Hà Nội, Ngày 27/04/2024

WHO tiếp tục lo ngại về tốc độ lây lan dịch Covid-19

Ngày đăng: 18/11/2020   15:44
Mặc định Cỡ chữ
Tốc độ lây lan của đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại khi Mỹ và châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng mạnh hằng ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ sự quan ngại về tình trạng này.

Châu Âu

Ngày 18/11/2020, theo số liệu do hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại châu Âu đã vượt quá 15 triệu người. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ đại dịch Covid-19.

Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ đáng lo ngại.

Nga thông báo ghi nhận thêm 442 trường hợp tử vong do dịch Covid-19 - mức thống kê theo ngày cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số trường hợp không qua khỏi tại Nga lên 33.931 người. Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 22.410 người mắc Covid-19.

Tương tự, Bộ Y tế Bulgaria thông báo, nước này ghi nhận thêm 152 ca tử vong do mắc Covid-19 - mức cao chưa từng thấy, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.282 trường hợp. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Âu này ghi nhận thêm 3.519 ca nhiễm, đưa tổng số người mắc bệnh lên 101.770 người.

Trong một diễn biến tích cực hơn, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng, nước này đã kiểm soát được sự lây lan của vi rút SARS-CoV-2, song vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Bộ trưởng Veran khẳng định, nếu ngừng các nỗ lực khống chế dịch bệnh quá sớm, cũng như không thực thi nghiêm biện pháp phong tỏa, nước Pháp có thể lại chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng, "xóa sạch" mọi nỗ lực của Chính phủ và người dân trong những tuần qua. 

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tiếp tục tự cách ly sau khi có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Theo người phát ngôn của ông Johnson, mặc dù xét nghiệm đã cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, nhưng theo quy định, Thủ tướng Johnson vẫn thực hiện tự cách ly. Trước đó, 10 nghị sĩ Đảng Bảo thủ của nước này cũng tự cách ly sau khi được thông báo họ đã tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Tại Italia, Chính phủ nước này đã thông qua dự thảo Luật Ngân sách năm 2021, trong đó chi hơn 38 tỷ euro để khắc phục hậu quả đại dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động vượt qua tình trạng khẩn cấp hiện nay. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được Hạ viện thảo luận và thông qua trong ngày 18/11.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch, chính quyền thành phố Istanbul - thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19 của Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới. Theo đó, toàn bộ các viện bảo tàng, cơ sở thể dục - thể thao, hồ bơi, trung tâm văn hóa đều phải đóng cửa từ ngày 19/11.

Châu Á

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo về tình trạng gia tăng số ca mắc Covid-19 trong giới trẻ, đồng thời lo ngại điều này có thể dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới trong những tuần tới. Trong tuần qua, số người nhiễm trong độ tuổi dưới 50 tuổi chiếm tới 52,2%.

Số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc dao động trên 200 ca trong ngày thứ tư liên tiếp và có chiều hướng lan rộng ra cả nước, buộc cơ quan chức năng phải nâng mức giãn cách xã hội từ mức 1 lên mức 1,5 ở khu vực Seoul và vùng lân cận.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, việc đạt được mục tiêu cân bằng ngân sách tài khóa 2020 rất khó thực hiện, đồng thời dự báo sẽ mất thêm nhiều thời gian để khôi phục ngân sách về trạng thái cân bằng. Điều này chủ yếu là hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong bối cảnh đại dịch phủ bóng nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Singapore nói riêng. Trong năm 2020, Singapore đã chi 52 tỷ USD từ nguồn dự trữ quốc gia để đối phó với tác động từ Covid-19. 

Châu Mỹ

Nhằm ngăn chặn đà lây lan của vi rút SARS-CoV-2, hàng loạt bang của Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế mới để phòng, chống dịch bệnh.

Các bang New Jersey, California, Ohio và thành phố Philadelphia - thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania - đã gia nhập danh sách các khu vực tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 và bệnh nhân nhập viện trên toàn quốc tăng đột biến trong những tuần gần đây. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịp nghỉ lễ Giáng sinh sắp tới và thời tiết chuyển lạnh hơn sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này, khi người dân tổ chức các buổi tụ họp trong nhà nhiều hơn. 

Liên quan công tác bào chế vắc xin, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh những kết quả đột phá "đáng khích lệ", đồng thời bày tỏ lạc quan thận trọng về khả năng có vắc xin trong những tháng tới. Tuy nhiên, ông lưu ý các nước không nên tự thỏa mãn vì số ca mắc và tử vong do Covid-19 vẫn đang tăng mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ.

Theo số liệu thống kê của WHO, Mỹ và các nước châu Âu chiếm tới hơn 70% số ca mắc Covid-19 và hơn 77% số ca tử vong trên toàn thế giới. Nhiều nước vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày phá kỷ lục.

Tính đến 6 giờ ngày 18/11/2020, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 55.909.936 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 1.342.561 trường hợp tử vong./.

Theo: hanoimoi.com.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.