Hà Nội, Ngày 14/10/2024

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày đăng: 10/06/2024   14:18
Mặc định Cỡ chữ

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, cơ quan, tổ chức, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Bài viết phân tích thực trạng và kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện thành công, hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh minh họa

Thực trạng nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế được đánh giá có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Theo thống kê năm 2022, dân số ở ĐBSCL có khoảng hơn 17,4 triệu người, chiếm 17,5% dân số cả nước; lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 54% so với số dân của Vùng. Cùng với tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, “nguồn vốn con người” được coi là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững. Những năm qua, ĐBSCL đạt được một số kết quả quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực và góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Vùng và cả nước. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL đã có nhiều chủ trương, chính sách đặc thù cho phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cụ thể là, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có sự cải thiện đáng kể. So với năm 2018, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở ĐBSCL tăng 1,1%. Tuy nhiên, trong thời gian dài, ĐBSCL được coi là “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Theo số liệu thống kê năm 2022, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở ĐBSCL là 14,5%, thấp nhất cả nước và thấp hơn tới 11,9% so với mức chung của cả nước. Nếu so sánh với các vùng kinh tế trọng điểm khác như Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ thì tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn: Đồng bằng sông Hồng là 37,1%; Bắc Trung Bộ là 26,7%; Đông Nam Bộ là 28,2%(1). 

Lao động chưa qua đào tạo ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao biểu hiện chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế số, không thích ứng được với sự phát triển của khoa học, công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Ngoài ra, nguồn nhân lực ở ĐBSCL đang đối diện với thực trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi lao động là 2,76%, cao hơn 0,42% so với cả nước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở nam cao hơn nữ (nam là 2,36%; nữ là 2,32%); so với năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở nữ lại cao hơn nam (nữ là 2,45%; nam là 1,97%). 

Trong 05 năm (2019-2023), nguồn lao động trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ở ĐBSCL luôn duy trì ở mức trên 3%. Trong đó, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị là 1,11% (nông thôn 3,89%; thành thị 2,78%). Những năm qua, mặc dù kinh tế vùng ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn là vấn đề chậm được khắc phục. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản suất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất từ mô hình truyền thống sang mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên cho các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng gián tiếp làm cho ĐBSCL bị thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề nhưng lại thừa lao động chưa qua đào tạo.

Một trong những khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL hiện nay là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu chung của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Vùng. Bởi vì, trong trình độ học vấn của lực lượng lao động ở ĐBSCL thì tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trở lên thấp nhất cả nước (22,6%). Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào lực lượng lao động chiếm tỷ lệ thấp: trình độ sơ cấp là 1,1%; trung cấp là 1,8%; cao đẳng là 1,6%; từ đại học trở lên là 5,2%. Nếu so sánh với các vùng khác trong cả nước, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên ở vùng ĐBSCL ở mức thấp nhất (thấp hơn 6,4% so với Vùng Đông Nam Bộ; 7,3% so với vùng Đồng bằng sông Hồng; 3,9% so với cả nước). Lao động chưa qua đào tạo chiếm số lượng lớn, chủ yếu là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, năng suất lao động thấp, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động tham gia vào lực lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu. 

Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tính đến nay, toàn Vùng có hơn 45 trường cao đẳng, đại học, hơn 30 trường trung cấp chuyên nghiệp được xây dựng nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn tài nguyên nhân lực cho Vùng. Trong đó, có nhiều trường đại học có chất lượng, quy mô đào tạo hơn 2.000 sinh viên mỗi năm, ngành đào tạo đa dạng, có uy tín đối với xã hội. Tuy nhiên, thực trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả nhân lực đã qua đào tạo, tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp đối với lao động trong độ tuổi trở nên phổ biến. Điều này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đó là: 

Thứ nhất, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Một bộ phận không nhỏ người dân trong vùng chưa ý thức được hết giá trị của việc học cũng như việc động viên, khuyến khích con em theo đuổi học vấn cao hơn. Có thể nói quan niệm về giáo dục, học tập và lối tư duy của người dân vùng ĐBSCL đã chi phối không tốt đến các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của cả Vùng.

Thứ hai, do điều kiện địa lý đặc thù nên cách thức hoạt động sản xuất của cư dân vùng ĐBSCL mang đặc trưng sông nước. Từ những năm 2000, giao thông đường bộ vùng ĐBSCL còn rất hạn chế, chủ yếu đi lại bằng đường thủy, việc di chuyển bằng phà để qua sông rất phổ biến, công nghệ chưa phát triển nên việc học sinh ở các trường huyện, trường tỉnh đi học đại học là rất khó khăn. Vì vậy, tỷ lệ trẻ em nghỉ học sớm ở vùng này cũng cao hơn nơi khác. Về thu nhập bình quân đầu người/tháng ở ĐBSCL thấp hơn 12,75% so với cả nước (đạt 4.077.000 đồng/tháng). Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người/tháng ở ĐBSCL tăng 13,7% so với năm 2018; trong đó, các địa phương có thu nhập bình quân thấp nhất là tỉnh Vĩnh Long với 3.502.000 đồng/tháng; tỉnh Sóc Trăng là 3.651.000 đồng/tháng; tỉnh Trà Vinh là 3.711.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng ĐBSCL khá cao, điều kiện kinh tế khó khăn đã dẫn đến thực tế nhiều học sinh bỏ học sớm khi chưa học qua cấp học THPT. Theo thống kê, tỷ lệ đi học ở bậc THCS đạt 86,8%, bậc THPT 59,6%; học sinh đi học đúng độ tuổi có tỷ lệ thấp hơn (bậc THCS 82,4% và bậc THPT 55,3%). Tỷ lệ học sinh theo học các trường cao đẳng, đại học và sau đại học rất thấp. Ngoài ra, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ngày càng lớn, ảnh hưởng đến việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Thứ ba, những ảnh hưởng từ yếu tố văn hóa, tín ngưỡng. Vùng ĐBSCL có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống (hơn 23 dân tộc thiểu số) và chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa và Chăm. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số có văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng. Ví dụ, với người Khmer phần lớn theo đạo Phật, con em của các gia đình người Khmer từ nhỏ đã được gửi vào các ngôi chùa để học tập và tu cho nên khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài họ thiếu sự năng động hơn so với các bạn cùng trang lứa, khi tham gia thi vào các trường cao đẳng, đại học cũng rất hạn chế. Với cộng đồng người Hoa thì có xu hướng cho con em đi học chủ yếu để phát triển nghề truyền thống của gia đình. 

Thứ tư, giữa đơn vị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực thiếu sự gắn kết. Thực tế, trong những năm qua số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học vẫn bị thất nghiệp do không tìm được việc làm phù hợp hoặc không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ở các cơ sở giáo dục đào tạo chưa bám sát nhu cầu của đơn vị sử dụng nhân lực. Do đó, có tình trạng đào tạo nhưng không sử dụng hoặc phải đào tạo lại, nhiều sinh viên ra trường đi làm trái ngành nghề.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng ĐBSCL về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nghị quyết yêu cầu ĐBSCL phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của Vùng, đồng thời coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi địa phương trong Vùng. Nghị quyết khẳng định phát triển vùng ĐBSCL phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL phải phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy con người là trung tâm. 

Phát triển nguồn nhân lực vùng ĐBSCL không nằm ngoài mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực của cả nước. Đảng ta khẳng định quan điểm: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(2). Vì vậy, cần phải có những chính sách, giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như sau: 

Một là, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về vai trò của nguồn nhân lực đối với sự phát triển chung của vùng ĐBSCL. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa về ý nghĩa, giá trị của việc nâng cao trình độ học vấn. Có giải pháp thiết thực nhằm hạn chế việc nghỉ học sớm ở trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt hạn chế tình trạng nghỉ học của học sinh người dân tộc thiểu số ở một số địa phương vùng ĐBSCL. Xây dựng gia đình học tập và xã hội học tập ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn.  

Hai là, chính quyền ở các địa phương trong vùng ĐBSCL cần thống kê, khảo sát về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn để đưa ra những dự báo chuẩn sát hơn về nhu cầu nguồn nhân lực cho những năm tiếp theo. Đánh giá, nhận diện rõ nhu cầu nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết, là cơ sở để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hợp lý và hiệu quả hơn, đồng thời xác định được lực lượng lao động đang dư thừa trong xã hội để có hướng giải quyết việc làm hoặc có những yêu cầu riêng đối với họ.

Cụ thể, tiến hành việc đánh giá nhu cầu về sản phầm đầu ra của quá trình đào tạo nhân lực bởi các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đồng thời các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề… cần tổ chức nghiên cứu, xác định nhu cầu nhân lực và nhu cầu đào tạo một cách cụ thể để có giải pháp đổi mới chương trình, phương thức đào tạo phù hợp, nhằm tạo sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Việc xác định đúng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương sẽ giúp hiện thực hóa phương châm “đào tạo theo nhu cầu xã hội”, “đào tạo theo đơn đặt hàng”, đồng thời hạn chế tình trạng thất nghiệp đối với lao động có bằng cấp hoặc phải đào tạo lại khi được tuyển dụng.

Ba là, nâng cấp các cơ sở giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực. Việc tăng cường các trường cao đẳng, đại học, trường dạy nghề… ở vùng ĐBSCL như hiện nay là chủ trương đúng đắn để học sinh, sinh viên ở các vùng nông thôn không phải di chuyển lên các thành phố lớn để theo học, giúp giảm bớt chi phí cho gia đình và tạo thuận lợi, khuyến khích các gia đình cho con em đi học ở những cấp học cao hơn. Đo đó, cần đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học trong vùng tiến tới liên kết vùng trong thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh công tác định hướng phát triển nghề nghiệp và phân luồng lao động phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. 

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực. Chiến lược phải xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách tổng thể. Trong đó, mục tiêu chiến lược phát triển nguồn nhân lực phải ưu tiên khắc phục mâu thuẫn giữa phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu, xác định quy mô, số lượng và cơ cấu của từng loại nhân lực, có lộ trình thực hiện một cách hợp lý phù hợp với địa phương. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển đội ngũ trí thức, doanh nhân ở các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; cải thiện môi trường làm việc, có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc ở ĐBSCL. 

Năm là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, khuyến khích người dân làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thay đổi tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp thuần túy, sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng ĐBSCL. 

Sáu là, khơi dậy, phát huy tiềm năng trí tuệ, các giá trị văn hóa con người vùng ĐBSCL. Khuyến khích và tuyên dương những tấm gương tiêu biểu trong phong trào học tập, nâng cao trình độ, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, tinh thần dấn thân của mỗi người dân vùng ĐBSCL nhất là lực lượng lao động trẻ, học sinh, sinh viên trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung./.

-----------------------

Ghi chú: 

(1) Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, H.2022.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.37.

 

TS Lâm Thị Kho - Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực IV

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hoàn thiện pháp luật về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 09/10/2024
Tóm tắt: Pháp luật về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa liêm chính và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới, bài viết khái quát thực trạng và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức thời gian tới. Từ khóa: Cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực đạo đức; hoàn thiện pháp luật; thể chế hóa.

Lãnh đạo và chức năng của lãnh đạo

Ngày đăng 13/09/2024
Tóm tắt: Lãnh đạo là hoạt động tất yếu của đời sống xã hội nhằm liên kết, phát huy tối đa tiềm năng của một nhóm, một cơ quan, tổ chức hay cộng đồng trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động lãnh đạo là quá trình tương tác giữa chủ thể lãnh đạo với đối tượng trong quá trình thực hiện mục tiêu với vai trò chủ đạo của người lãnh đạo. Để đảm bảo cho sự vận hành quá trình lãnh đạo, chủ thể lãnh đạo - nhất là người đứng đầu cần nắm vững chức năng lãnh đạo thuộc chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Từ khóa: Lãnh đạo, chức năng lãnh đạo, mục tiêu lãnh đạo.

Coi trọng tiêu chí liêm chính trong tạo nguồn và quy hoạch cán bộ

Ngày đăng 06/09/2024
PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, cần coi trọng các tiêu chí về sự liêm, chính của nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch và của cán bộ trong quy hoạch; thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có biểu hiện rõ về sự liêm, chính, có tâm huyết vào nhà nước.

Các tài liệu lưu trữ cần được và phải được phát huy giá trị

Ngày đăng 07/08/2024
Ngày 21/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ. Ngày 01/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Lệnh số 03/2024/L-CTN về việc công bố Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước về một trong những điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024 là quy định về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Ngày đăng 04/07/2024
Bài viết tập trung làm rõ thực trạng phát huy vai trò của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khẳng định cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc và phát triển đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Tiêu điểm

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long: Tiến tới phân định thẩm quyền chứ không chỉ phân cấp

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra tại Hà Nội chiều 07/10/2024, trả lời câu hỏi của báo chí về giải pháp để thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin - cho, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, tham mưu xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đề xuất sửa các quy định chung liên quan đến nguyên tắc phân cấp, phân quyền, tiến tới phân định thẩm quyền chứ không phải mỗi phân cấp.