Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Những chỉ dẫn trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” và vận dụng của Đảng ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngày đăng: 16/05/2023   16:55
Mặc định Cỡ chữ
Bài viết nghiên cứu, phân tích quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu thể hiện trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”; đồng thời làm rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng về vận dụng quan điểm của Người trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay.
Ảnh tư liệu

Quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong tác phẩm Đường Kách mệnh

Tác phẩm Đường Kách mệnh được xem như cuốn sách về lý luận đầu tiên của Đảng ta. Trong tác phẩm này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung đề cập 15 chủ đề lớn, bao gồm: 1) Tư cách một người cách mệnh; 2) Vì sao phải viết sách này; 3) Cách mệnh; 4) Lịch sử cách mệnh Mỹ; 5) Cách mệnh Pháp; 6) Lịch sử cách mệnh Nga; 7) Quốc tế; 8) Phụ nữ quốc tế; 9) Công nhân quốc tế; 10) Cộng sản thanh niên quốc tế; 11) Quốc tế giúp đỡ; 12) Quốc tế cứu tế đỏ; 13) Cách tổ chức công hội; 14) Tổ chức dân cày; 15) Hợp tác xã.

Để làm rõ 15 chủ đề lớn này, tác phẩm được triển khai theo ba nội dung cơ bản: những vấn đề lý luận cách mạng chung; tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và bài học rút ra cho cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng. Tác phẩm không sử dụng một cụm từ nào nói về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nhưng toàn bộ nội dung cuốn sách đã toát lên tinh thần đấu tranh không khoan nhượng đối với “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ nhất, xây dựng tư cách người cách mạng, không có chỗ cho tham nhũng, lãng phí, quan liêu

Đó là hệ chuẩn mực “Tư cách một người cách mệnh”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”(1).  

Những phẩm chất này hoàn toàn xa lạ, thậm chí là đối lập với tham ô, lãng phí, quan liêu. Để chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng lên hàng đầu trong những phẩm chất, kỹ năng mà người cách mạng cần có. Theo Người, người cách mạng muốn hoàn thành nhiệm vụ phải có đủ cả tài và đức, trong đó đạo đức là cái gốc, như sau này Người đã nhấn mạnh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2). Do đó, Người luôn đặt vấn đề rèn luyện tu dưỡng tư cách đạo đức cách mạng lên trang nhất, lên bài giảng đầu tiên và cũng là yêu cầu, là tiêu chí đầu tiên cho một người nếu muốn trở thành cán bộ cách mạng. Khi trong mỗi con người, những phẩm chất cao đẹp đã được xây dựng thì sẽ hạn chế, đẩy lùi những cám dỗ cá nhân mà sau này được Người gọi là chủ nghĩa cá nhân, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ hai, tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, không có cơ hội để tham nhũng, lãng phí, quan liêu. 

Để có đạo đức cách mạng, trước hết người cách mạng phải biết tự rèn luyện. Trong mỗi con người, cái thiện, cái ác, cái tốt, cái xấu luôn tồn tại chế ngự lẫn nhau. Nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện thì mặt xấu sẽ xuất hiện. Mà mặt xấu thì như cỏ dại, dễ mọc, dễ sống, dễ phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian ngoan, xảo quyệt. Nó khéo léo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là nguyên nhân sinh ra các bệnh tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự kiêu, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, mệnh lệnh… Chủ nghĩa cá nhân ẩn nấp trong mỗi con người, chờ dịp người ta có thành công hay gặp thất bại để nổi lên. Do đó, để làm người cách mạng thì phải tự mình rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ mọi mặt.

Cụ thể là: phải kiên định lý tưởng mà mình đã lựa chọn, lý tưởng cộng sản; dám hy sinh lợi ích cá nhân mưu cầu lợi ích tập thể, lợi ích của dân tộc, giai cấp; không háo danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn về vật chất; phải cần, kiệm, liêm, chính, vị công vong tư; phải hay nghiên cứu học hỏi và cả quyết sửa chữa khuyết điểm, nói đi đôi với làm; phải giữ kỷ luật nghiêm minh… Rèn luyện đạo đức cách mạng là công việc hàng ngày, thường xuyên và suốt đời của người cách mạng. Bên cạnh việc tự rèn luyện, người cách mạng còn phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác và giúp người khác phấn đấu; phải biết đặt mình trong đoàn thể, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, kỷ luật của tập thể.

Từ khi cách mạng giành được chính quyền về tay Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Người chỉ rõ: “Quan liêu là bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ, Đoàn thể… Tham ô là lấy của công làm của tư… nạn lãng phí. Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô”(3). Cán bộ mắc bệnh quan liêu là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách. Bệnh quan liêu chính là nguyên nhân sinh ra tham ô, lãng phí. Tham ô, lãng phí, quan liêu là bản chất, gắn liền với chế độ thực dân, phong kiến. Đó là ba thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm không kém “giặc ngoại xâm”, nếu toàn Đảng, toàn dân không kiên quyết đấu tranh phòng, chống thì sẽ dẫn đến những hệ lụy không thể lường hết được. 

Có thể thấy, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong tác phẩm Đường Kách mệnh được thể hiện tương đối toàn diện. Đó là, những phẩm chất mà người cách mạng phải đạt được hoàn toàn không có chỗ cho tham những, quan liêu, lãng phí; xây dựng, nâng cao đạo đức cách mạng trong mỗi con người cũng là phòng, chống những căn bệnh nguy hiểm đó; công việc đó phải được đặt lên hàng đầu, phải được nhận thức là công việc gốc của cách mạng và chủ yếu phải do tự thân tu dưỡng rèn luyện hàng ngày và suốt cả cuộc đời; đồng thời phải có sự giúp đỡ của mọi người, của đoàn thể.

Những quan điểm chỉ đạo nổi bật của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu  

Hiện nay, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo đã và đang giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(4). Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham  nhũng, lãng  phí vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng nêu rõ: “Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”(5). Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”(6). Đến Đại hội ĐBTQ lần thứ XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”(7). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(8). 

Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ X của Đảng nêu rõ: “Tích cực phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta”(9). Nghị quyết Đại hội XI của Đảng yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là một tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống”(10). Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”(11). Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục xác định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”(12). 

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong giai đoạn hiện nay

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục học tập và làm theo những quan điểm, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí trong toàn Đảng, toàn dân để mọi người nhận thức sâu sắc, trên cơ sở đó có hành động phù hợp. Tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân. Nêu gương sáng vì dân vì nước, lối sống giản dị, tiết kiệm, gần gũi với dân, sâu sát thực tiễn của Người để mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu: “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”(13). 

Hai là, xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người làm công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng cũng như với người tố cáo, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Những năm gần đây, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Nhà nước ban hành và đã phát huy hiệu quả cao; song trước yêu cầu xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thì cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn xã hội.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các cơ quan tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với các hành vi tiêu cực, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Ngay từ thời kỳ vận động thành lập Đảng, Người nhắc nhở, cảnh báo người làm cách mạng phải luôn tu dưỡng đạo đức, tư cách cách mạng. Hai mươi ba điều về tư cách người cách mạng mà Người xác định trong tác phẩm Đường Kách mệnh là những chỉ dẫn vô cùng quý báu cho công tác đấu tranh phòng, tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu để đề ra giải pháp vận dụng phù hợp thực tiễn nhằm ngăn ngừa có hiệu quả một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh để đề ra phương hướng, giải pháp có hiệu quả đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay./.

---------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.280.

(2) Sđd, tập 5, tr.292.

(3) Sđd, tập 7, tr.296.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.25.

(5), (9) DVD-ROM, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 65, tr.182, tr.160.

(6), (10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.173, tr.285.

(7), (11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.185, tr.202.

(8), (12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.93, tr.193.

(13) Sđd, tập 15, tr.547.

 

TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.