Hà Nội, Ngày 30/04/2024

Từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.905 quy định kinh doanh

Ngày đăng: 04/04/2024   11:36
Mặc định Cỡ chữ

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa tổng số 2.905 quy định kinh doanh.

Từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa tổng số 2.905 quy định kinh doanh.

Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình, kết quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tháng 3/2024. Cụ thể như sau:

KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Về cải cách quy định TTHC

Kết quả kiểm soát quy định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Trong tháng 3/2024, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động 180 TTHC tại 20 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), thực hiện thẩm định 256 TTHC quy định tại 28 dự thảo VBQPPL; Văn phòng Chính phủ đã thực hiện thẩm tra đối với 17 TTHC tại 03 dự thảo Nghị định, trong đó, đề nghị không quy định 03 TTHC, sửa đổi, bổ sung 14 TTHC. Trong tháng, có 18 TTHC được ban hành mới, 26 TTHC được sửa đổi, bổ sung và 18 TTHC được bãi bỏ, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 09 bộ, cơ quan.

Tính trong Quý I/2024, có 419 TTHC tại 43 dự thảo VBQPPL được đánh giá tác động và 578 TTHC tại 61 dự thảo VBQPPL được thẩm định; có 141 TTHC, 11 quy định kinh doanh (QĐKD) tại 13 VBQPPL được thẩm tra, trong đó đã đề nghị không quy định 10 TTHC, sửa đổi, bổ sung 36 TTHC, 04 QĐKD (chiếm 33%).

Kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC

Về cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ: Trong tháng 3/2024, các bộ, ngành tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa QĐKD đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan đến các loại giấy phép trong hoạt động kinh doanh; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các VBQPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để tổ chức thực hiện phương án đơn giản hóa QĐKD đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tính trong Quý I/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 71 QĐKD tại 23 VBQPPL thuộc phạm vi quản lý của 03 Bộ (Tư pháp, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội).

Như vậy, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa tổng số 2.905 QĐKD (gồm: 1.542 TTHC, 161 yêu cầu điều kiện, 88 chế độ báo cáo, 154 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 960 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành) tại 236 VBQPPL (gồm: 17 luật, 64 nghị định, 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 149 thông tư, thông tư liên tịch và 02 văn bản khác), trên tổng số 15.801 QĐKD được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu QĐKD, đạt 18.38%.

Về phân cấp trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 3/2024, có 02 Bộ đã thực hiện phương án phân cấp 11 TTHC (trong đó: 02 TTHC phân cấp từ cấp trung ương xuống cấp tỉnh, 09 TTHC phân cấp trong nội bộ các cơ quan) tại 02 Nghị định và 01 Thông tư. Nâng tổng số TTHC đã được các bộ, ngành phân cấp trong 3 tháng đầu năm 2024 là 42 TTHC tại 04 Nghị định và 06 Thông tư.

Như vậy, thực hiện Quyết định số 1015/QĐ-TTg, từ năm 2022 đến nay, đã có 17/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 206/699 TTHC, đạt 29,5% (không bao gồm 03 TTHC do các bộ tự chủ động phân cấp). Trong đó, 03 cơ quan đã thực hiện phân cấp đạt 100%, 05 bộ đạt từ 50% trở lên, 09 bộ đạt dưới 50%. Tổng số TTHC còn tiếp tục phải thực hiện phân cấp là 493 TTHC (gồm: 184 TTHC được quy định tại 31 luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội; 309 TTHC được quy định tại 135 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ).

Về đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 3/2024, các bộ, địa phương tiếp tục rà soát, công bố bổ sung danh mục và rà soát TTHC nội bộ theo yêu cầu tại Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 100/TCTCCTTHC ngày 14/11/2023 của Tổ công tác cải cách TTHC. Tính đến nay, tổng số TTHC nội bộ tại các bộ, ngành là 1.464 TTHC (gồm: 645 TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước - nhóm A và 819 TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan - nhóm B). Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 18 TTHC nội bộ nhóm A.

Về thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Trong tháng 3/2024, có 04 bộ trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 02 Thông tư để thực hiện phương án đơn giản hóa 38 TTHC, nâng tổng số thực hiện trong Quý I là 161 TTHC tại 17 VBQPPL.

Tính đến nay, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 696/1.086 TTHC được giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 64%; có 06 bộ, ngành đã hoàn thành thực hiện 100% phương án đơn giản hóa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát và đề xuất điều chỉnh, đưa ra lộ trình sửa đổi VBQPPL, các bộ, ngành đã có báo cáo, đề xuất điều chỉnh phương án đơn giản hóa của 326 TTHC tại 59 VBQPPL và không tiếp tục thực hiện phương án đơn giản hóa đối với 64 TTHC.

Về cải cách việc thực hiện TTHC

Các chỉ số đánh giá chất lượng trong thực hiện TTHC, dịch vụ công

Chỉ số công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC: Tại các bộ, ngành, tỷ lệ TTHC cập nhật, công khai đúng hạn đạt 29,16%, tỷ lệ đồng bộ, công khai quá trình giải quyết hồ sơ TTHC đạt 34,6% (2.480.572/7.169.530 hồ sơ); tại các địa phương, tỷ lệ TTHC cập nhật, công khai đúng hạn đạt 50,9%, tỷ lệ đồng bộ, công khai quá trình giải quyết hồ sơ TTHC đạt 66,3% (2.260.800/3.412.055 hồ sơ).

Chỉ số về tiến độ, kết quả giải quyết TTHC: Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý đúng hoặc trước hạn tại bộ, ngành đạt 7,19% (178.353/2.480.572 hồ sơ) và tại các địa phương đạt 85,73% (1.938.183/2.260.800 hồ sơ).

Chỉ số về cung cấp dịch vụ trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tại các bộ, ngành, đạt 53,49% (1.327.149/2.480.908 hồ sơ); tại các địa phương, đạt 43,08% (1.002.445/2.260.800 hồ sơ). Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến tại các bộ, ngành đạt 38,25% (127/332 TTHC), tại các địa phương đạt 48,74% (601/1.233 TTHC); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính tại các bộ, ngành đạt 44,46% (87.229/196.208 hồ sơ), tại các địa phương đạt 39,49% (723.667/1.832.536 hồ sơ).

Chỉ số về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC: Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 53,50% (1.327.236/2.480.685 hồ sơ), tại các địa phương đạt 48,81% (1.103.496/2.260.800 hồ sơ); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng tại các bộ, ngành đạt 53,50% (1.327.246 kết quả giải quyết TTHC/2.480.685 kết quả cần cấp), tại các địa phương đạt 53,52% (1.209.980 kết quả giải quyết TTHC/2.260.800 kết quả cần cấp); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa tại các bộ, ngành đạt 0,55% (13.666/2.484.727 hồ sơ), tại các địa phương đạt 9,20% (209.599/2.278.250 hồ sơ).

Kết quả đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến

Trong tháng 3/2024, Bộ Quốc phòng có điểm đánh giá Trung bình, các bộ, cơ quan còn lại đều có điểm đánh giá Dưới trung bình (thấp nhất là: Bộ Ngoại giao); 04 địa phương có điểm đánh giá Tốt (Bình Định, Hưng Yên, Lâm Đồng, Cà Mau), 24 địa phương có điểm Khá, 32 địa phương có điểm đánh giá Trung bình và 03 địa phương có điểm đánh giá Dưới trung bình (thấp nhất là UBND tỉnh Bạc Liêu).

Về kết quả tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị

Trong tháng 3/2024, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 4.222 phản ánh, kiến nghị (PAKN) của cá nhân, tổ chức về quy định và hành vi hành chính (tăng 1.252 PAKN so với tháng 02/2024) và có 16.149 PAKN từ tháng trước chuyển sang, nâng tổng số PAKN phải xử lý là 20.371 PAKN (trong đó, PAKN thuộc phạm vi xử lý của Bộ Công an là chủ yếu với 17.639 PAKN). Các PAKN chủ yếu về giải quyết hồ sơ của người dân liên quan đến cấp căn cước công dân, hộ chiếu phổ thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...

Các bộ, ngành, địa phương đã xem xét, xử lý 2.698/20.371 PAKN, đạt 13% (trong đó, các bộ, ngành đã xử lý 1.112/18.465 PAKN, đạt 6%; các địa phương đã xử lý 1.586/1.906 PAKN, đạt 83%).

Cơ quan thường trực Tổ công tác đã tiếp nhận và chuyển cơ quan liên quan 01 PAKN của thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC (chưa bao gồm 34 kiến nghị từ tháng trước chuyển sang). Các bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, trả lời 15/35 PAKN, đạt 42,86%, trong đó, có 04 bộ (Nội vụ, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông) và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xem xét, trả lời đạt 100%, Bộ Tài chính xem xét, trả lời đạt 55%, còn lại 08 bộ chưa trả lời đối với 20 kiến nghị.

TỒN TẠI, HẠN CHẾ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC trong tháng 3 và Quý I/2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, chất lượng quy định TTHC, QĐKD tại các dự thảo VBQPPL vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (trong Quý I/2024, qua thẩm tra, cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định, sửa đổi, bổ sung đối với 152 TTHC, QĐKD, chiếm 33% tại các dự thảo VBQPPL).

Hai là, việc rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg chưa đáp ứng yêu cầu; phân cấp TTHC chưa bảo đảm tiến độ. Đến nay, còn 04 bộ chưa thực hiện phân cấp TTHC theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg.

Ba là, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn hạn chế do tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hoá còn rất thấp.

Bốn là, việc xử lý PAKN của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính cũng như kiến nghị của doanh nghiệp, người dân theo yêu cầu của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ tại một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Các kiến nghị, đề xuất tại báo cáo hằng tháng chưa được một số bộ, ngành quan tâm nghiên cứu, trả lời.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 4/2024

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách TTHC, Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm việc kiểm soát các quy định về TTHC, yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành ngay trong quá trình xây dựng VBQPPL.

Thứ hai, các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Danh mục được ban hành kèm theo Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ; phương án đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp. Đồng thời, tiếp tục sửa đổi, bổ sung các VBQPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để tổ chức thực hiện phương án đơn giản hóa QĐKD, phân cấp trong giải quyết TTHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp các nhóm dịch vụ công liên thông, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo đúng tiến độ tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, đẩy mạnh số hoá, kết nối, chia sẻ dữ liệu số hoá hồ sơ kết quả giải quyết TTHC để thực hiện nghiêm quy định người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, nhất là kết nối, tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ giữa các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử do các bộ, ngành xây dựng, triển khai thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

Thứ năm, tiếp nhận, xử lý PAKN của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính bảo đảm kịp thời, chất lượng.

Thứ sáu, công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát./.

Trí Đức

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.