Hà Nội, Ngày 01/05/2024

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 24/12/2016   15:07
Mặc định Cỡ chữ

Thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) là tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện toàn diện và tiềm lực quốc phòng trên toàn lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hành động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra. 

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sì Lờ Lầu thường xuyên xuống các bản biên giới tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân. Ảnh: baolaichau.vn

Thế trận QPTD ở nước ta được xây dựng gắn với quy hoạch của quốc gia và từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, hình thành các khu vực chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí các công trình kinh tế, kỹ thuật có quan hệ rất lớn đến thế trận QPTD. Đây là hoạt động đòi hỏi phải được tiến hành một cách bài bản, thường xuyên và liên tục, trên một không gian rất rộng lớn, vì vậy, phải đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ các cấp từ trung ương đến cơ sở có đủ phẩm chất và năng lực để xây dựng thế trận QPTD ngày càng vững chắc.

1. Sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân

Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng và Nhà nước ta, tuy nhiên từng giai đoạn cách mạng có sự đòi hỏi khác nhau trong việc nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng nhiệm vụ chính trị nói chung, xây dựng thế trận QPTD nói riêng, là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản lâu dài. Điều này, bắt nguồn từ những đòi hỏi khách quan sau đây:

Một là, xuất phát từ vị trí, vai trò ngày càng cao của đội ngũ cán bộ các cấp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng, đồng thời thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước. Hai năm sau khi giành chính quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”(1). Điều đó cho thấy, nhiệm vụ cách mạng càng phát triển thì vai trò, trách nhiệm càng cao, do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước càng cần được đẩy mạnh để nâng cao phẩm chất, năng lực tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng đề ra, gần 30 năm qua, nền kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng. Từ một nước nghèo có thu nhập bình quân đầu người thấp, nước ta đã vươn lên là nước có thu nhập trung bình, nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc đề ra được thực hiện sớm, nền quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố vững chắc. Hiện nay, nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây là một sự nghiệp rất to lớn, khó khăn, phức tạp trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, quân sự của khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường, nhất là tình hình trên biển Đông. Sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới đang trao cho đội ngũ cán bộ các cấp trọng trách, vai trò ngày càng to lớn, đòi hỏi ở họ  phẩm chất và năng lực tương xứng để đáp ứng với nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho, là tổ chức toàn dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ xây dựng thế trận QPTD.

Phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp không tự nhiên có, mà phải thông qua đào tạo, bồi dưỡng, điều này thuộc về trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, còn hệ thống chính trị là môi trường hoạt động và trực tiếp kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ các cấp. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp trở thành nhu cầu hết sức cấp thiết.

 Hai là, từ sự phát triển không ngừng của thế trận QPTD, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước, khu vực và quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Nền kinh tế - xã hội nước ta đang có sự vận động và biến đổi nhanh chóng cả về quy mô và trình độ phát triển. Tình hình kinh tế, chính trị, quân sự của khu vực và thế giới cũng có sự biến động nhanh chóng và khó lường. Các thế lực thù địch đang ráo riết triển khai thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” gây “bạo loạn”, “lật đổ” chế độ với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt. Những cuộc chiến tranh xảy ra gần đây trên thế giới đều là chiến tranh sử dụng vũ khí, phương tiện công nghệ cao, được tiến hành trên một không gian rộng, diễn biến mau lẹ và cực kỳ phức tạp. Vì vậy, thế trận QPTD phải có sự điều chỉnh, bổ sung cả về tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện và tiềm lực quốc phòng cho thích ứng với sự biến động chung của đất nước, khu vực và thế giới.

Tình hình trên cho thấy, tư duy chiến lược về xây dựng thế trận QPTD cần có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng ngày càng vững chắc và hiện đại hơn. Bởi vì, nền quốc phòng nước ta là nền QPTD, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là của toàn dân, điều đó vừa đòi hỏi, vừa cho phép chúng ta xây dựng một thế trận QPTD vững chắc và hiện đại. Tính vững chắc thể hiện ở chỗ, thế trận QPTD nước ta ăn sâu, bám chắc vào lòng dân. Các bậc tiền nhân đã dạy: Chở thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước, lật thuyền mới biết dân như nước. Tính hiện đại thể hiện ở chỗ, phải có tư duy nhanh nhạy nắm chắc thời cuộc để đầu tư thích đáng cho nền quốc phòng về vũ khí, trang bị hiện đại, bố trí hợp lý, khoa học và huy động tốt nhất các nguồn lực của quốc gia nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhưng không gây khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều chứng minh một chân lý, thế trận quốc phòng vững chắc nhất đó là thế bám chắc vào lòng dân. Lòng dân bất ổn, thì dù có xây bao nhiêu công trình, mua sắm bao nhiêu vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại cũng sẽ tan vỡ thế trận khi bị các thế lực thù địch chống phá. Được nhân dân ủng hộ thì sự vững chắc, hiện đại của thế trận QPTD đương nhiên sẽ được thực hiện. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ các cấp: “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Từ sự phân tích trên, có thể rút ra vấn đề có tính quy luật là: muốn xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc, trước hết phải xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, trách nhiệm đó, trước hết thuộc về đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước. Trong những năm gần đây đội ngũ cán bộ này, xét cả về phẩm chất và năng lực đang có nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh kịp thời. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(2). Với một thực trạng như vậy, việc giữ cho được thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Do đó, nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận QPTD trong thời kỳ mới không chỉ là đòi hỏi khách quan, mà còn hết sức cấp thiết.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước có mối quan hệ nhân quả với nhau, nếu chỉ chú ý đào tạo mà không gắn với bồi dưỡng thì thành quả của sự đào tạo sẽ không được phát huy tốt trong thực tiễn hoạt động của cán bộ các cấp. Ngược lại, bồi dưỡng không đúng hướng sẽ làm lãng phí tiền bạc và công sức đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đầu tư cho công tác đào tạo. Với tư duy, cần phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước, nên tập trung vào những giải pháp sau: 

Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp một cách cơ bản, toàn diện và tăng cường các biện pháp thực hiện nhất quán, hiệu quả.

Giải pháp này mang tính cấp bách và giữ vị trí quan trọng hàng đầu, bởi đây là vấn đề trong những năm gần đây làm chưa tốt, còn nhiều bất cập đáng báo động và cần nhanh chóng được khắc phục. Đề cập đến tình hình và nguyên nhân về quy hoạch và sử dụng đội ngũ cán bộ các cấp, Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước”(3).

Thực tiễn cho thấy, quy hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp chưa được quan tâm đầu tư xây dựng cho từng thời kỳ; bên cạnh đó, giữa đào tạo và bồi dưỡng không tuân thủ quy hoạch, còn bị chi phối bởi ý chí chủ quan của một số người chịu trách nhiệm về lĩnh vực này. Không ít cán bộ được đào tạo bài bản, nhưng không được bồi dưỡng để đảm nhiệm chức vụ tương xứng, trong khi đó không ít người được đào tạo một cách chắp vá lại được “bồi dưỡng” để đảm nhiệm những vị trí quan trọng, thậm chí ở một số cơ quan đòi hỏi trình độ khoa học cao cũng diễn ra điều tương tự.

Để khắc phục tình trạng này, phải xây dựng quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp một cách cơ bản, toàn diện từ cấp cơ sở đến cấp trung ương, trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Đồng thời, phải có biện pháp kiên quyết và nhất quán để thực hiện tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực sự khoa học và công tâm, hạn chế, tiến tới triệt tiêu sự xâm nhập của cơ chế thị trường vào lĩnh vực này. Thực hiện tốt điều này, sẽ có được một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên có đủ uy tín để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó, xây dựng thế trận QPTD là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Thứ hai, đổi mới cơ bản, toàn diện nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng với yêu cầu xây dựng thế trận QPTD.

Đây là giải pháp có vai trò cực kỳ quan trọng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế - xã hội nước ta đã thay đổi một cách cơ bản, toàn diện từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bao cấp đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ một đất nước bị bao vây cấm vận cả về kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có quan hệ hợp tác tốt với tất cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chúng ta đã giữ vững chủ quyền lãnh thổ, tạo dựng môi trường hòa bình, hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút gần 260 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nền quốc phòng nước ta cũng đã có quan hệ hợp tác với 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và mở rộng với các nước trên thế giới ADMM+.

Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy Đảng và Nhà nước phải có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực hoạt động mới đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có xây dựng thế trận QPTD trong tình hình mới. Đây cũng là cơ sở lý luận và thực tiễn đặt ra cho quá trình đổi mới cơ bản, toàn diện cả về nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp. Trước hết, cần đổi mới cơ bản, toàn diện nội dung, phương pháp dạy và học các bậc học phổ thông theo hướng cập nhật tri thức mới của dân tộc và thời đại, chú trọng giáo dục cả về đạo đức, trang bị kiến thức phổ thông toàn diện và ngoại ngữ, tin học. Thực hiện tốt sự đổi mới ở các bậc học này, tạo tiền đề tốt cho các bậc đào tạo, bồi dưỡng cao hơn. Đối với các bậc đào tạo, bồi dưỡng từ trung cấp đến sau đại học, cần kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới nội dung và phương thức đào tạo ở trong nước với gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Từng bậc học, từng chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng cần chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và trình độ lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tránh tình trạng chỉ chú trọng đến chuyên môn, không quan tâm đúng mức đào tạo, bồi dưỡng về lý tưởng cách mạng và đạo đức, lối sống của con người mới xã hội chủ nghĩa. Phải đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành trong toàn bộ hệ thống lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, chuyên nghiệp hóa là con đường ngắn nhất, hạn chế sự chắp vá thiếu đồng bộ và không có đội ngũ kế thừa, như đang diễn ra khá phổ biến, nhất là các cơ quan cấp chiến lược. Các nước tiên tiến trên thế giới đều rất chú trọng chuyên môn hóa đội ngũ công chức nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xã hội và tinh giản đội ngũ này. Trong thời gian tới, cần khắc phục triệt để tình trạng đào tạo, bồi dưỡng không gắn với sử dụng như đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo, quản lý. Làm tốt vấn đề này chắc chắn sẽ có một đội ngũ cán bộ các cấp đạt trình độ chuyên môn cao, có sự kế thừa liên tục, vững chắc và xử lý tốt mọi hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh của đất nước.

Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận QPTD.

Sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng là nhân tố quyết định phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ các cấp. Thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy, lúc nào và ở đâu thực hiện tốt sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác đào tạo và bồi dưỡng thì lúc đó và ở đó có đội ngũ cán bộ năng nổ, nhiệt huyết cách mạng và tổ chức tốt mọi hoạt động kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, nhờ đó thế trận lòng dân không ngừng được xây dựng vững chắc và ngược lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng và Bác Hồ đã thực hiện triệt để sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và bồi dưỡng. Do đó, dù hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt và điều kiện đất nước còn hết sức khó khăn thiếu thốn, nhưng đội ngũ cán bộ các cấp vẫn được đào tạo và bồi dưỡng đầy đủ đáp ứng cho công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, sau này là giải phóng miền Nam và xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Điều quan trọng là cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước luôn tận tụy với sự nghiệp cách mạng, huy động được sự ủng hộ của toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn hơn ta gấp nhiều lần. Ngày nay, điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn, nhưng sự kết hợp giữa đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chưa tốt, còn để cho cơ chế thị trường xâm nhập, nên một bộ phận cán bộ, đảng viên xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, lối sống. Sự hoàn thành chức trách nhiệm vụ và quy tụ lòng dân của đội ngũ cán bộ các cấp không tương xứng với sự đầu tư hết sức tốn kém dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Đảng và Nhà nước. Điều này, mặc dù đã được nhận thức rõ, nhưng còn thiếu các biện pháp khắc phục đồng bộ và kiên quyết nên vẫn để xảy ra sự bất cập về đội ngũ cán bộ ở nhiều cấp, nhiều nơi.

Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta cần tăng cường các biện pháp nhằm kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa công tác đào tạo và bồi dưỡng, như: thực hiện tốt công tác phát hiện, lựa chọn để tiến hành đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành thật sự khoa học và công tâm. Sau quá trình đào tạo, các cấp ủy đảng chịu trách nhiệm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch để sắp xếp và bố trí cán bộ, tuân thủ đúng nguyên tắc vì việc mà tìm người, không vì người mà bố trí việc. Đồng thời, phải thường xuyên bồi dưỡng về mọi mặt để cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm đảm nhiệm tốt các chức trách được giao. Cần xây dựng các phương án cụ thể về sử dụng cán bộ cho từng cấp, từng loại cán bộ, đẩy mạnh việc thực hiện thi tuyển, lựa chọn đội ngũ cán bộ theo đúng chuyên môn cần sử dụng. Tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự hình thành và chi phối bởi lợi ích nhóm trong công tác cán bộ, bởi lẽ, lợi ích nhóm là sự biểu hiện mang tính điển hình của cơ chế thị trường trong công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ các cấp. Chính lợi ích nhóm đã hình thành sự câu kết giữa những nhóm có chung lợi ích để loại bỏ những cán bộ trung thực, thẳng thắn và am hiểu công việc. Có một quy luật của nhiều chế độ chính trị xã hội là những người trung thực, công tâm và có tài thường không vì quyền chức mà chạy chọt, đút lót. Còn những kẻ cơ hội, kém tài thì sử dụng tối đa mọi thủ đoạn để thực hiện sự tiến thân bằng mọi giá, chui sâu, leo cao vào bộ máy lãnh đạo. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm cần được Đảng và Nhà nước ta tăng cường các biện pháp hữu hiệu để xử lý kịp thời. Thành quả của cách mạng chỉ có thể được phát huy mạnh mẽ bởi những cán bộ có tài, có đức, không thể trao cho những kẻ tham lam và kém năng lực.

Xây dựng thế trận QPTD là một sự nghiệp khó khăn, gian khổ và lâu dài, vì vậy, cần phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng và Nhà nước một cách bài bản, toàn diện mới có đủ đức, tài để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của chức trách, nhiệm vụ. Các giải pháp được đề xuất trên đây có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong một tổng thể thống nhất, giải pháp này là tiền đề, điều kiện của giải pháp kia. Nếu được thực hiện tốt, chắc chắn sẽ đào tạo và bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng, Nhà nước có đủ phẩm chất và năng lực để xây dựng thế trận QPTD ngày càng vững chắc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Hoàng Minh Thảo - Viện Chiến lược quốc phòng

Ghi chú:

(1)   Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 273.

(2)  , (3) Văn kiện Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb CTQG, H.2012, tr.22.

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.