Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Cách mạng Tháng Tám – Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam mới

Ngày đăng: 02/09/2020   09:51
Mặc định Cỡ chữ
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công viết nên bản anh hùng ca của thời đại, khẳng định sức mạnh của Lòng Dân tin theo Đảng, theo Bác Hồ Chí Minh, đập tan xiềng xích nô lệ của bọn thực dân, phát xít, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gióng lên những hồi chuông đầu tiên làm thức tỉnh khát vọng độc lập, tự do của các dân tộc từ Á tới Phi, quyết vùng lên cho một ngày toàn thắng.

Và ngày 02/9/1945, từ thành công của cuộc Cách mạng ấy đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự thật ấy vốn hiển nhiên như trời đất đã thành, bác bỏ toàn bộ luận điệu của những kẻ cho rằng đó là một sự “ăn may”, một hành động “bất chính” và chẳng có một nền dân chủ nào ra đời từ nhà nước đó cả…      

Lịch sử thì không thể quay lại được. Và nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sẽ không có nền nền độc lập, tự do của dân tộc, không có Nhà nước Việt Nam mới của ngày hôm nay. 

 

Ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào đã dõng dạc tuyên bố với toàn thể thế giới rằng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một tất yếu, hợp pháp, hợp đạo lý. Chính phủ lâm thời do cuộc cách mạng của Nhân dân lập nên cũng là hợp pháp, hợp công lý. 

Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân bầu ra với chế độ phổ thông đầu phiếu. Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 06/1/1946, với hơn 90% số cử tri khắp Bắc – Trung - Nam đi bỏ phiếu, tới nay đã là khóa thứ XIV. Nhà nước Việt Nam hoạt động và phát triển không ngừng vì Nhân dân, "dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự kiểm soát của nhân dân"(1) , "Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ"(2)  như Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn. Để thể hiện và khẳng định được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, một bản hiến pháp dân chủ - Hiến pháp 1946 do Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã sớm ra đời. Kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam đã xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp mới năm 2013 vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Và tiếng Người vẫn như còn vang vọng khi trịnh trọng tuyên bố tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 03/9/1945 (Ba tháng trước ngày Tổng tuyển cử): “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(3) . Ngày 31/12/1945, Hồ Chí Minh viết bài đăng trên báo Cứu quốc số 130. Người kêu gọi: “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ bầu ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Trong Tổng tuyển cử, Người nêu, “hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó” …

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946 đã đánh dấu bước phát triển mới về xây dựng thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam trở thành chủ nhân của một nước tự do, độc lập và thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh dân tộc, tự lựa chọn và xây dựng chế độ mới.

*****

Trên con đường đi tới, chúng ta hiện nay phải xây dựng cho được Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó không chỉ là xu thế thời đại, là quy luật vận động của lịch sử nước nhà mà còn là nhu cầu, là khát vọng của toàn dân. Xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã, đang và nhất định tiếp tục làm tốt nhất trọng trách đó. 

Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó phải thấm đẫm và thể hiện sinh động tư tưởng pháp quyền của Hồ Chí Minh, đó là "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" mà tinh thần của nó đã có từ năm 1919 trong bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, Người gửi tới Hội nghị Véc-xây (Pháp). Và từ ngày lập nước đến nay, Nhà nước ta đang từng bước hiện thực điều đó. Quốc hội của chúng ta đã xây dựng, thông qua gần 240 bộ luật và luật cùng hàng trăm pháp lệnh , trong đó có những bộ luật hết sức cơ bản và quan trọng, hình thành một hành lang pháp lý rộng mở nhưng chặt chẽ, phù hợp với thông lệ và pháp lý quốc tế, bảo đảm cho công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, vận hành tập trung, hiệu quả trên con đường phát triển, chủ động và tích cực hội nhập. 

Bộ máy nhà nước liên tục được cải cách để mạnh hơn, hiệu lực cao hơn, quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu quả trên thực tế. Trong nhiều chỉ dẫn của mình, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu, một nhà nước mạnh, có hiệu lực phải quản lý bằng pháp luật, không một giờ, một phút nào thiếu pháp luật, coi thường pháp luật. Không chỉ có vậy, đến lượt Nhà nước, dù trong bất cứ tình huống nào, cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đó là một chỉnh thể toàn vẹn các phương châm chỉ đạo cơ bản trong công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay(4). 
    
Ngược dòng thời gian, nhìn lại những năm tháng gian khổ sau ngày độc lập Người lãnh đạo một nhà nước non trẻ, bước đầu xây dựng hệ thống pháp luật. Ngoài hai bản Hiến pháp 1946, 1959, trong thời gian còn làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho công bố 16 đạo luật và gần 1300 văn bản dưới luật khác. Điều mà Người hết sức nhấn mạnh là tính nghiêm minh, không trừ một tổ chức nào và một ai trong thi hành pháp luật. Đó là biểu hiện tập trung, rõ nét và nổi bật về bản chất dân chủ, bình đẳng của pháp luật mà chúng ta hiện nay đang quyết tâm giữ vững và nâng cao(5) . 

Có pháp luật, thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân cũng phải thực hiện đồng thời. Hồ Chí Minh luôn chú ý đến giáo dục, cảm hoá mọi người trong việc thực hành pháp luật(6). Ngay cả việc dùng pháp luật cũng chính là vì mục đích ngăn cái xấu, cái ác, phát huy cái tốt, cái thiện chứ không phải đơn thuần là trừng phạt, răn đe. Để hiện thực điều đó, cần có đội ngũ cán bộ, công chức và nhân viên có đạo đức, gương mẫu trong chấp hành pháp luật; đồng thời, phải am hiểu pháp luật và có trình độ chuyên môn thành thạo. Trên phương diện này những chỉ dẫn của Người hết sức rõ ràng, cụ thể và thiết thực, nhất là việc thể chế hóa đào tạo, sử dụng cán bộ nhà nước. Năm 1948, Người phê chuẩn Sắc lệnh về "lập một chế độ công chức mới", trong đó ấn định các kỳ thi tuyển (với nội dung rất phong phú, toàn diện: chính trị, kinh tế, pháp luật, địa lý, lịch sử, ngoại ngữ...) viên chức vào các ngạch, bậc của ngành hành chính. Người tiếp tục cho ban hành Sắc lệnh về "Quy chế công chức Việt Nam" bao gồm 82 điểm quy định nghĩa vụ, quyền lợi, tổ chức, quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức... Đó thực sự là những mẫu mực mà chúng ta lấy đó làm căn bản để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các luật và văn bản dưới luật về vấn đề này trong tình hình hiện nay.

*****

Bánh xe lịch sử vẫn quay, nhưng bài học về thời cơ và động lực với thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cách hôm nay 75 năm, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là vô giá, tiếp tục tạo nên hào khí và sức mạnh dân tộc cho công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, làm bùng cháy lên khát vọng một Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và hùng cường!

Ngày Quốc khánh 2/9 - ngày hội lớn biểu dương sức mạnh của toàn dân tộc, chúng ta nhớ ơn Người - Hồ Chí Minh – người sáng lập và rèn luyện Đảng ta – Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh -  người mang số Thẻ Đảng viên 01- người đại biểu của nhân dân trong vị thế là Người Công dân số 1 của nước Việt Nam mới, mà tư tưởng của Người là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Và Cách mạng Tháng Tám – Hồ Chí Minh cùng sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới sẽ mãi là “thiên anh hùng ca nghìn năm sáng chói, lưu danh tới muôn đời”./.

----------

Ghi chú:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb CTQG, H.1995, tr.579-597.
(2). Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.368.
(3). Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.8.
(4). Xem thêm: Ngô Ngọc Thắng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền (http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201402/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-phap-quyen-293760/) 
(5). (6). Xem thêm: Bùi Thị Ngọc Mai, Một số vấn đề của tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 7/2009.
 

Nhà báo, TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
 

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Khai mạc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”

Ngày đăng 01/09/2020
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2020), sáng ngày 01/9/2020, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ tổ chức Lễ Khai mạc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” và công bố cuốn sách “Cách mạng Tháng Tám – Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 – 1946”.

Thêm nhận thức về 6 chữ ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’ trong Quốc hiệu Việt Nam

Ngày đăng 01/09/2020
Quốc hiệu là tên gọi chính thức của một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn gắn với một thể chế chính trị được lựa chọn khách quan bởi lịch sử. Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ 1945 đến nay (từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn không thay đổi nội dung và hình thức trình bày; chỉ càng ngày càng được nhận thức đầy đủ bản chất và ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, trọng đại.

Diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9

Ngày đăng 31/08/2020
Tối 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã chủ trì Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).

Ra măt bộ sách ''Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia''

Ngày đăng 27/08/2020
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà Xuất bản Trẻ ra mắt bộ sách "Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia".

Triển lãm "Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sĩ Bùi Trang Chước"

Ngày đăng 26/08/2020
Đây là sự kiện do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).