Hà Nội, Ngày 29/04/2024

“Vấn nạn” báo cáo và phương hướng khắc phục để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước

Ngày đăng: 10/11/2018   16:02
Mặc định Cỡ chữ

Thông tin, báo cáo là yêu cầu đặt ra đối với hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, là biểu hiện của việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời là căn cứ để các cấp có thẩm quyền ra các quyết định hành chính. Đơn giản hóa, cắt giảm gánh nặng báo cáo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh cải cách hành chính.

Ảnh minh họa: internet

1. “Vấn nạn” báo cáo trong công tác quản lý nhà nước hiện nay

Do ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thông tin báo cáo trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, yêu cầu báo cáo được đặt ra tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước.

Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định về trách nhiệm báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; trách nhiệm báo cáo của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực. Các nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ(1), cơ quan thuộc Chính phủ(2) quy định trách nhiệm thực hiện báo cáo công tác của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01/10/2016 cụ thể hóa chế độ thông tin, báo cáo phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các nghị định của Chính phủ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh(3) và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện(4) quy định trách nhiệm thực hiện công tác thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao đối với người đứng đầu các cơ quan này.

Ngoài ra, từng bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương ban hành nhiều quy định chế độ báo cáo định kỳ trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý hoặc theo từng nội dung quản lý cụ thể. Các chế độ báo cáo (trừ báo cáo thống kê) phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước được quy định trong rất nhiều văn bản khác nhau, từ văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, thông tư) tới các văn bản chỉ đạo điều hành chung (nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ) và các văn bản hành chính thông thường (công văn, thông báo, hướng dẫn...).

Phân tích ở góc độ quy định và thực tế thực hiện chế độ báo cáo cho thấy những hạn chế sau:

Thứ nhất, ở góc độ quy định, các văn bản quy định chế độ thông tin báo cáo còn bất cập, thiếu nhiều quy định cơ bản, có tính chất chỉ đạo chung, đó là:

Cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định và phân loại các báo cáo (trừ báo cáo thống kê quy định trong Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành), thẩm quyền quy định, hình thức/loại văn bản quy định các chế độ báo cáo; chưa đưa ra các quy định khung, làm tiêu chuẩn để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó quy định chế độ báo cáo, đảm bảo thực hiện thuận lợi, hiệu quả.

Nội dung của nhiều chế độ báo cáo chưa rõ ràng, chưa cụ thể hoặc không cần thiết cho mục tiêu quản lý nhà nước, còn có sự trùng lặp về nội dung báo cáo giữa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của một bộ, ngành hoặc nhiều bộ, ngành.

Tần suất báo cáo chưa được quy định hợp lý, dẫn đến số lượng báo cáo phải thực hiện nhiều, không cần thiết cho mục tiêu quản lý, gây áp lực cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhiều chế độ báo cáo định kỳ thực hiện hàng tháng, thậm chí hàng tuần nhưng thông tin yêu cầu báo cáo không được sử dụng một cách phù hợp cho công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

Thời gian chốt số liệu, thời gian gửi báo cáo đa số không được quy định hoặc quy định không phù hợp, không thống nhất; còn quy định nhiều thời gian chốt số liệu, thời gian gửi báo cáo trong một lĩnh vực hoặc các lĩnh vực khác nhau(5), làm mất thời gian và công sức trong tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo theo các thời điểm khác nhau.

Mẫu đề cương, biểu số liệu báo cáo chưa được quy định đầy đủ hoặc chưa phù hợp, hoặc chưa được hướng dẫn rõ ràng về cách thức điền thông tin, số liệu, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện(6).

Báo cáo bằng hình thức điện tử, ứng dụng phần mềm báo cáo điện tử và chữ ký số chưa được quan tâm đúng mức, chủ yếu vẫn là báo cáo giấy.

Chưa có quy định thống nhất về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin, số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương để sử dụng, khai thác, chia sẻ trực tuyến giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phù hợp với xu thế xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số ở Việt Nam hiện nay.        

Thứ hai, về phương diện thực tế, công tác thông tin báo cáo còn một số hạn chế, đó là:

Số lượng báo cáo mà các cơ quan hành chính trong cả nước phải thực hiện rất nhiều. Nhìn chung, tỷ lệ báo cáo định kỳ trên tổng số báo cáo phải thực hiện năm 2015 của các bộ, ngành, địa phương dao động trong khoảng từ 50-55%, số còn lại là báo cáo đột xuất(7). Số lượng báo cáo mà các bộ, ngành phải thực hiện chênh lệch nhau rất lớn do đặc thù, tính chất quản lý của ngành, lĩnh vực. Số lượng báo cáo giữa từng cấp chính quyền có sự khác nhau và giữa các cấp chính quyền tương đương nhau cũng có sự chênh lệch nhất định. Tính bình quân, mỗi bộ, ngành phải thực hiện 198 báo cáo/năm(8), mỗi địa phương (gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) phải thực hiện 2.521 báo cáo/năm(9). Theo ước tính, trong năm 2015, các cơ quan hành chính cả nước phải thực hiện 2.054.776 báo cáo, trong đó các bộ, ngành thực hiện 10.314 báo cáo; các địa phương thực hiện 2.044.462 báo cáo. Trong đó, một số báo cáo định kỳ được thực hiện theo thói quen, không xác định được căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước trong việc thực hiện công tác báo cáo.

Thời gian các cơ quan phải thực hiện chế độ báo cáo rất lớn(10). Ước tính thời gian trung bình để thực hiện chế độ báo cáo trong tổng thời gian thực hiện nhiệm vụ năm 2015 của các bộ, ngành chiếm 25,04%, của các địa phương (chia trung bình các cấp tỉnh, huyện, xã cả nước) chiếm 26,12%.

Tuy số lượng báo cáo phải thực hiện nhiều, thời gian phục vụ cho việc xây dựng báo cáo lớn, nhưng chất lượng báo cáo lại không cao, không đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước. Số liệu báo cáo ở một số lĩnh vực thiếu tính đồng bộ, tương thích để phục vụ cho công tác phân tích, nhận định, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động. Nhiều báo cáo có số liệu bị sao chép, tự ước tính dẫn đến tính chính xác không cao; thông tin trong báo cáo vừa thiếu, vừa thừa; nhiều báo cáo không đáp ứng yêu cầu về tính kịp thời. Nhiều báo cáo nội dung nhận xét, phân tích, đánh giá sơ sài, chưa bám sát vào các mô tả thực trạng của báo cáo. Phần đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục tồn tại, nhận định triển vọng, nêu kiến nghị (nếu có) còn nghèo nàn…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Đa số các bộ, ngành, địa phương vẫn sử dụng hình thức nhận - gửi báo cáo giấy là chính. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện nhận - gửi báo cáo điện tử song chưa triệt để, chỉ để thuận lợi hơn trong việc tổng hợp nhanh số liệu hoặc xây dựng hệ thống phần mềm riêng, việc trình ký và gửi, nhận bên ngoài hệ thống vẫn thực hiện bằng bản giấy, hạn chế rất nhiều tính năng ưu việt của hệ thống.

2. Phương hướng cải thiện chất lượng báo cáo để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước

Từ thực trạng quy định và thực hiện chế độ báo cáo nói trên cho thấy, “vấn nạn” này chỉ có thể khắc phục triệt để khi giải quyết được những bất cập, mà trước tiên phải nâng cao chất lượng các quy định về chế độ báo cáo hiện hành theo hướng xây dựng, ban hành nghị định quy định chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nghị định này cần được xây dựng phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, dựa trên các quy định pháp luật chung đã có, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống pháp luật nói chung.

Để đảm bảo chất lượng, tính khả thi, là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương quy định chế độ báo cáo theo thẩm quyền một cách phù hợp, thống nhất, tạo thuận lợi cho việc thực hiện; từ đó giúp nâng cao chất lượng thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp thì nghị định cần quy định các nội dung cơ bản sau đây:

Một là, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của nghị định cần đảm bảo toàn diện, đầy đủ. Bởi thực tế rà soát cho thấy, đối tượng thực hiện báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay không chỉ là các cơ quan trong hệ thống hành chính mà còn bao gồm các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong một số ngành, lĩnh vực, đối tượng thực hiện báo cáo là các tổ chức, cá nhân thậm chí còn chiếm số lượng lớn hơn so với các cơ quan hành chính nhà nước(11). Yêu cầu báo cáo do đó gây ra gánh nặng hành chính, áp lực về thời gian không nhỏ đối với các tổ chức, cá nhân. Việc điều chỉnh quy định về chế độ báo cáo với các đối tượng này cũng cần thiết như chế độ báo cáo cho các cơ quan hành chính nhà nước; qua đó, giúp đơn giản hóa một cách toàn diện chế độ báo cáo, góp phần cắt giảm gánh nặng hành chính cho đối tượng thực hiện.

Hai là, quy định đầy đủ các loại chế độ báo cáo và thẩm quyền, hình thức văn bản ban hành từng loại chế độ báo cáo. Cần đề ra tiêu chí để phân biệt, nhận diện các loại chế độ báo cáo: đột xuất, chuyên đề, định kỳ để khắc phục các thiếu sót của pháp luật về chế độ báo cáo hiện nay. Đồng thời, nghị định cần quy định rõ thẩm quyền, hình thức ban hành từng loại chế độ báo cáo căn cứ vào tầm quan trọng, ý nghĩa của từng loại cũng như gánh nặng về thời gian, công sức các chế độ báo cáo này gây ra với cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nên nghiên cứu quy định theo hướng chỉ có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền ban hành chế độ báo cáo định kỳ. Chế độ báo cáo chuyên đề được ban hành bởi các chủ thể ban hành chế độ báo cáo định kỳ và UBND cấp huyện. Chế độ báo cáo đột xuất được ban hành bởi các chủ thể ban hành chế độ báo cáo chuyên đề và UBND cấp xã, Chủ tịch UBND các cấp. Về hình thức, chế độ báo cáo định kỳ phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh; chế độ báo cáo chuyên đề có thể được ban hành bằng văn bản hành chính thông thường hoặc văn bản quy phạm pháp luật; chế độ báo cáo đột xuất được ban hành bằng văn bản hành chính thông thường.

Ba là, xác định các nội dung của chế độ báo cáo và đề ra yêu cầu cụ thể đối với việc quy định từng loại chế độ báo cáo. Nghị định cần quy định các nội dung của một chế độ báo cáo, đảm bảo bao quát đầy đủ, toàn diện các yếu tố cấu thành của một báo cáo. Có thể xác định nội dung chế độ báo cáo gồm 11 thành phần là: tên báo cáo; nội dung báo cáo; đối tượng thực hiện báo cáo; cơ quan nhận báo cáo; phương thức gửi, nhận báo cáo; thời gian gửi báo cáo; tần suất thực hiện báo cáo; thời gian chốt số liệu báo cáo; mẫu đề cương; biểu mẫu số liệu báo cáo; hướng dẫn quy trình thực hiện báo cáo và đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung này. Theo đó, tương ứng với từng loại chế độ báo cáo khác nhau thì phải quy định các thành phần tối thiểu khác nhau và đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể. Ví dụ: báo cáo đột xuất phải gồm tối thiểu 06 nội dung (tên báo cáo, nội dung báo cáo, đối tượng thực hiện báo cáo, cơ quan nhận báo cáo, phương thức gửi, nhận báo cáo, thời gian gửi báo cáo); báo cáo chuyên đề có thêm mẫu đề cương so với báo cáo đột xuất; báo cáo định kỳ có thêm tần suất thực hiện báo cáo, thời gian chốt số liệu báo cáo so với báo cáo chuyên đề.

Bốn là, thời gian chốt số liệu báo cáo và thời gian gửi báo cáo. Nội dung này nếu được quy định chặt chẽ sẽ làm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thông qua công tác thông tin báo cáo và họp định kỳ triển khai nhiệm vụ. Do đó, cần đưa ra quy định thống nhất thời gian chốt số liệu báo cáo đối với các kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, năm để tất cả các bộ, ngành, địa phương khi quy định chế độ báo cáo với kỳ tương ứng phải thống nhất thời gian chốt số liệu. Đây là vấn đề lớn, cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định lựa chọn một trong hai phương án sau đây:

Phương án thứ nhất, quy định thời gian chốt số liệu thực trùng khớp kỳ báo cáo (báo cáo định kỳ hàng tháng: tính từ ngày 01 đầu tháng đến ngày cuối cùng của tháng; báo cáo định kỳ hàng quý: tính từ ngày 01 đầu quý đến ngày cuối cùng của tháng cuối quý; báo cáo định kỳ 6 tháng: thời gian chốt số liệu 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 01/01 đến ngày 30/6. Thời gian chốt số liệu 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 01/7 đến ngày 31/12; báo cáo định kỳ hàng năm: tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12). Ưu điểm của phương án này là thống nhất thời gian chốt số liệu đối với các báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm trên tất cả các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu của tất cả các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên toàn quốc; cung cấp số liệu thực, chính xác, trùng khớp về thời gian của kỳ báo cáo; thuận lợi cho việc tổng hợp các số liệu báo cáo định kỳ với số liệu của báo cáo thống kê, tạo điều kiện so sánh, đối chiếu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình nhằm đưa ra các quyết định chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Hạn chế là việc tổng hợp các số liệu báo cáo định kỳ sẽ chậm hơn thông lệ, thay vì có số liệu vào cuối kỳ báo cáo thì phải lùi sang đầu kỳ báo cáo sau.

Phương án thứ hai, quy định thời gian chốt số liệu thực không trùng khớp với kỳ báo cáo (báo cáo định kỳ hàng tháng: tính từ ngày 10 tháng trước đến ngày 10 của tháng thuộc kỳ báo cáo; báo cáo định kỳ hàng quý: tính từ ngày 10 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 10 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo; báo cáo định kỳ 6 tháng: thời gian chốt số liệu 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 10/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 10/6 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu 6 tháng cuối năm được tính từ ngày 10/6 đến ngày 10/12 của kỳ báo cáo; báo cáo định kỳ hàng năm: tính từ ngày 10/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 10/12 của kỳ báo cáo). Ưu điểm của phương án này là thống nhất thời gian chốt số liệu đối với các báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm trên tất cả các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu của tất cả các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên toàn quốc; ngoài ra, việc tổng hợp các số liệu báo cáo định kỳ sẽ nhanh hơn, thực hiện vào cuối kỳ báo cáo như thông lệ hiện nay và không cần phải thay đổi các quy định về thời gian chốt số liệu, thời gian gửi báo cáo. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là cung cấp số liệu không trùng khớp về thời gian của kỳ báo cáo; khó khăn cho việc tổng hợp các số liệu báo cáo định kỳ với số liệu của báo cáo thống kê do thời gian có kết quả tổng hợp báo cáo thống kê thường chậm hơn báo cáo định kỳ.

Năm là, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Vấn đề này cần tiếp tục khẳng định lại và dẫn chiếu việc thực hiện các quy định có liên quan về ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo hiện hành tại nghị định. Đồng thời, đưa ra các quy định mang tính chất nguyên tắc và cả các quy định cụ thể, chi tiết, như: nguyên tắc xây dựng, nguyên tắc cập nhật, khai thác dữ liệu, yêu cầu chức năng cơ bản, xây dựng, quản lý, vận hành, phát triển Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối, phân hệ phần mềm báo cáo của các bộ, ngành, địa phương… gắn với trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ... và các bộ, ngành, địa phương.

Sáu là, quy định về đầu mối quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin báo cáo. Đây là vấn đề cần thiết đặt ra tại nghị định này. Bởi lẽ, hiện nay chưa có quy định thống nhất về đầu mối quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin báo cáo để thuận lợi cho việc khai thác, cập nhật, sử dụng, truy xuất nguồn gốc thông tin, nhất là trong xu thế xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia gắn với xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số trong thời gian tới. Hướng quy định đầu mối này ở các bộ, ngành, địa phương nên là Văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng UBND cấp tỉnh, cấp huyện và công chức Văn phòng UBND cấp xã. Riêng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng do đặc thù quản lý và các thông tin thường có tính chất mật, có thể được quy định riêng về đầu mối quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin trong hệ thống tổ chức của mình.

Bảy là, vấn đề sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chế độ báo cáo do các cơ quan ban hành sau khi nghị định có hiệu lực. Thời hạn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các chế độ báo cáo do cơ quan mình ban hành nhằm đáp ứng các quy định tại nghị định cần được cân nhắc, xác định cụ thể ngay tại nghị định, đảm bảo phù hợp, khả thi. Thời hạn này phải đảm bảo cho các bộ, ngành, địa phương có đủ thời gian cần thiết để nghiên cứu, xây dựng văn bản theo quy trình, đảm bảo chất lượng và hiệu quả thực thi trên thực tế, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa chế độ báo cáo một cách kịp thời, nhanh chóng./.

ThS. Nguyễn Thị Trà Lê - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ

----------------------------

Ghi chú:

(1) Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.

(2) Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01/02/2016 của Chính phủ.

(3) Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ.

(4) Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ.

(5) Theo thông tin từ 21/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương cung cấp về các báo cáo phải thực hiện trong năm 2015, số lượng báo cáo mà từng bộ, ngành, địa phương thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan là rất lớn: 50 (Bộ Công thương); 45 (Ủy ban Dân tộc); 35 (Bộ Khoa học và Công nghệ); 148 (Tiền Giang); 267 (Quảng Ngãi); 114 (thành phố Hà Nội)...

(6) Theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương về các báo cáo phải thực hiện trong năm 2015: 157/265 báo cáo không có mẫu (Bộ Công thương), 1.860/2.937 báo cáo không có mẫu (Điện Biên), 638/2.045 báo cáo không có mẫu (Tây Ninh)...

(7) Bộ Tài chính thực hiện 192 báo cáo, trong đó 55% báo cáo định kỳ, 45% báo cáo đột xuất. Con số này ở Bộ Công thương là 265, 52%, 48%; thành phố Hồ Chí Minh là 1.940, 55%, 45%; Đắk Lắk là 1.255, 36%, 64%; Lạng Sơn là 1.947, 54%, 46%.

(8) Nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải 2.262 báo cáo; ít nhất là Ủy ban Dân tộc 134 báo cáo.

(9) Cấp tỉnh thực hiện 1.949 báo cáo, cấp huyện 534 báo cáo và cấp xã 138 báo cáo.

(10) Trong năm 2015, tỉnh Thái Bình sử dụng 244.729 giờ làm việc; tỉnh Cà Mau sử dụng 131.813 giờ làm việc; tỉnh An Giang sử dụng 117.262 giờ làm việc…

(11) Về số lượng báo cáo của các tổ chức, cá nhân phải thực hiện, trong lĩnh vực ngân hàng có 144/151; trong lĩnh vực công thương là 137/238; giao thông vận tải là 111/246; tài chính là 174/416; xây dựng là 35/136…

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

2. Tờ trình số 1105/TTr-VPCP ngày 30/01/2018 của Văn phòng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.