Hà Nội, Ngày 27/04/2024

Phân cấp quản lý của một số quốc gia khu vực Đông Nam Á và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng: 14/08/2020   11:12
Mặc định Cỡ chữ
Bài viết giới thiệu, phân tích, đánh giá khái quát quá trình và nội dung phân cấp quản lý ở Thái Lan, Indonesia và Philippines - là những nước gần gũi về địa lý và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Do đó, kinh nghiệm thực hiện phân cấp quản lý ở những quốc gia này có thể tham khảo và vận dụng vào thực hiện phân cấp quản lý nhà nước ở Việt Nam.

1. Phân cấp quản lý tại một số nước Đông Nam Á

1.1. Phân cấp quản lý tại Thái Lan

Thái Lan có ba cấp chính quyền (cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở). Nhưng về thực chất, có 5 kiểu cơ quan tự chủ địa phương: ở thành thị có thành phố, quận (Thesaban); ở nông thôn có cơ quan hành chính tỉnh, cơ quan hành chính xã (Tambon) và các ủy ban vệ sinh môi trường (còn gọi là các hạt vệ sinh). Mỗi hình thức này đều hoạt động theo luật riêng và đã được quy định bởi Hiến pháp năm 1933 của Thái Lan. Thái Lan cũng có huyện, nhưng không phải là cơ quan hành chính độc lập mà thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính tỉnh.

Hiến pháp năm 1997 của Thái Lan đã xác định thúc đẩy phân cấp là một chính sách quan trọng. Tháng 11/1999, Thái Lan ban hành Luật Kế hoạch và trình tự phân cấp, theo đó Ủy ban Phân cấp quốc gia bao gồm đại diện của Chính phủ, chính quyền địa phương và giới chuyên môn được thành lập với nhiệm vụ đề ra kế hoạch phân cấp. Ủy ban này có quyền ban hành các quy định về chức năng, quyền hạn hành chính, thu thuế và phí giữa Trung ương và địa phương. Điểm đáng chú ý là sau 02 năm thực hiện đạo luật phân cấp, số cơ quan hành chính xã của Thái Lan đã tăng từ 2.761 lên 6.746 đơn vị. Sau khi Hiến pháp năm 1997 được ban hành, rất nhiều hạt vệ sinh đã được nâng cấp lên thành cơ quan hành chính Tambon hoặc thành Thesaban. Những cơ quan này hoạt động độc lập và chỉ chịu sự giám sát thông qua Cục Chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ.

Đạo luật phân cấp đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tự chủ địa phương. Ví dụ, trong lĩnh vực dịch vụ công, cơ quan hành chính xã có nhiệm vụ: cải tạo và duy tu đường sá, nước và nước thải; cung ứng dịch vụ công; xây dựng và duy tu bảo dưỡng. Cơ quan hành chính tỉnh có nhiệm vụ điều phối và phối hợp các cơ quan tự chủ địa phương khác trong vùng; cải tạo và duy tu các kênh đường thủy trong đất liền kết nối với các khu vực tự chủ địa phương khác; thiết lập và duy trì hệ thống xử lý nước thải thống nhất; hỗ trợ Chính phủ hay các cơ quan tự chủ địa phương khác trong việc phát triển địa phương.

Đạo luật phân cấp cũng quy định rõ nhiệm vụ, chức năng của Trung ương, nếu trùng với chính quyền địa phương thì phải chuyển giao cho chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng chồng lấn, giao thoa một số chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan chính quyền địa phương. Ví dụ, cả cơ quan hành chính tỉnh và cơ quan hành chính xã đều có nhiệm vụ phát triển công nghiệp, du lịch, văn hoá, thể thao của địa phương; bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương; phòng, chống thiên tai; duy trì an ninh khu vực; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên...

Về phân cấp ngân sách, chính quyền địa phương được quyền chủ động thu khá nhiều loại thuế. Ví dụ, cơ quan hành chính xã được phép thu thuế nhà đất, thuế giá trị gia tăng, thuế hàng hóa và các loại phí sử dụng. Cùng với phân cấp ngân sách, việc quyết định về nhân sự, tăng cường chuyển giao nhiều nhiệm vụ quản lý hành chính vốn của Trung ương cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên trong thực tế, sự chi phối của Trung ương đối với chính quyền địa phương ở Thái Lan vẫn còn rất lớn. Tỉnh ở Thái Lan không hoàn toàn là cơ quan hành chính địa phương mà chỉ là một cơ quan đóng tại cơ sở của chính quyền trung ương và chịu trách nhiệm giám sát chính quyền địa phương trong phạm vi tỉnh đó. Người đứng đầu cơ quan hành chính tỉnh có những quyền hạn như: phê chuẩn kế hoạch phát triển 5 năm của các cơ quan tự chủ; phê duyệt ngân sách hàng năm và ngân sách bổ sung; mở rộng, gia hạn và giải thể hội đồng địa phương; bổ nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu các cơ quan chấp hành các cơ quan tự chủ và thành viên của các ủy ban chấp hành.

Thái Lan cũng phải đối diện với khá nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình phân cấp. Cụ thể, các kế hoạch điều chuyển nguồn nhân lực hay thẩm quyền, chức năng giữa cấp trên với cấp dưới gặp nhiều rào cản khi thực hiện theo phân cấp; xã được coi là đơn vị hành chính độc lập nhưng dân số ít, năng lực tài chính yếu nên phân cấp ở xã thường dẫn đến việc cung cấp dịch vụ công không hiệu quả.

Mặt khác, về thực chất, quá trình phân cấp ở Thái Lan là sự tản quyền dưới danh nghĩa phân cấp. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và y tế, Bộ Giáo dục có kế hoạch chia đất nước thành 295 “khu giáo dục” dựa trên đơn vị huyện, thành lập các “cơ quan giáo dục” ở những vùng này và ủy quyền cho họ về lĩnh vực giáo dục tại địa phương. Bộ Y tế cũng có kế hoạch chia các dịch vụ y tế khu vực thông qua việc thiết lập một “ủy ban y tế vùng” ở mỗi tỉnh, với thành viên từ các cơ quan tự chủ địa phương và các tổ chức tư nhân. Điều này chỉ để giải quyết tình trạng quá tải về giáo dục và y tế tại tuyến trung ương chứ không phải là phân cấp. Tuy nhiên, mặt tích cực của việc này là thúc đẩy năng lực cạnh tranh, phát huy các sáng kiến của địa phương, vì vậy, hiệu quả và chất lượng dịch vụ tốt hơn thông qua việc ủy quyền cho các cơ quan được thiết lập tại địa phương.

1.2. Phân cấp quản lý tại Indonesia

Năm 1998, Quốc hội Indonesia đã thông qua nghị quyết thực hiện đẩy mạnh phân cấp, trong đó nhấn mạnh đến sử dụng công bằng nguồn lực tự nhiên và ngân sách giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Đạo luật phân cấp số 22/1999 đã được ban hành, theo đó, phân cấp trở thành chính sách quốc gia của Indonesia với trọng tâm là tăng cường tính tự chủ cho chính quyền địa phương.

Các đơn vị hành chính ở Indonesia bao gồm tỉnh, châu/thành phố, huyện, thị xã, thị trấn và làng xã. Trong đó, chính quyền địa phương gồm 3 cấp có địa vị tự chủ là tỉnh, châu/thành phố và xã. Huyện tuy là đơn vị hành chính nhưng không có địa vị tự chủ mà là đơn vị trực thuộc của tỉnh. Trước khi thực hiện phân cấp, cấp tỉnh có quyền bác bỏ hay đình chỉ việc thực hiện của cấp thứ hai. Mặc dù cơ cấu thứ bậc của các cấp chính quyền địa phương không thay đổi, nhưng sau khi phân cấp, ở Indonesia không còn mối quan hệ theo chiều dọc mà hai cấp tỉnh và cấp huyện có địa vị tự chủ như nhau. Tỉnh với tư cách là đơn vị tự chủ có quyền hạn liên quan đến quản lý liên châu hay liên thành phố và các vấn đề khác không thể giải quyết trong phạm vi một châu, chẳng hạn như các công trình công cộng, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, rừng và trồng rừng.

Phân cấp ở Indonesia đặt trọng tâm nhiều hơn vào cấp chính quyền châu/thành phố, bao gồm: những dự án công trình công cộng, y tế, giáo dục, văn hoá, nông nghiệp, vận tải và thông tin liên lạc, công nghiệp và thương mại, đầu tư phát triển, môi trường, quản lý đất đai, hợp tác xã và nguồn nhân lực. Các thành phố cũng chịu trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, công viên và lập kế hoạch để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của chính họ.

Trước khi phân cấp, các bộ đều thành lập những đơn vị ngành dọc ở dưới cơ sở để thực hiện chức năng tản quyền. Từ khi thực hiện phân cấp, những đơn vị này được xoá bỏ hoặc nhập vào các đơn vị tương ứng của chính quyền địa phương, trừ các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, quan hệ quốc tế, tư pháp, tài chính tiền tệ, tôn giáo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc loại bỏ những đơn vị này là, với cơ cấu theo ngành dọc, các đơn vị này chỉ chú ý đến lợi ích cục bộ của bộ mình ở trung ương, chứ không quan tâm phối hợp giữa các ngành với nhau. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng có những bộ phận có nhiệm vụ tương tự, dẫn đến làm giảm hiệu quả hoạt động của nền hành chính. Bởi vậy, việc loại bỏ những đơn vị cơ sở của các bộ, ngành không chỉ trao quyền tự chủ nhiều hơn cho chính quyền địa phương, mà còn tăng tính hiệu quả của quản lý hành chính công.

Về tài chính, chính quyền địa phương sau phân cấp có nhiều nguồn thu độc lập hơn, có quyền tự cân đối và chủ động trong vấn đề tài chính. Ví dụ, các châu và thành phố (tương đương cấp huyện) có thể tự mình đặt ra một số loại thuế, nhờ đó, tỷ lệ nguồn thu cao hơn so với trước. Chính quyền địa phương được phép thành lập các quỹ để tự cân đối, bên cạnh ngân sách được trung ương phân bổ. Quỹ này bao gồm nguồn thu chia theo tỷ lệ, phân bổ ngân sách cho mục đích chung và khoản phân bổ ngân sách cho mục đích đặc biệt. Chính quyền địa phương còn được nhận một tỷ lệ nhất định trong nguồn thu từ dầu lửa, khí đốt và những tài nguyên thiên nhiên khác. Bên cạnh đó, cấp này được trích lại từ thuế đất và tài sản, thuế chuyển nhượng bất động sản và thuế thu nhập. Chính quyền địa phương có quyền vay từ chính quyền trung ương, từ các ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng, có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nếu được hội đồng địa phương chấp thuận. Chính quyền địa phương chỉ có thể vay nước ngoài thông qua chính quyền trung ương.

Chính quyền địa phương sử dụng khoản phân bổ ngân sách cho mục đích chung để cung cấp dịch vụ công. Khoảng 25% nguồn thu trong nước được phân bổ cho mục đích sử dụng này của chính quyền địa phương (về thực chất, đây là trợ cấp của trung ương và chính quyền địa phương có toàn quyền sử dụng quỹ này). Quỹ  được phân bổ trên cơ sở tính toán nhu cầu và tiềm năng kinh tế của từng địa phương. Tuy nhiên, trong số những dịch vụ về phúc lợi, giáo dục và cơ sở hạ tầng, chưa có sự phân biệt rõ ràng loại dịch vụ nào cần được cung cấp thống nhất, loại nào cần cân nhắc đến sự khác biệt của điều kiện địa phương.

Với sự phân cấp mạnh mẽ hơn, chính quyền địa phương nhận được sự tự chủ nhiều hơn và đặc biệt là sự mở rộng quyền hạn của các hội đồng địa phương. Chính quyền trung ương không còn can thiệp vào chính quyền địa phương về mặt nhân sự, chẳng hạn như bầu thị trưởng. Nhờ đó, các hội đồng địa phương có quyền quyết định mức lương của các thành viên hội đồng và nhiều hội đồng đã được tăng lương, thậm chí có nơi tăng lên gấp đôi.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện phân cấp, những vùng giàu tài nguyên thiên nhiên thường bày tỏ sự không thoả mãn và cho rằng phạm vi phân cấp vẫn còn quá hạn chế. Việc chính quyền địa phương được phép định ra các loại thuế và phí có thể làm tăng nguồn thu trước mắt của họ. Nhưng nếu những loại thuế và phí này không được cân nhắc kỹ trên cơ sở hợp lý sẽ làm tổn hại đến các hoạt động kinh doanh của địa phương và về lâu dài sẽ dẫn đến tác động xấu. Một điểm chú ý là, việc phân chia lại địa giới hành chính đã làm nảy sinh những đòi hỏi về địa vị của châu hay thành phố, mà nguyên nhân là do những nhóm sắc tộc chiếm thiểu số trong một cộng đồng muốn phân chia lại địa giới hành chính để trở thành nhóm đa số. Mặt khác, những địa phương giàu tài nguyên và nhiều lợi thế phát triển muốn có thêm quyền tự chủ để khai thác triệt để lợi ích kinh tế từ những tài nguyên đó. Cũng có hiện tượng các thị xã nhỏ muốn được nâng lên thành thành phố có địa vị cao hơn nhằm hưởng nhiều quyền tự chủ hơn.

1.3. Phân cấp quản lý tại Philippines

Các đơn vị chính quyền địa phương của Philippines được chia thành ba cấp: tỉnh, thành phố/thị xã và phường (barangay). Thành phố cũng được chia thành hai loại là thành phố tương đương với tỉnh và thành phố thuộc tỉnh. Tất cả thị xã đều nằm trong địa hạt hành chính của tỉnh. Thành phố và thị xã đóng vai trò quan trọng nhất trong quyền tự chủ địa phương ở Philippines. Còn các phường là cấp trực thuộc thành phố và thị xã. Phường có tầm quan trọng ngày càng tăng lên với tư cách là cấp quản lý gần dân nhất. Cơ cấu chính quyền ba cấp này được thể chế hoá theo Luật Quyền tự chủ địa phương năm 1983. Hiện tại, có khoảng 42.000 barangay trên khắp đất nước Philippines và mọi người dân đều thuộc về một barangay nào đó.

Philippines còn được chia thành vùng. Mặc dù vùng không phải là đơn vị hành chính, tuy nhiên lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, vùng bao gồm nhiều tỉnh. Thủ đô Manila cũng được coi là một vùng. Vùng có cơ quan điều hành, những cơ quan vùng có mục đích chủ yếu là giảm bớt gánh nặng của chính quyền trung ương nằm tập trung ở thủ đô, phối hợp các kế hoạch phát triển của các tỉnh và tăng sự tham gia của chính quyền địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển tổng thể.

Năm 1986, Chính phủ Philippines đã đưa ra Chương trình phân cấp (Policy Agenda) nhằm thúc đẩy quá trình phát triển của đất nước với mục đích: tăng cường các tổ chức ở cấp vùng và chính quyền địa phương, bằng cách chuyển giao chức năng và quyền hạn cho những tổ chức này; củng cố các tổ chức vùng để thúc đẩy sự phối hợp các kế hoạch phát triển của các vùng và của các chính quyền địa phương; chuyển quyền giám sát đối với các kế hoạch quốc gia được thực hiện tại cấp địa phương từ các cơ quan của chính quyền trung ương cho những người đứng đầu chính quyền địa phương; nâng cao năng lực lập kế hoạch phát triển ở các vùng và các cấp chính quyền địa phương bằng việc thiết lập lại các hội đồng phát triển vùng; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ vào xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch nhằm tạo ra sự tham gia tích cực của địa phương.

Hiến pháp năm 1987 nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương, trao thêm nhiều quyền tự chủ cho cấp này. Đặc biệt, chính quyền địa phương có quyền tạo ra nguồn thu riêng của mình và được phép áp nhiều loại thuế, phí theo sự phê chuẩn của Quốc hội. Theo Luật Chính quyền địa phương năm 1991, bên cạnh quy định phân cấp đối với việc lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch cho chính quyền địa phương và tăng sự tham gia của địa phương, còn thực hiện phân cấp qua hình thức trao quyền cho các cơ quan tự chủ địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản ở địa phương.

Các cơ quan tự chủ ở địa phương được trao trách nhiệm cung cấp một số dịch vụ cơ bản, bao gồm y tế công cộng, nông nghiệp, môi trường và nguồn lực tự nhiên, các công trình công cộng và dịch vụ phúc lợi xã hội. Đồng thời, với việc chuyển giao trách nhiệm cung cấp dịch vụ này là điều chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn cho chính quyền địa phương (trong quá trình phân cấp đã có 70.000 cán bộ từ trung ương được điều chuyển xuống chính quyền địa phương).

Chính quyền địa phương cũng được giao thực thi một số quyền về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó quan trọng nhất là nhiệm vụ phân loại đất nông nghiệp, kiểm tra các sản phẩm lương thực thực phẩm và quản lý hoạt động của xe lam với tư cách là phương tiện giao thông công cộng.

Luật Chính quyền địa phương năm 1991 đã nâng tỷ lệ ngân sách địa phương trong tổng nguồn thu nội địa tăng lên. Trước khi có Luật, 20% trong tổng thu nội địa bên ngoài phần phân bổ ngân sách cho mục đích chung được chia cho chính quyền địa phương. Trong số này, 10% ngân sách thuộc về barangay, 90% còn lại được phân chia giữa thị xã, tỉnh và thành phố theo tỷ lệ tương ứng là 45%, 30% và 25%. Những khoản phân bổ theo tỷ lệ sẽ được tính toán trên cơ sở doanh thu thuế trung bình của ba năm trước đó, và tỷ lệ 30% được đặt ra cho năm đầu tiên sau khi thực hiện luật, 35% cho năm thứ hai và 40% cho năm thứ ba. Đồng thời, mức phân bổ ngân sách của barangay cũng tăng từ 10% lên 20% và 80% còn lại sẽ dành cho các thành phố, tỉnh và thị xã. Kết quả là đến năm 1993, tỷ lệ chi tiêu của chính quyền địa phương trong tổng chi tiêu của Chính phủ đã tăng mạnh, tỷ lệ này hiện nay vẫn giữ ở mức trung bình là 17% trong tổng thu nội địa.

Như vậy, việc thực hiện phân cấp ở Philippines, đặc biệt là trong thời gian 4 năm thực hiện Luật Chính quyền địa phương đã đạt được những mục tiêu đề ra. Cụ thể, nguồn thu và chi của chính quyền địa phương tăng mạnh. Chất lượng và hiệu quả công việc của đội ngũ công chức tại các địa phương được nâng cao. Mặt khác, quá trình hoạch định và ban hành chính sách, pháp luật đã có sự tham gia sâu rộng hơn của chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, cho dù quyền hạn của chính quyền địa phương đã được tăng lên, nhưng việc phân cấp vẫn mang tính hình thức, bởi Philippines vẫn đang vận hành cơ cấu tập trung hoá, thì sự tác động của việc phân cấp là không đáng kể và chưa thực sự có sự phân biệt rõ về vai trò giữa trung ương và địa phương.

2. Một số kinh nghiệm đối với phân cấp quản lý nhà nước ở Việt Nam  

Tại Việt Nam, việc phân cấp để làm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giữa Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương dựa trên một trong những nguyên tắc quan trọng, đó là: “Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ; đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân”(1).

Để thực hiện nguyên tắc trên, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, trong đó có hai luật quan trọng là Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó một số nội dung phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đã được quy định. Tuy nhiên, chưa có những quy định thật rạch ròi, cụ thể giữa thẩm quyền, nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Nhiều nội dung phân cấp nhưng lại chưa quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, hoạt động phân cấp vẫn chưa thực sự đi vào thực chất. Do đó, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để việc phân cấp đảm bảo đúng nguyên tắc và mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Từ kinh nghiệm thực tế trong việc phân cấp quản lý của các quốc gia nêu trên, có thể đưa ra một số gợi mở đối với việc phân cấp trong quản lý nhà nước tại Việt Nam:

Một là, để phát huy và tận dụng triệt để thế mạnh tại các địa phương, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, nhân sự và chức năng, nhiệm vụ.

Hai là, cần rà soát và làm rõ chức năng, thẩm quyền của từng cấp, ngành. Xác định và phân định rõ trách nhiệm nào thuộc phạm vi, thẩm quyền của chính quyền Trung ương và địa phương. Những việc thuộc khả năng địa phương có thể giải quyết được thì nên chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Ba là, tránh tình trạng phân cấp nhưng thực chất là tản quyền, tức là thành lập các cấp quản lý trung gian để giảm bớt sự tập trung quá lớn ở cấp Trung ương thay vì giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Bốn là, phân cấp cần dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương để khai thác và phát huy thế mạnh của các nguồn lực tại địa phương, mặt khác cần hạn chế những tác động tiêu cực từ chính các điều kiện đó; phân cấp nhưng vẫn phải đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán theo mục tiêu chung.

Năm là, huy động sự tham gia của các bên liên quan trong việc hoạch định, ban hành chính sách, pháp luật về phân cấp. Cần xem xét tăng thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương với các ngành, lĩnh vực đóng trên địa bàn để đảm bảo tình đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn tại địa phương (trừ một số lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, quan hệ quốc tế, tư pháp, tài chính ngân hàng). Có thể xây dựng các vùng và mở rộng phạm vi phân cấp đến vùng để kết nối và tập trung sức mạnh liên địa phương./.

--------------------------------------

Ghi chú:

(1) Khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực thuộc Trung ương.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tổ chức Trung ương, Tài liệu nghiên cứu về chủ đề: “Quản trị địa phương tại Nhật Bản”, tháng 7/2017.

2. Phạm Thị Giang, Mô hình chính quyền địa phương tự quản của một số nước và giá trị tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, tháng 6/2019.

3. J.M Cohen & S.B Peterson, Phân cấp quản lý hành chính, Nxb CTQG, H.2002.

4. Học viện Hành chính Quốc gia - Dự án Danida - NAPA. Bộ tài liệu: Phân cấp quản lý giữa tỉnh và huyện, H.2006.

5. Nguyễn Thị Ngọc Linh, Xu hướng phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương ở Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, tháng 11/2019.

6. Uông Chu Lưu (2005), Phân cấp quản lý nhà nước, Tạp chí Dân chủ Pháp luật, số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp.

7. Phạm Duy Nghĩa, Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

8. Nguyễn Minh Phương, Thực trạng phân cấp, phân quyền và vấn đề tự quản địa phương tại Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Oxfam, Unicef, Hội thảo Tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, 2013.

9. Võ Kim Sơn, Phân cấp quản lý nhà nước – Lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, H.2004.

10. Phạm Hồng Thái, Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Ngọc Chí, Phân cấp quản lý nhà nước ở Việt Nam, thực trạng và triển vọng, Nxb CAND, H.2011.

11. Nguyễn Phước Thọ, "Một số quan điểm của Đảng và Nhà nước về phân cấp quản lý nhà nước trong thời kỳ đổi mới", trong Kỷ yếu Hội thảo "Mối quan hệ giữa Chính phủ và Bộ, ngành với chính quyền địa phương về phân cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực", 2012.

12. Trần Anh Tuấn (2012), Tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015, Tạp chí Lý luận Chính trị, tháng 2/2013.

13. Học viện Hành chính Quốc gia, Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Phân cấp quản lý và vấn đề hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp", năm 2004.

14. Nguyễn Cửu Việt, Phân cấp quản lý trong mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tháng 7/2005.

15. Nguyễn Cửu Việt, Phân cấp quản lý trong mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, tháng 7/2005.

 

TS Nguyễn Thị Hường - Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.