Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp hiện nay

Ngày đăng: 13/03/2024   10:52
Mặc định Cỡ chữ

Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. 

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo "Mô hình bộ máy tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 ở các cấp

Quyết định số 1945/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã quy định tại Trung ương thống nhất 01 đầu mối, thành lập duy nhất Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được thành lập trước đó và có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG kịp thời, đồng bộ. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp tỉnh và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Tổ công tác về Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025(1) và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác về Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025(2). Vận dụng mô hình chỉ đạo, điều hành của Trung ương, một số tỉnh, thành phố cũng đã nghiên cứu, thành lập Tổ công tác Chương trình MTQG xây dựng NTM giúp việc cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh(3). 

Hoạt động của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp

Thực hiện Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp(4), đến nay 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc đã thực hiện việc thành lập, kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM các cấp trên địa bàn theo quy định.

Cơ cấu tổ chức Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương 

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương(5) đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương và trực tiếp giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý, tổ chức thực hiện và điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Lãnh đạo Văn phòng gồm Chánh Văn phòng và 02 Phó Chánh Văn phòng; các tổ chức tham mưu trực thuộc Văn phòng gồm 05 phòng, ban.  

Cơ cấu tổ chức Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh

Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh thực hiện theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg. Triển khai thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, đến nay có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiện toàn Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh; 09/63 tỉnh(6) tiếp tục duy trì Văn phòng Điều phối NTM như giai đoạn 2016-2020; một số tỉnh còn lại đang hoàn thiện đề án trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Về vị trí pháp lý: Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hậu Giang có vị trí ngang với sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh; các tỉnh còn lại chưa rõ vị trí pháp lý (không nằm trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh). Có 43/63 Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm Chánh Văn phòng; có 14/63 Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm Chánh Văn phòng; 05 tỉnh bổ nhiệm mới Chánh Văn phòng Điều phối NTM. 

Về bố trí nhân sự: tỉnh Hậu Giang có Chánh Văn phòng chuyên trách; 43/63 tỉnh, thành phố phân công Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm Chánh Văn phòng; 14/63 tỉnh, thành phố phân công Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm Chánh Văn phòng; 02/63 tỉnh phân công Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm Phó Chánh Văn phòng (tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hậu Giang); 37/63 tỉnh, thành phố phân công Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm nhiệm, 05/63 tỉnh, thành phố phân công Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm nhiệm (tỉnh Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai), 41/63 tỉnh, thành phố bố trí Phó Chánh Văn phòng chuyên trách. Ngoài ra, Phó Chánh Văn phòng ở một số địa phương còn do Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phó Trưởng ban Ban dân tộc (tỉnh Hậu Giang), Trưởng phòng Phòng Phát triển nông thôn (tỉnh Tây Ninh) kiêm nhiệm.

Về các tổ chức trực thuộc Văn phòng: có 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phòng trực thuộc(7) với tổng số 28 phòng; thành phố Hà Nội thành lập 03 tổ trực thuộc; tỉnh Điện Biên và tỉnh Nghệ An có 05 bộ phận trực thuộc.

Cơ cấu tổ chức Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện

Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế làm cơ quan thường trực, thực hiện chức năng giúp Ban Chỉ đạo cấp huyện quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2, Điều 2 Quyết định số 1920/QĐ-TTg và biên chế của Văn phòng Điều phối NTM các cấp.

Về tư cách pháp nhân: Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện sử dụng con dấu và tài khoản của UBND huyện để thực hiện nhiệm vụ. Chánh Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện hầu hết do Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm nhiệm; tỉnh Nam Định, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Quảng Nam do Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm; huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có Chánh Văn phòng chuyên trách. Phó Chánh Văn phòng do Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp, Trưởng phòng Phòng Kinh tế kiêm nhiệm; một số tỉnh, thành phố do Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế kiêm nhiệm(8).

Một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục kiện toàn Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp trong thời gian tới

Một là, tiếp tục kiện toàn Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trên cơ sở kế thừa các quy định của Quyết định số 1428/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/4/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình MTQG về xây dựng NTM; rà soát bộ máy, biên chế đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình ở các cấp ngày càng chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với chức năng là cơ quan quản lý, điều phối đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tham mưu cho Ban Chỉ đạo các cấp. Tăng cường phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động kiện toàn bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện Chương trình, đảm bảo đồng bộ, thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ; đảm bảo chuyên trách, chuyên nghiệp, ổn định, bền vững và lâu dài nhưng không làm phát sinh tổng biên chế đã giao, tăng cường công chức, viên chức biệt phái.  

Ba là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối NTM các cấp. Xác định vị trí pháp lý của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (tương đương sở, ban, ngành) trực thuộc UBND tỉnh, từ đó thống nhất trên cả nước về tổ chức bộ máy và biên chế Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh.

Bốn là, đề xuất mô hình 01 Văn phòng giúp việc Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình MTQG cấp tỉnh (Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025). Đồng thời, cần quy định chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo, thành viên kiêm nhiệm tại Văn phòng Điều phối NTM các cấp./.

-----------------------

Ghi chú:

(1) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 1629/QĐ-BNN-TCCB ngày 09/5/2022 về thành lập Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

(2) Tổ trưởng Tổ công tác Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 01/QĐ-TCTXDNTM ngày 26/5/2022 về ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

(3) Các tỉnh: Thái Nguyên, Khánh Hòa, Đắk Nông, Kiên Giang.

(4) Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 và Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016.

(5) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 1428/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/4/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình MTQG về xây dựng NTM.

(6) Các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng tàu, Long An,  Tiền Giang..

(7) Các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Hồ Chí Minh.

(8) Các tỉnh: Nam Định, Bắc Kạn, Hà Giang, Đắk Nông, Đồng Nai, Bạc Liêu, Hà Giang, Quảng Nam.

 

Đỗ Thị Thủy - Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.