Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Khai mạc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam”

Ngày đăng: 01/09/2020   15:01
Mặc định Cỡ chữ
Kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2020), sáng ngày 01/9/2020, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ tổ chức Lễ Khai mạc Triển lãm “Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam” và công bố cuốn sách “Cách mạng Tháng Tám – Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 – 1946”.
Nghi thức khai trương Triển lãm

Dự Lễ khai mạc có ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội; bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tâp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật; Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III; đại diện một số cơ quan Trung ương; đại diện gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước và gia đình nhạc sĩ Văn Cao cùng đông đảo công chúng đã đến dự và tham quan quan Triển lãm.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu khai mạc Triển lãm

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhấn mạnh, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy Việt Nam là những biểu tượng khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc, gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tài liệu lưu trữ được lựa chọn trưng bày tại Triển lãm tiếp tục làm sâu sắc thêm giá trị nghệ thuật, giá trị thời đại của Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy – Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam, góp phần tuyên truyền, tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, từ đó bồi đắp thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, cùng với các biểu tượng Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, các bản chỉ thị, nghị quyết, lời kêu gọi, cùng hàng loạt sắc lệnh và biên bản họp Hội đồng Chính phủ được giới thiệu trong cuốn sách sách “Cách mạng Tháng Tám – Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 – 1946” sẽ giúp công chúng hiểu rõ hơn về công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước khắc phục khó khăn, ứng phó với thù trong, giặc ngoài để giữ vững ổn định chính trị, xã hội, từng bước xác lập, xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân non trẻ 75 năm trước. 

 

Theo bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Triển lãm là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu và sáng tạo, với rất nhiều nỗ lực trong việc sưu tầm, bảo quản tài liệu lưu trữ quý hiếm, có xuất xứ cá nhân mà Trung tâm đã và đang thực hiện. Bên cạnh đó, cuốn sách “Cách mạng Tháng Tám – Xây dựng và củng cố chính quyền 1945 – 1946” là kết quả chung từ sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan lưu trữ nhà nước, lưu trữ Đảng, giữa các cơ quan lưu trữ với cơ quan xuất bản với chung một nhiệm vụ là phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, phục vụ công chúng, phục vụ xã hội. Nhiều tài liệu về quá trình sáng tác Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam đã được các tác giả và gia đình dày công gìn giữ, để đến hôm nay, các tư liệu này được lựa chọn, giới thiệu trong triển lãm "Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam - Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam".

 
 
Các đại biểu tham quan Triển lãm

Với khoảng 200 mét vuông, Triển lãm giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được lựa chọn từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và một số tài liệu do gia đình cố họa sĩ Bùi Trang Chước, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, Nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến và các cơ quan, các cá nhân cung cấp, thể hiện các nội dung:    

Phần I: Quốc kỳ - Cờ đỏ sao vàng: khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc Việt Nam

Quốc kỳ Việt Nam là lá Cờ đỏ sao vàng, do chiến sĩ cộng sản, liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến vẽ, xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam Kỳ, là biểu tượng thiêng liêng của hồn nước, lòng dân, của tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, thể hiện nhiệt huyết cách mạng, sự hy sinh anh dũng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

 
 


 Phần II: Quốc ca: Giai điệu thiêng liêng, tự hào

Quốc ca Việt Nam là bài Tiến quân ca do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác, là một giai điệu thiêng liêng, hào hùng. Bài hát Tiến quân ca ra đời, trở thành bài ca cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bài hát trở thành hành khúc của nhân dân Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bản thảo bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao
 
Y
 

Phần III. Quốc huy: Biểu tượng nhà nước Việt Nam

Quốc huy Việt Nam là biểu tượng cho một quốc gia độc lập, có chủ quyền và bản sắc dân tộc. Sự ra đời của Quốc huy Việt Nam gắn với vai trò, tài năng của cố họa sĩ Bùi Trang Chước. Ông đã phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam và được lựa chọn, trình và được Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội góp ý, chỉnh sửa, hoàn chỉnh.

Một số bản phác thảo mẫu Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước.
 
 

 Phần IV. Tự hào Việt Nam

Quốc kỳ, quốc ca, Quốc huy Việt Nam là bộ 3 biểu tượng chính thức, thể hiện hết sức đầy đủ và súc tích về đất nước và con người Việt Nam, về cội nguồn, về ý chí, về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Quá trình ra đời của các biểu tượng Việt Nam là những câu chuyện đặc biệt, xuất phát từ thực tế hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam qua từng giai đoạn. Có thể không đồng thời xuất hiện trong cùng một sự kiện, song cả 3 biểu tượng luôn giữ những vị trí quan trọng, trong từng sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội và ngoại giao của dân tộc. Trong các ngày Lễ, nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca là một trong những nghi lễ trang nghiêm, tự hào. Trong các sự kiện ngoại giao: nói đến Việt Nam, là màu cờ, là Quốc ca, là Quốc huy.

Triển lãm mở cửa để công chúng tham quan, tìm hiểu từ ngày 01/9/2020 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, số 34 Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội./.

 
 
 
 


 

Quang Hà

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Cách mạng Tháng Tám – Hồ Chí Minh và Nhà nước Việt Nam mới

Ngày đăng 02/09/2020
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công viết nên bản anh hùng ca của thời đại, khẳng định sức mạnh của Lòng Dân tin theo Đảng, theo Bác Hồ Chí Minh, đập tan xiềng xích nô lệ của bọn thực dân, phát xít, giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gióng lên những hồi chuông đầu tiên làm thức tỉnh khát vọng độc lập, tự do của các dân tộc từ Á tới Phi, quyết vùng lên cho một ngày toàn thắng.

Thêm nhận thức về 6 chữ ‘Độc lập-Tự do-Hạnh phúc’ trong Quốc hiệu Việt Nam

Ngày đăng 01/09/2020
Quốc hiệu là tên gọi chính thức của một quốc gia có chủ quyền hoàn toàn gắn với một thể chế chính trị được lựa chọn khách quan bởi lịch sử. Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ghi dưới Quốc hiệu Việt Nam từ 1945 đến nay (từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn không thay đổi nội dung và hình thức trình bày; chỉ càng ngày càng được nhận thức đầy đủ bản chất và ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, trọng đại.

Diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9

Ngày đăng 31/08/2020
Tối 28/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã chủ trì Lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).

Ra măt bộ sách ''Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia''

Ngày đăng 27/08/2020
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà Xuất bản Trẻ ra mắt bộ sách "Hồ Chí Minh - Tác phẩm Bảo vật quốc gia".

Triển lãm "Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam - Họa sĩ Bùi Trang Chước"

Ngày đăng 26/08/2020
Đây là sự kiện do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020).