Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Cởi bỏ tâm lý “sợ sai” cho cán bộ

Ngày đăng: 07/11/2022   16:22
Mặc định Cỡ chữ
Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta đang rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình dẫn đến không dám làm việc. Và câu chuyện này đã thực sự “nóng” tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Ảnh minh họa

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội nhận định rằng, hạn chế về việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ và phục vụ Nhân dân. Cụ thể, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội nhận thấy có 3 nhóm: Cán bộ còn hạn chế về năng lực có tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ; cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế nên có chuyện nghe ngóng, né tránh; còn đối tượng thứ ba là một số cán bộ bây giờ không muốn làm, không dám làm vì có thể chính sách pháp luật chưa đủ nên trước làm có thể đã không đúng. Hoặc làm xong rồi không biết có sai hay không? Sai cũng không biết sai chỗ nào nên nếu bây giờ vẫn làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Và chính hệ quả của tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm đã tạo sức ì rất lớn, sự trì trệ trong cơ quan công quyền. Điều này đã làm cho hàng chục thậm chí hàng trăm những dự án ì ạch trong triển khai, trải qua nhiều năm vẫn chưa đưa vào sử dụng, thậm chí “đắp chiếu” cả thập kỷ vẫn chưa tháo gỡ được hết những khó khăn, vướng mắc…

Tìm ra nguyên nhân để có giải pháp triệt tiêu tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” này, trên nghị trường Quốc hội, nhiều vấn đề đã được đề cập. Trong đó, có cả việc chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với một số vấn đề, dẫn đến tình trạng “đối với vấn đề này áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác thì lại sai" – như đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH Bình Thuận) phát biểu.

Đáng lưu ý, có nguyên nhân chính từ yếu tố con người, khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ. Có đại biểu phân tích, với cán bộ có năng lực hạn chế có tình trạng sợ không dám làm, với cán bộ có năng lực nhưng rõ ràng ý thức và tinh thần còn hạn chế, có chuyện nghe ngóng, né tránh và còn cả tình trạng “không muốn làm và không dám làm”. Thậm chí "có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Thực tế cho thấy, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì vì không biết làm như thế đúng hay sai là không thể chấp nhận được và cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên đó. Bởi chính cách tư duy, hành động như vậy dù vì lý do gì thì sự xuất hiện của những nhân tố cực đoan ấy đã là tác nhân gây cản trở công việc chung, thậm chí đi ngược với những chủ trương, chính sách của Đảng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bởi Đảng, Nhà nước “mạnh tay”, quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm là nhằm “xốc lại” bộ máy, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên và giúp hệ thống chính trị mạnh lên chứ không phải là làm cho đội ngũ cán bộ vin vào đó bao biện cho hành vi sợ trách nhiệm, sợ sai.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, muốn giải quyết vấn đề này, phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kể cả khu vực công và tư. Đó là các bộ, ngành Trung ương một mặt thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với đó, thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp rõ ràng cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Chắc chắn một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức, viên chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình, gia đình mình và quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ…

Nhưng nói gì thì nói, nếu chỉ nói lỗi là do vướng mắc của chính sách pháp luật thì e rằng chưa đủ. Bởi Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn đề cập đến cơ chế bảo vệ cán bộ với “6 dám”: “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện các nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”.

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” bằng việc luật hóa, cụ thế hóa để tạo cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm… và khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá cũng được đặt ra.

Kết luận số 14-KL/TW về việc bảo vệ cán bộ nêu rõ: Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đó chính là “trụ đỡ” quan trọng để cán bộ sáng tạo, đột phá tìm hướng đi mới cho sự phát triển. Đây chính là “liều thuốc” giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đó cũng là một cách “khích tướng” đội ngũ cán bộ để ngày càng xuất hiện nhiều tư duy mới, cách làm mới, đột phá mới nhằm mang lại những bước ngoặt phát triển mới cho đất nước nói chung, cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng.

Đất nước không thể có những đột phá nếu cán bộ không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để cán bộ dám nghĩ, dám làm trên cơ sở Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, một số ý kiến cho rằng, Trung ương cần “lượng hóa” bằng quy định cụ thể để có thể đánh giá cán bộ. Muốn thế cần phải xây dựng cơ chế cụ thể, luật hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Như thế sẽ dễ thực hiện hơn trong thực tế. Đây cũng là giải pháp để tạo môi trường làm việc tối ưu, năng cao năng suất lao động; tháo gỡ, giải quyết những “điểm nghẽn”, “nút thắt” trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển./.

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.