Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Bàn về hoạt động giám sát của HĐND quận, thị xã khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội

Ngày đăng: 29/04/2021   09:48
Mặc định Cỡ chữ
Từ ngày 01/7/2021, TP Hà Nội chính thức triển khai "Ðề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị" theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Theo đó, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026, 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND phường.

Tại Điều 1 của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội quy định, chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là UBND phường. Như vậy, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026, 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội sẽ không tổ chức HĐND phường.

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp nói chung được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Riêng nhiệm vụ giám sát còn được quy định cụ thể trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015. Vậy khi TP Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND phường thì hoạt động giám sát sẽ được thực hiện như thế nào?

Vướng mắc trong thực hiện

Theo Luật quy định: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý[1]”. Giám sát là hoạt động có mục đích, luôn gắn với chủ thể, đối tượng nhất định và được tiến hành theo quy định. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, để HĐND quận, thị xã thực hiện được đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động giám sát của HĐND hiện còn vướng mắc.

Về đối tượng giám sát. Bên cạnh việc giám sát đối với các cơ quan cùng cấp (UBND, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự quận, thị xã) theo như quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015 thì HĐND quận, thị xã còn thực hiện giám sát đối với UBND, chủ tịch UBND phường. Như vậy, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn của HĐND quận, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội vì cùng một lúc phải thực hiện giám sát với hai nhóm đối tượng. So với các HĐND cấp huyện khác, HĐND quận, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội sẽ phải “gánh” thêm nhiều việc khi số lượng đối tượng bị giám sát của HĐND quận, thị xã tăng (HĐND của 12 quận và thị xã thực hiện giám sát thêm 177 UBND phường). Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND quận, thị xã.

Về hình thức giám sát. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015 quy định 5 hình thức giám sát cơ bản của HĐND. Nhưng với đặc thù của TP Hà Nội hiện nay thì HĐND quận, thị xã không thể sử dụng hết cả 5 hình thức để giám sát UBND phường. HĐND quận, thị xã chỉ có thể giám sát UBND phường thông qua 3 hình thức: xem xét báo cáo công tác, xem xét việc trả lời chất vấn của các đối tượng bị chất vấn và giám sát chuyên đề. Tuy nhiên với 3 hình thức này, vì số lượng đối tượng giám sát tăng nên đối tượng báo cáo, chất vấn cũng sẽ tăng, khiến cho kỳ họp của HĐND có thể bị kéo dài, hoặc HĐND sẽ bị lúng túng khi giám sát nếu không có quy định cụ thể.

Khi Luật đã trao cho HĐND quận, thị xã thẩm quyền giám sát thì cũng có nghĩa HĐND quận, thị xã được giám sát UBND phường bằng công cụ là xem xét văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, UBND phường không còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật[2] nên HĐND quận, thị xã không thể sử dụng hình thức giám sát này với UBND phường. Đồng nghĩa với việc, trong quá trình xem xét kết quả giám sát, HĐND quận, thị xã cũng không còn thẩm quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định của UBND phường. Đối với các quyết định không phải là văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND phường được giao cho chủ tịch UBND quận, thị xã[3].

Đối với hình thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm: hiện nay, HĐND chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn (trong đó có chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND cùng cấp). Tuy nhiên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường ở Hà Nội do Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác[4]. Như vậy, HĐND quận, thị xã không thể tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh này.

Tóm lại, HĐND quận, thị xã không thể sử dụng mọi công cụ giám sát mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015 đã trao cho mình để giám sát UBND phường. Đối với những công cụ không thể sử dụng được (xem xét văn bản quy phạm pháp luật, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm), HĐND quận, thị xã chỉ có thể giám sát UBND phường thông qua việc giám sát hoạt động của UBND cùng cấp (UBND quận, thị xã). Nghĩa là HĐND sẽ giám sát gián tiếp chứ không phải trực tiếp đối với UBND phường. Điều này vô hình trung làm giảm vai trò giám sát của HĐND quận, thị xã, trong khi hiệu quả của các hình thức giám sát khác cũng vẫn còn khá khiêm tốn.

Về nội dung giám sát. Hiện nay, khi chưa thí điểm bỏ HĐND phường, công tác giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND và hoạt động của các cơ quan nhà nước khác được thường trực HĐND, các ban của HĐND phường thực hiện có hệ thống, sâu sát. Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm, có khả năng HĐND quận, thị xã sẽ gặp khó khăn trong giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn phường do đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát. Hơn nữa, nội dung giám sát rất rộng. Với đội ngũ nhân lực của HĐND quận, thị xã như hiện nay sẽ khó khăn cho HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 lên 19 người (tăng 9 người so với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015), nhưng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, thị xã vẫn giữ nguyên, trong khi đội ngũ này là những người trực tiếp tiến hành hoạt động giám sát đối với UBND phường.

Một số đề xuất

Hiện nay các quy định về hoạt động giám sát của HĐND quận, thị xã tại TP. Hà Nội khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị vẫn giống như hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện nói chung trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015. Để hoạt động giám sát thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, TP Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện văn bản triển khai thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội. Một số đề xuất cụ thể như:

Một là, HĐND TP Hà Nội cần sớm ban hành các quy định đặc thù về tổ chức và hoạt động của HĐND quận, thị xã trên cơ sở các quy định của Quốc hội, Chính phủ, tránh việc HĐND quận, thị xã lúng túng trong triển khai các hoạt động của mình.

Hai là, ban hành các quy định để phân biệt giữa giám sát của HĐND quận, thị xã đối với UBND quận, thị xã và giữa giám sát của HĐND quận, thị xã đối với UBND phường. Hiện nay, các quy định về hoạt động giám sát của HĐND quận, thị xã với 2 đối tượng này chưa có sự phân biệt rõ ràng.  

Ba là, cần quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, thị xã để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND.

Bốn là, quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND quận, thị xã đối với UBND phường. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền cũng cần quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Năm là, bổ sung thêm các quy định về chế tài hậu giám sát để đảm bảo cho UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tránh trường hợp UBND phường chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát./.

-------------------------

[1] Khoản 1, Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND năm 2015.

[2] Khoản 2, Điều 5, Nghị quyết số 97/2019/QH14.

[3] Khoản 3, Điều 4, Nghị quyết số 97/2019/QH14.

[4] Khoản 1, Điều 4, Nghị quyết số 97/2019/QH14 và khoản 1, khoản 3, điều 3, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP.

 

ThS Nguyễn Thùy Dương, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội

Theo: xaydungdang.org.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.