Hà Nội, Ngày 30/04/2024

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng: 16/04/2024   17:45
Mặc định Cỡ chữ

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. (Ảnh minh họa)

Sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Giai đoạn 2019-2021, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cả nước giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế hơn 300 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.600 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động này cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị... Tuy nhiên, những hạn chế còn tồn tại so với kết quả đạt được là không thể tránh khỏi và từng bước có thể khắc phục được với sự vào cuộc của cả hệ thống.

Giai đoạn 2023-2025, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, Kế hoạch để triển khai thực hiện với lộ trình rất rõ ràng. Tính đến ngày 31/12/2023, tất cả 56/56 tỉnh, thành phố có ĐVHC cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 đã gửi phương án tổng thể đến Bộ Nội vụ. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành Trung ương liên quan, Bộ Nội vụ đã ban hành 56 văn bản tham gia ý kiến đối với phương án sắp xếp của các địa phương.

Hiện HĐND các địa phương trên cả nước đang tổ chức kỳ họp chuyên đề thảo luận, quyết nghị chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị bao gồm 11 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 16 đơn vị khuyến khích và 23 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp, dự kiến giảm 14 đơn vị. Trong khi đó, tổng số ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 19 đơn vị.

Đối với cấp xã, tổng ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 1.243 đơn vị, bao gồm 738 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 109 đơn vị khuyến khích và 396 đơn vị liền kề. Sau sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị. Tổng số ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp nhưng địa phương đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù là 515 đơn vị.

Theo yêu cầu, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Như vậy, thời gian thực tế để tiến hành toàn bộ các quy trình sắp xếp ĐVHC chỉ còn chưa đến 5 tháng trong khi việc sắp xếp ĐVHC là nội dung quan trọng, phức tạp, mức độ tác động, ảnh hưởng lớn, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, qua nhiều giai đoạn nên các địa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu.

Nhưng phải khẳng định rằng, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của đa số người dân.

Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan quán triệt quan điểm chỉ đạo đã được nêu tại các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các công điện của Thủ tướng.

Theo đó, thực hiện sáp nhập phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước. Mục tiêu nhằm bảo đảm tiến độ sắp xếp. Các bộ, ngành trung ương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc xây dựng đề án của từng địa phương, cũng như quá trình thực hiện…

Kinh nghiệm cho thấy nơi nào thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng thì việc sắp xếp suôn sẻ, nếu không sẽ gây ách tắc, chậm trễ. Mấu chốt trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông; người dân phải hiểu và đồng thuận. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập, tạo sự thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan, bị tác động và ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp.

Mặt khác, phải sắp xếp, bố trí công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp huyện, cấp xã hợp lý, nhất là diện dôi dư sau sáp nhập. Trong quá trình đó phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng về năng lực, trình độ chuyên môn, quá trình cống hiến để giải quyết hài hòa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ, có như vậy mới tạo được thành công cũng như sự ổn định, phát triển của đơn vị hành chính mới.

Một điểm nữa là sau sáp nhập cần có phương án giải quyết thỏa đáng về tài sản công, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, tránh tình trạng bỏ hoang trụ sở. Đồng thời ưu tiên giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi các loại giấy tờ cho doanh nghiệp, người dân một cách thuận lợi nhất.

Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp cần tính đến yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương để việc sắp xếp không là “phép cộng” cơ học một cách đơn thuần...

Hiệu quả của sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, tinh giản được bao nhiêu biên chế mà quan trọng hơn cả là hiệu quả thực chất của bộ máy chính quyền, chất lượng các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn này. Với tinh thần như vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng, việc triển khai sắp xếp các ĐVHC theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn sẽ góp phần thực hiện thành công việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, mở cơ hội phát triển mới cho các địa phương…./.

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Quy hoạch tốt để lựa chọn đúng cán bộ

Ngày đăng 28/04/2024
Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng ta (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những yêu cầu về công tác quy hoạch cán bộ các cấp, trong đó nhấn mạnh, “làm tốt hơn nữa công tác xây dựng quy hoạch và công tác cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là công tác quy hoạch và công tác cán bộ Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV”.

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.