Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng: 29/03/2024   10:44
Mặc định Cỡ chữ

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

 

Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), hệ thống an sinh xã hội (ASXH) ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, như giảm nghèo chưa bền vững, phân hóa giàu nghèo có xu hướng mở rộng; tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp vẫn gia tăng; chất lượng dịch vụ xã hội còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu của Nhân dân… do đó, hệ thống ASXH cần phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện mới. Vì vậy, nghiên cứu về bản chất của CMCN 4.0 và những ảnh hưởng của cuộc Cách mạng này đối với ASXH không chỉ là một vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay, mà còn thể hiện chiều sâu chiến lược, nhằm có hướng tiếp cận và giải pháp phù hợp để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Khái quát về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc CMCN 4.0 là một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển công nghiệp, được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội chợ triển lãm công nghệ tại Hannover (Đức) và sau đó được tích hợp vào “Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao” của Chính phủ Đức vào năm 2012. Các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Pháp và Nhật Bản nhanh chóng nhận ra sự xuất hiện của CMCN 4.0, chấp nhận đó là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển công nghiệp toàn cầu.

Theo Klaus Schwab, cuộc CMCN 4.0 được xây dựng trên nền tảng của cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ, đang thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng của mô hình chưa từng có trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp, xã hội và cá nhân. Nó không chỉ đơn giản là làm thay đổi cách chúng ta thực hiện công việc, cách chúng ta làm, mà còn ảnh hưởng đến bản chất của công việc mà chúng ta làm(2); hay “Cuộc CMCN 4.0 được hình thành dựa trên nền tảng của cách mạng số, đặc biệt là sự phổ biến của internet. Yếu tố quan trọng của cuộc cách mạng này là sự phát triển của kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo thông qua internet, kết nối vạn vật và các hệ thống kết nối internet. Sử dụng trí tuệ nhân tạo đã tạo ra các đối tượng thông minh, cùng với quản lý quá trình độc lập, đưa ra tính năng mới cho hệ thống sản xuất. CMCN 4.0 không chỉ làm thay đổi mô hình sản xuất từ tập trung sang phân cấp”(3).

Như vậy, CMCN 4.0 không chỉ là bước tiến đột phá trong lực lượng sản xuất, mà còn đại diện cho sự hòa nhập của đa dạng công nghệ, làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Trung tâm của cuộc cách mạng này là sự phát triển đột phá của trí tuệ nhân tạo, robot, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây, công nghệ nano, tự động hóa, công nghệ in 3D và những tiến bộ mang tính liên ngành sâu rộng khác. Tất cả những yếu tố này đều có nền tảng chung là sự đột phá của công nghệ số, đáp ứng đòi hỏi ngày càng tăng của xã hội tri thức. Nội dung cốt lõi của CMCN 4.0 là sự phát triển của hệ thống liên kết giữa thế giới thực và thế giới ảo, dựa trên cơ sở của internet kết nối vạn vật và các hệ thống kết nối internet. Đây là một sự kết hợp mạnh mẽ giữa các công nghệ tiên tiến nhất, tạo ra một bức tranh toàn diện về sự tiến bộ và thay đổi mà CMCN 4.0 mang lại cho xã hội và kinh tế.

Cuộc CMCN 4.0 có các đặc điểm: 1) Là kết quả sự hội tụ của nhiều công nghệ, làm mờ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cuộc Cách mạng này đang đưa ra sự biến đổi sâu sắc trong quy trình sản xuất và chế tạo, khi máy móc không chỉ kết nối với internet mà còn tương tác với nhau thông qua một hệ thống có khả năng tự động hóa toàn bộ quy trình sản xuất và thậm chí đưa ra quyết định về việc thay thế từng bước trong dây chuyền sản xuất truyền thống; 2) Có khả năng mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực đầu tư, nâng cao năng suất và cải thiện mức sống. Thành công trong triển khai các phương tiện như robot học, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện thoại di động và công nghệ in 3D đã tạo ra môi trường tương tác nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn; 3) Đang diễn ra với một tốc độ, phạm vi và mức độ tác động không có tiền lệ trong lịch sử. Tốc độ của những đổi mới hiện tại không chỉ vượt trội so với các cách mạng công nghiệp trước đây, mà còn phát triển theo một tốc độ biểu hiện như một hàm số mũ thay vì là một tốc độ tuyến tính(4).

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội

Cuộc CMCN 4.0 đã làm thay đổi về thói quen sản xuất, tiêu dùng, cách thức quản lý, làm biến đổi mạnh mẽ trong sinh hoạt và thu nhập. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và tài sản giữa một bên là lao động ít kỹ năng, hay có những kỹ năng dễ bị robot thay thế; và một bên là những người có ý tưởng hay kỹ năng bổ trợ cho quá trình tự động hóa và số hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh.

Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nếu tận dụng tốt những ưu điểm của cuộc CMCN 4.0 thì sẽ có cơ hội để đi cùng, hoặc vượt trước các nước trong khu vực và trên thế giới, tránh nguy cơ tụt hậu. Cuộc CMCN 4.0 tạo ra động lực, tài nguyên mới cho sự phát triển và sáng tạo; đồng thời cũng tạo tiền đề cho sự hình thành bước đột phá tư duy trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII nêu rõ: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(5). Mặt khác, việc nắm bắt xu hướng biến đổi của ASXH trước tác động của cuộc CMCN 4.0 trở thành yêu cầu cấp thiết để kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp với điều kiện mới. 

Dưới tác động của CMCN 4.0, không thể tránh khỏi những yêu cầu thay đổi đáng kể trong xã hội. Điều này chỉ rõ ở một phần của lực lượng lao động sẽ phải điều chỉnh công việc của mình và có một lực lượng lao động có thể mất việc do không thích ứng được với những đòi hỏi mới của thị trường. Vấn đề này càng trở nên cấp bách đối với những quốc gia truyền thống coi lao động giá rẻ là một lợi thế cạnh tranh. Một số lượng đáng kể người lao động mất việc, đang đặt ra nhiều thách thức về ASXH, yêu cầu các quốc gia phải đánh giá lại tác động tiềm ẩn của cuộc cách mạng này và tìm ra các giải pháp để đối phó. Ngoài ra, CMCN 4.0 không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc lao động và yêu cầu về năng lực lao động, mà còn có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội thông qua việc thay đổi hành vi sống của người dân. Sự phát triển của công nghệ và hiện diện của con người trong môi trường số hóa đã thay đổi cách giao tiếp xã hội. 

Đồng thời, CMCN 4.0 đã mở ra cơ hội cho người lao động mở rộng thị trường, giảm thời gian và không gian, cũng như thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa các địa phương trên toàn cầu. Điều này tạo cơ hội để Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, xuất hiện những thách thức từ việc thu hẹp quy mô của các lĩnh vực sản xuất truyền thống cũng như việc đào thải người lao động không đáp ứng yêu cầu về kỹ năng. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa lao động có thể dẫn đến việc thay thế lao động giản đơn bằng máy móc hiện đại đã và đang đặt ra thách thức lớn cho vấn đề ASXH ở Việt Nam. Do đó, cần phải tập trung vào việc phát triển kỹ năng, trình độ, đạo đức cho người lao động, cũng như tạo ra cơ hội mới để Việt Nam có thể trở thành trung tâm kinh tế của khu vực và thế giới, hướng đến mục tiêu: “Xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân”(6). 

Quán triệt quan điểm trên, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đối với giải quyết việc làm, việc ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0 trong các doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần kích thích mạnh mẽ thị trường lao động. Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người lao động, trong đó có khoảng 469 nghìn người là lao động nước ngoài(7). Tỷ lệ thất nghiệp năm 1998 là 6,9% giảm xuống 2,3% năm 2015 và năm 2020 là 3,88%(8)… do tác động của đại dịch Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, trong năm 2020, số lượng người mất việc làm tăng cao chưa từng có (thêm 33 triệu người, nâng tổng số người mất việc làm lên 220 triệu), và tỷ lệ người không có việc làm toàn cầu là 6,5%(9). ILO cũng cho rằng đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà thị trường việc làm toàn cầu trải qua kể từ thời kỳ đại suy thoái vào những năm 1930. Việt Nam đạt được kết quả như trên là do Đảng và Nhà nước ta luôn có những chính sách phù hợp, ưu tiên trong công tác giải quyết việc làm, với quan điểm “nghề nghiệp là gốc của dân sinh”.

Tuy nhiên, giải quyết thách thức việc làm dưới tác động của CMCN 4.0 vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và hiệu quả các yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội, như chính sách tiền lương chưa thực sự phản ánh sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; còn thiếu hướng dẫn rõ ràng về chính sách kinh tế liên quan đến quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành theo hướng phù hợp với nhu cầu lao động và đào tạo lao động tương ứng... Đồng thời, trong bối cảnh CMCN 4.0, tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng tình trạng thất nghiệp tại các khu vực nông thôn vẫn là một thách thức do thiếu trình độ, mất đất canh tác do quá trình đô thị hóa và lực lượng lao động tại Việt Nam hiện nay vẫn giữ thói quen sản xuất nhỏ, thiếu tính động và sáng tạo, thiếu ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp; kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm vẫn còn hạn chế, hạn chế khả năng phát huy sự sáng tạo và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Đối với xóa đói giảm nghèo, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng kể trong công tác xóa đói và giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm mạnh, từ 6,8% vào năm 2018 và giảm xuống chỉ còn 2,75% vào năm 2020. Báo cáo phát triển của Việt Nam từ Ngân hàng Thế giới đã đánh giá rằng thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói và giảm nghèo là một trong những thành công nổi bật nhất trong quá trình phát triển kinh tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-mun cũng từng đánh giá Việt Nam là “một trong những nước đi đầu thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ” vào năm 2015(10), song “giảm nghèo chưa bền vững, chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội” (11).

Đối với bảo hiểm xã hội, trong bối cảnh CMCN 4.0, tăng trưởng kinh tế ổn định, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng và hưởng các chế độ và quyền lợi đúng quy định, góp phần đảm bảo an sinh khi người lao động vấp phải những rủi ro trong lao động sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90% dân số(12). Cùng với việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua các phần mềm nghiệp vụ; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 trên Cổng giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, ngành Bảo hiểm xã hội đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên hệ thống điện thoại thông minh. Thông qua sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội, người dân, người lao động có thể trực tiếp theo dõi, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và được cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, có thể thực hiện các giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội tại bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào(13). Song, ngành Bảo hiểm xã hội vẫn còn những thách thức, như tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ chiếm chưa tới 1/3 lực lượng lao động; tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng khá thấp. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm một phần rất nhỏ so với tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Sau 10 năm triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, mới chỉ có khoảng 300 nghìn người tham gia, trong khi đó khu vực phi chính thức hiện nay có khoảng 19 triệu lao động(14).

Ngoài ra, tác động của CMCN 4.0 đối với thực hiện ASXH ở Việt Nam đã đóng góp tích cực, hỗ trợ người dân trong việc quản lý các rủi ro mà có thể xuất hiện do tác động tiêu cực của CMCN 4.0. Theo Báo cáo Phát triển con người (HDR) toàn cầu 2021/2022 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 (tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2021). Trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023 được công bố ngày 20/3/2023, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65(15). Tuy nhiên, tay nghề kỹ thuật chưa cao là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp; gia tăng khoảng cách thụ hưởng những thành tựu của kỷ nguyên số giữa các vùng, miền, khu vực; giữa các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng tuyệt đối giữa người giàu và người nghèo có xu hướng gia tăng; chênh lệch phát triển giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả an sinh xã hội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam 

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ASXH trước tác động của CMCN 4.0 trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người trong phát triển đất nước. Các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác động của CMCN 4.0 đến ASXH đầy đủ, đúng đắn.

Hai là, hoàn thiện thể chế ASXH trong kỷ nguyên số nhằm tạo mạng lưới ASXH đa dạng, phong phú, sát với thực tiễn, phù hợp thông lệ quốc tế. Hoàn thiện pháp luật an sinh số, hành lang pháp lý, thúc đẩy mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào phát triển ASXH. Cụ thể, đối với chính sách bảo hiểm xã hội, cần có cơ chế và biện pháp hỗ trợ để mở rộng độ bao phủ của các chính sách bảo hiểm; tiếp tục điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động phù hợp với sự gia tăng về tuổi thọ của người Việt Nam. Đối với chính sách bảo hiểm y tế, cần sớm ban hành và hoàn thiện văn bản hướng dẫn thi hành luật, nhằm tạo điều kiện cho người dân và các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ căn cứ pháp luật để triển khai. Đối với giải quyết việc làm, tiếp tục cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế; tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, xây dựng các sàn giao dịch việc làm, củng cố và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm, mạng lưới này sẽ thực hiện chức năng làm cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa người lao động. 

Ba là, ứng dụng các công nghệ mới trong quan trắc xã hội, sinh trắc, căn cước công dân kỹ thuật số; chi trả, đóng nộp, thụ hưởng với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin, nghe nhìn, internet trong các phần mềm quản lý dữ liệu và chia sẻ dữ liệu, tiến tới xây dựng mã số định danh ASXH duy nhất trong thực thi chính sách ASXH, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc quản lý, tiếp cận phát triển, cũng như hỗ trợ các đối tượng cần thụ hưởng(16).

Bốn là, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ASXH, tranh thủ nguồn lực quốc tế, hợp tác chuyên gia, phát triển các dự án kỹ thuật để thí điểm các chính sách, chương trình mới và nâng cao năng lực nghiên cứu, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án. Sử dụng đúng mục đích đã cam kết khi nhận viện trợ; công khai, minh bạch trong việc sử dụng các nguồn viện trợ của quốc tế./.

----------------------------------

Ghi chú:

(1),(5),(6),(8),(11),(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.25, tr.140, tr.217, tr.8, tr.85, tr.65.

(2) Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Bộ Ngoại giao dịch và hiệu đính), Nxb CTQG-ST, H.2018, tr.20, tr.14-15, tr.158-159.

(3),(4) Trần Thị Vân Hoa, Cách mạng công nghiệp 4.0 - Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.2017, tr.22, tr.23. 

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2016, tr.238.

(9) Lê Ánh, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Thế giới mất đi hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020, https://bnews.vn.

(10),(15) Nguyễn Văn Tài, Khẳng định giá trị hạnh phúc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới, https://www.tapchicongsan.org.vn.

(13),(16) Nguyễn Tiến Hùng, An sinh xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, https://www.tapchicongsan.org.vn.

(14) Lê Hà, Để “kích cầu” người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, https://tapchitaichinh.vn.


PGS.TS Nguyễn Minh Trí, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay. 

Mô hình thành phố thuộc tỉnh của một số quốc gia trên thế giới

Ngày đăng 05/02/2024
Trên thế giới, mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnh hay tiểu bang khá đa dạng. Về cơ bản, các nước trên thế giới nghiêng theo cơ chế Hội đồng - Thị trưởng và cùng song hành hoạt động trong mục tiêu quản trị địa phương. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào quy định của pháp luật chung của một quốc gia hay hệ thống pháp luật riêng của tiểu bang hoặc tỉnh có năng lực tự quản cao mà mô hình thành phố thuộc tỉnh ở mỗi quốc gia lại có những hình thức khác nhau. Bài viết này tổng hợp một số mô hình chính quyền thành phố thuộc tỉnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, đồng thời đưa ra một số gợi mở đối với Việt Nam trong thời gian tới.