Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Bảo vệ, khuyến khích người dũng cảm tố cáo sai phạm

Ngày đăng: 26/09/2022   10:51
Mặc định Cỡ chữ
Có thể khẳng định chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại diễn ra quyết liệt, đồng bộ, bài bản thu được nhiều kết quả quan trọng như hiện nay.
Cán bộ Ban Tiếp công dân thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận đơn kiến nghị của công dân.

Những con số thống kê được trình bày tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức ngày 30/6/2022 phần nào cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, công cuộc chống “giặc nội xâm” cũng còn những khoảng trống, hạn chế nhất định, cần được khắc phục, giải quyết kịp thời.

Trong bài phát biểu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đó là: “Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu".

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Đó là những vấn đề trọng yếu, khái quát.

Trong phạm vi bài viết này xin đề cập đến một vấn đề cụ thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đó là tình trạng có lúc, có nơi những tiếng nói phản biện trung thực, tố cáo sai phạm đã không được lắng nghe kịp thời, cầu thị khiến không ít vụ việc vi phạm đã không được ngăn chặn từ sớm, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí một số vụ việc bị cố tình che giấu, bỏ qua. Một số cá nhân dám dũng cảm đứng lên tố cáo các vụ việc khuất tất, mờ ám, có dấu hiệu vi phạm, đã bị đe dọa, trù dập, hành hung..., gây tác động xấu đến tâm lý xã hội và cản trở công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Nguyên nhân của tình trạng này, đầu tiên có thể kể đến là việc có lúc, có nơi còn chưa thực sự coi trọng ý kiến phản biện, kiến nghị, tố cáo của người dân, thể hiện từ việc tiếp nhận đến xử lý thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp. Trên thực tế, dù đã có những quy định rõ ràng về việc tiếp nhận phản ánh của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tình trạng qua loa, đại khái, tắc trách, bàng quan, vô cảm vẫn diễn ra ở một số nơi khiến người dân không khỏi bức xúc, từ đó ảnh hưởng tới niềm tin vào các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định “chính quyền của dân”, “vì dân phục vụ”, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, nhưng việc thực hiện ở đây đó vẫn còn khoảng cách khá lớn. Tình trạng chuyên quyền độc đoán vẫn diễn ra. Người dân phản ánh sai phạm là thể hiện trách nhiệm công dân, nhưng việc “hành là chính” ở một số cơ quan đơn vị vẫn xảy ra cá biệt có nơi còn nảy sinh hiện tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ra oai, tiêu cực với chính những người đi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Thời gian qua, xuất hiện những ý kiến người dân phản ánh về tình trạng sau khi cơ quan chức năng tiếp nhận đơn thư nhưng sau đó không rõ đơn thư đi đến đâu, sự việc được xử lý như thế nào, kết quả ra sao. Thực tế, quy trình tiếp nhận, xử lý, thủ tục, trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại được pháp luật quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện đầy đủ, đúng đắn không phải nơi nào cũng thực hiện nghiêm.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa một số cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm trong việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa được chặt chẽ, nhịp nhàng, bài bản, trách nhiệm. Việc cung cấp, trao đổi thông tin về những vấn đề, lĩnh vực, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực giữa các cơ quan chức năng còn chưa kịp thời, thường xuyên. Sự “tắc nghẽn”, “đứt gãy” về thông tin khiến không ít vụ việc được người dân phản ánh trung thực, khách quan chậm được giải quyết, có khi rơi vào im lặng, thậm chí “chìm xuồng”.

Mặt khác, những người nêu ý kiến phản biện nhiều khi chưa được bảo vệ, còn bị nhiều mối đe dọa, bị trả thù, trù dập khiến người khác nhụt chí, không dám mạnh dạn góp ý, kiến nghị. Ngày 26/10/2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập: “Mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được quy định, nhưng trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe dọa vẫn xảy ra khiến nhiều người lo ngại, không dám mạnh dạn tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng.

Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao nên tình hình vi phạm, nhất là biểu hiện nhũng nhiễu trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng còn bất cập”.

Dù bị trù dập, nhưng không phải ai nêu ý kiến phản biện, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cũng có thể phản ánh tới cơ quan chức năng và dư luận. Vì thế có người đành chấp nhận thỏa hiệp, buông xuôi, “nhắm mắt làm ngơ” cho qua việc. Cũng có trường hợp người đứng ra tố cáo sai phạm bị luân chuyển, điều động, phân công công việc “trái tay”, thậm chí kỷ luật dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau.

Thực tế này cho thấy các biện pháp bảo vệ người chống tham nhũng, tiêu cực cũng như gia đình và người thân của họ từ các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn tình trạng khá chung chung, chưa thật sự phát huy hiệu quả, chưa đủ sức là trụ đỡ tinh thần cho người dân quyết tâm chống “giặc nội xâm”. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp bảo vệ hiệu quả, chặt chẽ hơn với người đứng ra tố cáo, khiếu nại, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, cả từ phía công an, chính quyền địa phương, cơ quan thanh tra, cũng như cơ quan tiếp nhận các nguồn tin tố cáo. Việc bảo vệ này cần thiết ngay từ bước tiếp nhận thông tin, như việc giữ bí mật nguồn tin, bí mật danh tính người tố cáo để tránh bị trả thù, trù dập.

Báo chí có vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều 75 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo cụ thể như sau: Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng; có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động phòng, chống tham nhũng và vụ việc tham nhũng. Trước đó, Luật Báo chí năm 2016, tại Điều 4 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”.

Như vậy nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí đã được luật hóa, giúp báo chí thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong quá trình hoạt động, bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, được cung cấp hoặc tự tìm kiếm, phát hiện, báo chí kiên quyết, dũng cảm đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bằng cách phản ánh thực tế, tham mưu, đề xuất, kiến nghị xử lý, giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng…

Báo chí cũng là cầu nối phản ánh ý kiến Nhân dân, tạo lập diễn đàn để người dân cất lên tiếng nói trung thực, xác đáng của mình trong việc phản ánh những oan sai, khuất tất tới các cơ quan công quyền. Tuy nhiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhà báo cũng như các cơ quan báo chí gặp phải không ít khó khăn như sự bất hợp tác của tổ chức, cá nhân có liên quan, sự vu khống, trả thù của các đối tượng xấu...

Việc cản trở báo chí tác nghiệp, trả thù người viết bài phản ánh sai phạm đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Không ít nhà báo bị gây khó khăn, cản trở, thậm chí bị hành hung trong quá trình tác nghiệp. Từ đây khiến không ít nhà báo, cơ quan báo chí còn ngần ngại, e dè khi dấn thân vào lĩnh vực khó khăn, hiểm nguy này.

Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt được hiệu quả bên cạnh những biện pháp như tăng cường kiểm soát quyền lực; phát huy vai trò giám sát tập thể,... thì việc lắng nghe tiếng nói trung thực, dũng cảm tố cáo những khuất tất sai phạm của người dân là hết sức quan trọng. Thông tin tố cáo cần được kiểm tra, xác minh và nếu đúng như phản ánh thì cơ quan chức năng cần có những quyết định xử lý kịp thời, nghiêm túc, đủ sức răn đe để ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ khi chưa phát tác.

Muốn làm được như vậy đòi hỏi sự quyết tâm của các cơ quan chức năng, của đội ngũ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kế thừa những kết quả đã đạt được cùng việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, công cuộc chống “giặc nội xâm” sẽ đạt được những kết quả quan trọng hơn nữa, góp phần chặn đứng tham nhũng, tiêu cực, chặt đứt những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của đất nước./.

 

Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.