Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Nâng cao trách nhiệm giải trình của khu vực công ở Việt Nam

Ngày đăng: 03/04/2016   15:43
Mặc định Cỡ chữ

Thời gian gần đây, thuật ngữ trách nhiệm (responsibility) và trách nhiệm giải trình (accountability) thường được sử dụng trong các văn bản hành chính. Thuật ngữ "trách nhiệm giải trình" hàm ý các thông tin chính xác và dễ tiếp cận là cơ sở để đánh giá một công việc có được thực hiện tốt hay không và gắn với cơ chế khen thưởng, xử phạt để khuyến khích làm việc hiệu quả.

Tập huấn về thực hiện trách nhiệm trình ở cơ sở. Ảnh: noichinh.vn

Trách nhiệm giải trình bao gồm hai yếu tố: khả năng giải đáp và chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra. Khả năng giải đáp là việc yêu cầu các công chức phải giải trình theo định kỳ những vấn đề liên quan đến việc sử dụng thẩm quyền của mình như thế nào, những nguồn lực được sử dụng vào đâu và với những nguồn lực đó đã đạt được kết quả gì. Chính quyền phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng thẩm quyền, các nguồn lực công và giải trình kết quả thu được thông qua ý kiến phản hồi của người sử dụng dịch vụ và của mọi người dân. Tăng cường trách nhiệm giải trình với bên ngoài là việc cần thiết trong bối cảnh cần tăng cường các biện pháp kiểm soát và đối trọng mới để bảo đảm việc tiếp cận và chất lượng của dịch vụ công không bị giảm sút.

Ở nước ta, theo quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP của Chính phủ, "giải trình" được hiểu "là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó". 

Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tập trung vào chính quyền cấp xã và quy định bốn quyền cơ bản, đó là: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Những quyền này được áp dụng trong nhiều hoạt động ở cấp xã, như việc sử dụng ngân sách và đóng góp của người dân, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án và kế hoạch đầu tư công, quản lý sử dụng đất, văn bản pháp lý, các thủ tục hành chính và nhiều hoạt động khác.

Ở địa phương, những hình thức quan trọng về trách nhiệm giải trình đã được triển khai. Năm 2004, Quy chế về minh bạch tài chính công được ban hành theo Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đòi hỏi chính quyền địa phương phải công khai dự toán và sử dụng ngân sách nhà nước hàng năm, các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên, việc thu và chi phần do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, còn có các cơ chế khác được thực hiện cũng có thể tăng cường minh bạch của chính quyền địa phương, như bắt buộc kê khai thu nhập và tài sản đối với cán bộ cấp cao ở địa phương và nghĩa vụ phản hồi thông tin của người dân trong vòng 10 ngày.

Một mốc quan trọng về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương là giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phân bổ nguồn thu ngân sách địa phương cho cơ quan cấp dưới, các tiêu chí và cơ chế phân bổ, thu phí và lệ phí, đóng góp của người dân. Công tác giám sát tài chính của chính quyền địa phương cũng được tăng cường thông qua việc thành lập Kiểm toán Nhà nước với chức năng kiểm toán độc lập tất cả các mục thu - chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả ngân sách địa phương.

Chính quyền địa phương có trách nhiệm giải trình với cấp trên về việc sử dụng ngân sách. Các cơ quan chức năng trung ương quy định những hạn mức và tiêu chuẩn nhất định mà chính quyền cấp tỉnh phải áp dụng khi phân bổ ngân sách để đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển.

Việc thi hành những quy định đề ra trong các văn bản luật là yếu tố thiết yếu để nâng cao trách nhiệm giải trình lên trên. Ở nước ta, một số cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này như: Thanh tra Chính phủ thực hiện các hoạt động thanh tra liên quan đến việc tuân thủ pháp luật; Kiểm toán Nhà nước thực hiện hoạt động kiểm toán; Bộ Công an thực hiện điều tra tội phạm.

Trên thực tế, có một điều bất hợp lý là, mặc dù có quy định của pháp luật về tính chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ, nhiệm vụ, nhưng trách nhiệm tới đâu, trách nhiệm như thế nào lại không được minh định cụ thể. Ví dụ, Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính quy định: khi cá nhân, tổ chức khiếu nại, khởi kiện có yêu cầu thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền có liên quan phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ cho người dân. Nếu cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền không cung cấp chứng cứ thì trách nhiệm xử lý như thế nào lại chưa có quy định cụ thể; đây là một lỗ hổng pháp lý trong trách nhiệm giải trình.

Hệ thống trách nhiệm giải trình ở nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào cơ chế giải trình lên trên thông qua nhiều cấp bậc, khiến công chức lo sợ về các nguy cơ rủi ro. Công chức thường thụ động nếu không được giao thẩm quyền rõ ràng. Vì vậy, tăng cường trách nhiệm giải trình một cách phù hợp nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo và nâng cao kết quả hoạt động là việc làm cấp thiết hiện nay. Đa dạng hóa hệ thống trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước theo hướng giải trình với người dân và doanh nghiệp là một hướng đi thích hợp.

Trong thực tế, đời sống xã hội ngày càng được nâng lên, nhu cầu của người dân đặt ra đối với các cơ quan và công chức hành chính nhà nước ngày càng cao. Người dân mong muốn được cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra liên quan đến việc sử dụng thẩm quyền và những nguồn lực của mình.

Trách nhiệm giải trình về cơ bản là đảm bảo cho người dân, nhà nước và các tổ chức ngoài nhà nước có cơ sở pháp lý và khả năng buộc các cơ quan, công chức nhà nước giải trình về những gì đã làm, chưa làm hoặc không làm trong quá trình thực thi công vụ. Trách nhiệm giải trình với bên ngoài được thể hiện qua các hình thức, trong đó người dân và các chủ thể ngoài nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện trách nhiệm giải trình. Loại cơ chế giải trình này dựa vào sự tham gia của người dân, trong đó, người dân và các tổ chức xã hội tham gia vào quy trình giải trình trách nhiệm.

Để nâng cao mức độ trách nhiệm giải trình của khu vực công ở Việt Nam hiện nay, trước hết cần có quy định yêu cầu các cơ quan, công chức hành chính nhà nước đảm bảo trách nhiệm giải trình. Quy định đó bao gồm: 1) khuôn khổ pháp lý đảm bảo trách nhiệm giải trình. Khuôn khổ pháp luật để người dân có căn cứ pháp lý đòi hỏi cơ quan hành chính nhà nước thực hiện việc giải trình, đồng thời cơ quan hành chính nhà nước có căn cứ và trách nhiệm thực hiện việc giải trình; 2) yêu cầu của người dân về trách nhiệm giải trình. Cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm giải trình, coi đó là công cụ để chống tham nhũng, thiếu minh bạch, sự quan liêu. Người dân cũng phải có đủ thông tin và nhận thức được quyền được biết của mình để yêu cầu các cơ quan, công chức hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình.

Để các cơ quan, công chức hành chính nhà nước đảm bảo trách nhiệm giải trình, cần thực hiện một số bước sau:

Thứ nhất, phân tích tình hình hiện tại để xây dựng một cơ chế trách nhiệm đảm bảo cung cấp dịch vụ công hiệu quả.

Để thực hiện nội dung này, khu vực công cần nguồn nhân lực có trình độ để phân tích dữ liệu cụ thể các khu vực cung cấp dịch vụ ở cấp địa phương và quốc gia. Ngoài ra, có thể nâng cao mức độ tham gia của các tổ chức xã hội trong việc giám sát, đồng thời, xây dựng một cơ chế rõ ràng, cụ thể để đánh giá kết quả hoạt động của khu vực công.

Thứ hai, cần phát triển và quản lý các cơ chế trách nhiệm để đảm bảo xây dựng chính sách và chiến lược rõ ràng và minh bạch.

Các nhà hoạch định chính sách cần nâng cao nhận thức về vai trò cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan và công chức nhà nước, từ đó xây dựng các khuôn khổ pháp lý, thủ tục tư pháp và cơ cấu thể chế về trách nhiệm của khu vực công với công dân và khách hàng. Một cơ chế thực thi các chính sách và minh bạch trong việc giải quyết khiếu nại của công dân, tổ chức cũng cần được xây dựng và đảm bảo thực hiện.

Thứ ba, thực hiện các hoạt động phối hợp với các cơ quan địa phương và sự tham gia của công dân.

Các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cần nỗ lực liên tục để tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng cởi mở, hiệu quả và gần dân hơn. Bên cạnh đó, cần tổ chức các diễn đàn thảo luận về quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của công dân liên quan đến cung cấp dịch vụ công.

Thứ tư, xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá các hoạt động của khu vực công và đánh giá chính sách.

 Cần có các quy định rõ ràng, cụ thể về chế độ thông tin phản hồi của công dân, tổ chức trong giám sát hoạt động hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức giám sát (cơ quan chống tham nhũng, kiểm toán, thanh tra, Quốc hội, công dân, tổ chức…).

Khuôn khổ pháp lý và yêu cầu của công dân là điều kiện tiên quyết để đảm bảo trách nhiệm giải trình của khu vực công. Tuy nhiên, để thực hiện nội dung này đòi hỏi một đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) hành chính nhà nước có năng lực giải trình. Năng lực giải trình của CBCC thể hiện ở ba khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Kiến thức, là sự hiểu biết của CBCC về nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó cũng như hiểu biết về bối cảnh đảm bảo trách nhiệm giải trình với khuôn khổ pháp luật và yêu cầu của người dân.

Kỹ năng giải trình đòi hỏi CBCC phải có kỹ năng giải đáp, thuyết minh, giải thích để làm sáng tỏ các vấn đề thuộc về trách nhiệm của mình.

Thái độ của CBCC thực hiện trách nhiệm giải trình chính là ý thức về trách nhiệm và cách ứng xử trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình. Thái độ đảm bảo trách nhiệm giải trình yêu cầu CBCC phải nhận thức được trách nhiệm để tự giác thực hiện và dự đoán được hậu quả các hành vi của mình.

Để nâng cao năng lực giải trình của CBCC, cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho CBCC, đặc biệt là những CBCC trực tiếp tiếp xúc với người dân.

Nội dung của những chương trình này bao gồm cả các tri thức chuyên môn, nghiệp vụ về giao tiếp hành chính và tri thức về bối cảnh hành chính trong điều kiện hiện tại, đặc biệt chú trọng đến yêu cầu của người dân.

Hai là, giáo dục nhận thức, ý thức và lòng tự trọng của người có thẩm quyền trong trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh các hình thức giáo dục nhận thức truyền thống như tuyên truyền, vận động, tuyên dương, khen thưởng, nêu gương điển hình… có thể vận dụng một số hình thức mà một số quốc gia đang làm như lời tuyên thệ khi nhậm chức hay lấy ý kiến người dân về hoạt động của CBCC.

Ba là, cần có thiết chế kiểm tra, giám sát trong việc bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.

Cần có thiết chế để đảm bảo pháp luật được thực hiện và yêu cầu của người dân được đáp ứng. Những CBCC không có năng lực giải trình hoặc năng lực kém cần phải được bồi dưỡng để nâng cao năng lực hoặc sẽ phải chịu những hậu quả bất lợi. CBCC sẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình tốt hơn nếu có sự kiểm tra, giám sát.

ThS. Bùi Thị Ngọc Hiền - Đại học Nội vụ Hà Nội

----------------------

Tài liệu tham khảo:

1. ADB. Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, Nxb CTQG, H.2003.

2. Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Báo cáo phát triển Việt Nam 2010, Các thể chế hiện đại, Trung tâm Thông tin phát triển Việt Nam, Hà Nội, 2010.

3. Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ Quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

 

tcnn.vn

Bình luận

Thời gian gần đây, thuật ngữ trách nhiệm (responsibility) và trách nhiệm giải trình (accountability) thường được sử dụng trong các văn bản hành chính. Thuật ngữ "trách nhiệm giải trình" hàm ý các thông tin chính xác và dễ tiếp cận là cơ sở để đánh giá một công việc có được thực hiện tốt hay không và gắn với cơ chế khen thưởng, xử phạt để khuyến khích làm việc hiệu quả.

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.