Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2024

Ngày đăng: 19/03/2024   09:30
Mặc định Cỡ chữ

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. 

Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2024. Ảnh minh họa.

Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2024. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính.

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, chất lượng, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện có chất lượng những nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Nội dung triển khai

Về công tác chỉ đạo, điều hành: Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính.

Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; tổng hợp đề xuất việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cải cách hành chính; triển khai xác định và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính: Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phối hợp Bộ Nội vụ: 1) Tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế. 2) Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. 3) Quyết định phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. 4) Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. 5) Thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Về cải cách chế độ công vụ: Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương phối hợp Bộ Nội vụ: 1) Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. 2) Triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023. 3) Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. 4) Triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan: 1) Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phó tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ. 2) Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. 3) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Tổ chức thực hiện

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ giao Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm: Đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch. Tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh để xem xét, giải quyết. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch. Phối hợp với Bộ Tài chính để lập và phân bổ kinh phí hoạt động năm 2024 của cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm: Chủ động chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của bộ, ngành mình. Trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện đối với các nhiệm vụ được phân công. Chủ trì, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ. Báo cáo định kỳ (06 tháng và năm) kết quả công tác cải cách hành chính theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo lồng ghép vào Báo cáo cải cách hành chính định kỳ của bộ, cơ quan theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Chủ động đề xuất với Trưởng ban Ban Chỉ đạo và Bộ Nội vụ về những nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan cần có sự phối hợp, đôn đốc từ Ban Chỉ đạo; tích cực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đề xuất sáng kiến cải cách hành chính./.

Nhật Nam

Bình luận

Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. 

" />

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.