Hà Nội, Ngày 28/04/2024

Mô hình thành phố thuộc tỉnh của một số quốc gia trên thế giới

Ngày đăng: 05/02/2024   12:24
Mặc định Cỡ chữ

Trên thế giới, mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnh hay tiểu bang khá đa dạng. Về cơ bản, các nước trên thế giới nghiêng theo cơ chế Hội đồng - Thị trưởng và cùng song hành hoạt động trong mục tiêu quản trị địa phương. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào quy định của pháp luật chung của một quốc gia hay hệ thống pháp luật riêng của tiểu bang hoặc tỉnh có năng lực tự quản cao mà mô hình thành phố thuộc tỉnh ở mỗi quốc gia lại có những hình thức khác nhau. Bài viết này tổng hợp một số mô hình chính quyền thành phố thuộc tỉnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, đồng thời đưa ra một số gợi mở đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Hệ thống đơn vị hành chính ở Trung Quốc được chia thành 4 cấp: tỉnh, khu tự trị; thành phố cấp phó tỉnh, châu tự trị; huyện, huyện tự trị, thành phố; hương, trấn. 

Mô hình thành phố thuộc tỉnh tại một số quốc gia trên thế giới

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc)

Trung Quốc là quốc gia láng giềng với Việt Nam, có diện tích 9,32 triệu km2, tổng dân số năm 2022 hơn 1,4 tỷ người. Trung Quốc hiện có 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 2 khu hành chính đặc biệt. Hệ thống đơn vị hành chính được chia thành 4 cấp: tỉnh, khu tự trị; thành phố cấp phó tỉnh, châu tự trị; huyện, huyện tự trị, thành phố; hương, trấn. 

- Hội đồng: Cơ cấu tổ chức chính quyền thành phố phó tỉnh(1) và thuộc tỉnh đều có chung kiểu kết cấu theo chiều ngang gồm Đại hội đại biểu nhân dân (Nhân đại) là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan lập pháp ở địa phương của Trung Quốc và các cơ quan hành chính các cấp, bầu cử qua hình thức gián tiếp (cấp dưới bầu lên). Nhân đại ở mỗi cấp đều đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương với nhiệm kỳ 05 năm. Lãnh đạo Nhân đại ở các cấp là Ủy ban thường vụ. Ở thành phố cấp phó tỉnh và thuộc tỉnh, Thường vụ Nhân đại gồm chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các ủy viên. Số lượng ủy viên căn cứ theo quy định tại Điều 41 của Luật Bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân các cấp địa phương. Trong mỗi cấp của Nhân đại đều có các Ủy ban đặc biệt đặt dưới sự chỉ đạo của Thường trực Nhân đại. Về cơ bản, Nhân đại ở thành phố cấp phó tỉnh và thuộc tỉnh đều có những tổ chức(2) trực thuộc như: Ủy ban thường vụ, Văn phòng Tổng hợp, Văn phòng Quy định, Văn phòng Nghiên cứu, Ủy ban Công tác đại biểu.

Chính quyền ở cả 2 cấp thành phố này chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Nhân đại và Ủy ban thường vụ cùng cấp, chịu trách nhiệm và báo cáo các hoạt động với chính quyền cấp tỉnh đồng thời phục tùng sự lãnh đạo thống nhất từ Quốc vụ viện. Chính quyền 2 cấp thành phố này chỉ đạo các nhiệm vụ về kinh tế, văn hóa, hành chính trong phạm vi địa giới hành chính và mọi vấn đề hành chính khác có liên quan trong thẩm quyền quản lý cũng như hoạt động hành chính của các chính quyền cấp dưới. Một điểm đáng lưu ý là chính quyền các thành phố nơi có chính quyền tỉnh hoặc khu tự trị đặt trụ sở và được Quốc vụ viện công nhận có thể xây dựng quy định hành chính riêng theo luật định và theo quy định hành chính của Quốc vụ viện.

Theo Luật bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Đại hội đại biểu nhân dân địa phương các cấp của Trung Quốc, Nhân đại địa phương ở cấp tương ứng bầu và có quyền bãi nhiệm Thống đốc và Phó Thống đốc, Thị trưởng và Phó Thị trưởng, Trưởng và Phó Quận trưởng, Quận trưởng và Phó Trưởng khu trực thuộc trung ương, Trưởng và Phó Trưởng khu phố, Thị trấn trưởng, Phó Thị trấn. Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng nhân dân địa phương cấp huyện trở lên chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu nhân dân cấp mình và báo cáo công tác trước Đại hội đại biểu nhân dân cấp mình.

- Thị trưởng: Ở thành phố cấp phó tỉnh: nhánh hành chính gồm Thị trưởng, Phó Thị trưởng, Tổng thư ký và Giám đốc của các cục, sở và ủy ban. Vị trí Thị trưởng và Phó Thị trưởng được bầu ra từ Nhân đại trong cấp tương ứng. Trong thời gian Nhân đại không họp, việc bổ nhiệm và miễn nhiệm đối với từng Phó Thị trưởng sẽ được Ban Thường vụ Nhân đại đồng cấp thực hiện. Vị trí Tổng thư ký và Giám đốc các sở, cục, ủy ban được Thị trưởng đề cử trong vòng hai tháng sau cuộc bầu cử Thị trưởng và được Ủy ban thường vụ Nhân đại của cấp thành phố này quyết định đồng thời phải báo cáo với chính quyền cấp trên là tỉnh hoặc khu tự trị để lưu hồ sơ. Nhiệm kỳ của chính quyền cấp này là 05 năm. Ở thành phố thuộc tỉnh: nhánh hành chính ở cấp thành phố này cũng tương tự như với thành phố cấp phó tỉnh gồm Thị trưởng, Phó Thị trưởng và các cơ quan hành chính trong hệ thống Ủy ban nhân dân của thành phố với số lượng từ 24 đến 27 cơ quan thuộc và 10 cơ quan trực thuộc(3) và hoạt động với nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ của Nhân đại đồng cấp. Chức danh Thị trưởng ở cả 2 cấp thành phố này đều được đưa vào “Danh mục chức danh cán bộ do Ủy ban Trung ương quản lý” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đứng đầu nhánh hành chính là Thị trưởng và các Phó Thị trưởng, được Nhân đại đồng cấp bầu ra, có trách nhiệm chỉ đạo các hoạt động hành chính tại cấp của mình bằng hình thức các cơ quan hành chính thuộc và trực thuộc trong hệ thống Ủy ban nhân dân. Với thành phố thuộc tỉnh có diện tích nhỏ hơn thành phố phó tỉnh, hệ thống tổ chức được đặt trực tiếp dưới tỉnh hoặc những thành phố cấp phó tỉnh (nếu có) theo mô hình “thị lãnh đạo huyện”. Mô hình “thị lãnh đạo huyện” nghĩa là tổ chức một cấp chính quyền địa phương giữa cấp tỉnh và cấp huyện nhằm hình thành một cơ chế hành chính địa phương của tỉnh  thành phố thuộc tỉnh  cấp huyện  thị trấn. Cơ chế này đòi hỏi các thành phố thuộc tỉnh phải có chức năng kép trong quản trị cả khu vực nông thôn và đô thị. Theo đó, các mô hình chính của cơ chế này gồm: 1) Hợp nhất quận/huyện với thành phố thuộc tỉnh; 2) Sáp nhập huyện vào thành phố; 3) Nâng cao vị thế của cấp huyện.

Chức năng và quyền hạn hành chính của chính quyền thành phố cấp phó tỉnh và thuộc tỉnh căn cứ vào các quy định pháp luật liên quan gồm 6 phương diện chính: Quyền chấp hành hành chính; quyền quản lý các việc công cộng trong khu vực hành chính; quyền quyết định các biện pháp hành chính; quyền giám sát hành chính; quyền quản lý nhân sự hành chính; quyền bảo hộ hành chính. Tuy nhiên, do thực hiện “thành hương hợp trị”(4), nội dung quản lý chính quyền đô thị Trung Quốc khá phức tạp, bao gồm mọi lĩnh vực từ công nghiệp, thương nghiệp, thuế, tài chính, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể dục thể thao, quy hoạch, xây dựng đô thị, dân chính, công an, hành chính tư pháp cho đến nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... (5).

Nhật Bản

Nhật Bản có 47 tỉnh, hoạt động theo nguyên tắc chính quyền địa phương tự quản và đứng đầu mỗi tỉnh là một “Tỉnh trưởng” theo quy định của Đạo luật Tự quản địa phương năm 1947. Năm 1999, đạo luật này được sửa đổi theo hướng trao nhiều quyền và trách nhiệm hơn cho địa phương(6). Hệ thống chính quyền đô thị ở Nhật Bản là hệ thống 2 cấp: cấp tỉnh và cấp thành phố thuộc tỉnh. Tỉnh và thành phố thuộc tỉnh đều là những thực thể có vị thế bình đẳng và hợp tác trong công tác hành chính địa phương. Các tỉnh hoạt động với tư cách là chính quyền khu vực và các thành phố thuộc tỉnh hoạt động như một đơn vị địa phương cơ bản. Tuy nhiên, theo quy định tại Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản, chính quyền tỉnh và thành phố thuộc tỉnh lại không phải là những đơn vị hành chính của chính quyền trung ương, đồng thời không hoạt động theo mô hình liên bang.

Chính quyền địa phương Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hành chính để trực tiếp phục vụ người dân và được công nhận là thực thể độc lập, hoạt động theo nguyên tắc tự trị. Về cơ bản, chính quyền cấp tỉnh chịu trách nhiệm về công tác hành chính ở quy mô lớn và quyết định các chính sách lớn, trong khi đó chính quyền cấp thành phố thuộc tỉnh là những thực thể độc lập có hoạt động hành chính mạnh mẽ và giải quyết công việc trực tiếp với người dân địa phương nhiều hơn. Chính quyền đô thị cấp thành phố thuộc tỉnh được cấu thành bởi Hội đồng và khối hành chính. 

- Hội đồng: là cơ quan quyết định các chính sách của chính quyền địa phương, trong đó xem xét, duyệt ngân sách và các sắc lệnh của địa phương. Hội đồng hoạt động theo hình thức phiên họp thường kỳ và đặc biệt. Các phiên họp thường kỳ được tổ chức với số lần nhất định theo lịch đã định theo quy định của địa phương, nội dung có thể đề cập tới bất kỳ vấn đề nào. Các phiên họp đặc biệt được tổ chức theo thời gian khi cần thiết và chỉ có thể cân nhắc về các vấn đề đã được thông báo trước đó. Hội đồng có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền và đóng vai trò là cơ quan ra quyết định cho chính quyền địa phương, trong đó biểu quyết về ngân sách, xây dựng, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc lệnh là những nhiệm vụ ưu tiên(7).

Chức năng và nhiệm vụ chủ đạo của Hội đồng đô thị cấp thành phố thuộc tỉnh là xây dựng, sửa đổi, bãi bỏ các sắc lệnh, phê duyệt ngân sách, ủy quyền tất toán và đưa ra những kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thị trưởng. Các kỳ họp của Hội đồng đô thị được tổ chức 4 lần mỗi năm, những phiên họp bất thường sẽ được tổ chức khi cần thiết. Hội đồng còn nắm giữ quyền bầu cử, quyền kiểm tra (bằng cách xem xét văn bản và yêu cầu báo cáo từ Thị trưởng về mọi hoạt động hành chính), quyền điều tra (các hoạt động của chính quyền địa phương và khi cần thiết có thể yêu cầu nộp hồ sơ hoặc có lời khai của cử tri và những bên liên quan)(8). Thành viên Hội đồng bị cấm kiêm nhiệm mọi chức vụ khác có thể cản trở việc thực hiện nhiệm vụ khi ở tư cách thành viên Hội đồng hoặc các chức vụ có thể gây xung đột lợi ích, hoặc giữ cương vị là thành viên Hội đồng của chính quyền khác hay vị trí đứng đầu của bất cứ cơ quan chuyên trách nào ở địa phương. 

- Thị trưởng: Nhiệm kỳ của Thị trưởng cũng là 4 năm tương ứng với Hội đồng. Thị trưởng không được kiêm nhiệm vừa là người đứng đầu khối hành chính và vừa là thành viên Hội đồng, thậm chí không phải là công chức và cũng không được giữ vai trò nhà thầu chính trong mua sắm công. Thị trưởng chỉ có trách nhiệm đảm bảo tổng thể các hoạt động dịch vụ, hành chính của địa phương được nhất quán thực hiện và được ủy quyền làm đại diện của chính quyền ra bên ngoài, thực hiện quyền kiểm soát chung đối với các cơ quan hành pháp thuộc quyền của mình. Thị trưởng chịu trách nhiệm thực thi mọi hoạt động của chính quyền địa phương mình trừ những công việc liên quan đến hội đồng dân cử và không nắm toàn bộ quyền điều hành đối với mọi cơ quan thuộc chính quyền địa phương(9).

Quyền hạn chính của nhánh hành chính là thực thi các quy định, đệ trình các đề án luật, triển khai ngân sách... Cụ thể là quy hoạch đô thị, đường sá trong phạm vi thành phố; các trường tiểu học và phổ thông cơ sở, các cơ sở giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ nhỏ; tiêu hủy rác; chăm sóc người già và phúc lợi; lực lượng cứu hỏa; đăng ký cư trú... Những thẩm quyền quan trọng được trao cho Thị trưởng có thể kể đến là quyền ban hành quy định, dự thảo ngân sách, đề xuất dự luật, bổ nhiệm ủy viên của Ban Giáo dục hay Ban An toàn công cộng cũng như bổ nhiệm Phó Thị trưởng và các công chức vào các cơ quan hành chính của chính quyền đô thị…

Cộng hòa Liên bang Đức

Theo Luật Cơ bản 1949 - ngày nay được gọi là Hiến pháp của Đức, hệ thống chính quyền liên bang của Cộng hòa Liên bang Đức gồm cấp nhà nước liên bang và cấp tiểu bang. Chính quyền địa phương không phải là một cấp bổ sung vào hệ thống chung với liên bang mà là một cấp thuộc vào chính quyền riêng của tiểu bang. Do vậy, khi đề cập đến chính quyền địa phương ở Đức là đề cập tới 16 hình thức chính quyền địa phương khác nhau tương ứng với 16 tiểu bang gồm 13 tiểu bang và 03 thành phố có tư cách của một tiểu bang. Luật Cơ bản sửa đổi năm 2006 và 2009 bổ sung quy định về đơn vị hành chính, bên cạnh đó tiểu bang cũng có thẩm quyền ban hành các bộ luật riêng để phù hợp với đặc thù của từng địa phương như Luật Chính quyền địa phương, Luật Bầu cử địa phương... Điều 28 Luật Cơ bản quy định tổng thể về chính quyền địa phương tại Đức về các nguyên tắc chung về tự trị địa phương cũng như bổ trợ địa phương; có 03 cấp đơn vị hành chính địa phương gồm cấp tiểu bang, cấp quận/huyện và cấp cộng đồng/thành phố. Ngoài ra, mỗi tiểu bang lại có hiến pháp riêng quy định thêm về quyền tự quản của các cộng đồng địa phương, quy định cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cũng như các cấp đơn vị hành chính của mỗi tiểu bang(10). 

- Hội đồng: hệ thống hội đồng được tổ chức ở hầu hết các cấp hành chính tại Đức, các thành viên hội đồng được bầu ra với nhiệm kỳ 05 năm, dù nhiệm kỳ của hội đồng có thể thay đổi từ 01 đến 04 năm. Theo đó, cấu trúc tổ chức hoạt động của các quận/huyện có tương đồng với cấu trúc của các thành phố và đô thị, tuy nhiên có sự khác biệt giữa mô hình đô thị và nông thôn. Chính quyền quận có một hội đồng được người dân thuộc địa bàn trực tiếp bầu ra, đây là cơ quan chính chi phối mọi hoạt động tự chủ của chính quyền của cấp này. Hội đồng do quận trưởng hoặc thị trưởng lãnh đạo, đóng vai trò đứng đầu của cả hội đồng và cả mảng hành chính, được Hội đồng chỉ định giữ chức vụ hoặc trực tiếp được người dân bầu ra với nhiệm kỳ từ 05 đến 08 năm theo quy định của mỗi địa phương. Hội đồng có thể chuyển giao quyền ra quyết định cuối cùng cho ủy ban cấp dưới với mục đích bao trùm lợi ích tại địa bàn chịu tác động của chính sách. Các thành viên của hội đồng quận và thành viên của hội đồng cấp dưới được cư dân trên địa bàn bầu ra cùng lúc và với cùng thời gian của một nhiệm kỳ. Hội đồng có những quyền hạn riêng trong đó có những nhiệm vụ nổi bật như công tác nội địa, bầu cử, quyết định các văn bản luật địa phương, ngân sách, các vấn đề chung của tổ chức thuộc hội đồng, đặc biệt là các quy định liên quan dịch vụ công, vùng lãnh thổ. Hội đồng quận là cơ quan quyền lực cao nhất của quận, có quyền kiểm soát các hoạt động hành chính, nhưng không phải là quyền lực chung để xử lý các công việc hành chính và cũng không phải là cơ quan lập pháp do quyền lập pháp thuộc về nghị viện của tiểu bang.

- Thị trưởng: trong cơ cấu tổ chức của một số quận/huyện tại các tiểu bang của Đức có sự xuất hiện của Ủy ban hành chính, được Thị trưởng điều hành cùng sự tham gia của một số thành viên. Ủy ban hành chính thực hiện một số chức năng hành chính của quận/huyện theo quyết định được đưa ra từ Hội đồng. Tuy nhiên, vai trò và quy định chính xác của Thị trưởng lại rất khác nhau do quy định khác biệt giữa các tiểu bang. Theo mô hình Hội đồng Nam Đức, Thị trưởng được trực tiếp người dân bầu ra và đối trọng với Hội đồng thành phố, tuy nhiên cũng có vùng Thị trưởng được bầu ra từ thành viên Hội đồng dẫn tới phương thức hoạt động và chức năng, nhiệm vụ có những khác biệt. Do có 02 cách để bầu ra Thị trưởng ở thành phố nên cũng được nhìn nhận theo 02 phương diện khác nhau: với Thị trưởng được bầu gián tiếp từ Hội đồng, người này là đại diện chính trị cao nhất của thành phố, có sự ủng hộ chính trị nên Thị trưởng đóng vai trò của một chính trị gia nhiều hơn là người đại diện cho lợi ích của thành phố(11). Với cơ chế Thị trưởng được người dân trực tiếp bầu ra, Hội đồng thường có xu hướng thực hiện vai trò giám sát chặt chẽ hơn do Thị trưởng là người có vị trí quyền lực lớn, được bầu ra để đại diện cho nguyện vọng của người dân nhiều hơn là ý chí chính trị của Hội đồng.

Nhiệm vụ của Thị trưởng là chỉ đạo nhánh hành chính. Thị trưởng chuẩn bị và thực hiện các quyết định của Hội đồng và quyết định một số vấn đề mang tính chất thời sự. Bên cạnh đó, Thị trưởng có quyền phản đối và yêu cầu đưa ra thảo luận lần 2 trong trường hợp các quyết định của Hội đồng vi phạm pháp luật hoặc vi phạm một số quy tắc của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến lợi ích địa phương hay có những quyết định không đúng với cơ chế giám sát của Hội đồng đối với các hoạt động hành chính. Quận còn có một số trách nhiệm như xây dựng và bảo trì đường bộ nhóm B, lập kế hoạch xây dựng cho các khu vực thuộc phạm vi của chính quyền địa phương, chăm sóc vườn quốc gia, phúc lợi xã hội, phúc lợi cho thanh niên, xây dựng và bảo trì bệnh viện, xây dựng và bảo trị các trường phổ thông cơ sở khối công lập, thu gom và xử lý rác thải hộ gia đình, đăng ký phương tiện giao thông, bầu cử Trưởng huyện hoặc Chủ tịch quận(12)... những nhiệm vụ này cũng được song hành triển khai ở cấp trực thuộc.

Một số gợi mở đối với Việt Nam

Thứ nhất, có thể xem xét, nghiên cứu xây dựng chính sách nhằm trao quyền nhiều hơn cho địa phương để địa phương mạnh dạn chủ động phân quyền và nguồn lực cho cấp thành phố thuộc tỉnh đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và quản lý nông thôn trong thời kỳ mới, có thể nghiên cứu học tập sâu hơn kinh nghiệm tổ chức theo cơ chế “thành hương hợp trị” của Trung Quốc nhưng tránh tập trung quá nhiều cho đô thị hóa mà không chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai, các địa phương thành lập nhóm các chuyên gia tư vấn về hoạch định không gian, hạ tầng đô thị, cơ cấu tổ chức của chính quyền đô thị ở mỗi cấp phù hợp với năng lực thực tế. Bên cạnh đó, cần xác định rõ nhiệm vụ và năng lực thực thi tương ứng để giao nhiệm vụ theo từng cấp chính quyền, tránh tập trung quá nhiều nhiệm vụ để cấp trên giải quyết mà phân tán nhiệm vụ về cấp dưới nhiều hơn theo mô hình của Cộng hòa Liên bang Đức.

Thứ ba, huy động nguồn lực con người và tài chính, nghiên cứu trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương để chủ động xây dựng chính sách thuế phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương như kinh nghiệm của Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức.

Thứ tư, thu hút sự tham gia của người dân bằng các giải pháp nhằm động viên, khuyến khích người dân tham gia đầy đủ, trách nhiệm vào các hoạt động và chính sách tại địa phương; cần thay đổi tư duy từ quần chúng nhân dân cho tới cán bộ, công chức về những hoạt động hay chính sách tại địa phương đều hướng đến mục tiêu bên thụ hưởng là chính người dân; tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo dựng các kênh liên hệ thường xuyên hai chiều giữa chính quyền và người dân./.

-------------------

Ghi chú:

(1) Thành phố cấp phó tỉnh còn được gọi là thành phố trực thuộc tỉnh, là đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh và trên huyện, có mức độ đô thị hóa và phát triển kinh tế cao. Theo thống kê hiện có 15 thành phố phó tỉnh ở Trung Quốc. (https://www.researchgate.net/publication/286557072_Prefectures_and_prefecture-level_cities_the_political_economy_of_administrative_restructuring).

(2) http://en.npc.gov.cn.cdurl.cn/statestructure.html. 

(3) https://lvlin.baidu.com/question/1312502885555804259.html. 

(4) Thành hương hợp trị là cơ chế đặt các huyện và thành phố cấp huyện dưới sự quản lý của thành phố cấp tỉnh. Điều này có nghĩa thành phố cấp tỉnh hoặc phó tỉnh là cấp đơn vị hành chính nằm giữa cấp tỉnh và huyện. Cơ chế này đòi hỏi thành phố cấp tỉnh hoặc phó tỉnh phải có chức năng kép quản lý cả khu vực thành thị và nông thôn (http://www.china.org.cn/english/28842.htm).

(5) https://isos.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-nghiem-quoc-te/mot-so-net-ve-chinh-quyen-do-thi-cua-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-va-de-xuat-cai-cach-cua-gioi-hoc-gia-41827.html 

(6) https://www.lgcplus.com/politics/governance-and-structure/japanese-local-government-comprehensive-autonomy-14-03-2023/ 

(7), (8) Okamoto Tamotsu , Chính quyền địa phương tại Nhật Bản 2016, CLAIR, Nhật Bản, 2019.

(9) Shun-ichiro Bessho, Trường hợp nghiên cứu về quản trị tài chính trung ương và địa phương tại Nhật Bản, Viện nghiên cứu ADB 2006.

(10) Kersting, Norbert & Vetter, Thu hẹp khoảng cách giữa Dân chủ và Hiệu suất, Cải cách Chính quyền địa phương ở Châu Âu.

(11) Miroslava Pitrová Các đô thị ở Liên bang Đức - Tiến độ và hiện thực, Chính trị tại Trung Âu.

(12) https://maps-germany-de.com/maps-germany-regions/germany-districts-map. 

 

ThS Mai Anh Duy - Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Người Việt đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ

Ngày đăng 28/04/2024
Doanh nhân Ngô Công Trường là người Việt Nam đầu tiên nhận visa nhân tài của Mỹ, và là 1 trong 4 vị quản lý trẻ tuổi nhất lịch sử Tập đoàn Kimberly Clark.

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay.