Năm 2024 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng; năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Để thực hiện thành công, hiệu quả những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, nhằm khuyến khích, động viên mỗi cá nhân và tập thể phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, trong thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp lần thứ 7, nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng, ngày 25/01/2024. Ảnh minh họa: VGP |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, để giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cao đẹp, phải dựa vào Nhân dân, động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục Nhân dân, phát huy được sức mạnh vô tận và vô địch của Nhân dân để thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người chỉ ra rằng biện pháp, cách thức quan trọng hàng đầu để động viên, phát huy hiệu quả lực lượng của toàn dân là tổ chức, phát động phong trào thi đua ái quốc. Thi đua phải diễn ra thường xuyên, liên tục, phải đa dạng đối tượng tham gia phong trào thi đua và lĩnh vực thi đua để cùng hướng đến mục tiêu giải phóng đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Về vai trò của công tác khen thưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Giữa thi đua và khen thưởng có mối quan hệ gắn kết khăng khít bởi nếu “khen trúng, thưởng xứng” các điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt xuất hiện trong trong trào thi đua sẽ góp phần động viên, giúp lan tỏa phong trào ra toàn xã hội. Ngược lại, nếu khen theo kiểu “cào bằng”, chạy theo thành tích thì sẽ triệt tiêu tinh thần nỗ lực, sức cống hiến của mỗi người dân nói riêng và toàn xã hội nói chung, vô hình trung khiến phong trào thi đua trở thành hình thức và giảm tác dụng đối với đời sống xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn thành công, cán bộ cần giải thích, tuyên truyền, cổ động theo dõi rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm, thúc đẩy giúp đỡ người lạc hậu, khen thưởng người có công. Điểm ấy cán bộ các nơi còn thiếu sót nhiều”(1). Người cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, khuyết điểm trong phong trào: “Đó là vì tư tưởng thi đua chưa thấm nhuần, thấu suốt mọi người, vì cán bộ giải thích kém”(2). Người lưu ý xây dựng kế hoạch thi đua phải đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, của ngành, địa phương để tránh tình trạng: “Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được”(3). Người chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đó là do: “Cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương thiếu sự phối hợp với nhau, thiếu sự tổng kết kinh nghiệm và trao đổi kinh nghiệm”(4); “Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào”(5).
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định cần tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người về thi đua, khen thưởng, coi đây là động lực giúp kiến tạo con người mới xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng như: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 03/6/1998 về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Điểm chung nhất của tất cả các văn bản này là sự khẳng định vai trò, vị trí của công tác thi đua, khen thưởng trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và tăng cường đoàn kết dân tộc.
Thực tế cho thấy, công tác thi đua, khen thưởng đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các phong trào thi đua yêu nước đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; thu hút, huy động mọi nguồn lực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và mục tiêu, nhiệm vụ cho công cuộc đổi mới đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, trở thành yếu tố lan tỏa, thiết thực hướng về cơ sở, đối tượng là nông dân, công nhân, đội ngũ trí thức, các nghệ nhân...
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân. Trong những năm qua, phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được hưởng ứng, triển khai đồng bộ, hiệu quả và là một điểm sáng trong triển khai xây dựng hạ tầng chiến lược. Các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… do Thủ tướng Chính phủ phát động tiếp tục phát huy vai trò trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua của cả nước.
Các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương cũng rất chủ động phát động các phong trào thi đua thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, như: các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Đoàn kết, mẫu mực, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, Quyết thắng” của Bộ Quốc phòng; “Vì an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” của Bộ Công an; “Kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” của Bộ Tư pháp; “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả” của Bộ Nội vụ; phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; “Thực hiện chính quyền số, chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh; thi đua “Sáng kiến, sáng tạo”, “Người tốt, việc tốt”, “Cải cách hành chính” của thành phố Hà Nội...
Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khen thưởng, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các cấp, các ngành, việc thẩm định hồ sơ khen thưởng, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn; khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thành tích, kịp thời tôn vinh gương “người tốt, việc tốt”, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc.
Các cơ quan, đơn vị chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng tại các bộ, ban, ngành, địa phương đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, giới thiệu các mô hình, nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến, toàn diện theo từng lĩnh vực của đời sống nhằm phổ biến kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay để nêu gương và nhân rộng. Nhìn chung, công tác khen thưởng được thực hiện tốt, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, của các bộ, ban, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền, tôn vinh điển hình tiên tiến đã động viên, khích lệ tạo động lực mạnh mẽ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực làm việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; tạo không khí thi đua sôi nổi, kịp thời khuyến khích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, có ý nghĩa sâu sắc, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo sức lan tỏa về tinh thần thi đua yêu nước mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn một số hạn chế, như: công tác đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua, công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến ở một số nơi chưa được chú trọng, còn hạn chế, thực hiện chưa đồng bộ; các hoạt động cụm, khối thi đua chưa đồng đều và chưa được duy trì thường xuyên... Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, trong đó có nhận thức và hành động của một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vai trò, động lực của phong trào thi đua và công tác khen thưởng chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong việc đổi mới và triển khai hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức, huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động triển khai Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến” giai đoạn 2022-2025; tập trung tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin, truyền thông trong phát hiện, giới thiệu, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, nhân tố mới, cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, gương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc... để giáo dục, nêu gương, tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng trong cộng đồng, xã hội. Cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần chú trọng đảm bảo thực hiện đồng bộ bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ban, ngành, địa phương.
Hai là, bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới người dân và vì lợi ích của Nhân dân, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua đảm bảo thực chất, thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở. Các phong trào thi đua cần gắn với các cuộc vận động lớn của Ðảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đi đôi với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các cơ quan, đơn vị liên quan cần tham mưu Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025; phong trào thi đua “Cả nước chung sức phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” giai đoạn 2023-2030. Tham mưu các cấp có thẩm quyền phát động phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động thiết thực phấn đấu hoàn thành tốt Kế hoạch của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 05 năm (2021-2025) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng trong tổ chức các phong trào thi đua, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị khen thưởng.
Ba là, tiếp tục thực hiện tốt chính sách khen thưởng, đảm bảo công tác khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, đúng đối tượng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất; khen thưởng phải gắn với lợi ích chung, đồng thời phải hài hòa với lợi ích riêng để tạo sức sống, lan tỏa các phong trào thi đua; quan tâm phát hiện, khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị khen thưởng kịp thời các gương điển hình, nhân tố mới theo nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó”. Quan tâm khen thưởng các đối tượng ưu tiên, có tính lan tỏa cao như người lao động, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ giáo viên, y bác sĩ; tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ tiêu biểu, người yếu thế có ý chí tự lực, tự cường vươn lên; các doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm tốt công tác giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, người dân, tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện; các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý thực hiện đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Tập trung triển khai hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật, các thông tư của các bộ và các quy chế, quy định của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tổ chức tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình hiện nay. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác thi đua, khen thưởng.
Năm là, phát huy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và đề cao vai trò của cấp ủy đảng, người đứng đầu, lãnh đạo chính quyền, cơ quan, đơn vị trong xây dựng, tổ chức, triển khai, đôn đốc, đánh giá các phong trào thi đua, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, kịp thời phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng, đề nghị khen thưởng, động viên khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kịp thời chỉ đạo, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng cho phù hợp với thực tiễn; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phô trương, hình thức, lợi dụng cho mục đích cá nhân, lợi ích nhóm trong công tác thi đua, khen thưởng. Chỉ đạo triển khai kế hoạch công tác pháp chế, theo dõi việc thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện nghiêm việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi đua, khen thưởng theo quy định.
Tăng cường hoạt động thanh tra, gắn với yêu cầu phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật thi đua, khen thưởng. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo quy định nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả xử lý sau thanh tra về thi đua, khen thưởng.
Sáu là, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp nhằm tạo sự thống nhất, ổn định, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ để phát triển đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn, tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tế công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, tổ chức phong trào thi đua, thẩm định hồ sơ khen thưởng, kỹ năng giao tiếp, hành chính, khả năng vận động quần chúng, ứng dụng công nghệ thông tin... Phối hợp với các cơ sở nghiên cứu, giáo dục, đào tạo trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người làm công tác thi đua, khen thưởng theo yêu cầu của vị trí việc làm hiện tại và trong tương lai.
Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng, tổ chức các diễn đàn khoa học, xây dựng các mạng lưới hợp tác nghiên cứu, học tập, trao đổi lý luận, chính sách pháp luật, kinh nghiệm về khen thưởng và quản lý nhà nước về khen thưởng với các nước điển hình để đúc rút, áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt là trong việc tham mưu, đề xuất đổi mới công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới. Thông qua đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý và những người làm công tác thi đua, khen thưởng mở rộng kiến thức, tầm nhìn, đổi mới tư duy, kịp thời tham mưu, hoạch định, đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và thực hiện khen thưởng phù hợp với yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới./.
-----------------------
Ghi chú:
(1),(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.346, tr.110.
(3),(4),(5) Sđd, tập 6, tr.169, tr.134, tr.170.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn phòng Chính phủ, Thông báo số 59/TB-VPCP ngày 20/02/2024 Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp thứ 7 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
2. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Báo cáo số 190/BC-BTĐKT ngày 28/02/2024 về tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024.
TS Phạm Đức Toàn - Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục