Hà Nội, Ngày 28/04/2024

Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và những giải pháp cho giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tiền Giang

Ngày đăng: 27/12/2023   11:58
Mặc định Cỡ chữ

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang luôn xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kiện toàn bộ phận giúp việc các cấp theo vị trí, chức danh công tác phù hợp với tình hình nhân sự, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào xây dựng NTM.

Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được công nhận đạt chuẩn NTM (tháng 9/2020).

Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Tiền Giang

Một điểm nhấn quan trọng trong xây dựng NTM của Tiền Giang là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của cả nước cũng như các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Tiền Giang chỉ chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%. Song, chỉ trong 05 năm (2016-2020), tỉnh Tiền Giang đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, tính đến tháng 10/2023 toàn tỉnh có 138/142 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng thêm 01 xã so với thời điểm đầu năm 2023); trong đó, có 44 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng thêm 5 xã so với thời điểm đầu năm 2023); 02 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 03 đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 04 huyện (Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy) đạt chuẩn huyện NTM. Vì vậy, hiện nay Tiền Giang đã vươn lên nhóm đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số xã đạt chuẩn NTM.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM đã đạt được trong giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục phấn đấu đạt chỉ tiêu về số lượng xã đạt chuẩn NTM đến năm 2025; trên cơ sở rút kinh nghiệm về những vấn đề tồn tại trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn của giai đoạn trước và bám sát hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục có những nghị quyết và các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở để phát huy những kết quả đạt được cũng như kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế ở giai đoạn trước. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn NTM; 08/08 huyện đạt chuẩn NTM; có từ 20% - 30% xã NTM nâng cao và 10% xã NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Tiền Giang đạt chuẩn NTM. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết về lãnh đạo xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện Đề án xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025. 

Mục tiêu đến năm 2025 đề ra là: thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh Tiền Giang tăng thêm ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm theo chuẩn của từng giai đoạn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 97%; tỷ lệ hộ có nước hợp vệ sinh đạt 100%; có 100% số xã đạt chuẩn NTM; có 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tất cả các đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (gồm 03 đô thị được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 08 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM); có 02 huyện được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; tỉnh Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Quy mô thực hiện trên địa bàn 142 xã (đã trừ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy do chuẩn bị lên thị trấn), 11 đơn vị cấp huyện (gồm 08 huyện và đô thị thành phố Mỹ Tho, thị xã Cai Lậy, thị xã Gò Công). Trên cơ sở đó, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó Chương trình được thiết kế với 11 nội dung thành phần và 54 nội dung chi tiết, cụ thể. Giai đoạn 2021-2025, có bổ sung những điểm mới so với giai đoạn trước, như triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP); hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; đa dạng hóa các kênh phân phối, tiêu thụ nông sản, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân nông thôn; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới...

Giải pháp triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn năm 2021-2025 của tỉnh Tiền Giang

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt là các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM cần giữ vững và không ngừng nâng cao các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn NTM, thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm quán triệt đến toàn hệ thống chính trị quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; xây dựng NTM phải được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn liền với hoạt động lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị của mỗi địa phương nhằm mục tiêu duy nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đảm bảo gia tăng sự hài lòng và đồng thuận của người dân và phải phát huy được vai trò chủ thể cũng như ý thức cộng đồng của Nhân dân xây dựng NTM thu được kết quả thực sự thiết thực và bền vững. Các sở, ban, ngành phải có kế hoạch hỗ trợ các địa phương củng cố nâng cao chất lượng từng tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về nhà ở, thu nhập, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả duy trì và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hai là, huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực và người dân cùng tham gia xây dựng NTM, tiếp tục xác định mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với việc thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM ấp, khu phố. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đồng thời, xác định người dân là chủ thể với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức hoạt động của Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Tổ Khuyến nông cộng đồng các cấp; các kế hoạch liên tịch với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với UBND các cấp phải được thực hiện hiệu quả và chặt chẽ; các sở, ngành, địa phương và thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh thường xuyên theo dõi các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để kịp thời triển khai cho các địa phương tổ chức thực hiện các chỉ tiêu và có kế hoạch, phương án phối hợp với các địa phương để có lộ trình cụ thể thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục hồ sơ, thủ tục về xây dựng cơ bản các dự án, công trình quy mô lớn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chủ động phối hợp với các sở, ngành để có lộ trình cụ thể phù hợp với thực tiễn tại địa phương. 

Ba là, thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, xây dựng dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường công tác hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, thành lập các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức các cấp trong thực hiện Chương trình và nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các lãnh đạo của hợp tác xã và tổ hợp tác.

Bốn là, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình và ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn NTM và NTM nâng cao ở các xã. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống công trình cung cấp điện, nước sinh hoạt nông thôn…; rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, bố trí đủ số lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả chức năng tham mưu, điều phối của cơ quan giúp việc; trong đó, Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã phải là Bí thư cấp ủy cùng cấp./.

--------

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Tiền Giang, Ban chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và định hướng giai đoạn 2021-2025.

2. Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 19/9/2022 về triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Lê Sơn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hội Phụ nữ tỉnh Long An chung tay xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng 26/12/2023
Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh Long An có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm trên 75% số xã trong toàn tỉnh, đạt 85,2% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 04/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở; khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ tỉnh Long An trong nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững

Ngày đăng 26/12/2023
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh Khánh Hòa xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, trọng tâm là chủ động triển khai linh hoạt phát triển chính quyền số và phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động cộng đồng, góp phần hoàn thành mục tiêu xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh Cà Mau triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng 18/12/2023
Mục tiêu tổng quát của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương tình OCOP) là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người nông dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch ở nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh

Ngày đăng 20/12/2023
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 100%; có 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 70%; 3/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao với 49 chủ thể. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh An Giang xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đời sống của người dân

Ngày đăng 18/12/2023
Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) được lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp, các địa phương, từ đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Với quyết tâm chính trị cao, các địa phương trong tỉnh đã chủ động ban hành các nghị quyết, xây dựng đề án, kế hoạch, lộ trình thực hiện, đặc biệt là những nơi được chọn làm điểm để tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.