Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật những kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, kiến thức về hội nhập và kỹ năng thực thi công việc để phục vụ yêu cầu của công dân, tổ chức ngày càng tốt hơn. Thông qua đó, giúp họ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn của ngạch và của từng vị trí chức danh đang đảm nhiệm. Thời gian qua, hoạt động ĐTBD đã được thực hiện tương đối tốt, song vẫn còn không ít những hạn chế cần được tiếp tục đổi mới, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay.
Ảnh minh họa |
1. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Trong nhiều năm qua, công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức luôn được chú trọng, Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, có các văn bản quan trọng như: Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức quy định về chế độ, nội dung, chương trình, tổ chức và quản lý công tác ĐTBD đối với công chức[1]; Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP quy định cụ thể về việc thực hiện chế độ ĐTBD và biên soạn, thẩm định chương trình, tài liệu ĐTBD, tổ chức ĐTBD và quản lý chứng chỉ ĐTBD… Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch ĐTBD cán bộ, công chức giai đoạn 2011 – 2015; các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, tài liệu ĐTBD lãnh đạo cấp phòng ở địa phương, cấp sở và tương đương, cấp vụ và tương đương…
Triển khai thực hiện các văn bản về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức, công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức đã được các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ và các cơ sở ĐTBD của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức các lớp ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thông qua các khóa ĐTBD, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương trong cả nước ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã làm tốt hơn nhiệm vụ tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để thực thi có hiệu quả nhiệm vụ, công cụ. Các kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học quản lý, chính trị, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức thực thi công vụ… cùng với các kỹ năng mềm như: kỹ năng lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, kỹ năng quản lý và phát triển nhân sự, kỹ năng giải quyết công vụ, kỹ năng giải quyết tình huống… đã được vận dụng vào giải quyết công việc, bước đầu tạo được niềm tin của công dân và tổ chức vào cơ quan nhà nước.
Số liệu thống kê của Bộ Nội vụ(1) cho thấy, trong 5 năm từ 2006 – 2010 các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã ĐTBD cho 3.948.773 lượt người, riêng cán bộ, công chức là 2.598.965 lượt người. Theo đó, trung bình hàng năm đã có gần 800.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức được ĐTBD, riêng cán bộ, công chức là trên 500.000 lượt người. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã tiến hành ĐTBD cho hơn 3.230.000 lượt cán bộ, công chức(2), trong đó, khối bộ, ngành là hơn 889.000 lượt người và khối các tỉnh, thành phố là 2.344.000 lượt người. Trong tổng số 3.230.000 lượt người đã có 456.000 lượt người được ĐTBD về lý luận chính trị; 489.000 lượt người được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Kết quả ĐTBD giai đoạn 2011-2015 tăng khoảng 24%, ở các tỉnh tăng 42% so với giai đoạn 2006-2010, cho thấy nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương về chức năng, vai trò của hoạt động ĐTBD cán bộ, công chức có nhiều thay đổi tích cực.
Phân tích những kết quả trên cho thấy, đối với cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện thực hiện được những nội dung ĐTBD đạt gần 99%; 65% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được ĐTBD nghiệp vụ; khoảng 73% công chức bộ, ngành và 64% cán bộ, công chức địa phương thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; khoảng 78% công chức lãnh đạo cấp phòng của bộ, ngành và 86% của địa phương được ĐTBD theo chương trình quy định; có khoảng 79% cán bộ cấp xã đạt trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn và 88% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo yêu cầu công việc. 96% công chức cấp xã vùng đô thị, đồng bằng và 88% công chức cấp xã vùng núi có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; gần 72% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Đối với những người hoạt động không chuyên trách, khoảng 52% được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: gần 100% được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng theo chương trình quy định.
Kết quả ĐTBD ở nước ngoài: trong 5 năm qua, cả nước có hơn 43.000 lượt cán bộ, công chức được cử đi ĐTBD ngoài nước, trong đó tập trung vào hai đối tượng là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý với 23.000 lượt người (53%), cán bộ, công chức tham mưu, hoạch định chính sách và cán bộ, công chức nguồn quy hoạch lãnh đạo, quản lý là gần 11.000 lượt người (27%). Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương đã cử gần 15.000 lượt giảng viên các cơ sở đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 30 – 35% cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo. Mặc dù số lượng được ĐTBD tăng lên, nhưng chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhìn chung chưa đáp ứng với yêu cầu của cải cách hành chính nhà nước; thái độ và tinh thần phục vụ đối với công dân và tổ chức chưa cao, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, thậm chí có thái độ vô cảm trước công việc của người dân. Theo kết quả điều tra khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2015, tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có xu hướng tăng ở các địa phương, có khoảng 44% số người làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải mất phí “bôi trơn” mới làm xong thủ tục (3). Đây là nguyên nhân chính làm cho mức độ hài lòng của công dân và tổ chức về chỉ số cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng chưa cao.
Tình trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong đó có những hạn chế, bất cập trong công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian vừa qua:
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức có phần rườm rà, trùng lắp. Ngoài các văn bản của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương ban hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị để cụ thể hóa các quy định của cấp trên. Thời điểm có hiệu lực thi hành giữa các văn bản luật, nghị định và thông tư khác nhau gây khó khăn cho việc thực hiện công tác ĐTBD trên thực tế;
- Hoạt động ĐTBD chưa thật sự gắn với kế hoạch, quy hoạch bố trí, sử dụng của từng cơ quan, tổ chức, từ đó dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng được với yêu cầu;
- ĐTBD dàn trải, thiếu tập trung, chưa đảm bảo thực hiện tốt quy trình nên hiệu quả không cao. Thực tế cho thấy còn coi ĐTBD là chi phí thuần túy chứ chưa phải là cách đầu tư vào nguồn vốn con người, vì thế mà cách thức ĐTBD, cách đầu tư chưa được chú trọng, gây lãng phí;
- Hệ thống cơ sở ĐTBD chưa đủ mạnh, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo còn hạn chế, không phù hợp với hoạt động cập nhật, trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức;
- Đội ngũ giảng viên của một số cơ sở ĐTBD còn trẻ, năng lực hạn chế, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên kiêm chức tuy có chú trọng xây dựng song chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy;
- Chương trình, tài liệu ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức mặc dù có sự đổi mới nhưng vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành và tổng kết thực tiễn. Chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng chưa cao do mới chỉ tập trung vào việc trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn trình độ, vị trí, chức danh mà chưa tập trung vào việc trang bị kỹ năng và phương pháp làm việc.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, ngày 25/01/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025. Căn cứ những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và giải pháp được nêu tại Quyết định này, các cơ quan có liên quan cần triển khai các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về ĐTBD công chức. Kiểm tra, rà soát lại chương trình, nội dung, phương thức ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức để đổi mới, sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Hai là, các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp ĐTBD cần làm tốt công tác thống kê, quy hoạch cán bộ, công chức để xây dựng kế hoạch ĐTBD hợp lý, đúng thời điểm, đúng chủ trương. Thực tiễn cho thấy, một số cơ quan, tổ chức trong thời gian qua chưa chú trọng công tác này, dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp ĐTBD mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch và chủ trương của đơn vị. Một số địa phương không làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức, nên đã xảy ra tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, “nợ” bằng cấp, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Nguyên tắc trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ, các cơ quan, tổ chức chỉ bổ nhiệm những người đủ tiêu chuẩn theo quy định vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Ba là, cần xác định rõ mục tiêu ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức là trang bị kiến thức quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, kỹ năng, thái độ cần thiết để thực thi công vụ theo phương châm chuyển đổi từ một nền hành chính cai trị, cai quản sang một nền hành chính hiện đại, phục vụ, coi công dân, tổ chức là khách hàng, là đối tượng phục vụ. Cần tập trung vào việc trang bị những kiến thức cơ bản như: lý luận chính trị, kiến thức về pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức về khoa học quản lý, đặc biệt là các kỹ năng quản lý và lãnh đạo như: lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra, giam sát và một số kỹ năng mềm khác: kỹ năng lãnh đạo nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán và thương lượng, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thực hành, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng hòa giải, kỹ năng giải quyết tình huống, kỹ năng giải quyết công việc liên quan đến công dân và tổ chức…
Bốn là, đổi mới chương trình, nội dung, phương thức ĐTBD cho cán bộ, công chức, viên chức. Cần xây dựng nội dung, chương trình đào tạo dành riêng cho từng đối tượng thống nhất trong phạm vi cả nước. Theo đó, nội dung ĐTBD phải bảo đảm quán triệt đường lối, quan điểm đổi mới đất nước của Đảng; bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập; đáp ứng yêu cầu chức năng, nhiệm vụ, cũng như yêu cầu bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức. Việc đổi mới nội dung chương trình ĐTBD cần phải bắt đầu từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu của vị trí công việc, từ đó lựa chọn những nội dung kiến thức, kỹ năng cần thiết để tổ chức biên soạn chương trình ĐTBD cho từng đối tượng. Nội dung chương trình tập trung trả lời hai câu hỏi quan trọng: 1) ở vị trí công việc đó cán bộ, công chức, viên chức được làm những gì? 2) cán bộ, công chức, viên chức phải làm gì để thực hiện công việc có chất lượng và đạt được hiệu quả cao nhất?
Năm là, cần rà soát lại các cơ sở ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay có một số cơ sở ĐTBD không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động dưới nhiều hình thức như đi thuê, mượn danh nghĩa của một số cơ sở có thẩm quyền để liên kết ĐTBD, sử dụng giảng viên không phải của cơ sở được cấp phép ĐTBD nên hiệu quả, chất lượng ĐTBD không cao.
Sáu là, đổi mới công tác quản lý ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức. Công tác quản lý ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua còn bị buông lỏng, chưa nghiêm dẫn đến việc chương trình ĐTBD bị trùng lặp về mặt kiến thức, học viên tham gia các lớp học chưa nghiêm túc, đi học theo kiểu chiếu lệ...; giảng viên tham gia công tác giảng dạy chưa có nhiều kinh nghiệm về ngành, lĩnh vực công việc của các cấp chính quyền địa phương. Muốn nâng cao chất lượng công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức cần phải làm tốt công tác quản lý ĐTBD, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo ở các cấp đạt chuẩn, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên kiêm chức. Đội ngũ giảng viên hiện nay chưa được đào tạo kỹ lưỡng, chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn không nhiều nên gặp không ít khó khăn trong ĐTBD cán bộ, công chức nói chung. Các cơ sở ĐTBD cán bộ, công chức cần chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức đủ về số lượng, có bề dày kinh nghiệm trong quản lý và năng lực công tác thực tiễn. Đội ngũ này phải được trang bị về nghiệp vụ sư phạm. Các cơ sở ĐTBD cần tìm kiếm những nhà quản lý giỏi, những cán bộ, công chức có tài năng, giỏi về lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực làm việc của họ để mời làm giảng viên kiêm chức.
Bảy là, cần đổi mới cách thức tổ chức dạy và học cho cán bộ, công chức, viên chức. Áp dụng phương pháp dạy và học tích cực cho học viên theo hướng lấy học viên là trung tâm, nêu vấn đề để học viên thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn theo hướng dẫn của giảng viên, báo cáo viên để sau khóa ĐTBD có thể vận dụng được ngay vào công việc. Thực tiễn cho thấy, thời gian của các khóa ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức hiện nay còn dài nên cần đổi mới cách thức tổ chức lớp học cho phù hợp.
Tám là, tạo lập cơ chế cạnh tranh trong ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức bằng việc thu hút các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp có năng lực tham gia công tác ĐTBD; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn chương trình, thời gian ĐTBD phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
ThS. Nguyễn Văn Phong - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nội vụ, 2011, Tổng kết 5 năm (2006 – 2010) thực hiện Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg và triển khai Quyết định số 1374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 – 2015.
2. Bộ Nội vụ, Tổng hợp kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2011 – 2015.
3. Báo Dân chí: Làm rõ thông tin 44% người dân phải “lót tay” mới được cấp sổ đỏ, ngày 21/4/2016.
[1] . Ngày 01/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục