Hà Nội, Ngày 11/06/2024

Khoa học tổ chức và công tác tổ chức trong cải cách nền hành chính

Ngày đăng: 24/08/2014   15:04
Mặc định Cỡ chữ

Hội nghị Trung ương 8 khóa VII, Trung ương 3 khóa VIII, Trung ương 5 khóa X của Đảng về cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy nhà nước đều đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Đó là các nội dung, nhiệm vụ quan trọng của cải cách nền hành chính của Nhà nước ta, liên quan trực tiếp đến khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước. Để phát huy vai trò và vận dụng những quan điểm, nguyên tắc của khoa học tổ chức và công tác tổ chức vào cải cách nền hành chính, trong bài viết này xin đề cập đến những vấn đề cơ bản của khoa học tổ chức, nhiệm vụ của khoa học tổ chức và công tác tổ chức trong cải cách nền hành chính.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất thu chủ trì Hội thảo "Khoa học tổ chức và khoa học tổ chức nhà nước"

1. Về khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước

Khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nói cách khác, khoa học là hệ thống các tri thức chân thực được khái quát từ thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm. Khoa học mang lại những hiểu biết về bản chất của mọi hiện tượng, quá trình trong tự nhiên, xã hội dưới dạng trừu tượng lôgíc. Nó giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động lịch sử - xã hội, là cơ sở hình thành thế giới quan xã hội của con người, một trong các công cụ chủ yếu để nhận thức thế giới khách quan. Khoa học ngày nay đã trở thành nguồn lực quan trọng của lực lượng sản xuất mỗi quốc gia, dân tộc. Không phải ngẫu nhiên các nước trên thế giới đều quan tâm đến phát triển khoa học, coi khoa học là "quốc sách", là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng chỉ rõ: "Phát huy và ứng dụng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; đồng thời, chỉ ra nhiệm vụ cụ thể: "Phát huy đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ". Trong các lĩnh vực khoa học, thì khoa học xã hội luôn được đề cao vì là một ngành khoa học nghiên cứu các quy luật hình thành, phát triển của xã hội và con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Với chức năng nghiên cứu cơ bản và toàn diện về xã hội và con người, khoa học xã hội cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi quốc gia. Ở nước ta hiện nay, khoa học xã hội và nhân văn có nhiệm vụ "tập trung nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới đất nước và dự báo xu hướng phát triển, cung cấp luận cứ làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, phục vụ xây dựng đường lối, chính sách phát triển và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới. Chú trọng các nghiên cứu về mô hình và chiến lược phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xu thế phát triển của xã hội, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và con người Việt Nam"(1). Như vậy, chức năng, nhiệm vụ của khoa học xã hội là rất rộng, bao hàm chức năng, nhiệm vụ của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, trong đó có khoa học tổ chức. Nói cách khác, khoa học tổ chức hay tổ chức học là nhánh, là lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của khoa học xã hội.

Để có quan niệm đầy đủ, thấu đáo về khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước, trước hết cần nhận thức đúng về khoa học tổ chức nói chung và công tác tổ chức nhà nước nói riêng. Tổ chức là một chỉnh thể có cấu trúc và những chức năng nhất định, như tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức bộ máy giúp việc, có trật tự, nề nếp và hoạt động hiệu quả. Tổ chức còn là một tổ hợp, hay tập hợp những người (những thành viên) khác nhau được tổ chức lại và hoạt động trên những nguyên tắc chung, nhằm một mục đích chung, thường đó là các tổ chức chính trị - xã hội như: tổ chức đảng, tổ chức quần chúng.v.v... Tổ chức còn là tổng hợp các biện pháp, giải pháp có liên quan với nhau tác động vào một khách thể, một mặt hoạt động của con người hay tổ chức chính trị - xã hội tạo ra một sức mạnh hay động lực tổng hợp như: tổ chức một cuộc cách mạng, một chuyến thám hiểm, một chuyến bay vào vũ trụ.v.v... "Tổ chức nói rộng là một cơ cấu tồn tại của sự vật. Sự vật không thể tồn tại mà không có một hình thức liên kết nhất định các yếu tố thuộc nội dung. Tổ chức vì vậy là thuộc tính của bản thân sự vật"(2). Quan niệm về tổ chức như vậy bao quát cả tự nhiên và xã hội loài người. "Thái dương hệ là một tổ chức, tổ chức này liên kết mặt trời và các thiên thể có quan hệ với nó trong đó có trái đất. Bản thân trái đất cũng là một tổ chức, cơ cấu phù hợp với vị trí của nó trong thái dương hệ. Giới sinh vật cũng có một tổ chức chặt chẽ bảo đảm thích nghi với môi trường để không ngừng phát triển"(3). Con người là tổ chức hoàn thiện nhất trong giới sinh vật. Mỗi một bộ phận tổ chức trong cơ thể con người có chức năng, nhiệm vụ cụ thể không trùng lắp, chồng chéo, không thay thế nhau nhưng liên kết với nhau thành một hệ thống hoàn chỉnh hoạt động một cách nhịp nhàng do hệ thần kinh điều khiển. "Từ khi xuất hiện loài người, tổ chức loài người đồng thời cũng xuất hiện. Tổ chức ấy không ngừng hoàn thiện và phát triển cùng với sự phát triển của nhân loại. Theo nghĩa hẹp, tổ chức là một tập hợp của con người tập hợp nhau lại để thực hiện một nhiệm vụ chung nhằm tới một mục tiêu xác định của tập thể đó"(4). Nói một cách khái quát, "tổ chức là cơ cấu tồn tại của các sự vật, vận động theo quy luật khách quan. Các sự vật không thể tồn tại mà không có một hình thức liên kết nhất định các yếu tố nội dung của chúng"(5). Chester Barnard nghiên cứu các mối quan hệ của con người trong tổ chức đã đưa ra một định nghĩa khá nổi tiếng về tổ chức. Ông quan niệm tổ chức như là một "hệ thống các hoạt động hay tác động có ý thức của hai hay nhiều người". Con người và nhân loại từ khi xuất hiện đến nay "không ngừng nghiên cứu để hoàn thiện tổ chức của mình và dần dần xây dựng thành lý luận về tổ chức và hình thành khoa học tổ chức hay tổ chức học"(6).

Tổ chức học là gì? Tổ chức học là một môn khoa học nghiên cứu về tổ chức, cụ thể là nghiên cứu các quan hệ tổ chức được hình thành từ tổng thể những hệ thống cơ cấu kiểu ''con người - máy móc'' hoặc ''con người - con người''; là một môn khoa học nghiên cứu quy luật hình thành, phát triển và triệt tiêu một thực thể tổ chức nhất định trong lĩnh vực đời sống nhà nước và xã hội(7). Nếu triết học là khoa học của khoa học nghiên cứu vật chất và ý thức, hay nói cách khác, nghiên cứu về tư duy con người và thế giới hiện thực khách quan, thì tổ chức học là khoa học tổng hợp nghiên cứu những quy luật hình thành và phát triển của thực thể ''con người - bộ máy''; nghiên cứu cấu trúc, mối quan hệ hữu cơ, cơ chế và những giải pháp (biện pháp) nhằm tạo ra một nhân tố, một động lực duy trì sự tồn tại và phát triển của thực thể đó. Là khoa học tổng hợp, nó liên quan đến nhiều môn khoa học khác như: triết học, chính trị học, kinh tế học, luật học, lịch sử, tâm lý học, toán học, điều khiển học, tin học.v.v... Ví dụ: nghiên cứu đề xuất tổ chức bộ máy nhà nước tối ưu thích hợp với kiến trúc thượng tầng và phù hợp với cơ sở hạ tầng, cần phải có tri thức về chính trị học, kinh tế học và triết học. Nghiên cứu thể chế hay cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước phải dựa trên Hiến pháp, luật, cần phải có tri thức luật học. Nghiên cứu quản lý bộ máy nhà nước cần phải có tri thức về khoa học quản lý. Dưới góc độ khoa học quản lý, tổ chức học được quan niệm là khoa học về sự thiết lập các mối quan hệ giữa các con người để thực hiện một công việc quản lý. Nghiên cứu biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đòi hỏi phải am hiểu tổ chức khoa học lao động quản lý. Nghiên cứu để xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh, cơ cấu công chức, viên chức phải có tri thức của các chuyên ngành khoa học khác.v.v... Đề cập đến vấn đề này để thấy được tính tổng hợp của khoa học tổ chức, khi nghiên cứu giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn cần xuất phát và dựa trên các quan điểm, phương pháp khoa học như: quan điểm toàn diện; quan điểm lịch sử; quan điểm phát triển; quan điểm hệ thống và phương pháp lôgíc lịch sử, phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp toán học.v.v... Là khoa học nên nó có các quy luật như: "Mục tiêu rõ ràng và tính hiệu quả của tổ chức; quy luật hệ thống; quy luật cấu trúc đồng nhất với tính đặc thù của tổ chức; quy luật vận động không ngừng và vận động theo quy trình của tổ chức; quy luật tự điều đình của tổ chức"(8). Sự giao thoa quan trọng giữa khoa học quản lý và khoa học tổ chức là: khách thể quản lý quyết định sự tồn tại mô hình tổ chức của chủ thể quản lý, chủ thể tồn tại vì lợi ích của khách thể, phải được tổ chức phù hợp với đòi hỏi của khách thể. Khi thành lập hay cho ra đời một tổ chức phải tôn trọng các điều kiện và yếu tố khách quan tác động đến tổ chức đó, đặc biệt phải tôn trọng các quy luật, quan điểm, nguyên tắc và các phương pháp phân tích nói trên. Ngoài ra,  như các chuyên ngành khoa học khác, khoa học tổ chức cũng có các đặc tính kế thừa, tính quốc tế.

Công tác tổ chức nhà nước là một lĩnh vực hoạt động của nhà nước, nghiên cứu vận dụng những thành tựu khoa học tổ chức đạt được vào việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ nghiên cứu đề ra mô hình tổ chức bộ máy nhà nước tối ưu, phân định chức năng, quyền hạn, thể chế, cơ chế vận hành bộ máy, về quản lý điều hành bộ máy, về tổ chức lao động và các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch đào tạo, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong bộ máy nhà nước.v.v... Công tác tổ chức nhà nước là một công tác khoa học, nó đòi hỏi giải quyết mọi vấn đề trong lĩnh vực này phải trên cơ sở khoa học, mà chủ yếu là yếu tố khách quan.

2. Nhiệm vụ của khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước

Ngày nay trong bối cảnh bùng nổ thông tin, thế giới đang trong quá trình hội nhập, các quy luật nội tại của khoa học trong đó có khoa học tổ chức lại càng phát triển. Nhiệm vụ của khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước là vận dụng và khai thác triệt để các quy luật đó vào ''Xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước vững mạnh, trong sạch, có hiệu lực và hiệu quả"(9). Phải biết học tập và vận dụng kinh nghiệm, tinh hoa của nhân loại trong tổ chức bộ máy nhà nước, trong đào tạo, sử dụng đội ngũ công chức, viên chức; kế thừa, học tập kinh nghiệm thế giới một cách sáng tạo và khoa học. Ví dụ, khi vận dụng tư tưởng nhà nước và pháp quyền - một trong những giá trị quý báu của nhân loại, chúng ta phải nghiên cứu để thấy hết được tính hợp lý và giá trị khoa học của nó. Từ đó, mạnh dạn áp dụng những ưu điểm của tư tưởng này vào xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải biết tôn trọng, tận dụng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, những mặt ưu điểm của kinh tế thị trường. Đồng thời, phải thấy được mặt hạn chế, nhược điểm của nó để có các giải pháp khắc phục.

Phát huy tính kế thừa của khoa học tổ chức, đòi hỏi phải có quan điểm duy vật lịch sử khi nghiên cứu xây dựng bộ máy nhà nước. Không nên phủ nhận những giá trị lịch sử để lại. Khi nghiên cứu tổ chức bộ máy Nhà nước ta hiện nay ở Trung ương, phải nghiên cứu xem xét trong lịch sử nó được tổ chức như thế nào? Cái gì tốt, cái gì chưa tốt? Cái gì có thể học tập và kế thừa được? Đặc biệt, phải nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức bộ máy nhà nước về công tác cán bộ trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lý giải tại sao Chính phủ và tổ chức bộ máy Chính phủ năm 1945 rất gọn nhẹ, có 12 bộ, năm 1946 có 13 bộ, năm 1947 còn 12 bộ. Đến năm 1959 Chính phủ có 20 bộ, 04 Ủy ban nhà nước, 01 Tổng ngân hàng và 06 Văn phòng thuộc Chính phủ; năm 1981 có 27 bộ, 06 Ủy ban nhà nước, 01 Văn phòng và 27 cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Từ năm 1987, trong cơ cấu tổ chức của Hội đồng Bộ trưởng khóa VIII (1987-1992) có 63 cơ quan, trong đó có 28 bộ, cơ quan ngang bộ và 35 cơ quan trực thuộc Chính phủ; Hội đồng Bộ trưởng có Chủ tịch, 07 Phó Chủ tịch và 24 thành viên là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Chính phủ khóa XII (2007-2011) và Chính phủ khóa XIII (2011-2016) chỉ có 30 cơ quan, trong đó có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 08 cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ.

 Nghiên cứu, lý giải tại sao cơ cấu bộ máy chính phủ ở nước ta liên tục được cải cách nhưng vẫn chưa tinh gọn, trong khi trên thế giới xu hướng chung là tinh giản bộ máy của chính phủ? Ví dụ, ở Nhật Bản hiện nay có 10 bộ, 02 cơ quan ngang bộ (Văn phòng nội các và Ủy ban nhân sự quốc gia); Chính phủ Cộng hòa liên bang Áo có 12 bộ; Chính phủ Mỹ có 15 bộ; Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức có 16 Bộ.v.v...

Nhiệm vụ của khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước hiện nay là phải nghiên cứu kinh nghiệm trong và ngoài nước, để có cơ sở khoa học đề xuất một mô hình tổ chức bộ máy nhà nước thích hợp. Phải tìm ra nguyên nhân và lý giải tại sao tổ chức bộ máy nhà nước ta còn cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả? Tại sao cùng một cơ quan quản lý một lĩnh vực hoạt động của nhà nước, lúc tổ chức thành cục, lúc thành tổng cục, có lúc lại tách ra khỏi bộ này, nhập vào bộ kia? Tại sao tổ chức bộ máy của các bộ lại khác nhau, có bộ chỉ có 10 cục, vụ, viện, có bộ 15, thậm chí đến 20 đơn vị? Tại sao khi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ giảm nhưng cơ cấu bên trong của các bộ lại tăng lên? Tại sao có hiện tượng mỗi lần quyết định tinh giản biên chế là mỗi lần bộ máy lại phình ra, biên chế tăng lên? Phải chỉ ra được nguyên nhân của chứng bệnh mới trị khỏi bệnh. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do duy ý chí trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không dựa trên cơ sở khoa học.

Quy luật cơ cấu chức năng của Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức hành chính, quy luật lượng đổi thành chất chưa được xem xét và coi trọng. Đổi mới tổ chức phải song song với đổi mới cơ chế vận hành, phải quan niệm đó là sự thay đổi về chất, không chỉ đơn thuần thay đổi về lượng. Thành lập bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực không phải là phép cộng đơn thuần nhiều bộ, nhiều cơ quan mà là sự chuyển đổi mô hình quản lý từ quản lý đơn ngành sang quản lý đa ngành dựa trên quan điểm và nguyên tắc hệ thống trong tổ chức bộ máy, dựa trên mối liên hệ hữu cơ về chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, đặc thù chuyên môn, nghiệp vụ lao động và tính chất hoạt động giữa các bộ, các cơ quan đơn ngành với nhau theo quy luật lượng đổi, chất phải đổi. Có bộ máy mới nhất định phải có cơ chế vận hành mới và đội ngũ công chức mới để quản lý, điều hành bộ máy đó. Còn trường hợp trùng lặp, chồng chéo, phủ nhận lẫn nhau làm cho bộ máy hoạt động kém hiệu quả, hoặc các trường hợp chưa phân định rõ quyền lực và trách nhiệm giữa các ngành, các cấp là do chưa quán triệt, vận dụng những quan điểm và phương pháp hệ thống vào tổ chức bộ máy nhà nước.

Hiện nay, về mặt lý luận, một số vấn đề cần phải tiếp tục được nghiên cứu như: sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, không phân chia; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong các cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động khác nhau; hệ thống chính quyền các cấp và vấn đề kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương, vùng lãnh thổ; vấn đề phân cấp thẩm quyền trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; vấn đề tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt sự khác nhau về chức năng, nhiệm vụ quản lý giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để lựa chọn mô hình tổ chức thích hợp; vấn đề tổ chức chính quyền tự quản ở cơ sở; mô hình tổ chức tập đoàn kinh tế; tổ chức bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ, mối quan hệ giữa công chúng đối với nhà nước và thị trường; quản lý nhà nước các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công.v.v...

Cần tiếp tục nghiên cứu ''điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ theo hướng giảm dần số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ''. Dù có sáp nhập, giải thể hay thành lập đơn vị mới, phải quán triệt và vận dụng đúng các quan điểm và phương pháp của khoa học tổ chức, đặc biệt là quan điểm hệ thống. Theo đúng các nguyên tắc đặt cơ cấu của chủ thể quản lý xuất phát từ đối tượng quản lý, từ chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu của quản lý; tinh giản, tiết kiệm, có hiệu lực tối đa và hiệu quả kinh tế - xã hội tối ưu, biên chế gọn nhẹ, tổ chức phân công lao động đúng theo tiêu chuẩn chức danh, trọng chất hơn lượng (quý hồ tinh bất quý hồ đa), ít cấp trung gian.

Về con người trong tổ chức bộ máy. Trước hết cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của con người hoạt động trong bộ máy. Lênin từng nói: ''Cán bộ quyết định tất cả". Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém'' và "Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài''. Chúng ta không muốn có đội ngũ công chức ''sáng vác ô đi, tối vác về'', mà muốn có đội ngũ công chức tinh thông, cần mẫn ''vừa hồng, vừa chuyên''. Để đạt được điều này, cần tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức một cách có hệ thống và bài bản, có nghề nghiệp chuyên sâu và toàn diện. Và điều quan trọng là, phải làm sao để họ an tâm với nghề nghiệp, sử dụng đúng chuyên môn đã được đào tạo; phải đánh giá đúng tài năng, cống hiến của họ và có chế độ đãi ngộ thích hợp để từ đó họ an tâm phụng sự quốc gia. Đặc biệt, cần đổi mới việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức. Cán bộ làm tổ chức ngoài tài năng phải công tâm, am hiểu chuyên môn, có trình độ văn hoá cao, có tầm nhìn chiến lược. Họ là những người tuyển chọn, đào tạo nhân tài, những nhà quản lý giỏi cho đất nước; không đòi hỏi họ phải là những người toàn tài, nhưng phải đủ tri thức để đánh giá lựa chọn đúng những người có đức, có tài. Đánh giá tài năng không phải bằng lời nói mà phải bằng thành quả lao động và cống hiến cụ thể.

Trước tình trạng bất cập của một bộ phận trong đội ngũ công chức, viên chức hiện nay, cần xây dựng, từng bước hoàn thiện chế độ công vụ và quy chế công chức, chú trọng cả yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực; phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho nền công vụ. Cần khẩn trương triển khai đưa Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức thực sự vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý để con người (cán bộ, công chức, viên chức) trong bộ máy hoạt động có chất lượng và hiệu quả cao. Khi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, một khó khăn thách thức lớn là chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trước mắt phải rà soát phân loại đội ngũ công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thích hợp. Cần có chiến lược lâu dài, toàn diện về đào tạo và sử dụng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Tổ chức cần có bộ máy và con người, nhưng như thế chưa đủ, mà phải có cơ chế và thể chế chặt chẽ để bộ máy hoạt động có hiệu quả. Cần khẩn trương xây dựng cơ chế, thể chế về tổ chức nhân sự và hoạt động của bộ máy; rà soát lại các cơ chế, thể chế cũ để bổ sung, sửa đổi hoặc xác định thứ tự ưu tiên trong việc xây dựng mới; nhưng dù bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới đều phải xuất phát trên quan điểm hệ thống. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng chồng chéo, phủ nhận lẫn nhau của các cơ chế, thể chế về tổ chức và hoạt động của bộ máy.

Có bộ máy, có con người, có cơ chế, thể chế thì bộ máy sẽ hoạt động. Nhưng để hoạt động có hiệu quả, cần tổ chức quản lý và phân công lao động trong bộ máy. Cần nghiên cứu tổ chức khoa học lao động quản lý: nghiên cứu phân chia và hợp tác lao động của cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước; lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn phù hợp với chức trách, nhiệm vụ; tổ chức quá trình lao động của cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức chỗ làm việc, điều kiện lao động và trang thiết bị lao động cho cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chuẩn định mức hóa lao động của cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá lao động của cá nhân, của tập thể cán bộ, công chức, viên chức; kích thích lao động của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay thực sự là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này cần có lý luận và tri thức dẫn đường, đó là tri thức tổng hợp của nhiều môn khoa học khác nhau, nhưng khoa học tổ chức phải là khoa học đi đầu. Cần đầu tư xây dựng lĩnh vực khoa học này. Chỉ khi nào khoa học tổ chức ở nước ta được hoàn thiện và phát triển thì công tác tổ chức nhà nước mới có thể đảm đương tốt những nhiệm vụ của cải cách hành chính do Đảng và Chính phủ đặt ra hiện nay n

PGS. TS. Văn Tất Thu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

--------------------------

Ghi chú:

(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, H, ngày 01/11/2012, tr. 2, 3, 4.

(2) Lê Duẩn: Mấy vấn đề về cán bộ và về tổ chức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, H. 1973, tr. 28.

(3), (4), (5), (6) Khoa học tổ chức và quản lý một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Thống kê, H. 1999, tr. 25, 25, 11, 25.

(7) Thang Văn Phúc - "Tổ chức học". Đối tượng và cơ cấu tổ chức - thông tin công tác tổ chức nhà nước số 2/1993, tr. 30.

(8) Khoa học Tổ chức và quản lý một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Thống kê, H. 1999, tr. 26, 30, 35, 37, 39.

(9) Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 33.

Bài đăng trên Tạp chí Tổ chức nhà nước Số 1/2013

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung hoàn thiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị

Ngày đăng 07/06/2024
Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh. Nhiều chỉ số trong công tác cải cách hành chính của tỉnh luôn nằm trong nhóm “Tốt” của cả nước. Các quy hoạch, đề án quan trọng phục vụ cho mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương được tập trung triển khai thực hiện hiệu quả;…

60/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Ngày đăng 03/06/2024
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, toàn quốc có 60/63 địa phương ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 

Đổi mới công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Ngày đăng 03/06/2024
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã luôn chú trọng công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhằm trang bị, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội; cải thiện thứ hạng các chỉ số trong công tác cải cách hành chính và quản trị phát triển tại địa phương. 

Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế

Ngày đăng 29/05/2024
Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia sâu rộng vào nhiều thể chế song phương, đa phương và thiết lập mối quan hệ hợp tác với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Bài viết đưa ra quan điểm tiếp cận về năng lực lãnh đạo, quản lý và sự cần thiết nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, nhận diện năng lực cần thiết và đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế hiện nay.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiếp tục nâng cao chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Ngày đăng 26/05/2024
Ngày 25/5/2024, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2024.