Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Công tác xây dựng và triển khai thực hiện các quy định của Đảng về kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, đảng viên

Ngày đăng: 22/10/2021   22:01
Mặc định Cỡ chữ
Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện kê khai đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc đã góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA ĐẢNG VỀ KIỂM SOÁT TÀI SẢN, THU NHẬP CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Thứ nhất, những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN của cán bộ, đảng viên. Điều này được thể hiện trong một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/07/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ;...

Thứ hai, nghiên cứu nội dung các văn bản của Đảng nên trên cho thấy, Đảng ta nhất quán kế thừa và phát triển quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác kê khai và kiểm soát kê khai TSTN của đảng viên, nhất là đảng viên có chức vụ, quyền hạn.

Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", được coi là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng đề cập một cách toàn diện, sâu sắc về công tác đấu tranh PCTN, lãng phí trong toàn hệ thống chính trị. Nghị quyết đề ra yêu cầu phải bảo đảm minh bạch TSTN của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản và xác minh bản kê khai theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. 

Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", tiếp tục khẳng định: "Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước. Kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú.".  So với các quy định của Đảng trước đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã có điểm mới là bổ sung yêu cầu việc công khai kết quả kê khai TSTN phải được thực hiện ở cả nơi cư trú của đảng viên để quần chúng có cơ hội giám sát.

Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiếp tục yêu cầu: Thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Nghiên cứu ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan khác để thực hiện việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú, theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Quy định về trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X). Quy định cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý. 

Quy định số 211-QĐ/TW, ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đã quy định rõ trách nhiệm và nội dung giám sát việc kê khai TSTN của từng cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở về “việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ và gia đình theo quy định” của đảng viên là cán bộ có chức vụ, quyền hạn: i) Điểm d Khoản 1 Điều 7 quy định về nội dung giám sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ii) Điểm d Khoản 2 Điều 7 quy định về nội dung giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Điểm đ Khoản 4 Điều 7 quy định về nội dung giám sát của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương; Điểm a Khoản 5 Điều 7 quy định về nội dung giám sát của chi bộ nơi cán bộ công tác.

Đặc biệt, tại Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt một số công việc, đó là:

Tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.

Lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản theo quy định của pháp luật. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của pháp luật phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn. Chi ủy tổ chức việc công khai bản kê khai tài sản của đảng viên thuộc diện phải kê khai trong sinh hoạt chi bộ. Cấp ủy tổ chức công khai bản kê khai tài sản của cấp ủy viên trong sinh hoạt cấp ủy. 

Lãnh đạo chặt chẽ việc kiểm tra, xác minh tài sản, theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các trường hợp có tố cáo người thuộc diện phải kê khai tài sản không trung thực trong việc kê khai; cần có thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản; có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Tăng cường lãnh đạo và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản…

Lãnh đạo tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; quản lý bản kê khai tài sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Luật hóa các nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Nghiên cứu áp dụng các biện pháp hỗ trợ công tác kiểm soát việc kê khai tài sản, hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt…

Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đã nêu rõ một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là “Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực”; đồng thời Nghị quyết đã xác định một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đó là: Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát việc tăng giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Cơ quan đề xuất đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai theo quy định.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài và đề ra nhiều phương hướng, biện pháp để thực hiện nhiệm vụ này, trong đó có yêu cầu xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí; các cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm về kê khai và minh bạch TSTN; kiên quyết thu hồi tiền, tài sản bị tham nhũng. 

Như vậy, Văn kiện Đại hội XII đã lần đầu tiên đề cập đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để cán bộ, đảng viên, công chức thuộc quyền quản lý vi phạm về kê khai và minh bạch TSTN.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục định hướng kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai TSTN của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. 

CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Căn cứ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các quy định, hướng dẫn của pháp luật về việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã kịp thời xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên giữ chức vụ. Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã phân công nhiệm vụ cho Ban Tổ chức, Văn phòng, Ban Nội chính, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo... (tùy theo đặc thù loại hình cơ quan) chịu trách nhiệm tham mưu, tổ chức thực hiện việc kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN. Cụ thể: 

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP, ngày 17/7/2013 của Chính phủ và các văn bản liên quan về minh bạch TSTN; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kê khai, công khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định. 

Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, quan điểm, quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, minh bạch tài sản nhằm nâng cao và tạo sự thống nhất trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc... về mục đích, tầm quan trọng của việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản trong công tác PCTN. Qua đó, phát huy đúng mức vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, tăng cường quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nâng cao ý thức tự giác, trung thực trong việc kê khai tài sản. 

Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, tăng cường công tác kiểm tra việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định; đồng thời, chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc việc công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo thẩm quyền. 

Ban Nội chính phối hợp với Ủy ban Kiểm tra, Ban Tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; tiến hành kiểm tra, xác minh tài sản theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức khi có đơn thư tố cáo hoặc phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc phát hiện người thuộc diện phải kê khai tài sản có hành vi tham nhũng; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chậm tổ chức kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm, không công khai bản kê khai hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. 

Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN; kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; đồng thời phê phán những trường hợp vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. 

Hàng năm, các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã triển khai, quán triệt các chỉ thị, hướng dẫn, quy định về kê khai tài sản và minh bạch việc kê khai tài sản tại các hội nghị chuyên đề, hội nghị giao ban đối với các chi bộ và đơn vị trực thuộc, đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai TSTN; tuyên truyền, quán triệt, nhắc nhở thực hiện các quy định và giải đáp thắc mắc của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai TSTN của đơn vị. 

Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức đoàn thể trực thuộc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về thực hiện kê khai, kiểm soát việc kê khai và thực hiện tốt việc quản lý, bảo mật bản kê khai TSTN theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quy định của Đảng về kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN của đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong các văn bản luật và văn bản dưới luật để tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, gần đây nhất, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật số 36/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, đã dành riêng Mục 6 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (gồm 25 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018).

Các quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho kiểm soát TNTS của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức vụ, quyền hạn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và PCTN, lãng phí, tiêu cực./.

 

TS Trịnh Như Quỳnh - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Báo chí và Truyên truyền

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.