Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý: Tăng kỹ năng, thêm động lực

Ngày đăng: 14/07/2022   11:25
Mặc định Cỡ chữ
Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức thành công 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho hơn 570 bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025. Với nhiều đổi mới, trong đó đặc biệt đề cao thực chất, chất lượng, các lớp bồi dưỡng đã trang bị cho học viên nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng về lãnh đạo, quản lý, tạo động lực, thêm quyết tâm để đội ngũ cán bộ cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025.

Tác dụng trực tiếp

Thực hiện Kế hoạch số 63-KH/TU, ngày 17/02/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025”, 5 lớp học tập trung đã được tổ chức tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trong 12 ngày học tập trung (chủ yếu vào những ngày cuối tuần), hơn 570 học viên là bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn được trang bị 3 phần nội dung kiến thức, kỹ năng với 18 chuyên đề và 4 buổi thảo luận. Đầu tháng 7 vừa qua, lớp cuối cùng đã bế giảng, đánh dấu thành công khóa bồi dưỡng.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, lớp bồi dưỡng tập trung cập nhật kiến thức mới về lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với chức danh bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn…

Tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, Bí thư Đảng ủy xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) Đỗ Thu Nga chia sẻ: “Thời gian học không dài nhưng được tập trung cô đọng vào 3 vấn đề có thể nói là hết sức cần thiết và bổ ích với các học viên”.

Còn Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) Nguyễn Văn Tiệp khẳng định: “Trong quá trình công tác, chúng tôi chủ yếu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo tổ chức phân công, chứ chưa có trường lớp nào đào tạo, huấn luyện bài bản về kỹ năng làm bí thư đảng ủy phường. Tham gia lớp bồi dưỡng, chúng tôi được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo và quản lý”.

Là một trong những giảng viên tham gia giảng dạy cho đội ngũ cán bộ của thành phố Hà Nội nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Đinh Văn Minh nhìn nhận, chủ trương của Thành ủy Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng cho các bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn là rất trúng và đúng. Vì cán bộ cơ sở cần có năng lực để đối diện, giải quyết ngay những nhu cầu, mong muốn của người dân...

Động lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Được biết, kết thúc mỗi khóa học, Hội đồng chấm bài thu hoạch do Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành lập đã thực hiện công tác đánh giá học viên. Theo Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong Phạm Minh Anh, Hội đồng yêu cầu nội dung thu hoạch không sao chép lại bài giảng, đồng thời tập trung đánh giá, kiểm tra tư duy khoa học, tổng hợp, vận dụng, xử lý thông tin của học viên.

Ban Quản lý các lớp bồi dưỡng cho biết, các bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn đều có tác phong học tập nghiêm túc, chủ động, thể hiện ý thức trách nhiệm cao, có tinh thần đoàn kết, cầu thị. Kết quả học tập của học viên đã phản ánh thực tế này khi 100% học viên đều đạt kết quả học tập từ khá trở lên, trong đó khoảng 85% đạt loại giỏi và xuất sắc.

Có thể khẳng định, việc tổ chức khóa bồi dưỡng cho hơn 570 bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn không chỉ nâng cao chất lượng cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy cơ sở, mà còn cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”.

Trao đổi với các đồng chí cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đồng chí bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn cần tiếp tục học tập, nghiên cứu, vận dụng tối đa những nội dung được truyền đạt ở lớp bồi dưỡng để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác tại địa phương; góp phần cùng thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Tinh thần này đã được các học viên nhận thức sâu sắc. Bí thư Đảng ủy thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Hương Trà khẳng định sẽ phát huy những kiến thức từ lớp bồi dưỡng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn công tác, không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) Đỗ Xuân Trường cũng cho biết: “Sau khi được tham gia lớp bồi dưỡng, bản thân tôi cảm thấy tự tin hơn và tin tưởng với vốn kiến thức được trang bị cùng với nỗ lực không ngừng tự học tập, rèn luyện sẽ làm tốt hơn công việc của mình”. Thành ủy cần tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng hằng năm để giúp đội ngũ cán bộ cơ sở hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Sự thành công của 5 lớp bồi dưỡng ở năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tiếp thêm động lực cho các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu phát huy những ưu điểm, khắc phục triệt để hạn chế còn tồn tại và quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để đóng góp cho thành tích của địa phương và Thành phố./.

Theo: hanoimoi.com.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghệ An thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ​

Ngày đăng 26/04/2024
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Nghệ An có 11 huyện với 248 xã, thị trấn, 3.809 khối, xóm, bản với tổng diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh, trong đó có 39 DTTS với hơn 491 nghìn người. Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng cán bộ người DTTS luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh

Ngày đăng 22/04/2024
Trong bối cảnh tác động đa chiều của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một cục diện mới về tần suất, chủng loại, số lượng và quy mô của thông tin. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “thông tin là tài nguyên quan trọng nhất”(1), đã lan tỏa sức mạnh mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được vai trò quan trọng của nó trong thời đại ngày nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, các trường đại học ở Việt Nam cần có môi trường thông tin thuận lợi nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các chủ thể giáo dục trước sự tác động, xâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng của những nguồn tin độc hại. Trong đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển phẩm chất, năng lực sư phạm, trực tiếp góp phần phát triển tư duy phản biện (TDPB) của giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc trong thực thi công vụ

Ngày đăng 21/04/2024
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong thực thi công vụ (Bộ chỉ số KPI). Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện một số vụ, đơn vị của UBDT và một số nhà khoa học.

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.