Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Đẩy mạnh hoạt động quan hệ công chúng của Chính phủ - nhìn từ đại dịch COVID-19

Ngày đăng: 28/12/2020   15:07
Mặc định Cỡ chữ
Trong tiếng Anh, Public Relations (PR) có nghĩa là quan hệ công chúng, quan hệ cộng đồng. Thuật ngữ PR được sử dụng lần đầu tiên ở Mỹ năm 1807 bởi Tổng thống Thomas Jefferson. Ông cho rằng PR là một hoạt động của các cơ quan chính phủ nhằm tạo không khí tin tưởng của dân chúng vào chính quyền. Ngày nay, PR đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhờ có bước phát triển nhảy vọt của các phương tiện truyền thông, tạo nên sự bùng nổ thông tin trong thế giới hiện đại. Hiện nay có nhiều định nghĩa về PR, song có thể hiểu PR là những nỗ lực giao tiếp có hệ thống, có kế hoạch của một cá nhân hay tổ chức nhằm tạo dựng hình ảnh tích cực về tổ chức và thiết lập, duy trì, phát triển những mối quan hệ tốt với công chúng.

1. Hoạt động quan hệ công chúng của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 

Bất cứ một tổ chức nào tồn tại trong xã hội cũng muốn xây dựng hình ảnh và khẳng định uy tín. Rất nhiều tổ chức sử dụng PR để nâng cao hiệu quả hoạt động. Nếu nhìn nhận Chính phủ như một tổ chức có quy mô lớn nhất, phạm vi hoạt động rộng nhất, đối tượng quản lý đa dạng nhất thì Chính phủ cũng có thể sử dụng PR theo cách riêng của mình để tạo lập uy tín và thu hút sự ủng hộ của người dân. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng PR như một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh và trên thực tế điều đó đã góp phần không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn với uy tín của Chính phủ. Việc sử dụng PR của Chính phủ được thể hiện ở các phương diện sau:  

Thứ nhất, sử dụng truyền thông để quản lý, huy động sự tham gia của người dân tham gia phòng, chống dịch một cách triệt để. Để làm được điều này, Chính phủ đã lập kế hoạch và triển khai chiến lược truyền thông tổng thể, bao gồm việc nghiên cứu, đánh giá tình hình, xác định các mục tiêu, đối tượng, thông điệp PR một cách nhanh chóng và rõ ràng. Cùng với rất nhiều giải pháp quyết liệt, truyền thông đã được Chính phủ sử dụng một cách đúng đắn, phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Khi virus Corona len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của người dân, Chính phủ đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc tạo ra một thông điệp và có phương thức truyền thông phù hợp nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Chính phủ đã làm tốt tất cả các khâu, trong đó có việc xác định rõ ràng và chính xác mục tiêu truyền thông. Trong bối cảnh COVID-19 lây lan nhanh chóng và từ nhiều nguồn khác nhau, là một loại dịch bệnh mới nên người dân chưa hiểu rõ cách thức phòng, chữa bệnh, Chính phủ cho rằng cần nhanh chóng ngăn chặn dịch bệnh để tránh trường hợp dịch bùng phát trong cộng đồng. Do đó, hoạt động PR đã giúp người dân nhận thức đầy đủ về tình hình, nguy cơ lây nhiễm, hậu quả khi tình trạng dịch bệnh lây lan, các nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống dịch và mọi thông tin cần thiết khác liên quan đến COVID-19 được truyền tải một cách chính xác đến người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ. 

Với mục tiêu trên, Chính phủ đã xác định rõ đối tượng truyền thông trong bối cảnh dịch bệnh là toàn thể người dân đang sinh sống ở khắp mọi miền đất nước, kể cả Việt kiều. Thông điệp truyền thông cũng được Chính phủ xác định khá rõ ràng, như “chống dịch như chống giặc”, “đoàn kết chống COVID-19” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được lan truyền đến từng người dân. Đặc biệt, gần đây nhất, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp “niềm tin chiến thắng” kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới. Những thông điệp như vậy, tuy đơn giản song lại có ý nghĩa to lớn, tác động đến nhận thức, tinh thần, cổ vũ, động viên người dân trong bối cảnh khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Sau khi xác định rõ mục tiêu, đối tượng truyền thông, Chính phủ đã sử dụng đa dạng các phương tiện thông tin hiện đại để truyền đi thông tin, thông điệp của Chính phủ. Các phương tiện thông tin truyền thông chính thức của Nhà nước như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo giấy, báo điện tử chính thống liên tục cập nhật thông tin cần thiết về tình hình dịch bệnh, số ca lây nhiễm, những địa phương có dịch COVID-19, chủ trương, biện pháp phòng, chống COVID-19 của Chính phủ đến người dân. Không chỉ sử dụng các phương tiện thông tin truyền thống, Chính phủ đã tận dụng sức mạnh của công nghệ và cập nhật thông tin đáng tin cậy để người dân được biết qua tin nhắn điện thoại và mạng xã hội. 

Thứ hai, Chính phủ thực hiện tốt việc quản lý báo chí, quản lý thông tin. Quản lý là chức năng chính yếu của Chính phủ, thông tin là một trong nhiều khách thể quản lý của Chính phủ. Đánh giá không đúng tình trạng thông tin giả sẽ có nguy cơ gây ra khủng hoảng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Trên thực tế, trong những tháng nỗ lực chống dịch, có một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng các kênh truyền thông, nhất là mạng xã hội facebook để lan truyền thông tin giả làm cho dư luận hoang mang, ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ. Chính phủ đã hết sức quyết liệt trong việc quản lý thông tin. Dựa trên cơ sở pháp lý là Luật an ninh mạng, Luật tiếp cận thông tin và những quy định khác liên quan đến an ninh thông tin, các cấp, các ngành đã kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch, thông tin giả về dịch bệnh, về các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò là người cung cấp nguồn thông tin chính thống, tin cậy để toàn dân có thể tin tưởng.

Thứ ba, Chính phủ đã chủ động, tích cực tham khảo và tiếp thu ý kiến của người dân liên quan đến dịch bệnh thông qua nhiều kênh thông tin. Một hình thức để thu hút sự tham gia của người dân đóng góp ý kiến vào hoạt động của Chính phủ là lắng nghe ý kiến từ chính người dân - đối tượng trực tiếp bị tác động bởi các chính sách của Chính phủ nhằm hoạch định chính sách, xác định những vấn đề cần ưu tiên, đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền trong phòng, chống dịch. Sự lắng nghe này đã được tiến hành thông qua việc khảo sát ý kiến người dân về các chính sách cụ thể của Nhà nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Mỗi người dân có thể chia sẻ, góp ý, phản ánh trực tiếp những thông tin liên quan đến dịch bệnh đến chính quyền, cơ sở y tế hoặc qua đường dây nóng. Người dân cũng có thể thể hiện chính kiến cá nhân về các chính sách của Nhà nước thông qua các trang báo chính thống. Đặc biệt, Bộ Y tế đã sử dụng tài khoản Zalo, tin nhắn điện thoại để gửi tin nhắn về những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như toàn bộ thông tin tình hình dịch bệnh hàng ngày đến mỗi người dân. 

Thứ tư, các cơ quan của Chính phủ đã chủ động tổ chức các sự kiện để góp phần giải quyết vấn đề dịch bệnh. Chính quyền các cấp và các đoàn thể đã tổ chức các chương trình phù hợp nhằm góp phần phòng, chống dịch bệnh. Để tri ân những cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch, tháng 7/2020 Bộ Y tế đã tổ chức Gala tri ân “Người hùng ngành Y tế” tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nhằm động viên, tạo động lực cho đội ngũ y, bác sĩ, đồng thời để nhân dân cả nước cảm nhận và thấu hiểu những hy sinh, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đợt 2 dịch bệnh bùng phát rộng và phức tạp hơn đợt 1, tháng 8/2020, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông lan tỏa thông điệp “Niềm tin chiến thắng” kêu gọi cộng đồng phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới. Chương trình có nhiều hoạt động phong phú như: đối thoại với các nhà tâm lý, chuyên gia, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội về thay đổi nhận thức, chuẩn bị tâm lý, hình thành thói quen mới trong cuộc sống để chung sống với dịch bệnh, thiết lập cuộc sống trong trạng thái mới; hàng trăm nghệ sĩ, cầu thủ, những người có ảnh hưởng tích cực trong xã hội truyền đi thông điệp phòng, chống dịch bệnh, tham gia các hoạt động xã hội, các dự án vì cộng đồng với nhiều hình thức thể hiện khác nhau như biểu diễn ca nhạc trực tuyến, ký sự, bài viết, video. 

Để huy động nguồn lực tài chính, Chính phủ đã chủ trương tổ chức Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và hàng triệu người dân tham gia ủng hộ tiền bạc, vật chất nhằm chia sẻ khó khăn với Chính phủ và cùng cả nước chung tay phòng, chống đại dịch. Các chương trình, sự kiện trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần lan tỏa, truyền đạt những thông điệp ý nghĩa, những chủ trương, chính sách của Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp, mang lại hiệu ứng cao trong xã hội và góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch. 

Thứ năm, Chính phủ thường xuyên thông tin, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong phòng, chống dịch COVID-19. Mặc dù trong đại dịch với bộn bề khó khăn, nỗ lực hết sức chống dịch nhưng vẫn sẻ chia, giúp đỡ các nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước đến cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã có những hành động hỗ trợ tích cực, kịp thời dành cho các nước trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đối với ASEAN, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh. Chính phủ đã chủ động hỗ trợ các trang thiết bị y tế, khẩu trang kháng khuẩn, bộ xét nghiệm cho các nước Lào, Campuchia, Indonesia. 

Với các quốc gia khác trên thế giới, trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ các nước Trung Quốc, Cu Ba, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển… phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ cũng chủ động thông tin, phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ các nước để chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất biện pháp đẩy lùi đại dịch. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.  Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác và sự chân thành, trách nhiệm của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, góp phần nâng cao uy tín của đất nước trên  trường quốc tế.

2. Một số đề xuất đẩy mạnh hoạt động quan hệ công chúng của Chính phủ trong thời gian tới  

Mặc dù PR chuyên nghiệp mới du nhập vào Việt Nam và phát triển mạnh trong những năm gần đây, song trên thực tế, PR đã hiện hữu trong đời sống xã hội từ trước đó, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Bằng nhiều hình thức, Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc thực hiện hoạt động PR đối ngoại, thế giới đã biết đến những chiến công lẫy lừng cũng như những hy sinh, mất mát to lớn của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, thế giới trở nên “phẳng” hơn, ngành truyền thông và quan hệ công chúng được rất nhiều quốc gia chú trọng, PR trở thành một thứ “quyền lực mềm” đầy tiềm năng trong nền chính trị hiện đại. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hiệu quả hoạt động PR, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ chung là ngăn chặn dịch bệnh. Nhiều bài học quản lý sâu sắc được rút ra từ đại dịch, trong đó sử dụng hiệu quả công cụ PR là một trong những kinh nghiệm quý báu. Trong thời gian tới, để sử dụng hiệu quả “quyền lực mềm” này, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, xác định PR là một trong những phương thức phục vụ hoạt động quản lý nhà nước trong nền hành chính hiện đại. Để góp phần nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động của Chính phủ, có thể sử dụng PR như là một trong những phương thức cần thiết, phù hợp và hữu hiệu. Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đang yêu cầu Chính phủ phải tích cực đổi mới để thích nghi. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, công nghệ thông tin, internet đang tạo ra những cơ hội chưa từng có trong việc tiếp cận thông tin của toàn xã hội. Chính phủ cần tận dụng lợi thế này để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Với những ưu điểm của mình, PR đem đến cho Chính phủ những lợi ích lâu dài, bền vững. Một mặt, PR vừa giúp Chính phủ thiết lập, phát triển và duy trì các mối quan hệ lâu dài với nhân dân, với cộng đồng quốc tế; mặt khác, PR vừa góp phần xây dựng uy tín của Chính phủ. Từ đó góp phần thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai là, nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là các thành viên của Chính phủ trong hoạt động PR. Ở khu vực tư, PR là một hoạt động chuyên biệt đòi hỏi người làm công tác PR phải được đào tạo chuyên nghiệp, có nhiều kỹ năng. PR của Chính phủ có những đặc thù riêng, song nó cũng dựa trên nền tảng của hoạt động PR nói chung. Các kỹ năng như lắng nghe, trình bày, diễn thuyết, vận động, thuyết phục, xây dựng hình ảnh, trả lời báo chí, nắm bắt và kịp thời xử lý khủng hoảng truyền thông là những kỹ năng cơ bản trong hoạt động PR của Chính phủ. Rõ ràng, Chính phủ muốn PR hiệu quả thì đội ngũ thực hiện hoạt động này phải am hiểu và có kỹ năng tốt. Ở Việt Nam, việc trang bị các kỹ năng này cho đội ngũ cán bộ, công chức chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, trong thời gian tới, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị, nâng cao các kỹ năng này cho đội ngũ cán bộ, công chức của Chính phủ, đặc biệt là những người phụ trách hoạt động PR.     

Ba là, phát huy vai trò và thế mạnh của các kênh thông tin truyền thông. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình và internet đã tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho tất cả các chủ thể trong đời sống xã hội. Chính phủ cần tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin để đẩy mạnh hoạt động PR, phục vụ có hiệu quả cho mục đích quản lý hành chính nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông cần đề xuất những cách thức cụ thể để phát huy vai trò của PR, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ của Chính phủ trong từng giai đoạn. Ngoài những kênh thông tin truyền thống của Nhà nước, Chính phủ có thể tận dụng lợi thế của một số kênh thông tin mới như mạng xã hội. Thời gian tới, ngoài phát triển các website chính thống, các cơ quan của Chính phủ có thể phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bốn là, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp, quản lý thông tin, quản lý các quan hệ giao tiếp cộng đồng nhằm tạo dựng và giữ gìn một hình ảnh tích cực. Hiện nay, nhiều sự việc khi đã xảy ra có quá nhiều thông tin đa chiều, trong đó có cả thông tin giả nhưng các cơ quan Chính phủ có lúc, có nơi chưa kiểm soát kịp thời. Do đó, Chính phủ cần có các biện pháp vừa quyết liệt, mạnh mẽ nhưng vừa phải khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng để kiểm soát, quản lý luồng thông tin. Để làm được điều này, một trong các giải pháp hữu hiệu là Chính phủ cần xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp với từng chính sách, sự việc và chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông, đảm bảo những thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân là nhanh nhất, chính xác nhất và đáng tin cậy nhất. 

Năm là, Chính phủ cần quan tâm, hướng đến xây dựng một đội ngũ làm PR chuyên nghiệp và một chiến lược PR lâu dài. Hiện nay, trong khu vực công, PR chưa được quan tâm đúng mức. Từ vai trò của PR cũng như xu thế phát triển nền hành chính hiện đại cho thấy đẩy mạnh hoạt động PR là một cách thức phù hợp, hiệu quả phục vụ hoạt động của Chính phủ. 

Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng một chiến lược PR lâu dài. Bên cạnh đó, với các chính sách, sự việc cụ thể trong quá trình quản lý, các cơ quan Chính phủ cần có các chiến lược PR cụ thể, rõ ràng. Điều này sẽ giúp hoạt động PR vận hành một cách có kế hoạch, nền tảng, chiến lược rõ ràng, không bị chệch hướng. Để đạt hiệu quả, các chiến lược PR phải được xây dựng và thực hiện bởi một đội ngũ PR chuyên nghiệp. Do đó, hình thành một bộ phận phụ trách am hiểu, có kỹ năng cao về PR giúp Chính phủ thực hiện tốt hoạt động PR cũng là một giải pháp cần được chú trọng trong thời gian tới. 

Sáu là, ngoài đẩy mạnh PR trong hoạt động đối nội, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa PR trong hoạt động đối ngoại. Trong thời gian qua, Chính phủ đã vận dụng hiệu quả các công cụ của PR và góp phần vào nhiều thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động PR trong đối ngoại. Các giải pháp cụ thể nên được đưa ra phù hợp với đặc điểm, bối cảnh từng chính sách, sự việc. Các giải pháp kỹ thuật PR mới cần được nghiên cứu, áp dụng sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay. Cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá đất nước trên các website du lịch, tổ chức các sự kiện lớn để thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, phát huy hơn nữa vai trò của Bộ Ngoại giao trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia. 

Trong đại dịch COVID-19, với những thành công bước đầu, những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc ngăn chặn dịch bệnh đã được bạn bè quốc tế biết đến, tôn trọng và học hỏi kinh nghiệm. Hình ảnh đất nước Việt Nam dù còn nhiều khó khăn nhưng kiên cường, quyết liệt và bền bỉ chống dịch đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận./.    

-------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Đinh Thị Thúy Hằng, Ngành PR tại Việt Nam, Nhà xuất bản Lao Động, H. 2010.

2. A.Bruce & K.Langdon (2006), Cẩm nang quản lý hiệu quả - PR hiệu quả (Dịch giả: Kim Phượng, Lê Ngọc Phương Anh).

3. Ngô Ánh Hồng, Quan hệ công chúng trong nền chính trị Việt Nam đương đại, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 338/2012.

4. Trần Thị Thanh Thủy, PR trong hoạt động của Chính phủ, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 8/2009.

 

TS Nguyễn Đăng Quế - Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.