Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng

Ngày đăng: 06/11/2020   16:01
Mặc định Cỡ chữ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, là mốc son trong lịch sử phát triển của đất nước. Lần đầu tiên một nhà nước công nông ra đời, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng lãnh đạo một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của phong trào thi đua yêu nước để giải quyết nhiệm vụ cấp bách như chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương trực thuộc Chủ tịch phủ, có các nhiệm vụ: nghiên cứu các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ và các hình thức khen thưởng của Nhà nước để trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện các chính sách, thể lệ đó. Thẩm tra các đề nghị khen thưởng của các bộ, ngành, địa phương và đặc khu trực thuộc Trung ương để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước xét quyết định khen thưởng. Sản xuất, bảo quản, cấp phát, lưu trữ các hiện vật, hồ sơ khen thưởng, thu hồi hoặc đổi các hiện vật khen thưởng theo quy định.  

Viện Huân chương ra đời trong lúc đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, cách mạng Việt Nam trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm… Khẩu hiệu “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương” và “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” đã thực sự trở thành hành động trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.  

Có thể nói, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Viện Huân chương đã hoàn thành kịp thời các chủ trương, quyết định khen thưởng của Nhà nước và Chính phủ. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu, xuyên suốt là khen thưởng thành tích chiến đấu qua các chiến dịch, mặt trận và các cuộc tổng tiến công, kịp thời động viên bộ đội, du kích, nhân dân và cán bộ phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng, kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. 

Ngày 08/12/1987, Viện Huân chương được đổi tên thành Viện Thi đua và Khen thưởng nhà nước với nhiệm vụ: nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định chính sách, chế độ, các danh hiệu và hình thức thi đua, khen thưởng, quyết định việc phân công, phân cấp quản lý xét duyệt thi đua và khen thưởng. Hướng dẫn kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách, chế độ. Kiểm tra, xem xét để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định các đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền. Làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. 

Sau 56 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Viện Huân chương, ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng. Tiếp đó, ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Chỉ thị số 39-CT/TW nhấn mạnh: củng cố hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (là cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và Ban, Vụ Thi đua - Khen thưởng ở các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với bộ máy tinh gọn, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 25/8/2004 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2004/NĐ-CP về việc thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước; thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật (ngày 08/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vào Bộ Nội vụ). Từ khi thành lập, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã nhanh chóng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, các vụ chức năng, các đơn vị, tổ chức trực thuộc để thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao: là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng trong cả nước; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tổ chức triển khai các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước. 

Nhìn lại chặng đường lịch sử hơn 70 năm xây dựng và phát triển, với những tên gọi khác nhau từ Viện Huân chương (năm 1947), Viện Thi đua - Khen thưởng Trung ương (năm 1987) đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (năm 2004), ngành Thi đua, khen thưởng cả nước đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ khi thành lập Ban đến nay, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng; luôn chủ động, sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng đúng định hướng, đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, tính giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước. 

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tham mưu, trình Bộ Chính trị Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005 và năm 2013; trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Tham mưu tổ chức thành công các kỳ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, để tổng kết phong trào thi đua qua các giai đoạn và biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. 

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tham mưu cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động nhiều phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển“, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Công chức, viên chức thực hiện văn hoá công sở”... gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điển hình là các phong trào: Thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Dạy tốt, học tốt”; “Vì an ninh Tổ quốc”; “Thi đua Quyết thắng”… Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được triển khai sâu rộng, đồng bộ, nội dung phong phú, hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân. Công tác khen thưởng được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, chính xác, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo tính biểu dương tôn vinh. 

Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành Thi đua, khen thưởng, của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đi trước trong hơn 70 năm qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hiện nay đang cố gắng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả. 

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi công tác thi đua, khen thưởng phải có nhiều đổi mới. Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, trong thời gian tới, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau đây nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới:

Một là, tiếp tục học tập, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt chức năng cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; tham mưu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo cơ sở pháp lý, góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Hai là, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, với những nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương. 

Ba là, tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các gương người tốt, việc tốt và điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. 

Bốn là, thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch và đúng quy định. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng thành tích kháng chiến, phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp... góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, phát huy được tính nêu gương, giáo dục. 

Năm là, tiếp tục tham mưu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Trước mắt, tham mưu xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực. Đội ngũ công chức, viên chức và người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ giao, thực hiện tốt chủ đề của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

TS Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thái Bình: Lan tỏa phong trào thi đua yêu nước

Ngày đăng 15/12/2020
Khắc ghi lời Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trên mọi lĩnh vực. Mỗi việc làm và hành động của họ đã góp phần truyền lửa, để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, từ đó xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thi đua yêu nước - động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Ngày đăng 14/12/2020
Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả đạt được có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.

Bình Dương: Hiệu quả từ các phong trào thi đua yêu nước

Ngày đăng 14/12/2020
Những thành quả của phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020 là minh chứng cho khát vọng, bản lĩnh và ý chí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương. Trong mỗi phong trào trên từng lĩnh vực đều mang dấu ấn đặc biệt của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. ​

Phong trào thi đua là động lực hoàn thành các nhiệm vụ ngành Tư pháp

Ngày đăng 14/12/2020
Trong năm 2020, ngành Tư pháp khu vực miền Tây Nam Bộ đã kịp thời phát động phong trào thi đua đến tất cả các thành viên, tạo sức lan tỏa trong toàn ngành. Công tác thi đua, khen thưởng thật sự là động lực, nền tảng thúc đẩy tập thể, cá nhân ra sức thi đua, cùng nhau vượt khó, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Phong trào thi đua tại thành phố Hà Nội: Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ

Ngày đăng 11/12/2020
Thời gian qua, phong trào thi đua của các cấp, ngành thuộc thành phố Hà Nội ngày càng sôi nổi, thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đó là hiệu quả của việc chú trọng nhân rộng các phong trào hay, mô hình tốt cũng như các cá nhân tiêu biểu.