Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Đẩy mạnh giảm nghèo đa chiều bền vững tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Ngày đăng: 10/05/2022   14:22
Mặc định Cỡ chữ
Tổ chức Liên hợp quốc cho rằng: “Nghèo là thiếu năng lực tối thiểu để tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Nghèo có nghĩa là không có đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được đi khám bệnh, không có đất đai để trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận tín dụng. Nghèo cũng có nghĩa là không an toàn, không có quyền và bị loại trừ của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Nghèo có nghĩa là dễ bị bạo hành, phải sống ngoài lề xã hội hoặc trong các điều kiện rủi ro, không được tiếp cận nước sạch và công trình vệ sinh an toàn”(1). Điều này có nghĩa là thu nhập không còn là tiêu chí duy nhất để xác định chuẩn nghèo, các tiêu chí khác đặc biệt là khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, đất ở, nghề nghiệp, nước sạch là những tiêu chí quan trọng để xác định chuẩn nghèo. Bên cạnh đó, những nguy cơ như mất an toàn, chịu nhiều rủi ro, sống ngoài lề xã hội cũng được Tổ chức Liên hợp quốc sử dụng để xác định chuẩn nghèo. Đây cũng chính là cách tiếp cận nghèo đa chiều mà Việt Nam bắt đầu áp dụng trong những năm gần đây. 
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

Thực trạng nghèo đa chiều tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Những thành quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần làm cho bộ mặt của các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo còn tập trung nhiều vào nhóm các dân tộc thiểu số, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Vấn đề nghèo đa chiều ở các nhóm dân tộc thiểu số được thể hiện ở các phương diện: 

Thứ nhất, tỷ lệ nghèo đa chiều ở các nhóm dân tộc thiểu số còn chiếm tỷ lệ cao: tỷ lệ nghèo về thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số luôn cao hơn nhiều lần so với mức trung bình cả nước; có khoảng chênh lệch khá lớn giữa các nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh hay giữa các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với các vùng đồng bằng, đô thị về đói, nghèo, tỷ lệ trẻ em đến trường, vấn đề vệ sinh môi trường. 

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4/2019, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với 14,1 triệu người, cư trú ở 5.468 xã, 56.453 thôn vùng dân tộc thiểu số, phân bố ở khắp các địa phương. Có những dân tộc có dân số đông, trên một triệu người và cả những dân tộc có từ vài trăm đến dưới 5.000 người. Có đến 35,5% số hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo và cận nghèo xét theo tiêu chí nghèo đơn chiều (tức nghèo thu nhập). Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng dân số cả nước, song số lượng hộ nghèo, người nghèo lại tập trung chủ yếu ở khu vực dân tộc thiểu số. Tình trạng nghèo cùng cực cũng cơ bản tập trung cao ở khu vực này, với gần 70% đang sinh sống ở các nhóm dân tộc thiểu số(2). 

Đánh giá tổng thể, các mặt đời sống xã hội, từ thu nhập cho đến khả năng tiếp cận các loại dịch vụ xã hội thiết yếu vẫn rất hạn chế; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng một nửa so với thu nhập bình quân đầu người trên cả nước. Khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng hiện đại của nhóm các dân tộc thiểu số cũng rất hạn chế, khoảng cách đến trường của học sinh, khoảng cách đến chợ của người dân rất xa, cản trở việc học tập và giao thương của đồng bào dân tộc thiểu số... Khoảng cách đến trường trung học phổ thông là tương đối xa đối với nhóm học sinh dân tộc thiểu số(3). Trong số 32 dân tộc thiểu số có chữ viết riêng thì chỉ có 15,9% số người biết viết, biết đọc chữ của dân tộc mình. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp chỉ đạt 10,3%. Có đến 68,8% số lao động ở vùng dân tộc thiểu số là lao động có việc làm nghề giản đơn, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 33,2%. Chất lượng các dịch vụ y tế cũng còn khá thấp, dù đa số các xã vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế nhưng vẫn có đến 23,3% trạm y tế xã không có bác sĩ, 16,5% số thôn, bản, buôn vùng dân tộc thiểu số không có nhân viên y tế. 

Tính đến năm 2019, vẫn còn 20,8% số hộ dân ở các nhóm dân tộc thiểu số ở trong những ngôi nhà đơn sơ, thiếu kiên cố; 12,4% chưa được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 59,6% đã có hố xí hợp vệ sinh. Các chỉ số về khả năng tiếp cận cũng như chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm dân tộc thiểu số còn thấp. Tuy nhiên, cũng có một tín hiệu tích cực là đã có 61,3% số hộ sử dụng internet(4). Điều này sẽ góp phần giúp người dân vùng dân tộc thiểu số thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin, đồng thời Nhà nước cũng tuyên truyền thông tin chính sách đến người dân dễ dàng hơn. 

Thứ hai, nghèo đa chiều không đồng đều giữa các nhóm dân tộc thiểu số: có sự chênh lệch không nhỏ về khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là giáo dục và y tế giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Trong khi số lượng người học hết trung học trở lên ở nhiều dân tộc thiểu số khá thấp thì số lượng này ở dân tộc Hoa lại tương đối cao. Một số dân tộc như Ơ Đu, Rơ Măm, Si La, Hoa, Lự, Cơ Ho, Gia Rai, Brau, tỷ lệ hộ dùng điện lưới lên đến 99-100%; song tỷ lệ này ở các dân tộc như Mảng, La Hủ, Lô Lô  mới đạt khoảng 50% số hộ. Tình trạng biết đọc, biết viết không đồng đều giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số trung bình chỉ đạt 44,8%, đặc biệt một số dân tộc có tỷ lệ sử dụng chưa đến 1/3 như Xtiêng, Ngái, Xinh Mun, Mường(5).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các nhóm dân tộc thiểu số thấp và có sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Nếu như một số dân tộc có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo cao hơn các dân tộc khác như dân tộc Hoa (9,5%), Bố Y (10,7%), Ngái (15,0%) thì một vài dân tộc như La Hủ, Khơ Mú, Mảng, Rơ Măm lại gần như không có lao động qua đào tạo. Về điều kiện sống cũng có sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Mặc dù khả năng được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh của các nhóm dân tộc thiểu số có phần được cải thiện như đã đề cập ở trên, nhưng lại có sự không đồng đều giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Một số dân tộc ít có khả năng sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh như Vân Kiều, Hà Nhì, Pu Péo, Lào. 

Thứ ba, cơ hội thoát nghèo của người nghèo dân tộc thiểu số thấp: yếu tố văn hóa và ngôn ngữ, hạn chế trong tiếp cận đất đai có chất lượng, tỷ lệ di cư khỏi nơi sinh sống thấp và trình độ học vấn thấp là những rào cản làm cho cơ hội thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số thấp. Đa số dân tộc thiểu số sống trong các vùng núi, địa hình hiểm trở, điều kiện đi lại khó khăn. Để thoát nghèo, điều kiện tiên quyết là phải có việc làm mang lại thu nhập khá, nhưng với trình độ chuyên môn, đặc điểm dân cư, vị trí địa lý, địa hình, giao thông khó khăn, sản xuất công nghiệp dịch vụ thiếu hoặc manh mún... khiến nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khó tiếp cận với cơ hội thoát nghèo. 

Thứ tư, nguy cơ tái nghèo đa chiều ở các nhóm dân tộc thiểu số cao: nhiều huyện, xã vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nằm trong nhóm huyện nghèo, xã nghèo của cả nước. Nhiều hộ dân thoát nghèo song, vì nhiều nguyên nhân lại nhanh chóng tái nghèo trở lại. Trước đây, khi chỉ đánh giá nghèo đơn chiều thì nhiều hộ dân tộc thiểu số đủ tiêu chí thoát nghèo; sau khi Nhà nước thay đổi cách tiếp cận, đánh giá sang nghèo đa chiều thì tỷ lệ người nghèo, hộ nghèo gia tăng, đồng thời nguy cơ tái nghèo cao. 

Sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp, lao động thủ công, trong khi đó lại cư trú chủ yếu ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện thổ nhưỡng kém, địa hình đồi núi khó canh tác, năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ dân. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ngày càng phức tạp, thiên tai kéo dài gây thiệt hại cho mùa màng của người dân. Mặc dù đã có chính sách đất đai cho đồng bào, nhưng quỹ đất sản xuất ở các nhóm dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Trình độ dân trí, học vấn của người dân ở các nhóm dân tộc thiểu số thấp, kết cấu hạ tầng được cải thiện nhưng về cơ bản vẫn không thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Những nguyên nhân này dẫn đến những nỗ lực thoát nghèo bền vững rất khó thành công. Bên cạnh đó, khi thoát khỏi diện hộ nghèo, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo chưa định hướng được phương án sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định sinh kế thoát nghèo bền vững; năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nhiều nơi vẫn theo tập quán sống không tập trung, xa chợ, xa trung tâm, khiến cho việc trao đổi và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa gặp nhiều khó khăn. 

Một số giải pháp góp phần giảm nghèo đa chiều tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới

Giảm nghèo bền vững hay giảm nghèo đa chiều là nhiệm vụ đã được đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã cam kết trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; giảm bất bình đẳng trong xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu: “Giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 1-1,5% hàng năm”, và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 dã đề ra nhiệm vụ: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số”. Thời gian tới, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, trước khi quyết định xây dựng, ban hành các chính sách giảm nghèo đa chiều ở vùng dân tộc thiểu số, cần tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các nhóm dân tộc thiểu số theo quy định mới, làm cơ sở xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh theo hướng: các mục tiêu cụ thể cần định lượng được kết quả thực hiện, bổ sung các chỉ tiêu để đo lường được hết các mục tiêu cụ thể; đảm bảo không có sự trùng lặp. Cần bỏ chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo kiểu cho không để hạn chế tính ỷ lại, nhưng đồng thời phải tăng cường lồng ghép các dự án để bảo đảm người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng ở mức cao nhất. Phải bảo đảm hạn chế việc trục lợi chính sách giảm nghèo cũng như không để việc giảm nghèo chạy theo thành tích, phô trương.

“Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi”. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Hai là, đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận xây dựng, thiết kế các chính sách giảm nghèo đối với người nghèo dân tộc thiểu số. Khi Nhà nước đã thay đổi cách thức đo lường, đánh giá, thực hiện giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều thì các cơ quan ban hành chính sách phải có cách tiếp cận mới nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới, do đó cần xây dựng, ban hành chính sách dựa trên cách tiếp cận mới này; đảm bảo bao quát được quá trình giảm nghèo đa chiều ở tất cả các chiều cạnh của chuẩn nghèo đa chiều mà Nhà nước đã ban hành. Điều này có nghĩa là, ngoài thu nhập là yếu tố cốt lõi để giảm nghèo, các chính sách cần hướng đến giúp người nghèo tiếp cận được với 5 loại dịch vụ cơ bản theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều. 

Mặt khác, tiếp cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng chính sách. Mặc dù mỗi chính sách điều chỉnh một lĩnh vực riêng biệt nhưng đều có chung đối tượng điều chỉnh là người nghèo. Do đó, để các chính sách không bị chồng chéo và có hiệu quả thì khi xây dựng chính sách, các cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp chặt chẽ; đồng thời, cần chú trọng nâng cao năng lực nội sinh của người nghèo. Chính sách của Nhà nước cho dù tốt như thế nào cũng chỉ mang tính hỗ trợ là chủ yếu, muốn thoát nghèo thì bản thân người nghèo phải có ý chí và phát huy hết năng lực để thoát nghèo. Do đó, các chính sách giảm nghèo nên hướng vào việc giúp người nghèo phát huy được năng lực nội sinh để vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là các chính sách về tín dụng và đất đai.

Ba là, kiến tạo môi trường để người nghèo dân tộc thiểu số có cơ hội thoát nghèo. Chú trọng đến sinh kế của các nhóm dân tộc thiểu số để giải quyết căn cơ vấn đề tái nghèo phổ biến ở các nhóm dân tộc thiểu số. Để giảm nghèo đa chiều thực sự đạt hiệu quả cần chú trọng giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh. Nhà nước cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo dân tộc thiểu số, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững; hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo. 

Đồng bào dân tộc thiểu số có những phong tục, tập quán, văn hóa đặc thù riêng biệt, các chính sách cần hướng đến xây dựng tầm nhìn dài hạn đối với giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng biên giới; có chiến lược phát triển toàn diện kinh tế - xã hội khu vực này, tạo cơ sở cho các chính sách giảm nghèo giai đoạn tới có trọng tâm và hiệu quả hơn. Về lâu dài, cần đảm bảo cho những người dân vùng dân tộc thiểu số được an sinh tối thiểu và không phụ thuộc vào mức độ tham gia đóng góp. Quan tâm đến sinh kế của người dân vùng dân tộc thiểu số để họ có khả năng chủ động thoát nghèo bền vững, không rơi vào tình trạng tái nghèo. 

Để giải quyết vấn đề sinh kế, cần có chính sách phát huy thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, bởi hiện nay nông nghiệp vẫn là phương thức sinh nhai chính của đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ gia đình nghèo ở nông thôn. Do đó, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thực thi Luật Đất đai, chính sách thuế, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tăng năng suất thông qua việc chuyển đổi sang các sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất của người nông dân gắn nhiều hơn với các chuỗi giá trị; tận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. 

Bốn là, mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản ở các nhóm dân tộc thiểu số, bởi nghèo đa chiều là việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người nghèo ở mức thấp. Trong nhiều năm qua, quá trình xã hội hóa dịch vụ công đã giúp nhiều người nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; do đó cần có phương pháp đánh giá kỹ tác động của quá trình xã hội hóa các dịch vụ cơ bản ở các nhóm dân tộc thiểu số. 

Để đảm bảo người nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ công cơ bản, cần tính đến tác động của các khoản phí mà họ phải đóng khi tham gia các dịch vụ cơ bản. Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, cần nghiên cứu tác động của học phí và các khoản thu khác của nhà trường đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực y tế, cần quan tâm đến giá thuốc chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các tuyến trên, thẻ bảo hiểm y tế đối với người nghèo. Chính quyền các cấp cần dành nguồn lực tài chính để nâng cấp hệ thống y tế cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã biên giới; mở rộng khám bệnh và tư vấn về sức khỏe thông qua các hình thức trực tuyến. 

Bên cạnh đó, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách giảm nghèo cần được nâng cao thông qua việc tuyên truyền, phổ biến để họ dễ dàng tiếp cận được với chính sách. Chính quyền các cấp cần giúp đồng bào dân tộc thiểu số chủ động thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tránh tình trạng chỉ thụ hưởng chính sách và tái nghèo khi không được Nhà nước hỗ trợ. Những thay đổi trong cách tiếp cận giảm nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách giảm nghèo của Nhà nước; tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số thì cần có sự quyết tâm, đồng thuận và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của chính người dân tại các vùng dân tộc thiểu số./.

---------------------------------

Ghi chú:

(1) Tuyên bố Liên hợp quốc (tháng 6/2008).

(2), (4) Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, H.2019. 

(3), (5) Phùng Đức Tùng, Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Cao Thịnh, Nguyễn Thị Nhung, Tạ Thị Khánh Vân, Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, 2017.  

 

ThS Nguyễn Thị Ngọc - Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.