Hà Nội, Ngày 28/04/2024

Xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số

Ngày đăng: 01/03/2024   14:27
Mặc định Cỡ chữ

Với sự thay đổi nhanh chóng và sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, các khái niệm về không gian mạng, môi trường số ngày càng trở nên hiện hữu và tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ Đoàn, đội ngũ cán bộ trẻ, thường xuyên tiếp xúc và tương tác với thanh niên. Từ đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm định hướng và giải quyết.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, nhìn chung đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh đã tích cực phấn đấu, rèn luyện đạo đức, tác phong, xây dựng thái độ làm việc đúng đắn, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Nhiều đồng chí đã thể hiện vai trò xung kích, gương mẫu trong tập thể thanh niên, tạo nên hình ảnh tốt đẹp của cán bộ Đoàn, làm gương cho thanh thiếu nhi noi theo. Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn luôn là vấn đề được tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp và bản thân các đồng chí cán bộ Đoàn hết sức quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trước mắt, đầu tiên trong tổng thể các kỹ năng thanh vận, trước khi tiếp cận và dẫn dắt thanh niên đi theo các chương trình, hoạt động của tổ chức Đoàn ở các cấp. Nhằm xây dựng tác phong, lề lối công tác của người cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới; tiếp tục cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 về việc tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn, trong đó xác định 8 điều nên làm của cán bộ Đoàn, đó là: Xung kích; Trách nhiệm; Gương mẫu; Trung thực; Sáng tạo; Thân thiện; Thường xuyên học tập; Tích cực rèn luyện kỹ năng.

Với sự thay đổi nhanh chóng và sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, các khái niệm về không gian mạng, môi trường số ngày càng trở nên hiện hữu và tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ Đoàn, đội ngũ cán bộ trẻ, thường xuyên tiếp xúc và tương tác với thanh niên. Từ đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm định hướng và giải quyết. Hơn ai hết, cán bộ Đoàn, đoàn viên cần là những người tiên phong trong lan tỏa việc tham gia mạng xã hội một cách văn minh.

Bàn về môi trường số và ứng xử của thanh niên trên môi trường số

Thế giới mà chúng ta đang sống là sự gắn kết hữu cơ giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường số hay còn gọi là môi trường kỹ thuật số là môi trường truyền thông tích hợp, nơi các thiết bị kỹ thuật số giao tiếp, quản lý nội dung và hoạt động. Khái niệm này dựa trên các hệ thống điện tử kỹ thuật số được tích hợp và triển khai cho cộng đồng toàn cầu. Môi trường số là một không gian sống, trong đó công nghệ số đã chuyển phương thức sản xuất truyền thống trong hệ thống công nghiệp sang phương thức áp dụng các công nghệ với những trụ cột, như: dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, công nghệ điện toán đám mây... Khái niệm này đôi khi được dùng tương đồng với khái niệm môi trường mạng và không gian mạng, tuy không hoàn toàn đồng nhất. Những sản phẩm văn hóa trên không gian mạng đã và đang trở thành nguồn thông tin ngày càng phong phú và đa dạng xâm nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là thanh thiếu nhi. Không gian ảo bản chất là phản ánh ngày càng chân thật, đầy đủ, toàn diện mọi góc cạnh của cuộc sống. 

Internet là nền tảng quan trọng của môi trường số, là không gian số phổ biến nhất tạo nên sự kết nối đa chiều của người dùng với nhiều thiết bị trong cùng một thời điểm. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, Việt Nam có 72,1 triệu người sử dụng internet (đạt tỷ lệ 73,2% dân số) trong cuộc sống hàng ngày. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Bên cạnh nhiều lợi ích, không gian mạng, internet cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực và tác động tới cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên bởi chính bản chất xuyên biên giới, không giới hạn thời gian và không gian của nó.

Thực trạng còn có một bộ phận thanh niên ứng xử thiếu văn minh, thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội như: sử dụng ngôn từ, thông tin sai lệch; có hành vi kích động, gây thù hận, bạo lực, bắt nạt trên mạng… Đặc biệt, tình trạng tin giả, tin sai sự thật, lừa đảo trên mạng có chiều hướng gia tăng về số lượng và hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Trước thực trạng đó, đòi hỏi cần nhận diện chuẩn xác về tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ xuyên biên giới đối với sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay; tác động đến sự phát triển, định hướng nhân cách, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi cũng như ảnh hưởng đến lối sống, phong cách, xu hướng, tư tưởng, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trên môi trường, không gian số đa dạng, đa loại hình, nhiều biến đổi.

Năm 2023 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn là “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, trong đó xác lập những định hướng căn bản về xây dựng tổ chức trên môi trường số, tiếp cận và định hướng thanh niên trên không gian số, đồng thời quan trọng không kém đó là xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số.

Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tham mưu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”, trong đó xác lập một số giải pháp căn bản nhằm định hướng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trên môi trường số như: Triển khai ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”, các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng. Tổ chức các diễn đàn, chương trình giao lưu nhằm phát huy đội ngũ cán bộ Đoàn, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ trẻ, có tâm huyết trong công việc kết nối, chia sẻ thông tin và dẫn dắt thanh niên, thiếu niên, nhi đồng truyền thụ lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa.

Môi trường số được xác định là môi trường tương tác chính với thanh niên, bên cạnh môi trường thực tế. Trung ương Đoàn nhận định: “Không gian mạng là một kho tàng thông tin khổng lồ, phong phú, đa dạng, giúp ích rất nhiều cho thanh niên trong học tập, lao động, vui chơi giải trí, kết nối và mở rộng mạng lưới giao tiếp. Tuy nhiên, những yếu tố tiêu cực của thông tin trên không gian mạng cũng vì vậy mà tác động tới thanh niên nhiều nhất”. Bởi vậy, để kịp thời nắm bắt, định hướng cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, Trung ương Đoàn đã triển khai Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” giai đoạn 2023 - 2030, theo Kế hoạch số 116-KH/TWĐTN-BTG ngày 04/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, với 04 quy tắc ứng xử văn minh trên không gian mạng, bao gồm: Tuân thủ, Lành mạnh, An toàn, Trách nhiệm.

Thứ nhất, về nội dung tuân thủ, xác định rõ: Tuân thủ quy định của pháp luật về quyền riêng tư và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuân thủ quy tắc tôn trọng cộng đồng trong giao tiếp, ứng xử trên không gian mạng.

Thứ hai, về yếu tố lành mạnh, vận động cán bộ Đoàn, đoàn viên có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời lan tỏa, chia sẻ thông tin tích cực, câu chuyện, hình ảnh tốt đẹp trong xã hội, gương người tốt - việc tốt; các thông điệp nhân văn, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh trên không gian mạng; tuyên truyền quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Cán bộ Đoàn, đoàn viên vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

Thứ ba, đối với quy tắc an toàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên tự quản lý, bảo mật tài khoản cá nhân của mình, nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh. Đồng thời thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi kết bạn hoặc tham gia các hội, nhóm, diễn đàn trên không gian mạng.

Thứ tư, về yếu tố trách nhiệm, cán bộ Đoàn, đoàn viên có trách nhiệm tìm hiểu, trau dồi, bổ sung kiến thức văn hóa, pháp luật, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia trên không gian mạng; có trách nhiệm khi đăng tải, chia sẻ, lan tỏa các nội dung, thông tin trên trang cá nhân hoặc trên các nhóm, diễn đàn; chỉ chia sẻ, đăng tải nếu thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật.

Thông qua Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, các cấp bộ Đoàn khuyến khích cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia “thế giới ảo” để góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp, cũng như lan tỏa tới đoàn viên, thanh thiếu niên về ý thức, trách nhiệm đối với việc ứng xử với những thông tin trên mạng xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội; nhận diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các cá nhân lợi dụng internet, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.

Hội thảo khoa học cấp Bộ "Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức ngành Nội vụ trên môi trường số", tháng 11/2023.

Giải pháp nhằm tạo môi trường cho cán bộ Đoàn, thanh thiếu niên ứng xử văn minh trên không gian mạng

Bên cạnh việc ban hành các quy tắc trên môi trường số và tham gia mạng xã hội, Trung ương Đoàn đã xác định các hoạt động mà các cấp bộ Đoàn cần triển khai nhằm tạo môi trường cho cán bộ Đoàn, thanh thiếu niên ứng xử văn minh trên không gian mạng.

Thứ nhất, tuyên truyền về cuộc vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên về ứng xử văn minh trên trên không gian mạng. Chẳng hạn như, ban hành bộ sản phẩm tuyên truyền về Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, xây dựng cẩm nang hướng dẫn thanh thiếu niên khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện, đấu tranh với các thông tin “xấu”, “độc”, tin giả cho đoàn viên, thanh thiếu niên và xây dựng Bản tin an ninh mạng dành cho đoàn viên, thanh niên…

Thứ hai, nâng cao kỹ năng của cán bộ Đoàn nòng cốt tại các địa phương, đơn vị và đoàn viên, thanh thiếu niên khi tham gia hoạt động trên không gian mạng như: Định kỳ hằng năm tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức về truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp; tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động thực tế nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng theo quy định của pháp luật…

Thứ ba, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, tọa đàm về ứng xử văn minh trên không gian mạng cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên, tham gia phát hiện, cảnh báo và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Thứ tư, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Cuộc vận động vào kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác Đoàn định kỳ hàng năm và theo chuyên đề. Trung ương Đoàn ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”; tổ chức sơ kết Cuộc vận động vào năm 2027, tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động vào năm 2030 và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo./.

----------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Chỉ thị số 01-CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn.

3. Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Kế hoạch số 116-KH/TWĐTN-BTG ngày 04/8/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc triển khai Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” giai đoạn 2023 - 2030. 

5. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/07/05/cong-dan-so-trong-moi-truong-so/

6. https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tu-do-internet-o-viet-nam-la-mot-thuc-te-khong-the-phu-nhan-626055.html

7. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=81846

8. https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/xay-dung-doan/khong-gian-mang-va-su-menh-bao-ve-bien-cuong-van-hoa-tu-tuong-cua-tuoi-tre.

TS Nguyễn Thị Trang - Ủy viên BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ; Trần Đình Tuấn - Ban Quốc tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Châu Ngọc Lương, Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Nông

Bình luận

Với sự thay đổi nhanh chóng và sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, các khái niệm về không gian mạng, môi trường số ngày càng trở nên hiện hữu và tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ Đoàn, đội ngũ cán bộ trẻ, thường xuyên tiếp xúc và tương tác với thanh niên. Từ đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm định hướng và giải quyết.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.