Hà Nội, Ngày 30/04/2024

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng: 15/04/2024   10:03
Mặc định Cỡ chữ

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

 

Những kết quả đạt được trong việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Xác định xây dựng chính quyền số là nhiệm vụ quan trọng, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02- NQ/TU ngày 04/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản cho từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 về Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hoạt động công vụ. 

Để xây dựng, phát triển chính quyền số, tỉnh Quảng Trị tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên cả thiết bị di động thông minh để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về các dịch vụ công một cách nhanh chóng, chính xác, giảm chi phí... Trong các nhóm nội dung này đều có các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình thực hiện cụ thể.

Theo thống kê, hiện nay hệ thống quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến xã tiếp tục được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử. Nhờ đó, tỉ lệ trao đổi văn bản trên môi trường điện tử các cấp đạt  từ 98 - 100% (trừ những văn bản mật và tuyệt mật). 100% các sở, ban, ngành và địa phương đã được cấp chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành qua mạng. Hệ thống hội nghị truyền hình đã được lắp đặt ở các huyện trong toàn tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Trị đã trao đổi hơn 1.058.411 văn bản qua mạng giữa 1.117 cơ quan, đơn vị. Tính đến nay, tổng số tài khoản người dùng được cấu hình trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc khoảng hơn 12.575 tài khoản.

Tiếp tục theo dõi và cập nhật đầy đủ kết quả thực hiện nhiệm vụ lên Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao với tổng số nhiệm vụ được giao trong quý III/2023 là 41 nhiệm vụ, trong đó đã cập nhập kết quả hoàn thành 10 nhiệm vụ, số nhiệm vụ đang chờ xác nhận là 01, số nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn là 30 nhiệm vụ. Tổng số nhiệm vụ Chính phủ giao trong 09 tháng đầu năm (tính đến ngày 14/9/2023) là 145 nhiệm vụ, trong đó đã cập nhập kết quả hoàn thành 50 nhiệm vụ; số nhiệm vụ đang chờ xác nhận là 11, số nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn là 84 nhiệm vụ(1).

Mặt khác, tỉnh Quảng Trị đã có 100% xã, phường, thị trấn được hỗ trợ triển khai hệ thống hội nghị truyền hình kết nối hai chiều từ Chính phủ về cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh tiếp tục được duy trì và khai thác hiệu quả. Cụ thể, đã tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế - xã hội…

Bên cạnh đó, ứng dụng một cửa điện tử của tỉnh Quảng Trị được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn; tích hợp kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh; 100% sở, ban, ngành, địa phương có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; 100% văn bản quy phạm pháp luật, hơn 90% văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh được cập nhật trên trang thông tin điện tử của tỉnh, bảo đảm hệ thống chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin thông suốt từ UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ngoài ra, Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã tích hợp nhiều dịch vụ như giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế - xã hội tỉnh... IOC tỉnh cũng đã thiết lập và khai thác hiệu quả các kênh giao tiếp nhằm kết nối thông tin giữa người dân và chính quyền, trong đó Cổng Thông tin phản ánh hiện trường tỉnh đến nay cơ bản đã phát huy tác dụng, được dư luận xã hội đánh giá cao, nhiều người dân tương tác và được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. 

Ngoài ra, nhiều ứng dụng và cơ sở dữ liệu được triển khai tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh như các phần mềm quản lý: cấp giấy phép lái xe, cầu đường, vi phạm, đối tượng chính sách, công tác tiếp dân, tài sản, phổ cập giáo dục và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, bưu chính, viễn thông, thông tin cán bộ, công chức tỉnh, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, phòng ngừa và xử lý sự cố hóa chất, dân cư, đất đai - nhà ở, đăng ký doanh nghiệp, tài chính... đã được hoàn thiện, chuẩn bị tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn tỉnh. Đồng thời, hoàn thành kết nối với Hệ thống Quản lý hộ tịch với Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an và Hệ thống dịch vụ công thiết yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp tục duy trì các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin đã được triển khai như Hệ thống firewall tích hợp IPS chống tấn công web; Hệ thống Network Inspector cảnh báo, giám sát tấn công mạng; Hệ thống bảo mật cho hệ thống thư điện tử; đặc biệt là hệ thống giám sát mã độc Bkav Endpoint AI và hệ thống giám sát thông tin Bkav Total NAC tập trung được triển khai tại 100% máy tính của cán bộ, công  chức cấp tỉnh. Hệ thống SOC đã được triển khai thử nghiệm tại Sở Thông tin và Truyền thông và đã kết nối với Trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia. Hệ thống LGSP tỉnh, hệ thống Hội nghị truyền hình tỉnh tiếp tục được duy trì sử dụng. Hệ thống IOC tỉnh được triển khai và dần đi vào nề nếp, đẩy mạnh tương tác giữa IOC với người dân.

Đặc biệt, sau 04 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Quảng Trị đã đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo số liệu thống kê của Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và số liệu trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 15/9/2023, đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công tỉnh 959 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 747 dịch vụ công trực tuyến một phần; tiến hành đăng ký triển khai tích hợp công khai 1.128 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 66,12% (xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố toàn quốc về số lượng dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia).

Thống kê trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, trong quý III năm 2023 (từ ngày 15/ 6/2022 đến ngày 14/9/2023) tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 60,44% trên tổng số 114.791 hồ sơ đã tiếp nhận (không tính tồn đầu kỳ).

Theo thống kê của Cổng Dịch vụ công quốc gia: tổng số hồ sơ trực tuyến của tỉnh được nộp qua Cổng Dịch vụ công quốc gia là 236.454 hồ sơ, xếp thứ 07/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã đồng bộ tổng số 790.412 hồ sơ từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương(2).

Ngoài những lợi ích thể hiện bằng con số, sự thay đổi đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Đó là, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, như: nguồn kinh phí triển khai các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT hàng năm còn hạn chế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật về CNTT trong các cơ quan nhà nước hiện nay còn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đang trong giai đoạn hình thành và từng bước phát triển, còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo hoạt động thống nhất; thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung… Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của một số ngành, lĩnh vực còn chậm; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; một số người dân, doanh nghiệp còn chưa tiếp cận, chưa biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến; trình độ hiểu biết, ứng dụng về CNTT của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính…

Những khó khăn, hạn chế đó xuất phát từ những nguyên nhân sau: nhận thức, quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của một số cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa đồng bộ, thiếu định hướng, tầm nhìn chiến lược, nguồn nhân lực CNTT còn thiếu và yếu; nhận thức, trình độ, kỹ năng và thói quen của một số doanh nghiệp cũng như người dân trong ứng dụng CNTT, công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác, sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng chưa đảm bảo yêu cầu; nguồn lực đầu tư cho ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử chưa được quan tâm đúng mức; một số chương trình, dự án trọng điểm về hiện đại hóa hành chính, chuyển đổi số chậm được triển khai; công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sự chặt chẽ.

Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiêp, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Trị cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác chuyển đổi số, đặc biệt là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/10/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên về sự cấp thiết phải xây dựng chính quyền số gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát để có giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn. Chuyển đổi số là một lĩnh vực mới, đòi hỏi người đứng đầu các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh cần theo dõi sát sao tiến độ triển khai, thực hiện chương trình chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, có chủ trương hỗ trợ và giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Hai là, tiếp tục rà soát, bổ sung ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định để hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh như: quy định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp lớn về CNTT và truyền thông đầu tư phát triển công nghiệp CNTT tại tỉnh Quảng Trị. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia CNTT và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Ba là, đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng và hoạt động của chính quyền số. Chú trọng bảo đảm hạ tầng để kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của các bộ, ngành và các hệ thống thông tin có phạm vi quy mô từ Trung ương tới địa phương đã sẵn sàng giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu  một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu, đề xuất triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm CNTT phục vụ xây dựng chính quyền số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API)... tại địa phương. 

Năm là, chú trọng đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ cho xây dựng chính quyền số. Tập trung đầu tư cho hạ tầng số, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi vì đây là khu vực chuyển đổi số đang gặp nhiều khó khăn do còn hạn chế về hạ tầng./. 

------------------------------

Ghi chú:

(1), (2) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Báo cáo số 222/BC-UBND về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính Quý III năm 2023.

 

ThS Trần Văn Toàn,  Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị
ThS Chu Thị Thu Trang, Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.

Đồng Nai: Đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trả hồ sơ, trễ hạn

Ngày đăng 05/04/2024
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.