Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực chuyên môn phục vụ khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục của thành phố Cần Thơ

Ngày đăng: 23/02/2023   15:15
Mặc định Cỡ chữ
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của mỗi địa phương nói riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế…”(1).
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập” do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức (5/2022).

Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ

Tính đến tháng 12/2022, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) của thành phố Cần Thơ gồm 25.228 người, trong đó công chức (cấp quận, huyện trở lên) có 1.761 người (trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 33,56%); viên chức sự nghiệp có 21.778 người (sự nghiệp y tế có 4.665 người; giáo dục có 14.572 người; khoa học và công nghệ có 69 người; văn hóa và thông tin có 705 người; đối tượng khác có 1.767 người (trong đó, trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 9,85%). Riêng đội ngũ viên chức khối khoa học và công nghệ chiếm tỷ tệ sau đại học rất cao (40,58%). Cán bộ, công chức cấp xã có 1.689 người, trong đó CBCC đạt chuẩn là 100% (trình độ đại học trở lên là 89,05%; sau đại học là 6,21%). Thành phố Cần Thơ quy tụ nhiều cơ sở đào tạo có trình độ cao đẳng và đại học của vùng Đông Nam Bộ với 05 trường đại học, 01 phân hiệu đại học, 01 Học viện Chính trị, 14 trường cao đẳng và 12 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Đối với giáo dục phổ thông: trong những năm qua, nhân lực ngành giáo dục và đào tạo ngày càng được thành phố quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng, có phẩm chất chính trị tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, vững vàng chuyên môn. Toàn ngành hiện có 14.572 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 12.099 giáo viên (giáo viên đạt chuẩn tiểu học chiếm 81,76%; trung học cơ sở chiếm 90,82%; trung học phổ thông chiếm 99,01%. Giáo viên trên chuẩn tiểu học là 0,38%, trung học cơ sở là 2,27%, trung học phổ thông là 27,38%). Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo được quan tâm đúng mức nhằm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn và thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, cũng như đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều kế hoạch, đề án để bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên các ngành học, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông nhằm nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.

Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc thành phố Cần Thơ có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng đào tạo, người học sau tốt nghiệp từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố. 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 71 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó 14 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 21 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 28 cơ sở khác có dạy nghề. Trong số các cơ sở đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ được đầu tư thành trường chất lượng cao, với 41 nghề trọng điểm (trong đó cấp độ quốc tế có 10 nghề; cấp độ khu vực ASEAN có 07 nghề và cấp độ quốc gia có 24 nghề) được tập trung đầu tư vào các nhóm nghề nông, lâm, ngư nghiệp; ngành kinh tế; ngành kỹ thuật; ngành chăm sóc sức khỏe và ngành dịch vụ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN hiện có 1.408 người; nhà giáo có trình độ trên đại học 576 người, chiếm 40,9%; hàng năm tuyển vào học các cơ sở GDNN có hơn 40.000 học viên (gồm trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn). Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 80,42%; giải quyết việc làm hàng năm cho hơn 55.970 lao động. 

Lĩnh vực y tế ngày càng được quan tâm, hệ thống y tế cơ sở thành phố Cần Thơ được đầu tư và nâng cấp, đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh cho Nhân dân, đặc biệt là việc đầu tư và nâng cấp nhân lực đối với Bệnh viện đa khoa thành phố, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi đồng… Ngoài ra, việc thành phố phát huy mạnh mẽ về tự chủ tài chính đã mang lại nhiều kết quả tích cực, qua đó từng bước nâng cao chất lượng nhân lực ngành Y tế trong khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Tổng số viên chức ngành Y tế hiện nay là 4.665 người; số bác sĩ/10.000 người dân là 8,66; số dược sĩ/10.000 người dân là 2,34 (chưa tính các bệnh viện, hệ thống y tế ngoài công lập). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ y bác sĩ được đặc biệt quan tâm; đồng thời cùng với việc đào tạo nhân lực y tế nâng cao trình độ chuyên môn, thành phố quan tâm đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ sử dụng; thực hiện chủ trương đào tạo bác sĩ nội trú, đây là mô hình đào tạo bác sĩ trẻ, có tay nghề cao, chuyên sâu cho các chuyên ngành hiếm và cần có sự chuyển giao kỹ thuật cao; tính từ năm 2020 đến nay đã cử 36 bác sĩ nội trú đi đào tạo các chuyên ngành cho thành phố.

Về trình độ chuyên môn, chuyên ngành Y tế được nâng cao đáp ứng yêu cầu chăm sóc và chữa trị bệnh; toàn ngành có 4.291 bác sĩ, trong đó trình độ tiến sĩ y khoa có 06 người, chuyên khoa II có 129 người, thạc sĩ có 74 người, chuyên khoa I có 323 người, tổng số trình độ sau đại học chiếm 12,4%. Ngành dược có 631 người, trong đó chuyên khoa II là 12 người, thạc sĩ là 06 người, chuyên khoa I là 60 người, tổng số trình độ chuyên môn sau đại học chiếm 12,37%. 

Lĩnh vực khoa học và công nghệ: đội ngũ cán bộ khoa học của thành phố trong những năm qua luôn được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao với số lượng là 183 công chức, viên chức, trong đó tỷ lệ sau đại học chiếm 32,79% (bao gồm 04 tiến sĩ, 56 thạc sĩ). Tính đến năm 2021, thành phố có 6.786 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó 970 người có học vị tiến sĩ (có 23 giáo sư, 206 phó giáo sư); 2.660 người có trình độ thạc sĩ; đại học có 2.148 người; cao đẳng là 378; nguồn nhân lực khác là 612 người, với hơn 1.198 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đang tiến hành, 557 nhiệm vụ được nghiệm thu, 279 nhiệm vụ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, có hơn 1.250 lượt nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… Điều đó cho thấy nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại thành phố Cần Thơ đã và đang phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố. 

Về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực: ngày 05/12/2014, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 17/2014/NQ-HĐND về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố giai đoạn 2015-2020 và Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND thành phố quy định thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015-2020. Kết quả đã thu hút, hỗ trợ, khuyến khích 1.322 lượt CBCCVC(2): 06 lượt thu hút (gồm 01 tiến sĩ, 03 thạc sĩ - bác sĩ, 02 bác sĩ chuyên khoa I)(3); có 1.316 lượt người được hỗ trợ khuyến khích sau đào tạo (gồm 75 đại học, cử nhân; 879 thạc sĩ; 236 bác sĩ chuyên khoa I; 36 tiến sĩ; 90 dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa II). Việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết của HĐND thành phố đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với việc phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị chủ động quy hoạch, xây dựng, sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. 

Nhìn chung, đội ngũ nhân lực thành phố Cần Thơ ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng; chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cơ bản được thực hiện kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu, chế độ thu hút, khuyến khích của thành phố trong những năm qua còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, trong công tác quy hoạch, cơ cấu, ngành nghề đào tạo chưa thực hiện chặt chẽ giữa việc quy hoạch cán bộ gắn với quy hoạch đào đạo, sử dụng đội ngũ CBCCVC, dẫn đến tình trạng cơ cấu ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn sâu chưa hợp lý ở một số lĩnh vực, chuyên ngành phục vụ sự phát triển của thành phố theo định hướng phát triển tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Ngoài ra, việc thu hút người có trình độ chuyên môn cao, đội ngũ chuyên gia giỏi còn ít, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ - kỹ thuật đang thiếu chuyên gia đầu ngành; việc mời gọi chuyên gia theo hình thức hợp tác ngắn hạn chưa được phát huy (như thẩm định dự án, chương trình, quy hoạch, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ...); nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu, đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao còn thiếu, tình trạng nghỉ việc trong ngành y tế, giáo dục… đã ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ nhân lực của thành phố nói chung.

Một số định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới

Một là, tiếp tục phát huy lợi thế cùng các cơ sở đào tạo hiện có của thành phố Cần Thơ để chủ động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích để thu hút đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và chuẩn bị nguồn lực cán bộ có trình độ cao tham gia vào hệ thống đào tạo với những chuyên ngành gắn với định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW, trọng tâm là về lĩnh vực kinh tế, pháp luật, khoa học và công nghệ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế chuyên sâu, logistics, chuyển đổi số…

Hai là, xây dựng kế hoạch, gắn kết với các doanh nghiệp trong sử dụng lao động và thu hút doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo để vừa có thêm nguồn đầu tư, vừa sử dụng lao động sau đào tạo có hiệu quả. Phát triển và gắn kết các tổ chức xã hội - nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu trong ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ.

Ba là, tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ngoại ngữ, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của thị trường lao động, của đơn vị sử dụng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. 

Bốn là, đẩy mạnh việc tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong GDNN và giải quyết việc làm, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư vào GDNN; tiến hành rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức, nhiều trình độ đào tạo, có phân tầng về chất lượng, bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo. 

Năm là, đổi mới, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực y tế, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao; tập trung cử đi đào tạo các chuyên khoa về tim mạch, huyết học, ung bướu, nhi, ngoại lồng ngực… để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại thành phố Cần Thơ; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đào tạo bác sĩ nội trú để tăng cường nhân lực ngành y tế ở các bệnh viện cấp I; đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới tại các bệnh viện cấp I; đẩy mạnh công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện cho viên chức có năng lực tiếp cận các kỹ thuật mới trong phòng, chống, điều trị và chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn.

Sáu là, chú trọng đào tạo chuyên sâu các khối ngành công nghệ sinh học, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến nông - thủy sản, công nghệ sau thu hoạch… để thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung ứng các dịch vụ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ. 

Bảy là, tiếp tục nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhân lực chuyên sâu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn hội nhập và phát triển./.

---------------

Ghi chú:

(1) Nghị quyết số 31-NQ/ĐH ngày 25/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. 

(2) Khối cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp cấp thành phố có 1.197 lượt; khối Đảng có 125 lượt.

(3) Gồm có 01 tiến sĩ (chuyên ngành Hóa sinh ứng dụng) về công tác tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ; 02 thạc sĩ - bác sĩ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa thành phố; 01 bác sĩ chuyên khoa I, 01 thạc sĩ - bác sĩ về công tác tại Bệnh viện Phụ sản thành phố; 01 bác sĩ chuyên khoa I về công tác tại Trung tâm Y tế Dự phòng quận Thốt Nốt.

 

ThS Châu Việt Tha - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ​

Ngày đăng 26/04/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An có 11 huyện với 248 xã, thị trấn, 3.809 khối, xóm, bản với tổng diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh, trong đó có 39 DTTS với hơn 491 nghìn người. Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh

Ngày đăng 22/04/2024
Trong bối cảnh tác động đa chiều của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một cục diện mới về tần suất, chủng loại, số lượng và quy mô của thông tin. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “thông tin là tài nguyên quan trọng nhất”(1), đã lan tỏa sức mạnh mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được vai trò quan trọng của nó trong thời đại ngày nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, các trường đại học ở Việt Nam cần có môi trường thông tin thuận lợi nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các chủ thể giáo dục trước sự tác động, xâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng của những nguồn tin độc hại. Trong đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển phẩm chất, năng lực sư phạm, trực tiếp góp phần phát triển tư duy phản biện (TDPB) của giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc trong thực thi công vụ

Ngày đăng 21/04/2024
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong thực thi công vụ (Bộ chỉ số KPI). Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện một số vụ, đơn vị của UBDT và một số nhà khoa học.

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.