Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Quảng Ninh: Quyết tâm cao trong sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế

Ngày đăng: 30/12/2021   11:56
Mặc định Cỡ chữ
Kế thừa kinh nghiệm của 10 năm qua trong việc tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thể hiện sự quyết tâm lớn trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025. Trong đó tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đổi mới, đột phá xây dựng tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Quảng Ninh sẽ không thực hiện cào bằng tinh giản biên chế, không cắt giảm cơ học, mà xuất phát từ tình hình thực tiễn của từng địa phương, đặc thù vùng miền. 

Quảng Ninh là địa phương tiên phong, thực hiện sớm hơn so với chỉ đạo tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Ngay từ năm 2012, tỉnh đã rà soát tổ chức, biên chế khối chính quyền. Đến năm 2014, thực hiện rà soát tổng thể tổ chức, bộ máy, biên chế của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh. Năm 2015, trên cơ sở xác định quyết tâm đổi mới, khắc phục yếu kém, bất cập, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án 25 và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, để triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh. Những kết quả từ việc tinh giản biên chế tại Quảng Ninh là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW...

Theo đó, trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Đến nay đã thực hiện tinh giản biên chế sớm so với toàn quốc 4 năm và thực hiện giảm liên tục trong gần 10 năm qua từ khi tỉnh thực hiện Đề án 25. Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đã thực hiện giảm 19,13% công chức; giảm 8,52% người làm việc; giảm 10,51% CBCC cấp xã; giảm 39,18% người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm 33,33% người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố, đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương; giảm 18% đầu mối cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp và hoàn thành mục tiêu giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập trước 1 năm so với chỉ đạo chung của Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế nhiệm kỳ 2021-2026, đánh giá: Quảng Ninh đã rất mạnh dạn, linh hoạt đề xuất, xây dựng và thí điểm hiệu quả nhiều mô hình mới, cách làm mới mang tính đột phá trong tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế. Điểm nổi bật mà tỉnh đạt được là không chỉ giảm nhiều số lượng đầu mối, biên chế, mà quan trọng nhất là chất lượng của chính đội ngũ CBCCVC được nâng lên; phương thức lãnh đạo của các cấp ủy có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được nâng cao từ 73,3% (năm 2016) lên 96% (năm 2020).

Trên cơ sở những kinh nghiệm đã có, Quảng Ninh tiếp tục bám sát và triển khai các chủ trương của Trung ương về thực hiện tinh giản biên chế trong giai đoạn tiếp theo. Hiện tỉnh đang xây dựng “Kế hoạch tinh giản biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách giai đoạn 2022-2025 gắn với nâng cao năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, đồng bộ để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đồng thời đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế, chăm lo tốt nhất đời sống người dân.

Trong đó, tập trung sắp xếp, bố trí việc làm, đào tạo lại để bố trí việc mới; thực hiện tinh giản 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện song song, đồng bộ với sáp nhập 10% đơn vị sự nghiệp công lập bằng cổ phần hóa, tổ chức lại, sáp nhập (khoảng 70 đơn vị); nâng cao năng lực tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2025, chuyển từ sử dụng số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách, chuyển sang sử dụng một phần số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định...

Mới đây nhất, trong kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của HĐND tỉnh, nội dung về tinh giản biên chế tiếp tục là vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm, bàn thảo sôi nổi. Tại kỳ họp đã thông qua nghị quyết về biên chế khối Đảng, đoàn thể; quyết định giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2022.

Theo đồng chí Vũ Quyết Tiến, Trưởng ban Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ, để triển khai thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế trong giai đoạn 2022-2025 theo chỉ đạo của Trung ương, bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch và dự kiến ở những đơn vị sự nghiệp khác (ngoài y tế, giáo dục) sẽ giảm 181 người (chiếm trên 13%); đối với đơn vị giáo dục, hiện chiếm tỷ trọng lớn, đề xuất giảm 2.000 trường hợp do 10 năm qua, ngành Giáo dục gần như chưa giảm trường hợp nào. Còn với tuyến y tế dự phòng, đề xuất trong thời gian tới sẽ không giảm để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Đối với tuyến y tế điều trị, đề xuất sẽ giảm khoảng 132 người (chiếm 7,4%). Tuy nhiên, việc giảm biên chế không phải cắt biên chế, cắt người làm việc mà chuyển việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sang hưởng lương từ đơn vị tự chủ.

Đặc biệt, đối với chủ trương thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục, tỉnh sẽ không thực hiện cào bằng tinh giản biên chế, không cắt giảm cơ học mà phải xuất phát từ tình hình thực tiễn của từng địa phương, đặc thù vùng miền, gắn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới..../.

Theo: quangninh.gov.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.