Hà Nội, Ngày 28/04/2024

Tỉnh Cà Mau triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng: 25/12/2023   23:25
Mặc định Cỡ chữ

Mục tiêu tổng quát của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương tình OCOP) là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người nông dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch ở nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau từng bước khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường nước ngoài.

Tạo cầu nối giữa nông dân và người tiêu dùng.

Điểm nhấn trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Cà Mau là chú trọng kết hợp chuyển đổi số và tiêu thụ sản phẩm để tạo cầu nối bền vững, hiệu quả giữa nông dân và người tiêu dùng; góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng; mang lại nhiều lợi ích cho ngành Nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Từ các chính sách đúng đắn đó, phong trào khuyến khích, hướng dẫn và lan tỏa tinh thần ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, đơn vị… nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh ở tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức bán hàng, tham gia kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok và các sàn thương mại điện tử; qua đó mang lại hiệu quả khá cao trong tiêu thụ nông sản làm ra.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã, đang triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, sau hơn 03 năm triển khai thực hiện, tính đến tháng 8/2023, tỉnh đã công nhận 128 sản phẩm OCOP (06 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó, 113 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm (chiếm 88%); 08 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (chiếm 7%); 04 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí (chiếm 3%); 03 sản phẩm thuộc ngành vải, may mặc (chiếm 2%). Tổng số chủ thể tham gia Chương trình và được công nhận là 61 (bao gồm: 15 công ty/doanh nghiệp, chiếm 24%; 26 hợp tác xã, chiếm 43%; 20 hộ kinh doanh, chiếm 33%). Thông qua Chương trình OCOP, các chủ thể từng bước gia tăng quy mô sản xuất, cải thiện mô hình tổ chức quản lý, không ngừng cải tiến về chất lượng, tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường (chứng nhận hữu cơ quốc tế IFOAM, HACCP, áp dụng công nghệ chế biến, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ thường...)(1).

Có thể nói, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai từ tỉnh đến xã, trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM của tỉnh Cà Mau. Chương trình thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều thành phần, đối tượng, đặc biệt tại khu vực nông thôn, nơi tập trung nguồn nguyên liệu dồi dào và bản sắc tri thức bản địa được lưu giữ, tích lũy qua nhiều thế hệ (nghề muối ba khía, nghề nuôi ong, nghề vót đũa đước, nghề làm tôm khô...) giúp khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề nông thôn… Doanh thu từ các sản phẩm sau khi được công nhận tăng khoảng 10-30%, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, với mức lương dao động từ 03 đến 05 triệu đồng/tháng. Theo số liệu ước tính, hiện có 21/61 chủ thể do phụ nữ làm chủ (chiếm 35%, tương đồng với báo cáo đánh giá của Chương trình OCOP quốc gia năm 2022 về tỷ lệ chung của toàn quốc), kết quả này cho thấy Chương trình OCOP thực sự là một trong những giải pháp quan trọng khai thác hiệu quả lực lượng lao động phụ nữ tại khu vực nông thôn, đóng góp vào mục tiêu bình đẳng giới.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Cà Mau thời gian qua vẫn còn một số khó khăn nhất định. Bên cạnh những chủ thể có sự bứt phá, liên tục nâng cao chất lượng, mẫu mã…, vẫn còn một số chủ thể chưa chú trọng nâng cấp, nâng tầm cho sản phẩm, chỉ có 06/128 sản phẩm (chiếm 4,7%) đạt 4 sao và chưa có sản phẩm 5 sao. Các tiêu chí nâng hạng đòi hỏi sự tập trung đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất, hoàn thiện mẫu mã bao bì, chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (HACCAP, ISO 22000:2018, VietGAP...) đều vượt quá khả năng của hầu hết các chủ thể; một số sản phẩm sau khi công nhận OCOP thể hiện sự kém bền vững về chất lượng; sản lượng cung ứng không đảm bảo do sản xuất theo thời vụ, chưa đầu tư các trang thiết bị bảo quản để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định.

Mặt khác, hiện tại chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp). Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa số có quy mô sản xuất nhỏ, chưa đa dạng về chủng loại (còn trùng lắp sản phẩm, chủ yếu tập trung một số sản phẩm chế biến từ thủy sản, chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù và lợi thế so sánh của tỉnh về vị trí địa lý, điều kiện sản xuất, truyền thống và tập quán canh tác). Một số mặt hàng do sản xuất theo mùa vụ, còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng máy móc thiết bị hiện đại... nên khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục, dẫn đến tình trạng không đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường.

Hướng tới phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo toàn diện, bền vững.

Từ lợi ích, hiệu quả cao mang lại cho người nông dân trong vấn đề triển khai thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau xác định: để địa phương phát triển sản phẩm OCOP một cách toàn diện, bền vững có nghĩa là không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng cũng phải nâng cao, hơn nữa phải đến với khách hàng một cách nhanh, bền vững, do đó yếu tố quan trọng là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về tầm quan trọng của Chương trình để cán bộ và người dân nhận thức được vai trò, trách nhiệm. Vì vậy, cần tuyên truyền để người dân tự nguyện tham gia tích cực và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xác định việc thực hiện Chương trình OCOP là quá trình liên tục, lâu dài, thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương. Kết quả thực hiện phải thực chất, không chủ quan, chạy theo thành tích; phát huy các sản phẩm tiềm năng sẵn có, khuyến khích phát triển những ý tưởng sản phẩm mới, cách làm hay, giúp chủ thể xây dựng và triển khai phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng khoa học và công nghệ...

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, tỉnh Cà Mau đã xây dựng các kế hoạch tổ chức thực hiện, đề ra mục tiêu cho từng năm và các giai đoạn nhằm tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn trước. Cụ thể, trong năm 2023 phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 30 sản phẩm đạt 4 đến 5 sao (trong đó 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng). Đồng thời, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; 100% vị trí cán bộ phụ trách Chương trình OCOP các cấp, 100% chủ thể OCOP được đào tạo, tập huấn với trình độ phù hợp.

Từ ngày 10 đến ngày 13/12/2023, tỉnh Cà Mau được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao quyền đăng cai tổ chức “Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long”, là sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện có Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu” dành cho các sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao và nhiều các hoạt động phong phú về các sản phẩm nông nghiệp... Với hình thức trưng bày triển lãm, thương mại gian hàng ẩm thực, thiết bị, dây chuyền, quy trình, công nghệ chế biến tôm; sản phẩm tôm chế biến công nghiệp, sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm; thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường dùng trong thủy sản; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản; sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, sạch bệnh; gian hàng đặc sản, hải sản (tươi sống) phục vụ bếp trung tâm; không gian triển lãm, thương mại sản phẩm OCOP (sản phẩm OCOP tiêu biểu của các địa phương thuộc các tỉnh khu vực phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Cà Mau).

Việc tổ chức Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 đã khẳng định những tiềm năng, lợi thế to lớn về phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của tỉnh Cà Mau, là cơ hội lớn để người nông dân cũng như các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của tỉnh Cà Mau tích cực vào cuộc, tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP thực sự có tiềm năng để nâng cấp, nâng tầm sản phẩm. Mặt khác, việc phát triển các sản phẩm OCOP độc đáo và ấn tượng là cơ hội để thúc đẩy du lịch nông nghiệp và tăng cường giá trị thương hiệu toàn diện của từng địa phương và cả tỉnh để tạo ra nguồn thu nhập nhiều hơn nữa cho bà con nông dân./.

------

Ghi chú:

(1) Xem https://www.camau.gov.vn.

Phương Anh

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hội Phụ nữ tỉnh Long An chung tay xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng 26/12/2023
Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh Long An có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm trên 75% số xã trong toàn tỉnh, đạt 85,2% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 04/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở; khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ tỉnh Long An trong nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và những giải pháp cho giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tiền Giang

Ngày đăng 26/12/2023
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang luôn xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kiện toàn bộ phận giúp việc các cấp theo vị trí, chức danh công tác phù hợp với tình hình nhân sự, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào xây dựng NTM.

Tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững

Ngày đăng 26/12/2023
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh Khánh Hòa xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, trọng tâm là chủ động triển khai linh hoạt phát triển chính quyền số và phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động cộng đồng, góp phần hoàn thành mục tiêu xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh

Ngày đăng 20/12/2023
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 100%; có 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 70%; 3/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao với 49 chủ thể. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh An Giang xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đời sống của người dân

Ngày đăng 18/12/2023
Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) được lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với các ngành, các cấp, các địa phương, từ đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Với quyết tâm chính trị cao, các địa phương trong tỉnh đã chủ động ban hành các nghị quyết, xây dựng đề án, kế hoạch, lộ trình thực hiện, đặc biệt là những nơi được chọn làm điểm để tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.