Hà Nội, Ngày 30/04/2024

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng: 04/04/2024   09:57
Mặc định Cỡ chữ

Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Điển hình của "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" là việc Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt quyết định táo bạo làm đường dây 500kV Bắc - Nam dù có rất nhiều ý kiến phản đối.

Tiên phong đổi mới và dấu ấn "xé rào"

Trong suốt hành trình 48 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương bắt đầu nhiều mô hình thí điểm rất hiệu quả để rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế, làm cơ sở nhân rộng trên cả nước. Một trong những quyết định "xé rào" táo bạo của người đứng đầu Đảng bộ cùng tập thể lãnh đạo thành phố để giải quyết những vấn đề cấp bách, đặt nền móng cho những đổi mới mạnh mẽ của đất nước sau này chính là câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã ủng hộ, cho nhân rộng một số mô hình đổi mới sản xuất và kinh doanh áp dụng chế độ khoán lương sản phẩm tại các xí nghiệp dệt Thành Công, dệt Thắng Lợi…

Theo quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc đó, muốn sản xuất "bung ra" thì các doanh nghiệp phải được giao quyền tự chủ, phải phá bỏ cơ chế quan liêu, bao cấp. Nhưng đột phá phải thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết liệt, quyết đoán, xuất phát từ cái tâm của người cán bộ, đảng viên...

Tuy nhiên, có những thời điểm trong giai đoạn gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu chững lại, các nhân tố "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" - vốn tạo thành nét truyền thống của một thành phố năng động, đang trở nên hiếm hơn.

Nhắc lại câu chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt - nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cùng Ban Thường vụ Thành ủy mạnh dạn quyết định mua gạo cứu đói cho dân ở thời điểm "đêm trước Đổi mới", TS Trần Thế Lưu - nguyên Trưởng ban Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bài học về việc sẵn sàng chịu trách nhiệm đó vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Đây là động lực, cũng là áp lực để tập thể cán bộ, đảng viên của Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn trong thực hiện các khâu đột phá, nhất là hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp và người dân đang phải đối mặt.

Từ việc phân tích những nguyên nhân xuất hiện sự trì trệ, e ngại, thiếu tính chủ động, sáng tạo, chưa quyết liệt trong thực hiện các công việc của cán bộ, công chức, thậm chí là có tình trạng "co cụm, cầu an và thận trọng quá mức" ở một số nơi, một số tổ chức, cá nhân… làm chậm sự phát triển chung, trong nhiều hội nghị gần đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều về tính năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Vấn đề hiện nay là làm sao khuyến khích, khơi dậy cho đội ngũ cán bộ các cấp tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo ra những sản phẩm, làm nên hiệu quả phục vụ lợi ích chung, Bí thư Nguyễn Văn Nên nêu rõ và ví von: "Như một ca trực, bệnh nhân đang nằm chờ. Chúng ta phải xử lý theo lương tâm và trách nhiệm, thẩm quyền, chứ không thể đổ người này, chỉ người kia để mặc bệnh nhân. Cứ làm hết trách nhiệm lương tâm của mình để xử lý, chúng ta không thể tránh né để chờ giao lại cho ca sau, như thế không phải bản lĩnh và không đúng bổn phận".

Niềm tin của nhân dân giúp chúng tôi dám hành động!

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp được thực hiện rất mạnh mẽ, bất kỳ ai sai phạm cũng bị xử lý. Điều này có tác dụng rất lớn, không chỉ xử lý nghiêm mọi vi phạm mà còn cảnh tỉnh, răn đe cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, phải công tâm, tuân thủ pháp luật, hết lòng vì lợi ích của nhân dân và đất nước… Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện tâm lý e ngại, không dám làm do sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng hoặc thận trọng quá mức trong thực thi công vụ. Nhiều cán bộ không dám sáng tạo nghĩ ra kế sách, quyết sách, nhất là mỗi khi gặp việc khó.

Thật tình đây là vấn đề không dễ để nói và không phải ai cũng dám cởi lòng nếu không thật sự trải qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bắt đầu cuộc trao đổi với chúng tôi như thế.

Nhắc lại những ngày tháng Bắc Giang cùng cả nước gồng mình chống dịch, với giọng nói trầm hẳn xuống, đồng chí Dương Văn Thái kể, suốt hai tháng 4 và 5/2021, Bắc Giang là "tâm dịch" của cả nước, còn huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) là "tâm của tâm dịch". Trong khi đó, Việt Yên lại là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, thời gian cao điểm có gần 200.000 công nhân. Thời điểm dịch bùng phát, trên địa bàn còn lưu lại gần 80.000 người lao động. Đây là một áp lực rất lớn đối với các cấp chính quyền địa phương. Bài toán lớn nhất và cấp bách nhất khi đó là vật tư chống dịch ở đâu? Quyết định thế nào khi đối mặt sự sống còn của mấy chục nghìn con người? Làm sao kịp thời khoanh vùng, dập dịch ngăn chặn nguy cơ dịch lan từ tỉnh ra các địa phương khác? Một điều hết sức khó nữa, là phải làm sao để giải quyết mọi việc trong tình trạng khẩn cấp mà không vi phạm, không đi ngược các quy định pháp quy hiện hành...?

Khi đó, với tâm niệm "sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết", lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mạnh dạn đưa ra quyết sách ở những thời điểm cần kíp, trong đó có phương án "khoanh vùng nhỏ, dập dịch nhanh". Cũng nhờ sự chuyển động của cả hệ thống chính trị, nên chỉ sau hơn hai tháng bùng dịch, địa phương đã có được sự phục hồi nhanh. Hơn thế, Bắc Giang đã thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng ngay trong bối cảnh dịch bệnh của năm 2021.

Dịch qua đi, cũng giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, đã có nhiều cán bộ, đảng viên của Bắc Giang bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, kể cả phải xử lý hình sự… Giọng gần như nghẹn lại, đồng chí Dương Văn Thái nói về từng trường hợp, từng vi phạm. "Ranh giới đúng - sai đôi khi rất khó minh định trong trường hợp cấp bách chưa có tiền lệ của dịch bệnh. Với người vi phạm có vụ lợi cần phải xử lý, và thực tế đã xử lý nghiêm. Nhưng cũng có trường hợp chúng tôi kiến nghị với cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc mức độ vi phạm để có hình thức xử lý thấu đáo. Đây cũng là vấn đề mới! "Dám nghĩ dám làm" và "cố ý làm trái" trong thực tế, nhiều trường hợp gần như khó xác định "ranh giới". Ai dám năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nếu cái "ranh giới" mong manh kia lại biến họ thành người có tội? Như thế là tâm lý e ngại, né tránh dễ nhen nhóm", Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ.

Trên thực tế, những biểu hiện trì trệ, né tránh trách nhiệm ở không ít cán bộ công chức đã tạo sức ì, thậm chí là cản trở quá trình phát triển chung. Khoảng những năm 2020-2022, cây cầu Như Nguyệt là nút thắt lớn trên tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Bắc Giang. Nhìn thấy trước sự ùn tắc giao thông có thể gây tâm lý e ngại đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến quyết định "rót vốn" vào tỉnh, sau rất nhiều bàn bạc, cân nhắc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã quyết định đề xuất xin Chính phủ cho phép dùng ngân sách địa phương để đầu tư thực hiện xây dựng cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 và được Chính phủ nhất trí (theo quy định, dự án này thuộc diện dùng ngân sách trung ương). Kết quả của cái dám "ngược đời" này là sau 14 tháng thi công, công trình cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) đã chính thức thông xe, góp phần không nhỏ giúp Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn nữa với các nhà đầu tư. Chỉ trong năm 2023, Bắc Giang thu hút hơn 3,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ tư cả nước về thu hút FDI.

Trong năm 2023, môi trường đầu tư kinh doanh của Bắc Giang được cải thiện mạnh mẽ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 29 bậc, vươn lên vị trí thứ 02/63 tỉnh, thành phố. Thu hút đầu tư đạt mức cao nhất từ trước, trong đó thu hút FDI đứng thứ tư cả nước...

Tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm được lan tỏa đến cấp huyện, cấp xã cũng mang đến những kết quả tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới. "Miền quê đáng sống" đã trở thành tên gọi cho những xã như xã Yên Sơn (Lục Nam, Bắc Giang). Người ta vẫn nói "cán bộ nào, phong trào ấy". Vì vậy, khi cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, né tránh, không dám tham mưu, không dám đề xuất, không dám làm, dám quyết… nghĩa là công việc "không chạy", để tồn đọng thì rõ ràng có trách nhiệm của người đứng đầu. Với sự nhiệt huyết vốn có của một người nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung - Bí thư Huyện ủy Lục Nam đã khiến chúng tôi cuốn theo câu chuyện "Một năm đưa huyện Lục Nam về đích nông thôn mới vượt trước cả kế hoạch do chính Huyện ủy đề ra".

Đưa chúng tôi đi thực tế tại địa phương, ông Vũ Văn Sơn –Bí thư Đảng ủy xã Yên Sơn cho biết, chất lượng sống của người dân được nâng cao chính là từ "cú huých" của phong trào xây dựng nông thôn mới, từ việc người dân trong xã đã tin tưởng vào chính quyền, đồng lòng chung sức, góp công, góp của xây dựng quê hương. Ngoài kinh phí đóng góp, thôn còn vận động nhân dân hiến đất và ngày công xây dựng, nhiều hộ tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm, với hơn 7.000 m2 đất mà xã chưa kịp chuẩn bị được kinh phí đền bù. Trong khi đất vùng Yên Sơn đang "sốt", tăng giá từng ngày, người dân lại nhất trí để chính quyền "nợ tiền" đến ba tháng.

Lục Nam vốn là huyện nghèo, huyện khó khăn nhất nhì của tỉnh Bắc Giang. Với phương châm "mọi khó khăn vướng mắc đều phải được tháo gỡ và phải được tháo gỡ kịp thời", Huyện ủy xác định rõ "chỉ tìm giải pháp chứ không viện lý do, không bàn lùi". Và minh chứng rõ nét cho lòng tin của người dân đối với chính quyền có thể nhận ra từ chuyện dân cho chính quyền "nợ tiền", hay việc trên địa bàn huyện cả năm 2023 không đơn thư, không có khiếu kiện đông người…

Điều tâm huyết nhất đối với nữ Bí thư Huyện ủy duy nhất của tỉnh Bắc Giang chính là: "Dám làm để không thẹn với những gì tôi đã được thụ hưởng, giáo dục, đào tạo, và không hổ với lòng tin của người dân"./.

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Quy hoạch tốt để lựa chọn đúng cán bộ

Ngày đăng 28/04/2024
Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng ta (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những yêu cầu về công tác quy hoạch cán bộ các cấp, trong đó nhấn mạnh, “làm tốt hơn nữa công tác xây dựng quy hoạch và công tác cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là công tác quy hoạch và công tác cán bộ Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV”.

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.