1. Bốn phép xem người
Xem người, đánh giá đúng một con người, từ xưa đến nay luôn là một vấn đề khó. Chẳng thế mà từ xưa bao bậc tiền nhân luôn trăn trở: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/Tri nhân tri diện bất tri tâm” (Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương/Biết người biết mặt không biết lòng) hoặc dân gian có câu “Sông sâu còn có thể dò/Lòng người chín khúc ai đo cho tày”.
Thêm nữa, con người luôn biến ảo, lòng người thật khó lường, thế sự lại luôn vần xoay biến đổi, nên việc xem người càng khó khăn gấp bội. Nhưng, không thể không làm. Vì vậy, luận bàn về bốn phép xem người dưới đây phần nào gợi mở cho công tác lựa chọn cán bộ trong giai đoạn hiện nay.
Một là, thân - tức dung mạo.
Thành ngữ có câu: “Người năm bảy đấng, của ba bảy loài”. Đó là xem xuất thân là rất cơ bản, lấy đây làm điểm xuất phát. Người sinh ra với cốt cách sang trọng, dù có sinh trưởng từ gia đình thuộc lớp nghèo hèn, bình dân, tự bản chất đã mang vẻ cốt cách, phong thái của mình. Tâm tính tạo nên phong thái bên ngoài cũng như giá trị con người; hình thái, phong cách thể hiện một phần nào bản chất con người.
Cổ nhân có câu: “Nhân hiền tại mạo”, “Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt”. Người ngay thẳng, chính trực không thể có cặp mắt láo liên, người có ngũ quan ngay ngắn thì phong thái đàng hoàng, người nhìn thẳng thì lời ăn tiếng nói không thể gian dối, thiên thẹo: “Đàn ông trán dựng có tài/Đàn bà trán dựng lâu đài soi gương”, “Mắt ngước, chân bước nhẹ nhàng/Tướng đi khang nhã, rõ ràng hiền nhân”, “Người khôn con mắt đen sì/Người dại con mắt nửa chì nửa thau”, “Những người thành thật môi dày/Lại thêm ít nói lòng đầy nghĩa nhân”... Ngược lại thì: “Mắt trắng môi thâm”, “Mặt khó đăm đăm, tát nước đầm không cạn”; “Lưỡng mục bất đồng, tâm can bất chính” (Hai mắt lệch lạc, lòng dạ đen tối),…
Hai là, ngôn - tức lời nói.
Người xưa chia ra: nhất thanh, nhị sắc, tam hình. Nhạc khí làm bằng đồ tốt thì âm thanh tốt. Con người cũng thế. “Tiếng cả nhà thanh”: người có tiếng nói âm hưởng lan rộng và ngân là quý tướng; trái lại, thì: “Tiếng nói rít qua kẽ răng là người nham hiểm sánh bằng hổ lang”. Âm thanh tiếng nói, theo tướng diện hoặc thân, khác với lời nói, tức là khác với ngôn. “Khẩu Phật tâm xà”, “Trung ngôn nghịch nhĩ”, “Vàng thì thử lửa, thử than/Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời”… chính là ngôn vậy.
Cách đây hơn bảy trăm năm, danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn để lại kinh nghiệm trong việc xem lời nói của con người để xét đoán người: Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không; lấy lời cật vấn đến kỳ cùng để xem cách ứng biến của họ; hỏi rõ ràng tường tận để xem đức hạnh thế nào.
Đặc biệt, trong các phép để biết người, có nhiều phép xem người, qua lời nói để đo khí độ, tiền nhân cũng dặn rằng: Hỏi việc phải trái để dò chí hướng; lấy lời cật vấn để biết ứng biến; đem mưu kế hỏi để lường kiến thức. Mời rượu cho uống say để xét tính tình; đưa lợi gái thử để rõ thanh liêm chính trực không?
Ba là, chính - tức là chính sự.
Chính sự luôn được xem là một nghề. Nhưng nghiệp mới là trọng. Vinh nhục, thành bại, còn mất của đời người tham gia chính sự, có lẽ nằm cả ở nghề và nghiệp, tùy thuộc vào sự hành xử đối với nghề nghiệp. Vì thế, xem người là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nó mệnh hệ tới người khác, tạo an nguy tới cộng đồng, thậm chí quyết định sự còn mất đối với dân tộc.
Hơn bao giờ hết, lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng. Do đó, “Dĩ công vi thượng” phải là phẩm giá cao nhất của bất cứ ai, trước hết đối với những người tham gia chính sự.
Ông cha ta đã căn dặn rằng người dùng đức để đem đường đi cho người, dùng lễ để xếp việc cho họ, hiểu thấu sự đói rét của người dưới, biết rõ khó nhọc của đồng sự; người có địa vị cao quý mà không kiêu căng, công hơn người mà không cậy, tài năng mà biết hạ mình, cứng cỏi mà biết nhẫn nhịn, thì ghi lấy danh và nhớ lấy để tìm. Và, rằng, người quân tử tiến thoái quả quyết, xem người thì thanh thản vui tươi, chí thì ở trừ tàn bạo, đó là khí độ của người tướng quốc. Thấy ác không giận, thấy lành không mừng, nhan sắc không thay đổi, đó là lượng của người dẫn dắt muôn người, thì quý giá vô song. Thói thường, núi cao luôn giấu ngọn, sông sâu thường lặng sóng, hiền nhân thường khuất mình, ngọc tự tỏa sáng, ngọc chẳng bán rao. Ẩn mình như thế, âu đã dễ nhìn ra?
Trong công việc chính sự, xưa nay thường thấy, người không thành tín, không đức dày không dẫn dắt được ai, nên đứng ngoài chính sự. Không thành tín thường sinh ra bất liêm, mà bất liêm lại sinh ta tư túng, hủ bại, phù hoa, xa xỉ, nhất là nạn trộm cắp vạn hình, nhất là đạo vị (trộm cắp chức vụ), tham nhũng đủ loại, hà lạm muôn vẻ, thì vô hình trung làm nát chính sự. Hơn lúc nào hết, lúc này, chính trị chính là đạo đức. Tất cả những tệ ấy được người ta ngụy trang dưới muôn màu, thật khéo léo, tinh vi, đã và đang làm nhiễu loạn chính trường, làm rối loạn lòng người, cấp bách cần nhận ra (và kiên quyết phải tẩy trừ). Đây là những tệ nạn phi đạo đức: lòng tham mà không chán; ghen người hiền, ghét người tài; tin lời dèm pha, thích lời nịnh hót; xét người mà không xét mình; do dự không quả quyết; say đắm rượu và sắc đẹp; thích xảo trá mà lòng nhút nhát; nói lời viển vông mà không giữ lễ. Những hạng ấy, thì không mảy may luyến tiếc, quyết buông bỏ.
Bốn là, hành - tức làm việc.
Một việc làm cụ thể có giá trị hơn nghìn lời nói suông. Nhìn họ xử lý và vượt qua chuyện hiểm nguy để soi dũng cảm; đem việc cậy nhờ để xét sự trung thành, tín nghĩa. Nhìn những người dùng đức để đem đường cho người, dùng lễ để xếp việc cho họ, hiểu thấu sự đói rét của người dưới, biết rõ khó nhọc của đồng sự để thấy và nhận ra bậc nhân tướng. Thấy những người làm việc không cẩu thả, thấy lợi mà không tham, biết chết vinh hơn sống nhục thì đấy là những người nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trông những người thưởng phạt nghiêm minh công bằng, khen thưởng không chậm trễ và không bỏ sót, trừng phạt không buông tha cho kẻ cao quý… thì đó là những bậc liêm, sỉ, tín tướng chân chính. Quý giá xiết bao.
Lại nhìn những người có thể vượt núi non cheo leo, từng trải việc nguy hiểm, tới thì đi trước, lui thì về sau, đó là những người có gan đột phá tiên phong, ân nghĩa đủ đầy, xứng bậc hiền nhân. Những người khí thế vượt hẳn ba quân, dám coi thường địch mạnh, gặp đánh nhỏ vẫn luôn cẩn trọng, gặp đánh lớn thì can đảm quả quyết thì họ là những người chỉ huy quyền biến và dũng mãnh. Đặc biệt, những người gặp hiền tài thì tôn trọng lắng nghe, biết tỏ ý mình không theo kịp người, biết nghe lời can ngăn như thuận theo dòng nước, lòng rộng rãi nhưng chí cương quyết, giản dị và nhiều mưu kế-,-giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục… thì đấy là người có thể dẫn dắt triệu người và xứng đáng ở bậc kinh bang tế thế.
Nhưng, phàm những ai chỉ được sự thắng nhỏ, gặp sự thua nhỏ, mà mừng lo hình ra nét mặt, hễ thấy động thì động, thấy tĩnh thì tĩnh, nhát mà không tính toán gì, cất chân thì thần sắc không định, mà hay lấy lời nói để thắng người hoặc những người tính khí thất thường, chợt nóng chợt lạnh, hẹp hòi, đố kỵ người tài, “đội trên đạp dưới”… thì đấy là những người không đáng để mắt trong chính sự, nếu không muốn mọi việc đổ vỡ, nhân tâm ly tán, muôn sự tan tành.
Cố nhiên, không phải lúc nào cũng thống nhất giữa thân với ngôn, giữa ngôn với hành như vậy. Thế sự đã tổng kết song vẫn đang còn để ngỏ: biết tính tình của người, chẳng gì khó bằng xem xét, lành dữ tuy khác nhau, tính tình và vẻ mặt chẳng phải một; có kẻ thì ôn hoà, hiền lành nhưng làm việc trộm cắp; có kẻ bề ngoài thì cung kính nhưng trong bụng thì vô lễ, dối trá; có kẻ bề ngoài thì mạnh dạn nhưng trong bụng thì khiếp sợ; có kẻ làm việc tận lực nhưng bụng không trung thành. Thật cần con mắt của muôn dân cùng thẩm xét!
Xem đúng người tối thiểu qua bốn phép thân, ngôn, chính, hành khả dĩ sẽ thấy trúng người, do đó không bỏ sót, luôn tuyển chọn đúng, trúng nhân tài cần chọn và theo đó, việc cắt đặt, dùng người phù hợp, mọi sự sẽ hanh thông, chuẩn tắc. Mọi thành công của bộ máy, của sự nghiệp và tới lượt mỗi người, sẽ từ đó mà trở nên và tấn tới.
2. Tám phép chọn người
Sau việc xem người là bước vạn sự khởi đầu nan trong việc dùng người, thì việc chọn người vô cùng hệ trọng, nhất là người đứng đầu các đơn vị, tổ chức. Từ kinh nghiệm thực tiễn bước đầu hình dung và tóm lược tám phép chọn người như sau:
Một là, chọn tâm hay chọn tài.
Ấy là câu hỏi của muôn thuở. Tâm quý hay tài quý. Cổ nhân từng răn: “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần”; “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong lịch sử xưa nay, khi quyền lực mà đem giao cho những kẻ mang cái tâm kém, thì giống như thả rông thú dữ vào xã hội; giao cho những kẻ ham thích tiền quyền, “tiền tài vị tiền tài”, nhất định có ngày quốc gia bị đem phát mãi, thậm chí cả những người cả dùng và cất nhắc họ, có ngày nhất định bị đem bán mua, đổi chác. Chưa thấy ai xưa nay, có tâm mà không có tài. Tâm thực thì người sẽ đến, tâm cao thì tài sẽ lớn, tâm quảng khoát thì sẽ đủ tầm bao quát bốn bể, dẫn dắt thiên hạ.
Vì thế, thượng sách: tâm và tài; trung sách: tâm và hạ sách: tài.
Hai là, chọn tình hay chọn lý.
Người Việt Nam ta có câu: “Cả trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Tình thì rất quý. Nhưng, nếu lụy cái tình như thế, thì “Một bỏ làm mười”, “Hòn đất cất nên ông bụt”, “Yêu nên bụt, ghét ra ma”, tất người tài bỏ đi, sĩ phu ngoảnh mặt, ắt sẽ làm nát chính sự. Rốt cục, cả hai cái tình cái lý, đều vì thế mà hỏng.
Nên ở đây, thượng sách phương châm chọn, cần dứt khoát, “Dù thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ”: “Thương anh em để trong lòng/Việc công xin cứ phép công em làm”.
Ấy mới cần sự thấu tình đạt lý, nhưng trước nhất cái lý phải làm đầu, trong việc chọn người!
Ba là, chọn vì “lễ nghĩa” hay chọn vì đảm lược.
Người ta thường nói: “Ở đời, cần phải biết điều”, “Tốt lễ dễ thưa”, “Việc quan không thể nói bằng nước dãi”, “Ông có chân giò, bà thò nậm rượu”, “Đi nặng về nặng, đi nhẹ về nhẹ, đi không thì… về không”.
Xưa nay, mấy ai đủ dũng khí ngoảnh mặt với “lễ nghĩa” kiểu ấy nên không ít đã “Há miệng mắc quai”, thậm chí “Một miệng mười quai”, nên vô hình làm tôi tớ cho bọn người dùng “lễ nghĩa” để đổi chác tước, bán mua vị. Chọn người kiểu như thế thì người đảm lược, tài hoa, có nhân, nghĩa, liêm sỉ lánh xa. Không cần nói, đội ngũ chỉ toàn những kẻ bán mua, đổi chác, chính sự đã tự nó nát bét rồi. Mong sao trở lại cái thời “Câu đương chặt ngón chân” của Thái sư Trần Thủ Độ.
Bốn là, chọn mẫu mã hay chọn thực việc.
Ấy là chuyện bằng cấp và thực tài. Người ta lóa mắt và chuộng hư danh, đặt ra bao nhiêu tiêu chuẩn về bằng cấp và ngó lơ những người thực việc. Họ có biết đâu rằng, theo đó, vô khối kẻ ngược xuôi bán mua bằng cấp, cốt lấy hư danh lừa đời: “Điểm tô cái mẽ bề ngoài/Che đi cái vẻ sơ sài bên trong” nhưng kỳ thực thì “Chữ không hay, cày chẳng biết”, “Tốt mã rẻ cùi”, “Toàn tòng tại chức”. Từ văn chương, chiếu biểu cho tới biện lý, hành sự với đám này khác chi trò xa xỉ. Họ không thuộc những đám “Cáo mượn oai hùm”, “Đông Quách tiên sinh” thì cũng ở hạng: “Ma mang mặt người”, “Ruồi trên đầu hổ”…
Năm là, chọn người khéo nói hay chọn người trung trực.
Thói thường thì ghét bỏ người “Trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói thẳng khó nghe) mà lại thích kẻ “Xảo ngôn, lệnh sắc,…” (nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở,…). Nhưng, có biết đâu rằng: “Mật ngọt chết ruồi”, “Những nơi cay đắng là nơi thật thà”. Nhớ xưa, cổ nhân lại chọn và lập một chức quan, đứng hàng tam phẩm, chuyên phản biện, can gián nhà vua, gọi là Gián nghị đại phu. Trên thích nghe can gián, dưới dám nói lời trung, đây là bí quyết trị quốc của người xưa đấy.
Sáu là, chọn cho công việc hay chọn chỉ vì người.
Vì việc chọn người, đặt bộ máy. Trải suốt xưa nay, nhìn khắp đông tây nam bắc, ở đâu và thời nào hễ tiến bộ cũng đều làm như thế cả. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh lập Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ban chỉ có hai người, đó là Cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng Ban và ông Cù Huy Cận. Mọi người hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về điều đó, thì Người nói: việc tới đâu thì đặt người tới đó. Cụ Bùi đầy kinh nghiệm, chú Cận trẻ tuổi thì đi theo, để học việc. Sau này, việc nhiều thì bố trí thêm.
Đông nhưng không mạnh, lại “Miệng ăn núi lở”, bộ máy không cát cứ, không nhóm lợi ích mới là chuyện lạ.
Bảy là, chọn cho công sự hay chọn cho phe cánh.
Thời phong kiến, “Một người làm quan cả họ được nhờ” đó là sự thực, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ… Cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được. Nhưng nay nếu làm vậy là tư túng - kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, tổ chức vì thế như nhà bồi giấy, không mưa cũng nát, không vò cũng tan.
Tám là, chọn cho cơ cấu hay chọn cho công việc.
Cơ cấu là hình thức, công việc là nội dung của việc chọn lựa, sắp đặt bộ máy. Nên công việc là quyết định, cơ cấu đứng hàng thứ, chỉ giữ phần quan trọng mà thôi. Bởi nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Thế mới thật sự quang minh lỗi lạc. Vì thế, không nệ mâm bát đủ đầy, không bỏ mặc người đói kẻ no, không để tài đức khuất thân mà công việc thì… bê trễ.
Như vậy, có thể thấy sự phân biệt bốn phép hay tám phép này cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi lúc này, lúc khác có sự đan xen, chồng lấn, nên khó lòng tách bạch. Dù là bốn phép hay bốn mươi phép xem người tới tám phép hay tới tám mươi phép chọn người cũng chưa hẳn đã là đủ, nhưng với những người được trao quyền chọn người của bộ máy, trước hết phải làm tốt được 10 chữ: Trung thực - Khách quan - Dũng cảm - Trách nhiệm - Trong sạch./.
TS Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục