Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Các yếu tố tác động và vai trò của công tác phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở ở Việt Nam

Ngày đăng: 08/08/2022   09:33
Mặc định Cỡ chữ
Phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đang là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu đánh giá từ phương diện lý luận và thực tiễn. Nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở là lao động gián tiếp, mặc dù không trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình, đội ngũ này có vai trò rất lớn, góp phần quan trọng đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực và đất nước.
Ảnh minh họa

Các yếu tố tác động đến phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở

Điều kiện kinh tế - xã hội

Theo quan niệm chủ nghĩa duy vật lịch sử, sự phát triển của một tổ chức, của con người trong tổ chức quy định trước hết bởi các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể trong giai đoạn hình thành và phát triển của tổ chức đó. Khi kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi nhận thức của các nhà quản lý, có nhiều chính sách thiết thực và điều kiện vật chất để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực; giúp nâng cao đời sống của các cá nhân, khiến họ có điều kiện kinh tế để đầu tư nhiều cho việc học tập, rèn luyện thể lực, trí lực, tâm lực, dẫn đến sự thay đổi trong chất lượng nguồn nhân lực. 

Đối với phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở, sự phát triển kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp, bởi việc nâng cao trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong tư vấn chuyên môn, quản lý, điều hành chỉ được nâng lên khi đời sống vật chất được nâng lên, tạo ra những thay đổi trong nhận thức và những điều kiện trong đầu tư cơ sở vật chất để phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở. Mặt khác, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra những cơ hội và thách thức khiến các nhà lãnh đạo, quản lý phải tự điều chỉnh mình, điều chỉnh tổ chức để có thể phát huy hết khả năng của tổ chức, thực hiện chức trách, nhiệm vụ một cách tốt nhất. Các kỹ năng của lãnh đạo, quản lý cấp sở, đặc biệt là phong cách lãnh đạo cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Khi xã hội phát triển, dân trí được nâng lên thì người lãnh đạo, quản lý phải thực hiện những phương thức lãnh đạo, quản lý mới phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. 

Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước

Nguồn nhân lực chỉ thực sự phát triển khi các văn bản, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được ban hành kịp thời, đồng bộ, tạo điều kiện phát triển mọi mặt lực lượng lao động, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao. Đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở, nếu vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn của lãnh đạo, quản lý cấp sở, những yêu cầu về trình độ, tác phong, phương pháp, năng lực... được quy định khách quan và phù hợp với đặc thù công việc thì sẽ giúp cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện, đáp ứng tiêu chuẩn. Đặc biệt, những chính sách, quy định về sử dụng, phân bổ nguồn nhân lực, về tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ... có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở. 

Môi trường làm việc 

Môi trường trong tổ chức có tác động trực tiếp (tích cực hoặc tiêu cực) tới nhu cầu và động cơ làm việc của cá nhân: “Môi trường tổ chức thuận lợi sẽ giúp các cá nhân có động cơ tích cực và làm việc sáng tạo, phát huy khả năng và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng làm việc, xây dựng được các mối quan hệ phối hợp... ngược lại, sẽ có tác động tiêu cực tới cá nhân... ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của cá nhân và tổ chức”(1). Để hoạt động lãnh đạo, quản lý có hiệu quả cần được tạo điều kiện tối đa về các phương diện vật chất, cùng với bầu không khí dân chủ, thân thiện, khích lệ và có kiểm soát. Mối quan hệ thông suốt và thống nhất giữa cấp trên, cấp dưới, việc sắp xếp cán bộ lãnh đạo đúng năng lực, sở trường, khích lệ phát huy năng lực của lãnh đạo, quản lý, sự ủng hộ và đồng hành của các cá nhân trong tổ chức...

Công tác đánh giá 

Đánh giá lãnh đạo, quản lý cấp sở là cách xem xét toàn diện, trên tất cả các phương diện hoạt động của họ như: khả năng tổ chức, điều hành, năng lực chuyên môn, tác phong ứng xử, phẩm chất, phong cách lãnh đạo... đồng thời đánh giá thông qua kết quả và mức độ hoàn thành công việc, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn của sở mà họ phụ trách. Vì vậy, đánh giá lãnh đạo, quản lý cấp sở là một yếu tố quan trọng để lãnh đạo, quản lý nhận thức khách quan về mình, về hoạt động của tổ chức, để điều chỉnh, hoàn thiện bản thân và các cấp lãnh đạo cũng có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá khách quan nguồn nhân lực, từ đó có sự điều chỉnh cơ cấu, tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đánh giá là công cụ gián tiếp cho thấy kết quả của hoạt động phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở nói riêng.

Tính chủ động và tích cực 

Theo nghiên cứu của Hudson, trong khu vực hành chính công: các nhà lãnh đạo khu vực công cần tập trung hơn vào chiến lược dài hạn và quá trình sáng tạo liên quan đến việc xây dựng tầm nhìn(2). Đây là những khía cạnh quan trọng của việc tư duy chiến lược, đó được coi là hành vi lãnh đạo hiệu quả vì các nhà lãnh đạo cấp cao trong khu vực công thường có xu hướng lãnh đạo theo tư duy chiến lược hơn. Bởi vì, khu vực công có những điều kiện và thách thức riêng, việc quan trọng là phải xác định những nhân viên sở hữu được những đặc điểm quan trọng này như một yếu tố sinh học bẩm sinh.

Đối với việc phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở, nếu điều kiện khách quan là điều kiện cần thì yếu tố tích cực, chủ động của cá nhân các nhà lãnh đạo, quản lý trong việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng là điều kiện đủ để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ này là điều kiện đủ. Chỉ khi nào bản thân đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở có ý thức, chủ động, tự giác, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì chất lượng của nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở mới thể hiện sự phát triển bền vững, đạt hiệu quả tốt nhất.

Nhận thức của các chủ thể quản lý 

Để phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở, các chủ thể của hoạt động này phải có sự thay đổi căn bản trong nhận thức. Cần ý thức về vai trò, vị trí, chức năng quan trọng của lãnh đạo, quản lý cấp sở trong bộ máy nhà nước để từ đó xây dựng những chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện phát triển tốt nhất, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; coi hoạt động lãnh đạo, quản lý không chỉ là khoa học mà còn là một nghệ thuật, vì vậy, cần được đầu tư lâu dài và trọng điểm dưới góc độ quản trị để khai phóng năng lực của cá nhân trong tổ chức, giúp cho tổ chức hoạt động hiệu quả nhất.

Vai trò của công tác phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở

Một là, xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, quản lý hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động tổ chức, điều hành.

Việc phát triển các tri thức, kỹ năng giúp cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở nâng cao các kỹ năng cần có của nhà lãnh đạo, quản lý như kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng ủy quyền hiệu quả; kỹ năng định hướng, hoạch định chính sách; kỹ năng tổ chức, truyền cảm hứng và kiểm soát sự thay đổi... Sự hoạt động chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở còn được nâng lên thông qua việc họ thực hiện tốt các kỹ năng lãnh đạo, quản lý như kỹ năng quản lý nhân sự; kỹ năng quản lý tài chính; kỹ năng kiểm tra, thanh tra ngành, lĩnh vực, địa phương; kỹ năng phân công ủy quyền; kỹ năng ban hành và tổ chức thực hiện quyết định; kỹ năng xây dựng, phát triển văn hóa công vụ; kỹ năng đối thoại, tiếp công dân và quan hệ với truyền thông; kỹ năng sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý... Trong đó, kỹ năng bố trí, sắp xếp nhân sự thuộc sở, tạo niềm tin, động lực cho cán bộ trong sở là một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng. 

Mặt khác, phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở còn giúp cho đội ngũ này nâng cao kỹ năng, tạo động lực làm việc, truyền cảm hứng cho người lao động, giúp tăng năng suất và hiệu quả lao động của tổ chức bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng: sự tăng năng suất lao động phụ thuộc vào yếu tố năng lực và yếu tố động lực làm việc. Trong đó, nếu năng lực thường là sự kết hợp giữa khả năng và quá trình đào tạo, quá trình tích lũy kinh nghiệm nên thường diễn ra trong thời gian dài, thì động lực làm việc của người lao động lại có thể nâng cao nhanh chóng thông qua chính sách quản lý và khả năng truyền cảm hứng, sự khích lệ cho người lao động từ các nhà lãnh đạo, quản lý.  

Hai là, giúp gia tăng khả năng tư vấn chuyên môn đạt chất lượng cao, mang lại những hiệu quả thiết thực trong hoạt động thực tiễn.

Đối với cấp sở, hoạt động phát triển nguồn nhân lực phụ thuộc vào đặc thù của sự phân cấp quản lý và chuyên môn mà các sở phụ trách. Nguồn nhân lực của ngành ở các địa phương vừa chịu sự quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vừa chịu sự quản lý của cơ quan sử dụng nguồn nhân lực. Vì vậy, mỗi sở chuyên môn, trên thực tế chỉ đóng vai trò tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý một số lĩnh vực cụ thể. Do đặc thù tư vấn chuyên môn của các sở là rất khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, nên việc phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở trước hết phải chú trọng vào phát triển các nội dung chuyên môn chuyên sâu và các kỹ năng tư vấn, xây dựng chiến lược, chính sách hiệu quả trong tư vấn cho UBND cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực sở mình phụ trách. Khi chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp sở được nâng lên, có nghĩa là chất lượng tư vấn chuyên môn của các sở đối với UBND tỉnh hoặc các cấp tương đương sẽ được nâng lên tương ứng. Chỉ có sự tư vấn chuyên môn chính xác, hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương, đặc biệt là việc xây dựng các chiến lược, sách lược giải quyết các mục tiêu trước mắt và lâu dài trong các ngành để tạo ra sự phát triển bền vững và đột phá trong các lĩnh vực chuyên môn mà các sở phụ trách mới nâng cao vai trò và vị thế của sở trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. 

Ba là, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, khả năng thích ứng trước những thay đổi của thực tiễn.

Cấp sở không chỉ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh, mà cơ quan này còn trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về giám định, đăng ký, cấp giấy phép, văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên môn; giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các hội và các tổ chức phi chính phủ thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan chuyên môn theo quy định về pháp luật; kiểm tra, thanh tra theo ngành, lĩnh vực được phân công.

Là một đơn vị trong khối hành chính công, công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ mà đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở phải thực hiện. Để giúp UBND tỉnh quản lý các hoạt động về cải cách hành chính, liên quan đến cải cách thể chế, rà soát các thủ tục và quy trình cải cách hành chính ở địa phương, với những hoạt động đa chiều, liên quan đến nhiều ngành chuyên môn khác nhau, nên vai trò của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở chính là cầu nối phối hợp giữa các ngành chuyên môn trong tỉnh, giúp tổ chức và quản lý quá trình cải cách hành chính một cách đồng bộ, thống nhất, mang lại hiệu quả cao, thể hiện tính chuyên nghiệp trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. 

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở cần được trau dồi về phẩm chất đạo đức, tác phong, dám nghĩ, dám làm trong công việc, mạnh dạn đổi mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện năng lực và các kỹ năng trong hoạt động công vụ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp sở là một trong những yêu cầu cơ bản nhằm phát triển đội ngũ này trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, đẩy mạnh quá trình cải cách công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch và phát huy được các thế mạnh của sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao./.

------------------------

Ghi chú:

(1) Bùi Huy Khiên, Lê Thị Vân Hương, Quản lý công, Nxb Chính trị - Hành chính, H.2013, tr.156.

(2) https://www.td.org/inisghts/public-sector-leaders-different-challenges-different-competencies, Public Sector leaders: Different challenge, different competencies

 

TS Trương Thị Quỳnh Hoa - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ​

Ngày đăng 26/04/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An có 11 huyện với 248 xã, thị trấn, 3.809 khối, xóm, bản với tổng diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh, trong đó có 39 DTTS với hơn 491 nghìn người. Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh

Ngày đăng 22/04/2024
Trong bối cảnh tác động đa chiều của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một cục diện mới về tần suất, chủng loại, số lượng và quy mô của thông tin. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “thông tin là tài nguyên quan trọng nhất”(1), đã lan tỏa sức mạnh mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được vai trò quan trọng của nó trong thời đại ngày nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, các trường đại học ở Việt Nam cần có môi trường thông tin thuận lợi nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các chủ thể giáo dục trước sự tác động, xâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng của những nguồn tin độc hại. Trong đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển phẩm chất, năng lực sư phạm, trực tiếp góp phần phát triển tư duy phản biện (TDPB) của giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc trong thực thi công vụ

Ngày đăng 21/04/2024
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong thực thi công vụ (Bộ chỉ số KPI). Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện một số vụ, đơn vị của UBDT và một số nhà khoa học.

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.