệ ở các tỉnh để bảo vệ các cơ quan, trại giam. Tăng cường và phát triển vai trò của các tổ chức tự vệ và du kích. Đến cuối 1945, lực lượng tự vệ được tổ chức trên cả nước. Đây chính là những công cụ đắc lực, giúp ích to lớn cho quá trình xây dựng chính quyền cách mạng trong thời kỳ non trẻ.Kết quả mà ngành công an đạt được trong thời kỳ này quả thật rất to lớn, vừa từng bước đấu tranh kiên quyết và khôn khéo đập tan các âm mưu bắt cóc, ám sát cán bộ, gây bạo loạn lật đổ chính quyền của nhiều thế lực Việt gian phản động, được các thế lực ngoại xâm ủng hộ, vừa đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động quần chúng xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống mới, bài trừ các tệ nạn xã hội và chống tội phạm hình sự. Hệ thống chính quyền cách mạng mới thiết lập, không những các âm mưu bạo loạn của kẻ thù bị ngăn ngừa và đập tan, tiêu biểu là việc phá vụ án phố Ôn Như Hầu (12-7-1946), mà cả đến các tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự như nạn cờ bạc, trộm cắp, v.v. cũng bị tiễu trừ khá triệt để. Thắng lợi trong công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội thời kỳ này đã góp phần to lớn vào việc củng cố chính quyền cách mạng, nhất là khẳng định uy tín và tính ưu việt của chính quyền nhân dân.

Các thành viên Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9-1945.

 

Ngày 1-1-1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời thành lập trên cơ sở Chính phủ lâm thời. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ tai Nhà hát lớn Hà Nội.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ còn phối hợp với nhiều Bộ khác của Chính phủ hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ khác của công cuộc nội trị, như cứu đói, phòng chống thiên tai, bình dân học vụ, thanh tra, giám sát, lập lại kỷ cương văn hoá - xã hội... Vai trò đặc biệt quan trọng và đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ ở các lĩnh vực nội trị này chính là ở khía cạnh pháp chính của công tác, tức là góp phần đưa các hoạt động của các cơ quan công quyền cách mạng từng bước vào nền nếp, dựa chắc trên một cơ sở pháp lý và quy trình hành chính chặt chẽ, hiệu quả. Có thể thống kê từ sau Cách mạng Tháng Tám đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, chỉ tính riêng sắc lệnh có tính chất pháp quy, được đăng công báo, Bộ Nội vụ đã trực tiếp nghiên cứu xây dựng hoặc tham gia xây dựng tất cả 146 sắc lệnh trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải không có lúc, ở lĩnh vực này hoặc lĩnh vực khác, Bộ Nội vụ đã buộc phải ôm đồm, làm quá chức năng của mình, nhất là trong việc chỉ đạo hoạt động của các cấp chính quyền trung gian. Cùng với các hoạt động xây dựng chế độ mới, Bộ Nội vụ đã góp công lớn vào công tác thông tin tuyên truyền.Vừa chịu trách nhiệm trong việc cấp phép xuất bản báo chí, vừa xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam, một công cụ quan trọng và cấp bách về mặt tuyên truyền đối nội và đối ngoại nhanh nhất, truyền bá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ ngày ra đời (7-5-1945) đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh kịp tình hình thời sự trong nước và quốc tế, làm cầu nối giữa Trung ương, Chính phủ tới các địa phương và đồng bào cả nước, giữa Việt Nam với thế giới. Đài Tiếng nói Việt Nam thực sự là cơ quan ngôn luận, góp phần tích cực vào công cuộc chống thù trong giặc ngoài, đưa chính quyền cách mạng vượt qua thử thách của buổi đầu khai sinh.Có thể nói Bộ Nội vụ là đầu mối chính, phối hợp với các Bộ khác để xử lý các công việc nội trị, và do đó, có đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng trong những ngày tháng cực kỳ khó khăn này.

Đây là một thời kỳ lịch sử, tuy rất ngắn, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi nhận thắng lợi vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc trong cuộc vùng lên oanh liệt, quật cường, đánh dấu buổi sinh thành của một chế độ mới, của chính quyền dân chủ nhân dân và của ngành công tác xây dựng, tổ chức, điều hành chính quyền - nhà nước kiểu mới mà cơ quan phụ trách chính là Bộ Nội vụ.Thắng lợi to lớn nhất của công tác nội trị, tổ chức xây dựng chính quyền và cũng là đóng góp quan trọng nhất của Bộ Nội vụ trong thời kỳ này chính là ở chỗ đã khẩn trương xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng trong việc phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng cuộc sống mới, chống lại các thế lực thù trong, giặc ngoài. Chính thắng lợi to lớn này đã góp phần tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau này.

 

Lịch sử Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Học viện Hành chính Quốc gia trong lịch sử 75 năm của Bộ Nội vụ - định hướng phát triển thời gian tới

Ngày đăng 22/09/2020
Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Đây là cơ sở đào tạo cán bộ hành chính đầu tiên ở nước ta.

Quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trong 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 22/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đây, nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước có điều kiện phát triển, trong đó có quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ. Trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng Tám, những chủ trương về xây dựng chính quyền và xây dựng nền văn hóa mới đã tạo cơ sở để Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách, biện pháp chỉ đạo cần thiết đối với công tác văn thư, lưu trữ.

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội phát huy truyền thống 75 năm của Bộ Nội vụ trong hoạt động đào tạo nhân lực ngành Nội vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ. Đến nay, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã có chiều dài lịch sử 49 năm xây dựng và phát triển.

Xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh - một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành Tổ chức nhà nước

Ngày đăng 23/09/2020
Quá trình 75 năm xây dựng và phát triển của ngành Nội vụ nói chung, Bộ Nội vụ nói riêng luôn gắn với công tác xây dựng chính quyền địa phương. Ngay từ khi mới được thành lập (ngày 28/8/1945), Bộ Nội vụ đã được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ thực hiện xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Bộ Nội vụ với việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ

Ngày đăng 23/09/2020
Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công vụ nhằm hướng tới hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Tiêu điểm

Những quyết sách quan trọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 là kết quả hợp thành của nhiều yếu tố, mà nổi bật là những quyết định đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chọn Điện Biên Phủ làm địa bàn quyết chiến chiến lược; điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của quân đội Pháp; kiên quyết chỉ đạo, lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung sức mạnh tổng hợp đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đó là những yếu tố quyết định, thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.